Một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở Phú Quốc

mesu mesu @mesu

Một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở Phú Quốc

Congly.vn Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều gương cựu chiến binh (CCB) đã không ngừng mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế và đã trở thành những người làm kinh tế giỏi.

01/08/2014 05:15 PM
603

Nhưng đối với CCB Đặng Văn Hướng (sinh năm 1968), ở ấp Suối Cát, Cửa Dương, Phú Quốc, Kiên Giang lại không chọn con đường như vậy trong việc phát triển kinh tế của gia đình mình. Anh đã tận dụng nguồn nước suối cách xa nhà 1,5km để sinh hoạt, phục vụ chăn nuôi trồng trọt và phát điện thắp sáng cho gia đình mình cũng như một số hộ xung quanh. Với việc dựa vào thiên nhiên làm bước đệm cho mình trong việc phát triển kinh tế, đến nay anh là một trong những gương CCB làm kinh tế giỏi tại huyện Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung.

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Đồng Tháp, quê hương của những trận đánh lớn, oanh liệt trong thời kỳ chống Pháp và Mỹ ở miền Tây, năm 1985, theo tiếng gọi của đất nước, chàng trai trẻ đã hăng hái lên đường nhập ngũ vào Trung Đoàn E27 Công Binh của Quân khu 9 đóng tại tỉnh Đồng Tháp. Đến năm 1987, anh cùng với đồng đội của mình sang Phú Quốc để mở và san lấp những hố bom mìn trên đường phục vụ cho các xe vận chuyển được thông suốt. Thời gian này anh nằm trong tiểu đoàn làm kinh tế, chuyên lo vấn đề hậu cần và chăn nuôi, trồng trọt với dân.

Hàng ngày anh phải dậy sớm đi chợ và tới chiều mới về, vì địa bàn đóng quân cách thị trấn Dương Đông bây giờ gần 20km, lại chưa có xe đạp nên phải cuốc bộ. Năm 1990, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh đã ở lại đây để cùng dân phát triển kinh tế, năm 1996 anh lập gia đình, đến nay vợ chồng đã có hai con đang tuổi ăn tuổi học.

CCB Đặng Văn Hướng bên vườn tiêu của mình

Cơ duyên sử dụng điện đến với anh rất tình cờ. Sau khi đào xong ao được một đêm, sáng hôm sau anh thấy nước trong ao đã tràn đầy, đi tìm hiểu trong vòng bán kính 1km gần nhà xem nguồn nước từ đâu ra, nhưng sau một ngày lặn lội tìm kiếm, anh vẫn không phát hiện ra nguồn nước chảy từ đâu về. Sang ngày thứ hai, anh quyết định đi xa hơn, lên các dãy núi xem sao. Đúng như anh nghĩ, cách nhà 1,5km có một con thác đang chảy. Mừng vì nước đã có, nhưng lại không biết phải làm như thế nào mang về được, nếu đi xách thì lấy sức đâu, anh lại ra về trong sự thất vọng. Một tháng sau, anh ra miền Đông thăm người quen, thấy ở đây người ta dùng máy phát điện gia đình. Thế là trong anh lại lóe lên những ánh điện chói chang tại ngôi nhà thân yêu mà mình đang ở. Không suy nghĩ nhiều, anh tìm người và mua một máy về tự chế để gia đình có điện sử dụng. Lúc này, trong đầu anh nghĩ chỉ cần bỏ máy xuống như người dân miền Đông làm, mua thêm dây, bóng điện mang về nối là sẽ có điện dùng thoải mái.

Nghe tin anh lấy nước từ suối cách nhà 1,5km về để làm ra điện và dùng làm nước sinh hoạt, tưới cây thì ai cũng nghĩ anh không bình thường, chỉ có thần thánh mới làm được như vậy chứ con người thì ai mà làm được.

Chính những điều không tưởng đó lại được anh hóa thành hiện thực. Bước đầu sử dụng điện, lúc thì điện quá yếu, lúc lại quá mạnh làm cho gia đình anh phải thay bóng thắp sáng liên tục, mỗi lần đi mua bóng là phải bắt thuyền qua Rạch Giá (cách gần 60km) để mua. Sau 3 năm liên tục cải tiến thì điện đã đi vào ổn định, anh mua tivi và đầu chiếu về phục vụ nhân dân đến xem tin tức và phim ảnh. “Thời gian ấy, tivi là thứ rất xa lạ với bà con nơi đây. Nghe tin gia đình anh Hướng có tivi, lúc đầu vì tò mò mọi người kéo nhau đến để nhìn chiếc hình dáng nó ra làm sao, chiếu như thế nào. Nhưng càng ngày, số lượng người đến xem lại càng đông, trong nhà không đủ chỗ ngồi nên mọi người còn ngồi cả ra sân…may có cái tivi của anh Hướng chúng tôi mới có điều kiện biết được các chủ trương và chích sách của Nhà nước chứ trước đó thì chúng tôi mịt mù chẳng biết gì ngoài xã hội”.

Đó là lời tâm sự của một người láng giềng với anh Hướng khi nói chuyện với PV. Điện có, tivi có nhưng anh cũng phải dùng tiết kiệm. Mùa nắng, nguồn nước chảy yếu, không thể cùng lúc sử dụng nước để phát điện và tưới cây cối, nên dù trời mùa khô rất nóng nực, ban ngày anh cũng chỉ sử dụng nước vào việc tưới cây trồng, tối đến mới chuyển sang dùng điện. Anh tâm sự: “Mùa nắng nóng, con người có thể chịu khổ, chịu nóng được, nhưng những cây trồng, nhất là cây tiêu, nó rất yếu, nếu không có đủ nước thì sẽ chết, hoặc không ra hạt được. Vì cuộc sống mưu sinh nên biết làm sao, tôi cũng hay động viên với vợ con, trước đây không có điện, mình còn sống được nữa là…”.

Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng với nguồn nước mà anh đưa từ trên suối về, gia đình anh cũng không sử dụng một mình, mà anh “phân năm, phát bảy” cho gần 10 hộ gia đình lân cận. Gia đình anh là một trong vài ba hộ có điện sớm nhất của huyện đảo Phú Quốc lúc bấy giờ. Đầu năm 2014, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, điện lưới Quốc gia đã được kéo về từng buôn, ấp trên Đảo Ngọc này. Người dân vui mừng, chăm lo sản xuất, con trẻ chăm lo học hành. Từ đây, huyện Đảo sẽ ngày càng rực sáng không chỉ trong nước mà trên khắp năm châu…khi khách du lịch đang tăng lên hàng ngày.

Đảo Ngọc, từ trước tới nay được biết đến là một trong những đảo được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp huyền diệu đầy thơ mộng, là nơi nổi tiếng với nước mắm và hạt tiêu. Cách đây khoảng 6 năm về trước, giá tiêu sụt giảm, tiền thu vào không bằng tiền đầu tư ra nên hầu hết các hộ gia đình đều phá cây tiêu để trồng loại cây khác. Riêng anh vẫn kiên trì bám trụ với những cây tiêu truyền thống của mình. Ngoài việc trồng 1.700 gốc tiêu từ lâu thì anh còn mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi. Đến nay trong khu vườn của anh có bốn đàn lợn nái, và 65 con bò. Rất nhiều cây cảnh và cây tiêu giống…Mỗi năm anh thu về hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, đầu năm 2014 anh cùng với hai người bạn đã ký hợp đồng với các nhà hàng, khách sạn cùng một số các ban ngành để ươm cây giống như: cây Dương, Tùng, Cau cảnh, bàng Đài Loan, Dầu…để  trồng ở công viên, sân bay, nhà hàng - khách sạn và lề đường. Với hơn 800 triệu cây, mức giá sau khi trồng xuống xanh tốt là 500 nghìn đồng/cây, dự kiến số cây đang ươm khoảng 2016 sẽ xuống đất, lúc này anh cùng nhóm bạn sẽ bỏ túi khoảng vài tỷ đồng mỗi năm.

Được nhân dân tín nhiệm, hiện nay anh đang giữ chức vụ Bí thư ấp Suối Cát, trong Ấp mọi người dân chăm lo phát triển kinh tế, đến nay ngoài hộ gia đình (cả hai vợ chồng bị tật bẩm sinh) là hộ nghèo, còn lại gia đình nào cũng thoát nghèo bền vững, an ninh trật tự luôn ổn định. Ông Trần Anh Tuấn (Chủ tịch Hội CCB xã Cửa Dương) cho biết: “Đồng chí Hướng là người được bà con nhân dân rất quý mến, chịu khó học hỏi, tìm hiểu và đã cải tiến được nhiều máy móc phục vụ cho nhu cầu thực tế của địa phương. Từ thiên nhiên đồng chí đã đưa điện, nước về phục vụ cho gia đình mình và gần 10 hộ gia đình xung quanh. Những năm qua đồng chí liên tiếp được vinh danh trong Đại hội nông dân sản xuất giỏi của huyện và tỉnh…”.

Phong trào CCB làm kinh tế giỏi đang có nhiều hướng đi khác nhau, song có một điểm chung đều xuất phát từ ý chí thoát nghèo và mong muốn được đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Tự lập, chịu khó, từ tốn đó những yếu tố hội tụ ở CCB Đặng Văn Hướng và hiệu quả kinh tế từ mô hình kinh tế mà anh tạo lập đã được khẳng định.

Trần Sỹ

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý