Nga-Mỹ 'đấu nhau', Trung Quốc đắc lợi

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Nga-Mỹ 'đấu nhau', Trung Quốc đắc lợi

Trừng phạt lẫn nhau khiến cả Nga và phương Tây khốn đốn trong khi Trung Quốc hưởng lợi.

30/08/2014 09:32 AM
1,228

Nga hụt hơi

Ngày 26/8, giới chức Nga cho biết nền kinh tế nước này đang trên bờ vực suy thoái do các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã hạ mức tăng trưởng của Nga xuống rất thấp và khiến lạm phát ở nước này gia tăng.

Truyền thông Nga dẫn lời ông Oleg Zasov, quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo kinh tế vĩ mô thuộc Bộ Phát triển Kinh tế Nga thừa nhận: "Nền kinh tế Nga đang trên bờ vực suy thoái".

Bộ Phát triển Kinh tế Nga đã dự báo tăng trưởng kinh tế là 0,5% trong năm nay, rất thấp so với mức 1,3% trong năm 2013. Đầu tháng 8, Cơ quan Thống kê Nga thông báo rằng nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 0,8% trong quý II so với cùng kì năm ngoái.

Số liệu điều chỉnh theo mùa chưa chính thức được công bố, tuy nhiên số liệu này có thể cho thấy Nga đã rơi vào trạng thái suy thoái kĩ thuật khi tăng trưởng kinh tế giảm 0,5% trong 3 tháng đầu năm.

  - Ảnh 1

Tổng thống Mỹ B. Obama (trái) và Tổng thống Nga V. Putin.

Một tháng trước, Nga vẫn dự đoán tăng trưởng kinh tế là 1% khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với nước này. Tuy nhiên, hiện nay Nga đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 xuống còn một nửa.

Tuy nhiên, giới chức Bộ Tài chính Nga cho rằng dự báo kinh tế hàng năm của Bộ Phát triển Kinh tế là quá lạc quan và mức tăng trưởng năm nay nhiều khả năng sẽ gần bằng 0.

Tháng trước, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc đối với Nga, trong đó có việc hạn chế Nga tiếp cận thị trường tài chính phương Tây, với lí do Moskva có những động thái gây mất ổn định tình hình Ukraine.

Để trả đũa, Nga ra lệnh cấm nhập khẩu các loại thực phẩm từ Mỹ, Liên minh Châu Âu và nhiều quốc gia khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.

Theo đánh giá của các chuyên gia Nga, ngành nông nghiệp nước này sẽ cần thêm một khoản đầu tư khoảng 18 tỷ USD để tăng sản lượng thực phẩm đáp ứng nhu cầu nội địa. Trong khi chính phủ Nga muốn các công ty trong nước tăng cường đầu tư nhằm giảm sự phụ thuộc của Nga vào phương Tây, hạn mức tín dụng đã cản trở hoạt động cho vay của các ngân hàng Nga, đồng thời, nhu cầu nội địa suy yếu đã bóp nghẹt đà tăng trưởng.

Ngoài ra, Nga cũng đang hứng chịu hậu quả từ làn sóng rút vốn của nước ngoài. Dự báo số vốn được đưa ra khỏi Nga sẽ tăng 10 tỷ USD, lên mức 100 tỷ USD trong năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu ước tính sẽ giảm 8% trong năm nay, gấp đôi mức dự báo trước đó.

  - Ảnh 2

Giá rau quả, thực phẩm tại Nga bắt đầu tăng.

Tầng lớp trung lưu Nga đã lo ngại lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm sẽ khiến giá cả tăng cao. Nỗi lo này đã được đề cập đến trong dự báo lạm phát mới nhất của Bộ Phát triển Kinh tế. Dự báo lạm phát năm nay đã tăng từ 6% lên 7,2% và dự báo cho năm 2015 tăng từ 5% lên 6,5%.

Nga đã đạt tỷ lệ tăng trưởng 7-8% trong một thập kỉ vừa qua, hai nhiệm kì đầu dưới quyền Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, nền kinh tế nước này đã phát triển chậm lại trước khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng nổ.

Một số nhà phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt cũng tạo nên hiệu quả tích cực khi chúng phơi bày những điểm yếu của nền kinh tế Nga, đồng thời thúc đẩy chính phủ Nga hành động.

Ông Alexei Mukhin, Giám đốc Trung tâm Thông tin Chính trị nhận định: "Tôi nghĩ rằng các biện pháp trừng phạt đang đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác cho rằng nền kinh tế Nga đang ở trong giai đoạn khó khăn. Ông Igor Nikolayev, Giám đốc Viện Phân tích Chiến lược thuộc công ty kiểm toán tư nhân FBK nói: "Suy thoái sẽ không gây nên những thiệt hại nghiêm trọng tức thời mà dần dần gây ra những tổn thương to lớn hơn như các cuộc khủng hoảng". Ông Igor cũng dự báo tình hình sẽ còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng trước đó, khi Tổng Sản phẩm Quốc nội của Nga giảm gần 8% trong năm 2009.

Trung Quốc đắc lợi

Ở chiều ngược lại, giới phân tích cũng đánh giá các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga hiện nay không chỉ gây thiệt hại trong ngắn hạn đối với Moskva mà ngay cả phương Tây cũng sẽ chịu hậu quả.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang khiến Nga cùng một số quốc gia khác liên kết chặt chẽ hơn với nhau hơn và khiến vai trò của đồng bạc xanh bị suy yếu. Trong khi đó, Trung Quốc với sức mạnh kinh tế đang lên tận dụng cơ hội để thiết lập vị thế lớn hơn cho đồng nhân dân tệ.

  - Ảnh 3

Trừng phạt Nga khiến đồng USD suy yếu.

Đối với Mỹ, hậu quả trong dài hạn của các biện pháp trừng phạt do chính Mỹ đang áp đặt có thể rất lớn, chí ít là làm xói mòn khả năng của Washington trong việc kiểm soát hệ thống tài chính toàn cầu.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 2007-2008, Mỹ đã giảm lãi suất và tăng cung tiền, giúp giá hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên rẻ hơn và các nước nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ phải chi nhiều hơn.

Với đồng USD giữ vai trò là đồng tiền dự trữ chủ chốt của thế giới, Washington có thể thao túng hệ thống tài chính toàn cầu và ngăn chặn các nước khác giao dịch bằng đồng USD. Tuy nhiên, tình trạng này nhiều khả năng sẽ chấm dứt trong tương lai.

Khả năng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi đồng nhân dân tệ thay thế đồng USD trong hệ thống thanh toán toàn cầu.

Ông Alastair Macleod thuộc GoldMoney, một hãng hàng đầu trên thị trường kim loại quý, nhận xét: "Các động thái gần đây cho thấy dường như Trung Quốc đang chuẩn bị cho sự sụp đổ của đồng USD, ít nhất là với tư cách đồng tiền dự trữ của thế giới".

Một số quốc gia trên thế giới hiện đã chuyển sang giao dịch bằng các đồng tiền khác. Gần đây, các công ty khai thác mỏ của Australia đã chuyển sang giao dịch bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Khi đồng USD suy yếu, điều chắc chắn là vị thế của Mỹ trong hệ thống tài chính quốc tế sẽ bị mai một, khiến các nước đang phát triển sẽ dễ dàng hơn trong việc "di chuyển" ra khỏi mô hình kinh tế Mỹ.

Sự suy giảm vai trò của đồng USD cũng sẽ khiến Mỹ khó khăn hơn khi áp đặt các biện pháp trừng phạt trong tương lai.

  - Ảnh 4

Các nhà lãnh đạo BRICS tại Brazil hồi tháng 7/2014.

Nhóm BRICS - tổ chức chiếm gần 1/4 Tổng Sản phẩm Quốc gia (GNP) của thế giới và 40% dân số thế giới - đã không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS gần đây ở Fortaleza (Brazil), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói: "Chúng ta nên cùng nhau suy nghĩ về một hệ thống các biện pháp có thể giúp ngăn chặn sự quấy rối đối với các nước không đồng ý với một số quyết định của Mỹ và đồng minh của họ".

Đối với EU, dù có trừng phạt Nga song chưa đến mức độ mà Mỹ đã áp đặt. Trao đổi thương mại giữa EU và Nga là một phần quan trọng của kinh tế của châu Âu, trong khi thương mại giữa Nga và Mỹ là rất nhỏ.

Tuy nhiên, về lâu dài, EU có thể hối tiếc khi đã hùa theo Mỹ trừng phạt Nga. Ngành công nghiệp của Đức đã bị một cú sốc lớn khi kim ngạch thương mại với Nga giảm 20% (từ 1/2014 đến 5/2014).

Việc Nga cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của EU đã khiến Ba Lan, Litva, Đức, Đan Mạch, Latvia, Phần Lan và Hà Lan bị thiệt hại nghiêm trọng. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, ông Mario Draghi, đã cảnh báo rằng sự phục hồi hiện nay của EU là hết sức mong manh và các biện pháp trừng phạt có thể đẩy khối này một lần nữa rơi vào suy thoái.

Khi cả Nga, Mỹ và EU còn đang “túi bụi” với những đòn trừng phạt lẫn nhau thì kẻ đứng ngoài như Trung Quốc sẽ đắc lợi. Không chỉ hả hê trước những món hời như khí đốt, dầu mỏ và vũ khí của Nga hay việc bán được “táo Tàu” với giá cắt cổ, Trung Quốc còn giành được nhiều lợi thế về mặt chiến lược.

Theo báo Đất Việt

Xem thêm video clip : Clip: Nguy cơ lớn mạnh của lực lượng nhà nước Hồi giáo IS

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý