Nạn dịch Ebola: Sở y tế chỉ đạo giám sát kỹ động vật nhập khẩu từ các quốc gia Châu Phi

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Nạn dịch Ebola: Sở y tế chỉ đạo giám sát kỹ động vật nhập khẩu từ các quốc gia Châu Phi

Trước tình hình diễn biến phức tạp của nạn dịch Ebola, ngoài giám sát khách du lịch, lao động về từ vùng có dịch, Hà Nội yêu cầu theo dõi chặt tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của virus Ebola trên gia súc.

10/08/2014 08:42 AM
843

UBND TP Hà Nội có văn bản hỏa tốc gửi các Sở ban ngành, Chủ tịch UBND các cấp đề nghị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Ebola.

Theo đó, Sở Y tế được giao xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa để kịp thời phát hiện hành khách có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh…

Sở Nông nghiệp cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên động vật, nhất là động vật nhập khẩu từ các quốc gia Châu Phi. Đồng thời theo dõi sự lưu hành virus Ebola trên gia súc, khi phát hiện tổ chức xử lý triệt để ổ dịch và thông báo ngành y tế để ngăn ngừa nguy cơ lây sang người.

Ổ chứa chính của virus Ebola là loài dơi ăn quả.

Ngoài đường truyền lây từ người sang người, virus Ebola còn lây từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm. Tại châu Phi, virus lây truyền khi người lành tiếp xúc với các động vật như: tinh tinh, gorilla, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím ốm, chết hoặc các động vật trong rừng nhiệt đới.

Việt Nam đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola. Bộ Y tế đã kích hoạt toàn bộ hệ thống y tế phòng chống dịch bệnh xâm nhập. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã xây dựng xong hướng dẫn điều trị bệnh do virus Ebola. Dự kiến phác đồ này sẽ được hội đồng Bộ Y tế thẩm định thông qua vào thứ ba tới (12/8).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố tình trạng khẩn cấp y tế trên toàn cầu đối với dịch Ebola nhằm kêu gọi sự đoàn kết quốc tế, tuy nhiên không áp đặt việc cấm đi lại và giao thương quốc tế. Sự lây lan nhanh chóng của virus là do sự yếu kém của hệ thống y tế của các quốc gia bị ảnh hưởng ở Tây Phi.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Genève, Thụy Sĩ, tiến sĩ Margaret Chan, Giám đốc WHO thừa nhận "nhiều nước có lẽ sẽ không có bất kỳ bệnh nhân Ebola nào. Các quốc gia bị ảnh hưởng cho đến nay chỉ đơn giản là không có khả năng quản lý một ổ dịch có quy mô và sự phức tạp”.

Theo WHO, đây không phải là một căn bệnh bí ẩn mà là một bệnh truyền nhiễm có thể được khống chế. Nó không phải là một loại virus lây lan qua không khí.

Trước đó, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp tương tự cho các đại dịch A (H1N1) có nguồn gốc từ lợn năm 2009 và bại liệt vào tháng 5 vừa rồi.

Sở Nông nghiệp cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên động vật, nhất là động vật nhập khẩu từ các quốc gia Châu Phi

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ đã nâng phản ứng với dịch bệnh do virus này đến mức cao nhất và khuyến cáo người dân không đi du lịch đến Tây Phi. Hiện hai người Mỹ bị nhiễm bệnh được điều trị thử bằng một loại thuốc có tên ZMapp có những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, để đưa loại thuốc này ra điều trị rộng rãi sẽ phải mất ít nhất 6 tháng vì còn phải trải qua điều trị thử nghiệm với số lượng lớn hơn.

Các trường hợp mắc mới, chết vẫn tiếp tục được báo cáo tại 4 nước (Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone). Đặc biệt ở Nigeria - nước mới ghi nhận ca bệnh hôm 27/7 vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới và tử vong.

Trong hai ngày 5-6/8, thế giới đã ghi nhận thêm 68 ca mắc mới với 29 trường hợp tử vong tập trung chủ yếu tại 2 nước là Liberia và Sierra Leone. Như vậy, từ tháng 12/2013 đến nay, con số tử vong do virus Ebola đã là gần 1.000, với số mắc ghi nhận là khoảng 1.800 ca. Sự bùng phát của virus gây sự hoảng sợ trong nhân viên y tế tại Liberia khiến một số bệnh viện, phòng khám phải đóng cửa. 

Tuyết Nhung (TH)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý