Nấm lậu lên bàn ăn

bexinh bexinh @bexinh

Nấm lậu lên bàn ăn

Trên thị trường, “nấm ngoại” đang chiếm giữ ưu thế, “nấm nội” lép vế, chỉ sản xuất ra một lượng ít với những loại nấm phổ thông. Điều đáng nói, nấm không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được bày bán tràn lan, bảo quản không đúng quy cách.

14/05/2014 04:09 PM
2,690

Nấm bày bán như rau

Có thể thấy, ngành nông nghiệp khá chậm trễ trong việc đưa ra quy hoạch phát triển ngành trồng nấm ăn và nấm dược liệu để hậu quả hiện tại, thị trường nấm bị hàng ngoại chiếm lĩnh. Tháng 11-2013, Bộ NN&PTNT mới có Đề án phát triển trồng nấm đến năm 2020. Theo đề án này, năm 2014, tổng lượng nấm tươi Việt Nam sản xuất ra chỉ đạt khoảng 15.000 tấn và đến năm 2020, mục tiêu mới đưa ra, cả nước sản xuất được 150.000 tấn nấm các loại, đáp ứng 20% nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, đề án cũng chỉ đưa vào một số loại nấm bình dân, phổ biến như nấm mỡ, nấm sò, mộc nhĩ…

Cũng bởi sự chậm trễ này mà hiện nay, chiếm phần lớn thị trường nấm trong nước là nấm nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau. Đáng nói, phần nhiều trong số đó là các loại nấm ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ cùng cách bảo quản không đúng quy định gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

Khảo sát một loạt các chợ trên địa bàn TP như Nghĩa  Tân, Bưởi, Kim Liên, Nguyễn Công Trứ… không khó tìm mua nhiều loại nấm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nấm bảo quản dưới trời… nắng tại các hàng bán rau, quả. Các loại nấm đều được đóng gói bao bì nhưng nhiều loại không rõ nhãn mác, nguồn gốc như nấm sò, nấm mỡ. Một tiểu thương bán rau tại chợ Nguyễn Công Trứ cho hay, các loại nấm đều được chị nhập tại chợ đầu mối, tùy khả năng tiêu thụ nhưng dường như không hạn chế về số lượng.

Đặc biệt, mặc dù trên bao bì khuyến cáo bảo quản ở nhiệt độ từ 1-5 độ C nhưng phần lớn được bảo quản sơ sài trong túi nilon buộc chun, không nguồn gốc, không hạn sử dụng. Do bảo quản ở nhiệt độ thường nên có những túi nấm bốc hơi, ngả sang màu vàng, bên trong có mùi ẩm mốc. Theo các chuyên gia về nghiên cứu sinh học, nấm thông thường chỉ có thể bảo quản từ    5-7 ngày sau khi thu hoạch, tuy nhiên các loại nấm đang được bán trên thị trường hiện nay không bị kiểm soát về thời hạn sử dụng, điều kiện bảo quản, tiềm ẩn nguy cơ gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển nấm và sản phẩm sinh học, nếu bảo quản nấm không đúng cách, vi khuẩn xâm nhập sẽ khiến nấm thối và hỏng, gây tác hại cho người sử dụng.

 

Bỏ rơi thị trường

Đại diện một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu nấm cho hay, hiện tại Việt Nam cũng đã có nhiều công ty, hợp tác xã tham gia sản xuất nấm ăn quy mô lớn, song lượng cung ứng ra thị trường cũng chỉ chiếm một phần nhỏ và cũng chỉ là một số loại nấm phổ thông như nấm mỡ, nấm sò, mộc nhĩ. Các loại nấm cao cấp hơn như nấm đùi gà, nấm kim châm, nấm thủy tiên dù điều kiện thời tiết Việt Nam cũng có thể sản xuất nhưng gần như không có đơn vị nào trồng. Phần lớn lượng nấm tiêu thụ trên thị trường hiện nay được nhập từ Trung Quốc qua nhiều con đường khác nhau, một số nhập từ Hàn Quốc.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, mỗi ngày Việt Nam phải nhập khẩu 14,8 tấn nấm cao cấp từ Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi đó số lượng sản phẩm này của các cơ sở trong nước chỉ từ 2-3 tấn/ngày. Riêng thị trường Hà Nội mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10 tấn nấm tươi các loại, trong đó phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc.

Được biết, để có thể trồng được các loại nấm cao cấp thì chi phí đầu tư xây nhà lạnh khá lớn so với đầu tư sản xuất các loại nấm thông thường.  Đồng thời chi phí chạy phòng lạnh khiến các sản phẩm nấm cao cấp của Việt Nam có giá cao hơn hẳn mà hình thức lại không bằng những mặt hàng nấm nhập khẩu nên sức cạnh tranh khá kém.

Bên cạnh đó, kiểm soát ATTP đối với nấm nhập khẩu và nấm sản xuất trong nước dường như đang bị bỏ ngỏ. Tháng 4 vừa qua, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội đã phát hiện trang trại trồng nấm Trần Khánh Ly tại xã Tàm Xá, Đông Anh trồng nấm không giấy phép. Đặc biệt, cơ sở này đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật Trung Quốc ngoài luồng để trồng nấm. Trong khi đó, quy mô sản xuất của trang trại khá lớn, hoạt động từ năm 2012.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhìn nhận, nấm ăn là một trong những sản phẩm nhập khẩu thuộc đối tượng phải kiểm soát về ATTP. Hàng năm, các trạm Bảo vệ thực vật trên cả nước vẫn lấy mẫu để kiểm tra, phân tích chất lượng. “Theo quy định, chúng tôi vẫn lấy mẫu kiểm tra, tuy nhiên cũng chưa phát hiện mẫu nấm nào vi phạm quy định về ATTP. Nếu có, chúng tôi sẽ công bố để người tiêu dùng nắm được”, ông Nguyễn Xuân Hồng cho hay

Theo Anninhthudo.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý