Ngân hàng giảm lãi suất cho vay: Tín hiệu vui cho doanh nghiệp

dinhhuong dinhhuong @dinhhuong

Ngân hàng giảm lãi suất cho vay: Tín hiệu vui cho doanh nghiệp

Gần đây, một số ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và đây được xem là một tín hiệu đáng mừng, tạo cú huých cho cộng đồng DN.

21/10/2016 04:15 PM
747

Hồi tháng 4/2016, tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kích nền kinh tế phát triển. Sau đó gần 6 tháng, các ngân hàng mới có thể bắt đầu thưc hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng.

“Ông lớn” ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay

Theo thông báo của Vietcombank, kể từ ngày 15/10/2016, ngân hàng này thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Năm lĩnh vực ưu tiên gồm: Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; Phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, tất cả các khoản vay ngắn hạn tại Vietcombank hiện còn dư nợ trên 6%/năm sẽ được điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm. Mức điều chỉnh này giảm sâu 1%/năm so với mặt bằng hiện nay. Các khoản cho vay ngắn hạn mới sẽ được áp dụng lãi suất tối đa là 6%/năm.

Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, lãi suất cho vay các khoản vay ngắn hạn hiện còn dư nợ trên 6%/năm sẽ được điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm. Các khoản cho vay ngắn hạn mới sẽ được áp dụng lãi suất tối đa là 6%/năm. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sử dụng tổng thể các sản phẩm dịch vụ của Vietcombank, sẽ được Vietcombank xem xét điều chỉnh giảm sâu hơn. Thời gian hưởng lãi suất là từ 15/10/2016 đến 31/12/2016.

Ngân hàng giảm lãi suất cho vay: Tín hiệu vui cho doanh nghiệp

Động thái giảm lãi suất cho vay của một số ngân hàng hiện nay đang là tin vui với cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Internet

Sau Vietcombank, hôm 18/10/2016, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND. Cụ thể, BIDV công bố hạ lãi suất cho vay 1%/năm xuống còn tối đa 6% đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Mức lãi suất giảm tương ứng là 1%/năm so với mặt bằng hiện nay.

Ngoài ra, BIDV cũng áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn VND tối đa 6%/năm đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, doanh nghiệp có quan hệ tín dụng thường xuyên từ 3 năm trở lên và có năng lực tài chính, vốn tự có tham gia phương án sản xuất kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung, BIDV áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn VND tối đa 5,5%/năm.

Ngoài Vietcombank và BIDV, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã có động thái rà soát và giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, giảm từ 1%/năm đến 1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới, ưu tiên các khoản cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn và các DN vừa và nhỏ.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đã giảm lãi suất cho vay, tối đa từ 11,5%/năm (lãi suất hiện hành) xuống 10,5%/năm, giảm 1%/năm.

Đã đến thời điểm giảm lãi suất

Mục tiêu giảm lãi suất cho vay đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến ngay từ tháng 4/2016 tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo lý giải của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, ở thời điểm đầu năm, trên thị trường xuất hiện xu hướng một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Khi lãi suất huy động tăng thì rất khó để giảm lãi suất cho vay.

Mọi hy vọng về việc giảm lãi suất cho vay chỉ hé mở vào cuối tháng 9/2016 khi 4 ngân hàng gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3-0,5%/năm.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã điều hành theo hướng điều tiết lượng vốn khả dụng của hệ thống một cách hợp lý, tức là cho phép hệ thống dư thừa thanh khoản, cho phép lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Việc này để các tổ chức tín dụng nếu gặp khó khăn về thanh khoản có thể dễ dàng tiếp cận trên thị trường liên ngân hàng, không quay ra cạnh tranh lãi suất huy động từ thị trường 1. Và việc các ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động là cơ sở để lãi suất cho vay giảm.

Cùng với tín hiệu của việc giảm lãi suất huy động, trên thị trường tiền tệ ba tháng gần đây, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm xuống mức thấp kỷ lục, cho thấy dư thừa thanh khoản đang ở mức cao. Điều này cũng giúp các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc giảm lãi suất cho vay.

Phát biểu với báo giới, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết: “Cơ sở để giảm lãi suất cho vay là Vietcombank vừa giảm lãi suất huy động. Hiện, thanh khoản ngân hàng khá ổn định, đã giảm lãi suất huy động rồi nên phải giảm lãi suất tiền vay”.

Còn theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nguồn huy động dồi dào trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức vừa phải sẽ tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ nhiệt. Đây là thời điểm thích hợp để từng bước cắt giảm lãi suất cho vay, khi áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như những tháng đầu năm.

Tuy nhiên, hiện cũng còn những băn khoăn khi mức lãi suất cho vay mới giảm ở nhóm 5 lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó là câu hỏi việc giảm lãi suất sẽ duy trì trong bao lâu. Các chuyên gia cũng nhìn nhận, việc giảm lãi suất cho vay mới chỉ diễn ra tại một số ngân hàng có thanh khoản tương đối mạnh, chưa thành xu hướng chung. Bên cạnh đó, tình trạng nợ xấu cũng là một trở lực cho động thái này của các ngân hàng.

Nhưng trên tất cả, việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay dù nhiều dù ít vẫn là thông tin tốt cho doanh nghiệp. Động thái này của một số ngân hàng trong giai đoạn cao điểm sẽ tạo cú huých cho doanh nghiệp phát triển vào cuối năm và sang đầu năm 2017. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 mà Chính phủ đã đề ra.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý