Nấm mốc - vấn nạn ám ảnh dân nhiếp ảnh

baybeface1 baybeface1 @baybeface1

Nấm mốc - vấn nạn ám ảnh dân nhiếp ảnh

Đối với người yêu nhiếp ảnh, có lẽ vấn nạn ám ảnh lớn nhất vẫn là việc bảo quản đồ nghề của mình khỏi kẻ thù số một: Nấm mốc!

29/07/2016 07:19 AM
55

Nấm mốc – từ đâu mà ra?

Dù luôn bị coi như…ghẻ, thực tế việc tránh hoàn toàn nấm mốc là điều bất khả thi. Trong tự nhiên, bào tử nấm siêu nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy được lại hiện diện ở mọi nơi – từ không khí mà chúng ta hít thở cho tới mọi bề mặt chúng ta chạm vào. Chính vì thế, bạn phải chấp nhận sự thực rằng nấm có thể phát triển ở mọi nơi – kể cả bên trong ống kính hay trên cảm biến chiếc máy ảnh đắt tiền. Cách duy nhất để tránh những thiệt hại không mong muốn do mốc gây ra, người dùng chỉ có cách không để chúng có cơ hội “nảy mầm” thông qua việc cách ly các yếu tố cần thiết cho sự phát triển khỏi thiết bị của mình.

  Nấm mốc - vấn nạn ám ảnh dân nhiếp ảnh - Ảnh 1

Một trong những nỗi ám ảnh đối với nhiếp ảnh gia chính là nấm mốc trên ống kính của máy

Thông thường, những đoạn nấm (thường được cộng đồng gọi là “mốc rễ tre” vì kiểu dáng của chúng) mà mắt thường có thể nhìn thấy trên ống kính chính là rễ của chúng. Từ bào tử ban đầu, các đoạn rễ này sẽ lan toả đi khắp nơi để thu thập chất dinh dưỡng, cung cấp cho sự phát triển của nấm. Khi nguồn dinh dưỡng hết, nấm sẽ chết và để lại “xác” trên vị trí mà chúng sinh sôi – bao gồm cả các đoạn rễ lan lung tung khắp nơi. Trong trường hợp nguồn cung dồi dào, nấm sẽ phát triển mạnh mẽ, thậm chí che kín toàn bộ các thấu kính hay cảm biến và lây lan từ thiết bị này sang thiết bị khác. Tệ hơn cả, hợp chất tiết ra từ các đoạn rễ sẽ làm hỏng lớp tráng phủ thấu kính hay cảm biến – gây hỏng vĩnh viễn thiết bị. Rõ ràng, chẳng ai muốn điều ấy xảy ra, tuy nhiên chúng ta cần làm gì để hạn chế được nấm?

Những nguyên nhân dẫn tới nấm mốc

Về cơ bản, những yếu tố giúp cho nấm phát triển từ bào tử bao gồm: thiếu ánh sáng mặt trời, nguồn dinh dưỡng và hơi ẩm. Trong đó, chất dinh dưỡng là thứ có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau – từ các khoáng chất sử dụng cho thấu kính hay dấu vân tay, các tế bào chết, sợi sinh học… Việc tránh né các thành phần này gần như là bất khả thi trong quá trình sử dụng hàng ngày bởi thậm chí dầu bôi trơn các thành phần ống kính hay sơn phủ bề mặt cũng đã hàm chứa đủ “thực phẩm” cho các loại kí sinh khó chịu này.

  Nấm mốc - vấn nạn ám ảnh dân nhiếp ảnh - Ảnh 2

Kết cấu một cụm mốc trên thấu kính của ống kính máy ảnh.

Kế đến, độ ẩm (thường trên 70%) là yếu tố thứ hai giúp cho sự sinh trưởng của nấm. Dù việc tránh điều này cũng là không thể nhưng thông thường nếu không có sự kết hợp với chất dinh dưỡng như đề cập tới ở trên, một mình hơi ẩm cũng rất khó giúp nấm phát triển. Tuy nhiên, đôi khi người dùng vô tình “kết duyên” hai thành phần này lại với nhau mà không hề hay biết. Hãy thử hình dung bạn bị một hạt bụi dính lên kính và thổi nó đi bằng miệng theo thói quen. Dù không thể thấy bằng mắt thường, một cú thổi ấy cũng có thể cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng “phủ” lên bề mặt thấu kính hoặc cảm biến. Thậm chí đẩy bụi vào các ngóc ngách bên trong thiết bị - tạo điều kiện cho nấm phát triển. Với một số loại ống kính, việc zoom ra vào cũng sẽ bơm không khí vào bên trong kết cấu phần cứng (và bụi cùng các tạp chất sẽ đi cùng).

  Nấm mốc - vấn nạn ám ảnh dân nhiếp ảnh - Ảnh 3

Tủ chống ấm là giải pháp chống nấm mốc hiệu quả, được nhiều người dùng chọn lựa để sử dụng về lâu dài.

Cuối cùng, như đã đề cập, sự thiếu hụt ánh nắng mặt trời là yếu tố còn lại. Với những người đam mê nhiếp ảnh, bộ sưu tập ống kính hoặc thân máy của họ thường khá đồ sộ. Dĩ nhiên, không phải lúc nào họ cũng sử dụng tới tất cả những gì đang có. Việc cất giữ các thiết bị trong chỗ tối (tủ, túi xách, ngăn kéo…), tránh ánh nắng mặt trời (vốn phát ra các tia tử ngoại và bức xạ có tác dụng triệt nấm) trong thời gian dài sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho nấm phát triển. Vậy, làm thế nào để hạn chế tối đa sự phát triển của nấm mốc ống kính?

"Thực tế, nấm mốc không lây lan theo kiểu “nhảy” từ ống kính này sang ống kính khác như cách nhiều người hình dung. Thay vào đó, việc bào tử nấm luôn có mặt trong không khí mọi nơi mọi lúc đồng nghĩa rằng nếu một ống kính của bạn bị nấm, bạn cần ngay lập tức kiểm tra toàn bộ đồ đạc của mình và cải thiện tình trạng bảo quản thay vì cách ly theo thói quen".

Điều gì sẽ xảy ra nếu ống kính hay cảm biến máy ảnh bị mốc?

Thông thường, nấm phát triển trên ống kính thường rất khó phát hiện nếu người dùng chỉ chụp mà ít khi “soi” các bức ảnh xuất ra. Nếu là nấm xuất hiện trên cảm biến, những đoạn rễ tre sẽ xuất hiện ngay trên mọi bức ảnh như hình dưới đây – bất kể bạn chụp ở chế độ nào. Với các loại máy ảnh không gương lật, bạn có thể nhìn thấy vết rễ nấm dễ dàng ngay mỗi lần tháo ống kính thao tác. Trong khi đó, với DSLR, bạn cần vào trình đơn điều khiển của máy để lật gương lên mới tiếp cận được tới cảm biến (một trong những lý do khiến người dùng ít khi phát hiện sớm hiện tượng lạ xuất hiện trên cảm biến).

  Nấm mốc - vấn nạn ám ảnh dân nhiếp ảnh - Ảnh 4

Một ví dụ về cảm biến bị nấm mốc và khi đã lau sạch.

Với nấm phát triển trên ống kính. Ban đầu, những bức ảnh chụp ra sẽ không thể hiện nhiều sự khác biệt. Tuy nhiên với những ảnh chụp khép khẩu hẹp (từ f/5.6 trở lên), các vết đen sẽ xuất hiện rõ ràng trên tác phẩm xuất ra (gần tương tự như khi nấm xuất hiện trên cảm biến). Khi mốc xuất hiện dày đặc trên các thấu kính, hình ảnh chụp sẽ mất dần độ tương phản và trở nên nhạt nhoà. Nhiều hiệu ứng quang học tiêu cực cũng xuất hiện trên một phần hoặc toàn khung hình. Như thế, rõ ràng bức ảnh của bạn đã bị phá hỏng.

Ngoài thấu kính và cảm biến, dĩ nhiên, nấm cũng có thể phát triển trên nhiều bộ phận khác của ống kính, máy ảnh. Nếu xuất hiện ở các thành phần cơ học, cơ cấu chuyển động, chúng sẽ ăn mòn các chi tiết kim loại, làm giảm tính chính xác trong vận hành, kẹt lá khẩu, zoom/lấy nét nặng, chập mạch điện… và nhiều rủi ro khó lường khác.

Cách phòng tránh hiệu quả

Để giữ an toàn tối đa cho những thiết bị nhiếp ảnh quý giá (và thường đắt tiền) của mình, mỗi người dùng – chính bạn – nên cân nhắc một số phương án sau đây:

- Luôn cất giữ thiết bị trong hộp chống ẩm hoặc tủ chống ẩm chuyên dụng (tốt hơn). Các sản phẩm nhóm này thường đi kèm ẩm kế cho biết mức độ ẩm hiện tại. Bạn nên để mắt thường xuyên tới giá trị của ẩm kế để biết tình trạng (thông thường nên duy trì khoảng dưới 60%). Nếu điều kiện tài chính hạn chế, bạn có thể chọn mua (hoặc tự chế tạo) hộp chống ẩm (gồm hộp nhựa kín, hạt hoặc máy hút ẩm, ẩm kết). Tuy nhiên phương án này sẽ không thực sự phù hợp nếu bạn thường xuyên sử dụng máy ảnh mỗi ngày hoặc có số lượng thiết bị lớn. Việc phải thường xuyên thay thế hạt chống ẩm cũng là điều gây nhiều phiền toái. Với nhiều người, dùng tủ chống ẩm cho thiết bị và hộp chống ẩm cho những phụ kiện ít khi cần tới cũng là hướng kết hợp hợp lý.

  Nấm mốc - vấn nạn ám ảnh dân nhiếp ảnh - Ảnh 5

Việc vệ sinh ống kính hay cảm biến đòi hỏi thao tác kĩ thuật rất phức tạp mà người dùng thông thường không phải lúc nào cũng làm được.

- Hạn chế vệ sinh thấu kính hay cảm biến bằng bình xịt khí nén. Lực đẩy của khí có thể sẽ khiến các loại tạp chất càng lọt vào sâu bên trong. Thay vào đó, bạn nên chịu khó sử dụng các bóng khí (có bán rất nhiều ở các cửa hàng nhiếp ảnh) kết hợp với khăn lau chuyên dụng. Dĩ nhiên, nếu cần vệ sinh phía ngoài ống kính hoặc thân máy ảnh, bạn vẫn có thể sử dụng bình khí nén nhưng cần lưu ý các góc xịt phù hợp.

- Tập thói quen vệ sinh thiết bị chụp ảnh sau mỗi lần sử dụng là điều mỗi người dùng nên làm – đặc biệt là sau mỗi lần tác nghiệp ngoài trời mưa hay ở các khu vực bụi bặm. Trước khi cất máy trở lại, bạn nên đảm bảo thiết bị không bám bụi bẩn, mồ hôi hay có nước bám. Việc vệ sinh có thể được tiến hành bằng khăn không sợi. Lưu ý rằng thói quen cất thiết bị trong túi đi kèm là điều tuyệt đối nên tránh bởi lẽ chất liệu vải – mút của các loại túi sẽ hút ẩm cũng như bụi bặm nhiều trong các hành trình và rất lý tưởng cho nấm mốc phát triển, lây lan.

  Nấm mốc - vấn nạn ám ảnh dân nhiếp ảnh - Ảnh 6

Thiết bị phát tia cực tím vào ống kính để ngăn ngừa nấm phát triển của B+W.

- Nếu sở hữu kho thiết bị phong phú, bạn nên có phương án phơi định kỳ (trong thời gian chỉ vài phút mỗi lần và dưới ánh sáng mặt trời có cường độ vừa phải). Tốt nhất, hãy sử dụng xoay vòng thiết bị nếu có thể. Bức xạ từ mặt trời rất mạnh và cực kỳ lý tưởng để tiêu diệt nấm mốc.

- Hiện nay, một số nhà sản xuất thiết bị hình ảnh đã có những giải pháp khá chuyên nghiệp nhằm phòng trừ nấm mốc một cách chủ động. Một trong những sản phẩm rất được ưa chuộng trong thời gian gần đây tại Việt Nam là đèn cực tím chuyên dụng như của B+W chẳng hạn.

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý rằng các loại ống kính khác nhau sẽ tiềm ẩn nguy cơ nấm mốc khác nhau. Với các dòng cao cấp hiện đại được che chắn cẩn thận (chống bụi, nước), khả năng bị nấm phát triển cũng sẽ thấp hơn – đặc biệt tốt là các loại có cơ cấu zoom/lấy nét khép kín (không bị thay đổi chiều dài khi thao tác). Trong khi đó, các loại thân máy hay ống kính cổ điển (phần lớn các loại lấy nét tay trước kia), ống giá rẻ… đều đối mặt rủi ro cao. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng các loại ống đã bị mở ra để vệ sinh vì lý do nào đó cũng sẽ dễ bị nấm mốc hơn nếu người dùng sau đó không bảo quản thực sự cẩn thận. Về phần mình, cảm biến máy thường sẽ bị “mọc rễ tre” chỉ khi người dùng giữ vệ sinh thiết bị quá kém mà thôi. Thực tế, những người dùng máy ảnh không gương lật cũng nên tập thói quen giữ vệ sinh cho cảm biến mỗi khi tháo lắp ống kính. Lý do là bởi cảm biến trên các dòng máy này thường không được che chắn (bởi gương lật) nên dễ bị bụi, nước bám vào trực tiếp bề mặt.

  Nấm mốc - vấn nạn ám ảnh dân nhiếp ảnh - Ảnh 7

“Rễ tre” có thể xuất hiện ở viền hoặc ở chính giữa như thế này.

Nên làm gì nếu nấm mốc đã phát triển?

Dĩ nhiên, như đã đề cập ở trên, mọi phương án phòng trừ nấm mốc chỉ là tương đối. Trong trường hợp “xui xẻo” hoặc đơn giản hơn là mua phải những thiết bị đã có nấm mốc tồn tại, bạn cần làm gì?

  Nấm mốc - vấn nạn ám ảnh dân nhiếp ảnh - Ảnh 8

Hộp chống ẩm là giải pháp “ngon, bổ, rẻ” nhưng thường không nên dùng nếu bạn là “dân chuyên” thường xuyên sử dụng máy ảnh hàng ngày.

Thực tế, kết cấu các loại ống kính hay thân máy ảnh đều khá phức tạp. Chính vì vậy, việc tháo ra để vệ sinh “tại gia” là điều cực kì khó khăn – ngay cả với những người dùng có kinh nghiệm. Trước thực trạng đó, bạn nên viện tới các chuyên gia kĩ thuật ngay khi phát hiện hiện tượng nấm mốc xuất hiện trên thiết bị ảnh của mình thay vì tự đối mặt với nguy cơ phá hỏng hoàn toàn chúng. Bản thân chi phí cho mỗi lần lau mốc thường cũng không nhiều – không đáng để bạn đánh đổi rủi ro.

Tuy nhiên, cần khẳng định rằng một khi đã bị mốc, chất lượng quang học và hiệu quả vận hành của ống kính cũng như thân máy chắc chắn sẽ không còn được hoản hảo như trước – dù có được vệ sinh sạch sẽ đến mấy. Bị mốc càng nặng, sự suy giảm sẽ càng lớn. Trong khi đó, việc tháo ra để lau chùi cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về lâu dài, bên cạnh thực tế mất giá nếu bạn có ý định bán lại khi “lên đời” sau này. Chính vì thế, với nấm mốc, “phòng hơn chống” có lẽ là tiêu chí mà bạn nên tuân thủ tuyệt đối là hơn.

Theo PCWorld VN

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý