“Mua bảo hiểm rồi hẵng đưa con đi cắt amidan”

usd usd @usd

“Mua bảo hiểm rồi hẵng đưa con đi cắt amidan”

(ĐTCK) Đó là “gợi ý” khá nực cười, nhưng lại tương đối hiệu quả, được nhiều phụ huynh trao đổi trên các diễn đàn mạng thời gian qua.

23/08/2012 07:59 AM
2,201

    Không khai báo bệnh khi tham gia bảo hiểm là tình trạng khá phổ biến

     

    Có bệnh mới mua bảo hiểm

    Về khả năng từ chối bồi thường của các DN bảo hiểm, các phụ huynh này cho rằng: “Nếu mua bảo hiểm chỉ để để đấy, giống như mấy loại bảo hiểm học sinh mua ở trường học, thì mua làm gì? Có bệnh (có triệu chứng hoặc đã điều trị) từ trước khi tham gia bảo hiểm, thì mới nghĩ đến việc mua bảo hiểm để điều trị chứ”.

    Thực tế, đối với loại hình trục lợi bảo hiểm này, DN bảo hiểm rất khó khăn trong việc xác minh và từ chối bảo hiểm.

    Theo thống kê, tỷ lệ gia đình có con nhỏ bị viêm amidan, viêm VA, vẹo vách ngăn… là rất cao. Trước khi lên kế hoạch cắt/nạo amiđan cho con, không ít người đi mua bảo hiểm, sau đó cho con đến bệnh viện để cắt amiđan hoặc nạo VA. Thông thường, các trường hợp bị viêm này, bệnh nhân bị tái đi tái lại nhiều lần trong thời gian dài, thì bác sĩ mới chỉ định tiến hành cắt/nạo.

    Tuy nhiên, đó cũng chỉ là hình thức trục lợi bảo hiểm thuộc nhóm trục lợi bảo hiểm “Bệnh viện và khách hàng hợp tác thay đổi thông tin y tế theo hướng có lợi cho khách hàng” trong số hàng vạn trường hợp có trong 7 nhóm trục lợi bảo hiểm được Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt tổng hợp trước thềm Hội thảo Trục lợi bảo hiểm con người và bảo hiểm xe cơ giới, diễn ra vào ngày 17/8 tới.

    Không khai báo bệnh khi tham gia bảo hiểm là tình trạng khá phổ biến. Đơn cử, khách hàng Đ.T.V tham gia hợp đồng bảo hiểm thời hạn từ 18/8/2011 - 17/8/2012, nhập viện ngày 2/12/2011 để điều trị bệnh. Trong quá trình xác minh, công ty bảo hiểm được biết, khách hàng bị cao huyết áp 10 năm, sa tử cung bàng quang 5 năm, đã phẫu thuật 3 năm. Tuy nhiên, trong hồ sơ tham gia bảo hiểm, khách hàng không khai báo về những bệnh này.

     

    Doanh nghiệp bảo hiểm “bó tay”

    Chia sẻ với ĐTCK, nhân viên Phòng bảo hiểm con người của Bảo Việt và Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) cho hay, mặc dù biết nguy cơ trục lợi bảo hiểm nêu trên, nhưng do không có cơ sở chứng minh bệnh có sẵn, công ty bảo hiểm vẫn phải tiến hành bồi thường cho khách hàng. Khi xác minh tiền sử bệnh của khách hàng, một số bệnh viện mà khách hàng đang điều trị không cung cấp được thông tin hoặc xác nhận thông tin bệnh mới theo hướng có lợi cho khách hàng.

    Thực tế, có không ít trường hợp bị nghi ngờ là trục lợi bảo hiểm. Chẳng hạn, tại một DN bảo hiểm phi nhân thọ thuộc Top dẫn đầu về nghiệp vụ bảo hiểm con người đã xảy ra trường hợp khách hàng tham gia bảo hiểm thời hạn từ 29/3/2012 - 28/3/2013, thì ngày 14/5/2012 (hơn 1 tháng kể từ ngày tham gia bảo hiểm) khách hàng nhập viện phẫu thuật nạo VA, chi phí phát sinh 10,5 triệu đồng.

    Có khách hàng tham gia bảo hiểm thời hạn từ 8/6/2012 - 7/6/2013, sau 1 tháng, ngày 9/7/2012, khách hàng nhập viện với chẩn đoán viêm amidan quá phát, cộng với viêm VA, bệnh viện chỉ định phẫu thuật cắt amidan, nạo VA. Trường hợp này, sau quá trình xác minh cùng với việc hợp tác với nhiều bên liên quan, DN bảo hiểm đã từ chối chi trả bảo hiểm.

    Theo DN bảo hiểm này, hai trường hợp trên chỉ là hai trong số nhiều trường hợp tương tự khác, rất khó khăn trong việc xác minh có hay không có động cơ trục lợi bảo hiểm. Thông thường, DN bảo hiểm vẫn phải tiến hành bồi thường cho khách hàng.

               

    Bệnh viện/phòng khám… bắt tay trục lợi

    Trong quá trình hợp tác với bệnh viện, phòng khám thực hiện dịch vụ bảo lãnh trực tiếp cho khách hàng, một số bệnh viện, phòng khám có dấu hiệu trục lợi. Ngoài việc hỗ trợ khách hàng trong việc cung cấp thông tin không chính xác, một số nơi còn chỉ định khách hàng làm một loạt xét nghiệm hoặc sử dụng thuốc bổ không cần thiết hoặc chỉ định nằm viện dài ngày bất hợp lý.

    Chẳng hạn, Phòng khám V. thường kê nhiều thuốc bổ cho khách hàng, Bệnh viện H chỉ định khách hàng làm hàng loạt xét nghiệm kiểm tra, có những xét nghiệm không liên quan đến tình trạng bệnh. Còn tại bệnh viện V, trường hợp sinh thường (không biến chứng) lại để bệnh nhân nằm viện 7 - 10 ngày, trường hợp viêm mũi họng cũng nằm viện 5 - 7 ngày.

    Cụ thể, khách hàng N.V.T.N nhập viện với chẩn đoán viêm phế quản cấp/sốt siêu vi, thời gian nằm viện kéo dài 10 ngày, chi phí phát sinh 24,1 triệu đồng, trong đó riêng tiền phòng là 19 triệu đồng. Hay khách hàng Đ.G.P nhập viện với chẩn đoán viêm phế quản phổi, bệnh viện chỉ định nằm viện 12 ngày, chi phí phát sinh 29,6 triệu đồng, trong đó riêng tiền phòng là 21,7 triệu đồng.

     

    7 nhóm trục lợi bảo hiểm con người

    1. Tai nạn trước thời hạn bảo hiểm, mua bảo hiểm và điều trị.

    2. Bệnh viện và khách hàng hợp tác thay đổi thông tin y tế theo hướng có lợi cho khách hàng.

    3. Khai báo sai thông tin cá nhân khi tham gia bảo hiểm.

    4. Điều chỉnh tiền lương hoặc các thông tin khác trong thời hạn bảo hiểm để có lợi cho người được bảo hiểm.

    5. Nằm viện hoặc kéo dài thời gian nằm viện để được hưởng bảo hiểm.

    6. Làm giả hồ sơ bệnh án.

    7. Bệnh viện/phòng khám trục lợi (đối với dịch vụ bảo lãnh).

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý