Mức giá nào cho “con cưng” Bình Dương?

dinhhuong dinhhuong @dinhhuong

Mức giá nào cho “con cưng” Bình Dương?

Cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước xuống dưới mức chi phối hứa hẹn sẽ giúp Thalexim hoạt động hiệu quả hơn.

27/08/2017 08:25 AM
307

Cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước xuống dưới mức chi phối hứa hẹn sẽ giúp Thalexim hoạt động hiệu quả hơn.

Thoái vốn Nhà nước về 36%

Thủ tướng Chính phủ ngày 9/8 có Quyết định số 1165/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Thalexim). Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của Thalexim sau cổ phần hóa sẽ là 2.366 tỷ đồng, trong đó Nhà nước thông qua UBND tỉnh Bình Dương sở hữu 49%, phần còn lại chào bán cho nhà đầu tư chiến lược (45,5%), bán đấu giá công khai (5%) và bán ưu đãi người lao động (0,45%). Việc cổ phần hóa Thalexim nhằm tuân thủ Quyết định 58 được ban hành cuối năm ngoái. Thalexim nằm trong số 106 doanh nghiệp Nhà nước nắm dưới 50% vốn giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại Thalexim theo kế hoạch sẽ được thoái tiếp về 36% trước 31/12/2018.

Trước đó, ngày 12/6, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex). Tuy nhiên khác với Thalexim, vốn Nhà nước tại Becamex vẫn được giữ ở mức chi phối 51% sau cổ phần hóa. Đây là hai trong số những doanh nghiệp lớn nhất tại tỉnh Bình Dương hiện nay. Thực ra, chủ trương cổ phần hóa hai doanh nghiệp “con cưng” của Bình Dương đã có từ nhiều năm trước.

Mức giá nào cho “con cưng” Bình Dương?  - Ảnh 1Phóng to

Cuối năm 2014, UBND tỉnh Bình Dương trình kế hoạch thoái vốn tại Becamex và Thalexim xuống mức 75%. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận với phương án này và yêu cầu thực hiện ngay trong năm 2015. Tuy nhiên việc cổ phần hóa sau đó không diễn ra như dự kiến, nguyên nhân chính được cho là bởi quy mô của hai doanh nghiệp kể trên là rất lớn. Như vậy, có thể thấy chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn tại Thalexim đã có sự thay đổi đáng chú ý khi vốn Nhà nước thay vì vẫn lên tới 75% như kế hoạch trước đây, thì nay được điều chỉnh về dưới mức chi phối 49% và sẽ còn tiếp tục được giảm xuống.

Mức giá nào cho Thalexim?

Thalexim tiền thân là Xí nghiệp Quốc doanh Sơn mài Thanh Lễ được thành lập tháng 2/1991. Dù vậy, thương hiệu Thanh Lễ bắt đầu được biết đến vào năm 1994 khi doanh nghiệp này được giao 160ha đất triển khai khu công nghiệp Sóng Thần.

Sau hơn ba thập kỷ phát triển, Thalexim đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Bình Dương, với 11 đơn vị trực thuộc và 6 công ty thành viên hoạt động ở ba lĩnh vực chính là kinh doanh xăng dầu, vận tải thủy và bất động sản. Trong đó, nhập khẩu và phân phối xăng dầu là mũi nhọn, chiếm phần lớn doanh thu hàng năm. Thalexim hiện sở hữu hệ thống khoảng 900 cửa hàng đại lý xăng dầu, trong đó 700 đại lý phân bố trên 13 tỉnh thành phía Nam và 200 đại lý ở 9 tỉnh thành phía Bắc. Bởi vậy, chủ trương thoái vốn Nhà nước xuống dưới mức chi phối mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư có tiềm lực nhằm sở hữu một trong những nhà phân phối xăng dầu lớn nhất hiện nay. Trong lúc này, mức giá khi tiến hành cổ phần hóa, IPO Thalexim là yếu tố được nhà đầu tư quan tâm. Năm tài chính 2016, Thalexim đạt tổng doanh thu 6.624 tỷ đồng, lãi sau thuế 90 tỷ đồng (chủ yếu do chi phí tài chính giảm nhờ vay nợ giảm).

Mặc dù lãi gấp đôi cùng kỳ, song tổng doanh thu lại chỉ còn một nửa so với năm 2015 (13.733 tỷ đồng) và bằng chừng 1/4 mức đỉnh năm 2014 (24.766 tỷ đồng). Việc doanh thu của Thalexim sụt giảm mạnh với biên độ tính bằng lần trong ba năm trở lại rõ ràng không phải là dấu hiệu tích cực. Theo Thalexim, nguyên nhân chính khiến doanh thu giảm mạnh là do giá dầu đi xuống liên tục và cơ chế điều hành giá xăng dầu của Nhà nước. Để bảo toàn vốn, các đại lý, tổng đại lý chỉ mua hàng cầm chừng, giảm dự trữ để tối ưu hàng tồn kho. Tuy nhiên, vấn đề của Thalexim không chỉ là doanh thu sụt giảm, mà hiệu quả hoạt động cũng là một dấu hỏi lớn.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ (ROE) trung bình giai đoạn 2012-2016 của Thalexim chỉ ở mức 3,5%, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) bình quân là 0,4%. Để dễ so sánh, ROE và ROS của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Mã chứng khoán PLX) trong hai năm trở lại đây lần lượt là 36% và 3,3%. Sẽ còn nhiều yếu tố nữa tác động như lợi thế về đất đai, chính sách ưu đãi.., song một số phân tích trên cho thấy sẽ khó có mức giá cao cho cổ phần Thalexim khi thực hiện IPO hay đàm phán với nhà đầu tư chiến lược. Dù sao, cổ phần hóa cùng với sự tham gia của yếu tố tư nhân hứa hẹn mang tới luồng gió mới cho Thalexim, giúp tổng công ty này chuyển biến tích cực hơn, xứng đáng với truyền thống hơn ba thập kỷ.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý