Một Chính phủ kiến tạo là phải đề ra được các quyết sách sáng tạo

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Một Chính phủ kiến tạo là phải đề ra được các quyết sách sáng tạo

Một Chính phủ kiến tạo thì có nghĩa là Chính phủ phải đề ra được các quyết sách mang tính sáng tạo Nhận định của GS.TS.Thái Vĩnh Thắng về nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển.

17/03/2017 11:49 AM
80

"Một Chính phủ kiến tạo thì có nghĩa là Chính phủ phải đề ra được các quyết sách mang tính sáng tạo" - Nhận định của GS.TS.Thái Vĩnh Thắng, ĐH Luật Hà Nội, về chủ trương tổ chức bộ máy của Chính phủ theo nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển.

Tại Hội nghị cải cách hành chính diễn ra vào tháng 7 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thể hiện rõ quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển.

Nghị quyết 100/NQ-CP, ngày 18/11/2016 của Chính phủ về “Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021”, trong đó xác định “xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ…với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển” – một thông điệp mới đang được dư luận hết sức quan tâm, đồng tình, ủng hộ.

Nhân dịp này, Phóng viên có cuộc phỏng vấn GS.TS.Thái Vĩnh Thắng về chủ trương tổ chức bộ máy của Chính phủ theo nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển.

PV: Cần hiểu nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” như thế nào cho phù hợp với tinh thần cuả Nghị quyết 100/NQ-CP?

Vấn đề Chính phủ kiến tạo đối với nước ngoài thì không mới, nhưng mới đối với Việt Nam. Vì sao nước ngoài không mới? Ở nhiều nước trên thế giới, theo thuyết phân chia quyền lực trong tổ chức bộ máy nhà nước thì Nghị viện thực hiện chức năng lập pháp, Chính phủ thực hiện chức năng hành pháp và Tòa án thực hiện chức năng Tư pháp. Khái niệm quyền hành pháp rộng hơn khái niệm hành chính Nhà nước. Do Việt Nam chúng ta từ trước đến nay, trừ Hiến pháp năm 1946 không quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, còn tất cả các bản Hiến pháp đều quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội (cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất nhưng là cơ quan chấp hành của Quốc hội). Đặc biệt là Hiến pháp 1980, còn quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành và  hành chính nhà nước cao nhất của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Tức là, theo Hiến pháp 1980, Chính phủ, không những là cơ quan chấp hành của Quốc hội mà còn là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của Quốc hội. Tính độc lập tương đối của Chính phủ theo Hiến pháp 1980 là rất hạn chế. Sau này, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 đã chỉnh sửa lại Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất. Hiến pháp 2013 quy định thêm Chính phủ thực hiện quyền hành pháp. Quyền hành pháp rộng hơn quyền hành chính Nhà nước ở chỗ Chính phủ phải đề ra chính sách. Trong Hiến pháp 1958 của Pháp, có nói rõ là Chính phủ  quyết định và chỉ đạo thực hiện chính sách (Art. 20 - Le Gouvernement détermine et conduit la politique de la  Nation) . Ở các nước Xã hội chủ nghĩa, nói chung, ở Việt Nam, nói riêng, do mình có quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng,  nên quan niệm vấn đề đường lối chính trị và các quyết sách là những công việc của Đảng. Trong Hiến pháp không xác định Chính phủ quyết định Chính sách Nhà nước. Với Hiến pháp 2013, khi mà quy định Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp thì bây giờ chúng ta mới phải nghĩ là thực hiện quyền hành pháp đó như thế nào. Mọi người mới quan tâm đến là Chính phủ phải đề ra chính sách. Tại sao Chính phủ lại đề ra chính sách, theo tôi, một là, hơn tất cả các cơ quan khác, hơn cả Quốc hội, hơn cả Tòa án, hơn cả Viện Kiểm sát, Chính phủ là cơ quan quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, cho nên  Chính phủ có nhiều thông tin nhất. Người ta tính rằng trên thế giới, hầu như tuyệt đại đa số (trên 90%) các dự luật đều xuất phát từ Chính phủ bởi vì Chính phủ hơn ai hết có nhiều thông tin nhất. Mặt khác là khi thực hiện luật nào đó thì phải chi tiêu ngân sách , Chính phủ có Bộ Tài chính tham mưu, đánh giá trước là việc thực hiện luật mới sẽ tốn kém bao nhiêu ngân sách thì những dự luật đó dễ trở thành luật và dễ thực hiện. Có những nước như Hoa Kỳ, nhiều dự luật xuất phát từ phía Nghị sĩ, và nhiều dự luật từ phía Chính phủ. Chính phủ có nhiều thông tin nhất về quản lý từ mức độ vi mô cho đến vĩ mô bởi vì Chính phủ quản lý thường xuyên, hàng năm, hàng quý, hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày, thậm chí là hàng giờ.

Từ trước đến nay quan điểm Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, vô hình chung làm cho Chính phủ bị động. Các nước tư bản không quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Nghị viện. Nghị viện lập pháp, còn Chính phủ thì hành pháp, tức là tổ chức thực hiện pháp luật. Dự luật trở thành luật sau khi được nhân dân và các chuyên gia pháp luật đóng góp ý kiến, Quốc hội thảo luận và được đa số nghị sĩ nhất trí thông qua. Do luật phải được xây dựng theo một quy trình làm luật  và trãi qua một thời gian không phải là ngắn từ lúc xây dựng dự luật cho đến khi luật được thông qua và có hiệu lực nên việc triển khai thực hiện luật của Chính phủ khá chủ động. Nếu Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội theo nghĩa Quốc hội cứ ra Nghị quyết còn Chính phủ thực hiện thì sẽ tạo cho Chính phủ bị động.

Cho nên một Chính phủ kiến tạo thì có nghĩa là Chính phủ phải đề ra được các quyết sách mang tính sáng tạo. Mặc dù Chính phủ trong nền dân chủ tư sản, không được xác định là cơ quan chấp hành của Nghị viện, tuy nhiên vị trí, vai trò của Chính phủ cũng không khác xa Việt Nam lắm bởi vì Chính phủ tư bản cũng là Chính phủ của Đảng cầm quyền. Bởi vì khi bầu cử thì các Đảng phái tự do tranh cử nhưng mà Đảng nào chiếm đa số ghế trong Nghị viện thì Đảng đó được quyền thành lập Chính phủ. Và thủ lĩnh của Đảng đó trở thành Thủ tướng ( trừ một số nước theo chính thể Cộng hòa Tổng thống). Ở Việt Nam, các thành viên của Chính phủ, hầu hết là Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ chính trị  thì cũng là ban chấp hành Trung ương, tập hợp  trí tuệ của Đảng, tức là những người ưu tú của Đảng ở trong Chính phủ. Vì thế, giao cho Chính phủ đề ra chính sách thì hoàn toàn  đúng. Khi Chính phủ đề ra chính sách rồi thì sáng kiến chính sách đấy là của Chính phủ nên Chính phủ hơn ai hết biết làm cách nào để đưa chính sách vào cuộc sống. Để thực hiện chính sách đó thì Chính phủ xây dựng một dự luật chuyển cho Quốc hội để thẩm định xem có cần thiết để thực hiện luật đó không, luật đó có đúng không. Quốc hội nhất trí thì thảo luận, thông qua, và chuyển  luật ấy về cho Chính phủ thực hiện. Chính sách xuất phát từ Chính phủ, Chính phủ xây dựng các dự luật chuyển sang cho Quốc hội thảo luận, bổ sung, đóng góp ý kiến cho hoàn thiện để sau đó chuyển cho Chính phủ thực hiện. Chính phủ kiến tạo mang nghĩa như vậy, những chính sách mới, chính sách hay là do Chính phủ đề ra.

Một Chính phủ kiến tạo là phải đề ra được các quyết sách sáng tạo - Ảnh 1

GS.TS.Thái Vĩnh Thắng.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về việc Chính phủ phải đi đầu trong việc đề ra các chính sách mới, chính sách hay?

Ví dụ: đứng trước tình hình Việt Nam nước mặn xâm nhập, đất mặn không thể trồng lúa được mà phải chuyển sang hướng khác. Thủ tướng Chính phủ đi thăm và chỉ đạo là những vùng nước lợ nên nuôi tôm thay thế việc trồng lúa. Hoặc vùng Vân Đồn và Phú Quốc tương đương với huyện thôi nhưng Chính phủ đầu tư vào đó nhiều tiền hơn đầu tư cho cả một tỉnh nữa để xây dựng Vân Đồn, Phú Quốc thành những trung tâm kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng của miền, thậm chí là cả nước. Ngoài ra Chính phủ kiến tạo còn phải làm sao để xây dựng chính quyền địa phương năng động. Châu Âu đã xây dựng chính quyền địa phương tự quản. Luật tổ chức Chính quyền địa phương ở nước ta đã tăng cường yếu tố phân cấp, phân quyền. Những phần nào phân cấp, phân quyền cho địa phương thì địa phương phải chủ động sáng tạo để thực hiện cho tốt. Chính phủ thúc đẩy, tạo điều kiện để Chính quyền địa phương phát huy những năng lực sẵn có ở địa phương. Du lịch, ví dụ như thành phố Hạ Long, Đà Lạt, Huế hay là Hội An chẳng hạn. Với những vùng du lịch như thế thì Chính phủ phải chỉ đạo để xây dựng thành những thành phố du lịch. Ở các thành phố du lịch bây giờ họ bầu một Hội đồng địa phương, Hội đồng địa phương đó mời một nhà quản trị hay một giám đốc giỏi về du lịch, có kinh nghiệm quản lý đứng đầu cơ quan hành chính ở nơi đó điều hành. Còn Hội đồng Nhân dân thì kiểm soát thôi, làm cho những nơi đó năng động lên để phát huy lợi thế địa phương, vùng, miền. Ví dụ, như những địa phương có thể phát triển cây công nghiệp, đơn cử vùng Tây Nguyên phát triển cà phê, mắc ca. Lãnh đạo ở đây không những giỏi về quản lý mà phải là người có trình độ về nông nghiệp về cây trồng. Bản thân lãnh đạo làm công việc quản lý nhưng phải có chính sách như thế nào đó để chọn được những người có năng lực về phục vụ ở những vùng đất này, hoặc vùng có thế mạnh về khai thác hải sản thì cũng học tập kinh nghiệm nước ngoài ví dụ như là đánh bắt cá ngừ đại dương, vừa rồi Nhật có hỗ trợ Việt Nam kỹ thuật đánh bắt cá ngừ đảm bảo chất lượng cá. Chính phủ kiến tạo là phải làm thế nào đó cho chính quyền địa phương năng động và thu hút được những người có tài năng, kinh nghiệm để giúp địa phương phát triển tốt hơn.

PV: Nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển có mối quan hệ như thế nào với công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân? 

Xây dựng Nhà nước pháp quyền tức là xây dựng một Nhà nước mà tất cả hoạt động của Nhà nước trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tức là, trước đây chúng ta có quan điểm pháp luật là công cụ của mọi mặt đời sống xã hội. Còn bây giờ pháp luật được nhìn nhận ở cả hai mặt. Nếu mặt trước là pháp luật là công cụ để cho Chính phủ quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, thì mặt sau pháp luật là công cụ để cho Nhân dân giám sát lại mọi hoạt động của Nhà nước, trong đó có bộ máy hành pháp. Xây dựng một Chính phủ kiến tạo là tạo ra một Chính phủ năng động giúp cho đất nước phát triển, không những về kinh tế mà phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội. Xây dựng Chính phủ kiến tạo là phải tạo ra một hệ thống pháp luật đồng bộ, phát hiện ra được những bất cập ở cơ chế pháp luật, cơ chế thực hiện pháp luật. Để xây dựng một Chính phủ kiến tạo thì khi đề ra một Chính sách mới phải gắn liền với những quy định pháp luật mới, và đồng thời cũng phải tạo ra một cơ chế để điều chỉnh pháp luật mới. Và nếu như văn bản pháp luật nào đó của Chính phủ mà trong quá trình thực thi, có những cái mới nhưng không đồng bộ với cái quy phạm pháp luật khác thì sẽ sinh ra những bất cập, đòi hỏi giám sát thường xuyên của Quốc hội đối với những hoạt động của Chính phủ hay là người dân, các tổ chức dân sự, các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong  việc đóng góp ý kiến, phát hiện ra những vấn đề mới để hoàn thiện pháp luật, kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội mới. Chính phủ kiến tạo phải gắn với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở chỗ, sáng tạo ra những cái mới, nhưng những cái mới đó không làm vi phạm quyền con người quyền công dân hoặc làm thiệt hại lợi ích quốc gia. Cùng với việc khởi động Chính sách mới, thì cũng cần phải có những cơ chế để đưa những chính sách mới đi vào thực tiễn, và hạn chế được những bất cập phát sinh.

Nhà nước pháp quyền phải hạn chế được sự lạm dụng của Bộ máy Nhà nước. Chính phủ kiến tạo phải là Chính phủ kiểm soát được quyền lực, không để xảy ra tình trạng lạm dụng quyền lực. Nếu Chính phủ đề ra được những chính sách tốt, phù hợp với lòng dân thì người dân sẽ ủng hộ, người dân tham gia kiểm soát, điều đó hạn chế được những bất cập mà Chính phủ có thể mắc phải trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng Nhà nước pháp quyền bởi vì Nhà nước pháp quyền là xây dựng một hệ thống pháp luật, một bộ máy tổ chức tổ chức thực thi để pháp luật đi vào cuộc sống, không tạo ra sự lạm dụng quyền lực, không tạo ra kẽ hở.

PV: Làm thế nào để nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển thực sự đi vào thực tiễn trong thời gian tới?

Chính phủ phải đưa ra được những chính sách mới, những cái lợi, những cái bất cập của chính sách mới phải có quy trình đánh giá trước tác động của pháp luật, trước lúc đưa pháp luật vào áp dụng. Khi có quy trình đánh giá trước tác động của chính sách pháp luật thì Chính phủ sẽ có những chính sách để hỗ trợ  thực hiện chính sách pháp luật đó.

Thủ tướng là người rất quyết tâm trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo. Thủ tướng có các quyền hành để điều hành. Tuy nhiên, để Thủ tướng thực hiện tốt được các quyền điều hành đó thì phải kiện toàn bộ máy. Hiện nay, thanh tra thuộc cơ quan hành pháp, nhưng mà Thanh tra thì không phải chỉ có Thanh tra Chính phủ, dưới quyền Thủ tướng mà còn có Thanh tra của Bộ dưới quyền của Bộ trưởng, thanh tra tỉnh dưới quyền của Chủ tịch tỉnh, thanh tra huyện dưới quyền của Chủ tịch huyện . Ngoài hệ thống cơ quan thanh tra trực thuộc Chính phủ, phải tổ chức một cơ quan giám sát chuyên trách, độc lập với hệ thống cơ quan hành pháp thực hiện quyền giám sát toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước và chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

PV: Trân trọng cám ơn GS.

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý