"Nếu không yêu trẻ, sinh viên hãy mạnh dạn bỏ ngành mầm non!"

nganha nganha @nganha

"Nếu không yêu trẻ, sinh viên hãy mạnh dạn bỏ ngành mầm non!"

(GDVN) Làm nghề này cần phải có cái tâm, phải yêu thương trẻ em. Nếu không yêu mến trẻ thì học sinh phổ thông không nên thi vào ngành này.

22/12/2013 01:43 AM
832

Tiến sĩ Trịnh Xim, Trưởng khoa Giáo dục mầm non thuộc trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương nhấn mạnh.

Ngày 17/12 vừa qua, đoạn video clip dài gần 10 phút ghi lại cảnh “tra tấn” trẻ em mầm non một cách tàn nhẫn của các “bảo mẫu” tại nhà giữ trẻ tư nhân Phương Anh (ở số 18, đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP. HCM) đã gây “choáng váng” đối với các bậc phụ huynh và toàn thể xã hội.

Theo đó, thay vì dịu dàng chăm sóc cho từng bữa ăn, giấc ngủ của mỗi đứa trẻ thì các “bảo mẫu” ở đây lại trông nom bằng những cách của riêng mình, đó là: bóp cổ, dúi đầu, tát bốp bốp vào mặt, vai, lưng, mông các bé khi các bé biếng ăn, hay bắt các bé nuốt thức ăn bị ói, thậm chí là dốc ngược đầu một bé trai rồi dọa thả vào thùng nước khi cháu này không nuốt kịp những thìa thức ăn mà cô đưa lia lịa vào miệng…

Một em bé phải giơ cánh tay yếu đuối lên đỡ cái "dúi đầu" của nhân viên nhà trẻ Phương Anh.

Khi cơ quan Công an vào cuộc, người ta lại càng choáng váng hơn khi biết được một trong những “bảo mẫu” có hành vi vô nhân tính nói trên lại là người đã sở hữu bằng Đại học loại Khá, chuyên ngành mầm non. Người bảo mẫu có trình độ cử nhân này cũng chính là bà chủ của nhà giữ trẻ Phương Anh.

Qua sự việc “chấn động” này, phóng viên Báo Giáo Dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với một số cán bộ thuộc Khoa Giáo dục mầm non thuộc trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội). Đây được coi là một trong những “cái nôi” đào tạo giáo viên mầm non lớn nhất miền Bắc.

Một sự xúc phạm trong ngành mầm non

Tại buổi trao đổi, T.S Trịnh Xim (Trưởng khoa Giáo dục mầm non) và bà Trần Thị Hằng (Phó khoa Giáo dục mầm non) đã chia sẽ nhiều vấn đề liên quan đến công tác đào tạo giáo viên mầm non hiện nay, qua đó lý giải tại sao lại xuất hiện những bảo mẫu như bà chủ nhà trẻ Phương Anh nói trên.

Trưởng khoa và Phó khoa Giáo dục mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cũng đã đưa ra một số lời khuyên cho các bậc phụ huynh liên quan đến cách phát hiện con mình bị đối xử bạo lực để kịp thời ngăn chặn hành vi này.

Với tư cách là một người có nhiều năm trong nghề, tâm huyết với công tác giáo dục mầm non, T.S Trịnh Xim cho biết, bà có cảm giác “nghẹt thở” khi xem nội dung video clip bạo lực của các bảo mẫu nhà trẻ Phương Anh nói trên.

Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương là nơi đào tạo giáo viên mầm non lớn ở phía bắc.

“Lần đầu tiên xem video đó, tôi có cảm giác nghẹt thở và buồn vô cùng. Đó là một hạt sạn to và có thể nói đó là sự xúc phạm đối với nghề giáo dục mầm non,” bà Xim chia sẻ.

Lý giải về những hành động nhẫn tâm của các giáo viên tại nhà trẻ Phương Anh, bà Xim cho rằng, mặc dù bà chủ nhà trẻ này được đào tạo qua trường Đại học, nhưng người này lại thiếu đi cái tâm với nghề, thiếu tình yêu thương đối với trẻ nhỏ.

Đó là yếu tố khách quan, còn về chủ quan, việc nuôi dạy, trông giữ trẻ em không phải là việc đơn giản. Đôi khi các cháu bé hay kêu khóc, biếng ăn…khiến những cô giáo kia bực bội. Trong trường hợp này, vì không có lòng yêu mến trẻ, vì không biết cách kiềm chế cảm xúc mà các cô giáo đã có hành vi nhẫn tâm như vậy.

Theo bà Xim, giáo viên mầm non là một nghề đặc biệt. Làm nghề này cần phải có cái tâm, phải yêu thương trẻ em. Nếu không yêu mến trẻ thì học sinh phổ thông không nên thi vào ngành này, thậm chí, các sinh viên đang theo học cũng nên chuyển sang học nghề khác sẽ thành công hơn.

Bà Xim cho biết, mỗi năm khoa Giáo dục mầm non của trưởng Cao đẳng Sư phạm Trung ương tiếp nhận trên dưới 4 nghìn sinh viên. Trong số đó, có một số sinh viên theo học không phải vì đam mê với nghề mà vì định hướng của gia đình hoặc các lý do khác.

TS Trịnh Xim - Trưởng khoa Giáo dục mầm non, trường CĐ Sư phạm Trung ương

“Đối với các sinh viên này, chúng tôi luôn trò chuyện thẳng thắn với các em. Tôi khuyên tằng, nghề này sự yêu nghề, lòng mến trẻ phải đặt lên hàng đầu. Nếu không có điều đó sẽ rất khó làm được. Giờ các em đang học giữa chừng, nếu các em cảm thấy nghề nghiệp này không phù hợp với các em thì các em nên chuyển sang học nghề khác.”, bà Xim nói.

Qua trường lớp chưa chắc đã là “cô nuôi dạy trẻ” tốt

Cùng quan điểm với TS Trịnh Xim, bà Trần Thị Hằng cho biết, nhiều người nhìn bề ngoài thì có vẻ rất phù hợp với công việc nuội dạy trẻ mầm non. Tuy nhiên, họ lại có khí chất nóng nảy, đôi khi không thể kiềm chế được bản thân nên không thể làm nghề này được.

Nói về sự khác biệt giữa lý thuyết được đào tạo trong trường lớp và công việc khi ra làm thực tế, bà Hằng cho hay: Đối với các sinh viên, trước khi ra trường bao giờ cũng trải qua một thời gian thực tập thực tế nhất định. Tuy nhiên, môi trường thực tập và khi làm việc thực tế không giống nhau.

Khi đi thực tập tại các trường mầm non, các sinh viên thường có giảng viên hướng dẫn, có cán bộ trường mầm non nơi thực tập kiểm tra giám sát nên các sinh viên khó để xảy ra những sự việc bộc phát đáng tiếc. Khi ra trường đi làm thực tế, môi trường thay đổi, phải trực tiếp nuôi dạy nhiều trẻ em với tính cách khác nhau, nếu giáo viên nào không có tình yêu đối với trẻ sẽ rất dễ được bộc lộ.

Điều này lý giải tại sao, dù có bằng cử nhân chuyên ngành mầm non, nhưng bà chủ nhà trẻ Phương Anh nói trên vẫn cùng nhân viên của mình hành hạ những đứa trẻ thơ vô tội.

Phó khoa Giáo dục mầm non, trường CĐ Sư phạm Trung ương trao đổi với phóng viên.

Theo lãnh đạo khoa Giáo dục mầm non, trường Cao đẳng sư phạm Trung ương, hiện các trường mầm non tư thục ở nước ta đang được thành lập ngày càng nhiều. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục tại các quận, huyện lại còn thiếu. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến việc xuất hiện các điểm trông giữ trẻ nhưng không có giấy phép và xảy ra hành vi bạo lực đối với trẻ em như trường hợp của nhà trẻ Phương Anh.

Làm thế nào phát hiện trẻ em bị “bảo mẫu” ngược đãi?

Theo TS Trịnh Xim, có nhiều cách để các bậc phụ huynh phát hiện con mình có bị giáo viên ngược đãi hay không. Trong đó, mỗi ngày các ông bố, bà mẹ nên dành một khoảng thời gian nhất định để chia sẻ, quan sát xem có những biểu hiện tâm lý nào khác thường hay không.

Trẻ em không biết nói dối, nếu được cô giáo yêu thương thì các cháu lúc nào cũng vui tươi và không ngừng nhắc tới cô. Tuy nhiên, nếu bị ngược đãi, biểu hiện sợ hãi sẽ thể hiện rõ ngay trên khuôn mặt.

“Khi tới lớp các phụ huynh hãy để ý xem ánh mắt con mình có sợ hãi hay không. Nếu cô giáo cứ tươi cười tiến đến, nhưng các cháu lại đi lùi về phía sau, hoặc thu người lại, nắm chặt lấy tay bố mẹ thì có thể các em đang có vấn đề với giáo viên,” TS Xim cho biết.

Cũng theo TS Xim, để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc như tại nhà trẻ Phương Anh, khi tuyển dụng giáo viên, lãnh đạo các trường mầm non cần dựa vào kinh nghiệm nghề nghiệp, cảm quan của mình để xác định xem ngoài trình độ chuyên môn, người giáo viên đó có đạo đức nghề nghiệp, có tình yêu thương với trẻ nhỏ hay không.

Về một số kỹ năng chăm sóc cho trẻ, theo bà Xim, các giáo viên có lương tâm nghề nghiệp cần phải coi các cháu bé như chính con của mình. Các “cô nuôi dạy trẻ” cần trao đổi với chính các bậc phụ huynh để nắm bắt tâm lý, nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ của trẻ. Phải tạo cho trẻ tâm lý thoải mái, trẻ muốn ăn, nếu cứ ép để các cháu “ăn trong nước mắt” thì cũng không có ý nghĩa gì thậm chí còn phản tác dụng./.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý