Ngân hàng để ATM hết tiền sẽ bị phạt 15 triệu: Chuyện nhỏ!

ban ban @ban

Ngân hàng để ATM hết tiền sẽ bị phạt 15 triệu: Chuyện nhỏ!

Từ hôm nay 12/12, ngân hàng để xảy ra tình trạng ATM hết tiền sẽ bị phạt 15 triệu đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, số tiền phạt đó chắc chắn ngân hàng đáp ứng được và không phải là cảnh cáo lớn đối với các ngân hàng.

12/12/2014 07:00 AM
2,294

Cũng liên quan đến chất lượng ATM, NHNN vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng đảm bảo chất lượng ATM dịp cuối năm để phục vụ bà con ăn Tết Ất Mùi 2015.

Vào dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm, thanh toán, chi lương thưởng... tăng mạnh. Đây là thời điểm người dân có nhu cầu rút tiền hoặc thực hiện các giao dịch qua ATM nhiều nhất. Tuy nhiên, đây cũng thời điểm ATM thường xuyên bị nghẽn mạng, sập mạng, gặp vấn đề về sự cố đường truyền, hết tiền... gây nhiều bức xúc cho người dân.

Để nâng cao chất lượng ATM, vừa qua, NHNN đã ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Thông tư có hiệu lực từ ngày mai (12/12) quy định, ngân hàng nào để máy giao dịch tự động (ATM) hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng sẽ bị phạt lên đến 15 triệu đồng.

Ngoài ra, mức tiền phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng cũng được áp dụng đối với các hành vi như: để máy ATM ngừng hoạt động 24 giờ không thông báo; lắp đặt, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động của máy giao dịch tự động không đúng quy định; đặt máy tại nơi có hệ thống điện không đáp ứng quy định để máy giao dịch tự động nuốt thẻ của khách hàng khi mất điện đột ngột; không đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống máy giao dịch tự động; không duy trì hoạt động bộ phận hỗ trợ khách hàng để khách hàng liên hệ bất cứ lúc nào…

 - Ảnh 1

Ngân hàng để xảy ra tình trạng ATM hết tiền sẽ bị phạt 15 triệu đồng. (Ảnh minh họa).

Cũng để nâng cao chất lượng ATM dịp cuối năm, mới đây, NHNN đã ban hành văn bản số 8966/NHNN-TT, yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về việc thu phí dịch vụ thẻ; các quy định về trang bị, quản lý, vận hành đảm bảo an toàn hoạt động ATM. Đồng thời yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tăng cường hoạt động tiếp quỹ đáp ứng nhu cầu rút tiền, giao dịch ATM của người dân.

Cụ thể, NHNN yêu cầu các TCTD cung ứng dịch vụ ATM, POS giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ ATM, tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời, không để các máy ATM hết tiền quá thời hạn quy định nhằm đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch tăng lên vào dịp cuối năm; có biện pháp phù hợp trong việc cung ứng dịch vụ chi trả lương, thưởng cuối năm cho các doanh nghiệp nhằm hạn chế tình trạng quá tải ATM.

Thứ hai, phải phối hợp chặt chẽ với tổ chức chuyển mạch thẻ để xử lý kịp thời các sự cố, khiếu nại, thắc mắc của khách hàng, đảm bảo các giao dịch ATM, POS được thông suốt trong thời gian quyết toán.

Thứ ba, tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, bảo mật cho hệ thống ATM, POS; có hình thức cảnh bảo thích hợp cho các đơn vị chấp nhận thẻ và khách hàng nâng cao cảnh giác với các hoạt động tội phạm sử dụng thẻ gia tăng mạnh vào dịp cuối năm.

Thứ tư, xử lý kịp thời, thỏa đáng các phản ánh của dư luận về những vấn đề phát sinh đối với hoạt động ATM, POS của đơn vị mình.Tại văn bản này, NHNN cũng yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ đạo các TCTD có trang bị, lắp đặt máy ATM trên địa bàn chú trọng đến các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ ATM, công tác bảo vệ máy ATM, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật giao dịch ATM, tăng cường hoạt động tiếp quỹ nhằm đáp ứng nhu cầu rút tiền, giao dịch ATM của người dân.

NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cần chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình dư luận, các vụ việc trên địa bàn liên quan đến chất lượng dịch vụ ATM được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chính để chỉ đạo các TCTD nhanh chóng phản hồi, xử lý ngay tại địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm về hoạt động thẻ ngân hàng.

 - Ảnh 2

Theo các chuyên gia tài chính, số tiền phạt đó chắc chắn ngân hàng đáp ứng được và không phải là cảnh cáo lớn đối với các ngân hàng.

Phạt 15 triệu, ngân hàng vẫn vi phạm

Phát biểu quan điểm trên báo Khám Phá, theo luật gia Vũ Xuân Tiền, Ủy viên Ban chấp hành Hội luật gia Hà Nội, ATM là để rút tiền. Ngân hàng đặt cây ATM, bán thẻ cho khách và thu phí nhưng khi khách tới rút tiền mà không có thì không được. Như thế là ngân hàng không thực hiện đúng cam kết với khách hàng. Công nhân ở các khu công nghiệp không phải ai cũng có thể giữa giờ ra ngoài rút tiền. Khi họ không rút được tiền để đóng học cho con hay thậm chí là tiền ăn thì ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống. Ngân hàng mà để như thế thì đáng bị phạt.

Tuy nhiên, luật gia Tiền nhận định, để quy định trên mang lại hiệu quả cần có cơ chế khắt khe hơn. Nếu chỉ phạt 15 triệu thì không đủ sức răn đe vì các ngân hàng vẫn cứ làm và sẵn sàng nộp phạt. Thêm vào đó, khó có thể xác định lúc đó ATM hết tiền hay bị lỗi. Nhiều khi cây ATM hết tiền nhưng lại báo lỗi do thao tác của người rút.

Ủy viên Ban chấp hành Hội luật gia Hà Nội cho rằng lập đường dây nóng không mang lại hiệu quả. Nếu đường dây này để gọi cho Ngân hàng Nhà nước thì… “hòa cả làng”. Gọi cho cơ quan chủ quản cũng tương tự. Ông Tiền lấy ví dụ trước đây có bộ còn cho đường dây nóng của tổng cục trưởng, các doanh nghiệp có vướng mắc thì gọi ngay cho vị này nhưng vị này không bao giờ nghe vì lý do đi họp.

Luật gia Tiền nhận định, quy định trên là một lời răn đe. Để cây ATM hoạt động hiệu quả hơn là phải xuất phát từ ý thức của mỗi ngân hàng. Ngân hàng nào không vì chữ tín mà gây nhiều khó khăn cho khách thì tự khách hàng sẽ rời bỏ mình.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, thành viên HĐQT Ngân hàng An Bình cho rằng nếu ngân hàng để ATM thường xuyên hết tiền mà không điều chỉnh thì đáng bị phạt. Tuy nhiên, phạt 15 triệu đồng là rất nhỏ so với vi phạm cố tình của ngân hàng. Số tiền đó chắc chắn ngân hàng đáp ứng được và không phải là cảnh cáo lớn đối với các ngân hàng. Chưa tính việc xử phạt cũng khó khăn, qua nhiều tiến trình điều tra.

Ông Hiếu cho biết, đầu tư một cây ATM tốn kém rất nhiều. Nguyên máy ATM mất ít nhất 20.000 USD/máy. Tiền bảo trì thường xuyên tại cây ATM và hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng, nhân viên tiếp tiền… Những lệ phí ngân hàng thu từ khách không bù cho được số tốn phí này nên không có chuyện ngân hàng cố tình bỏ thiếu tiền để làm lợi cho mình mà có thể do ngân hàng cẩu thả, không tính toán để cung ứng tiền đủ hoặc không bảo hành ATM cẩn thận.

Theo chuyên gia ngân hàng này, khi rút tiền liên ngân hàng, nhiều khi khách phải rút 2 lần cho một số tiền không nhiều. Nghiễm nhiên ngân hàng thu phí 2 lần. Mục tiêu chủ yếu của việc này là tạo sự an toàn, hạn chế rủi ro cho tài khoản chứ không phải vì mục đích thu phí.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý