Nắng nóng: BV tuyến trên ‘căng thẳng’, tuyến dưới ‘nhàn tênh’

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Nắng nóng: BV tuyến trên ‘căng thẳng’, tuyến dưới ‘nhàn tênh’

Khảo sát của PV báo Người Đưa Tin tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, số lượng bệnh nhân nhập viện những ngày qua tăng khoảng 10 – 15%.

03/07/2015 05:06 PM
310

   - Ảnh 1

Nhiều phụ huynh chờ làm thủ tục khám bệnh cho con tại khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai trưa 3/7. Ảnh: Thành Long

Tin tức, nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C những ngày qua ở Hà Nội và các tỉnh lân cận khiến số người già, trẻ nhỏ nhập viện gia tăng với những bệnh liên quan tới huyết áp, tim mạch (ở người già), viêm phổi, viêm màng não, say nóng (ở trẻ em) ...

Căng thẳng bệnh viện tuyến trên

Theo ghi nhận của Phóng viên báo Người Đưa Tin tại bệnh viện Bạch Mai, những ngày qua, số lượng trẻ em nhập viện tăng khá mạnh, nhiều phòng bệnh phải nằm ghép vì không có đủ số giường nằm cho bệnh nhân. Theo chia sẻ của bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai) thì: “Những ngày qua số lượng trẻ em nhập viện tăng khoảng 10% so với những ngày thường với những triệu chứng bệnh phổ biến là say nóng, các bệnh liên quan tới hô hấp, viêm màng não, mụn nhọt, ngoài da, nhiễm trùng huyết… Trung bình một ngày khoa Nhi tiếp nhận từ 15 tới 20 cháu nhập viện điều trị, trong khi đó số lượng các cháu tới khám khoảng 200 người/ngày”.

Cũng theo chia sẻ của bác sỹ Dũng, những ngày vừa qua, số trẻ đến khám vì các bệnh lý đường hô hấp chiếm hơn 50% tổng số trẻ đến khám. Trong đó có nhiều trường hợp ốm sốt do say nóng. “Biểu hiện của tình trạng này chỉ là sốt nên chỉ cần cách ly khỏi môi trường nắng nóng là hết, do đó không phải nhập viện điều trị. Đây cũng là lý do mà tuy số người đến khám đông nhưng số lượng trẻ phải nhập viện điều trị không quá cao” – bác sỹ Dũng nói thêm.

Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Linh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Do phải đi làm nên tôi gửi cháu ở điểm trông giữ trẻ trong khu tập thể. Phòng chỉ rộng 25 m2 nhưng có tới gần chục cháu ở đấy. Không hiểu người ta có bật điều hòa hay không mà lúc sáng tôi đi làm cháu vẫn bình thường. Ấy vậy mà chiều tối người trông lại điện cho tôi bảo cháu bị sốt 39 độ. Quá lo lắng nên tôi cho cháu vào viện khám xem thế nào, rất may các bác sỹ bảo cháu chỉ bị say nóng mà thôi”.

   - Ảnh 2

Nắng nóng khiến nhiều trẻ em phải nhập viện (ảnh minh họa)

Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, người già cũng là đối tượng rất dễ bị tổn thương. Ghi nhận tại viện Lão khoa Trung ương, mỗi ngày có 150 - 200 bệnh nhân cao tuổi đến khám ngoại trú (tăng 10 - 20 bệnh nhân so với thời tiết bình thường) và phần lớn bệnh nhân ở độ tuổi 60 – 70. Theo thông tin chia sẻ từ bác sỹ Vũ Thị Thanh Huyền, Phó trưởng khoa Khám bệnh (viện Lão khoa Trung ương) thì: “Tình trạng nắng nóng kéo dài trong thời gian qua khiến bệnh nhân đến khám gia tăng đáng kể. Số bệnh nhân tới khám chủ yếu về các bệnh liên quan tới huyết áp, tim mạch … Do thời tiết quá nóng bức nên nhiều người lạm dụng các phương tiện làm mát không khoa học nên dẫn tới tình trạng bị sốc nhiệt do thay đổi môi trường đột ngột. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tai biến mạch máu não rất cao và người có tuổi cần phải hết sức lưu ý”.

Bác Nguyễn Quốc Tuấn (62 tuổi, đường Trần Phú, Q, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Thời tiết mấy hôm nay quá nóng bức nên tôi cũng không dám ra đường tập thể dục như mọi khi. Tuy nhiên từ buổi trưa tôi bị đau đầu và bị choáng, đứng lên ngồi xuống là hoa mày, chóng mặt. Rất hiếm khi tôi bị như vậy nên gia đình khá lo lắng nên đã đưa tôi vào viện khám. Sau khi bác sỹ thăm khám đã kết luận tôi bị tăng huyết áp và cho thuốc về uống”.

Thưa vắng bệnh viện tuyến dưới

Trái ngược với không khí đông đúc của các bệnh viện tuyến trên, số người tới khám bệnh liên quan tới nắng nóng tại các bệnh viện tuyến dưới lại khá thưa vắng. Ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin tại khoa Khám bệnh và khoa Cấp cứu (Bệnh viện Hà Đông) số người tới khám mấy ngày qua không đông và cảnh chầu chực chờ tới lượt khám là không thấy xuất hiện.

Một lãnh đạo của khoa Cấp cứu (Bệnh viện Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Mấy ngày qua, số người nhập viện điều trị những bệnh liên quan tới nắng nóng tại bệnh viện chúng tôi không tăng, thậm chí có phần thưa thớt. Tôi biết ở những bệnh viện tuyến trên số người tới thăm khám tăng khá mạnh và áp lực đối với đội ngũ bác sỹ là rất cao. Trong khi đó với những bệnh thông thường như say nóng, những bệnh liên quan tới hô hấp… chúng tôi hoàn toàn có thể xử lý tốt và tư vấn cho người dân cách phòng tránh”.

Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cũng khuyến cáo: “Đối với những triệu chứng thông thường như trẻ nhỏ bị sốt mà nghi do say nóng hoặc huyết áp tăng ở người già thì mọi người hoàn toàn có thể vào các bệnh viện tuyến dưới để thăm khám, điều trị. Điều này vừa tiết kiệm được thời gian, công sức cho mọi người. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay thì người già, trẻ nhỏ ra đường rất nguy hiểm nên giảm được quãng đường di chuyển là tốt nhất. Hơn nữa việc này sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và chất lượng khám, điều trị đều tốt hơn”.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, việc cần làm đầu tiên là người dân nên tự bảo vệ mình. Bác sĩ Nguyễn Đông Hải, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tư vấn: “Mọi người nên hạn chế ra ngoài trời nắng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10h sáng đến 4h chiều. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời. Mọi người cũng nên mặc quần áo thoáng mát, tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả và đặc biệt cần uống nhiều nước, uống thành nhiều lần trong ngày”.

Cách cấp cứu người bị say nắng

Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Nếu thấy người nào đó phơi nắng lâu dẫn đến mệt mỏi, ngất xỉu hoặc nói năng lộn xộn thì việc cần làm là đưa ngay người đó vào bóng râm hoặc môi trường có điều hòa, cởi bỏ bớt quần áo. Trường hợp bệnh nhân nóng sốt thì làm mát bằng quạt, đắp khăn ướt, dội nước lên người, áp túi nước đá vào các vùng có nhiều mạch máu để nhanh chóng hạ nhiệt; sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Phạm Thiệu

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý