Nam sinh mất một chân vì ung thư xương

mesu mesu @mesu

Nam sinh mất một chân vì ung thư xương

Mới 20 tuổi, cậu sinh viên Chử Đức Liêm đã 4 năm chống chọi với căn bệnh ung thư xương. Phải cắt bỏ một chân và đang truyền hóa chất nhưng Liêm vẫn nuôi hy vọng chiến thắng bệnh tật để được quay lại giảng đường.

19/10/2012 05:16 PM
827

Đầu trọc lốc do truyền hóa chất, chân trái bị cắt đến tận đùi còn cánh tay cắm đầy dây truyền hóa chất, khiến Chử Đức Liêm (20 tuổi, ở Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) trông thật khổ sở. Ngồi trên giường bệnh, cậu sinh viên năm hai có khuôn mặt hiền lành và nụ cười dễ mến khiến người đối diện vừa cảm phục vừa xót xa.

Bệnh tật hiểm nghèo khiến mọi việc quanh em trở nên khó khăn, kể cả những việc đơn giản nhất. Liêm không thể tự đi lại nên mọi sinh hoạt đều diễn ra tại chỗ. Thời gian này Liêm bắt buộc trải qua 7 đợt điều trị, mỗi đợt kéo dài 7 ngày với chi phí khoảng 4 triệu đồng. Trong đó, 2 ngày điều trị bằng hóa chất, 5 ngày truyền dịch.

Liêm hy vọng sẽ khỏi bệnh để đi học tiếp và trở thành nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Ảnh: Tiểu Nguyễn.

Tuy nhiên, chỉ cách đây vài tháng, Liêm vẫn còn là cậu sinh viên với cặp kính cận trí thức, mái tóc để cua, toát lên vẻ "mọt sách" đúng chất của dân Sử. Liêm cho biết, căn bệnh hiểm nghèo đeo đuổi ngay khi em học lớp 10, và bắt đầu đổ bệnh.

Năm 2008, chân Liêm có mụn lạ và thấy đau. Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán em bị ung thư xương nên chuyển sang bệnh viện K2 (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) điều trị. Để tránh mầm bệnh lây lan, em phải cắt bỏ chân trái đến ngang đùi. Đợt điều trị ấy Liêm mất 7 tháng không thể đến trường.

Sau lần phẫu thuật cắt xương, Liêm quyết tâm vào đội tuyển học sinh giỏi Sử của trường và đoạt giải Nhì cấp thành phố Hà Nội năm 2010. Sau đó em thi đỗ vào khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2011. Đầu năm nay, em bị ho ra máu kéo dài, bác sĩ chắc chắn bệnh ung thư xương đã lan lên phổi.

Khuôn mặt gầy rộc vì thức đêm, nước da ngăm đen, cô Mai (mẹ Liêm, 53 tuổi) chỉ biết khóc khi nhắc tới con trai. Hằng đêm, đợi con truyền hóa chất xong, 2-3h sáng người mẹ mới dám đi ngủ. Để tiết kiệm chi phí, cô nép mình nằm một góc nhỏ cạnh con. Do không chịu được hóa chất nên Liêm thường xuyên nôn mửa. Có hôm, 2h30 sáng, vừa truyền dịch xong, cậu lại bị nôn.

Cô Mai cho biết, vợ chồng cô trước là công nhân xây dựng, năm 2005 nghỉ hưu. Liêm bị bệnh, chú Nghị (bố Liêm, 56 tuổi) xin làm bảo vệ ở trình xây dựng còn mẹ quẩy gánh đi bán cháo vỉa hè. Khi bệnh tình con trai nặng hơn, cô Mai không thể đi bán hàng như trước nữa nên gánh nặng cơm áo gạo tiền đổ cả lên vai bố Liêm, khiến ông bị xơ gan. Tiền lương công nhân ít ỏi của anh trai và lương hưu của bố mẹ Liêm không đủ mua thuốc điều trị cho hai người.

Cô Mai gầy rộc người vì chăm cậu con trai. Ảnh: Tiểu Nguyễn.

Ý thức được gia cảnh khó khăn, Liêm không chịu ăn thịt, cá, chỉ ăn chay và yêu cầu làm thức ăn theo ý mình. "Em không mua đồ ăn bên ngoài vì đắt đỏ lắm. May là có dì nấu cơm mang vào cho hai mẹ con nên chuyện cơm nước cũng đỡ một phần", Liêm mỉm cười giải thích.

Rồi cầu thỏ thẻ tâm sự, muốn khỏi bệnh thật nhanh nhưng cũng lo gia đình vất vả quá sức. "Mẹ luôn động viên nhưng đôi lần, em bắt gặp bà khóc. Em không muốn mẹ ngày đêm vật vờ bên giường bệnh. Em mong bố khỏi bệnh nhanh nhưng làm sao để có nhiều tiền chi trả cho những lần điều trị?", Liêm nghẹn ngào.

Lo lắng nhưng Liêm không cho phép mình tuyệt vọng bởi "còn nhiều điều đang chờ đợi phía trước, đặc biệt là việc chăm sóc bố mẹ suốt quãng đời còn lại".

Để quên bệnh tật, hàng ngày, Liêm chăm đọc sách và nghe nhạc. Sách giúp thanh lọc tâm hồn và làm cậu cảm thấy yêu đời hơn hẳn. Những cuốn sách ấy được bạn bè gửi đến như lời động viên an ủi. Không chỉ thầy cô, bạn bè lớp đại học, thầy chủ nhiệm và các bạn cấp 3 của Liêm cũng tới thăm.

"Tuy mọi người không thể thường xuyên đến chơi nhưng những lời nhắn nhủ của họ trên Facebook thực sự khiến em hạnh phúc. Em hy vọng mình sẽ khỏi bệnh để được học tiếp và trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa", Liêm nói và khoe mới được trao giải thưởng Lê Văn Hưu dành cho 10 sinh viên có thành tích học tập tốt nhất khoa Lịch sử.

Trao đổi với VnExpress.net, tiến sĩ Trần Văn Công, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện K2 (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội), Liêm bị ung thư xương đùi trái được điều trị từ 4 năm trước. Căn bệnh này có tên là sacôm xương - loại ung thư phát sinh từ xương. Mọi xương trong cơ thể có thể bị ảnh hưởng nhưng vị trí phổ biến nhất là tay và chân, đặt biệt quanh khớp gối.

"Bệnh này phát triển rất nhanh nên bệnh nhân cần điều trị sớm. Liêm cần phải sẵn sàng mọi thứ cho những cuộc điều trị bằng hóa chất kéo dài mới mong phục hồi", bác sĩ Công cho biết thêm.

Tiểu Nguyễn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý