Ngày 19/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trả lời chất vấn

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Ngày 19/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trả lời chất vấn

Theo dự kiến, ngày 19/11 Quốc hội sẽ tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, trong đó có Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.

19/11/2014 08:31 AM
784

Ngày 19/11, Quốc hội sẽ tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu. Sau đó, Quốc hội sẽ dành một ngày để nghe Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trả lời chất vấn.

Nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền sẽ tập trung vào thực trạng và giải pháp giải quyết việc doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật lao động (nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương...) ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; Tình hình và công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Thực trạng thất nghiệp hiện nay, cũng như giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu.

Trong những nhóm vấn đề này, nhiều cử tri đặc biệt quan tâm đến tình trạng thất nghiệp ngày một gia tăng, trong đó đáng chú ý là thất nghiệp đối với lao động có trình độ Đại học, Cao đẳng.

Ngoài ra, Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Nội vụ, Công an, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.

Theo tin tức trước đó, trong phiên trả lời chất vấn chiều 18/11, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết hiện nay, ngành giao thông có nhiệm vụ đột phá phát triển hạ tầng nhưng do Chính phủ tái đầu tư công nên nguồn lực dành cho giao thông ngày một hạn chế. Ngoài huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, để tạo ra đột phá nữa, Bộ nghiên cứu chuyển giao quyền khai thác hạ tầng cho các nhà đầu tư khác. Hiện đang xây dựng đề án tổng thể báo cáo Chính phủ.

Ngày 19/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trả lời chất vấn - Ảnh 1

Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 18/11.

Về việc triển khai thi công dự án qua khu dân cư, ruộng đồng, khu sản xuất của người dân ảnh hưởng đến cuộc sống, đi lại, sản xuất của người dân. Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định khi tổ chức, triển khai thi công dự án phải có sự thỏa thuận của nhà đầu tư, ban quản lý dự án, thỏa thuận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận vẫn còn một số dự án chưa đúng tiến độ, chưa thực hiện đúng với cam kết của người dân, khiến người dân bức xúc. Bộ trưởng Thăng hứa sẽ nhắc nhở, đốc thúc các dự án này thực hiện đúng cam kết, ông cũng mong người dân chia sẻ vì sự phát triển chung của đất nước. Bộ trưởng Thăng quả quyết: "Đã không hứa thì thôi, hứa là đúng như thế”.

Để nâng cao chất lượng công trình, từ đầu năm nay, Bộ đã xử lý 14 nhà thầu thi công, 5 nhà thầu tư vấn thiết kế, 10 nhà thầu tư vấn giám sát và 4 ban quản lý dự án vi phạm chất lượng, tiến độ.

Trước chất vấn của đại biểu Bạch Thị Hương Thủy về hiệu quả của đường cao tốc so với quốc lộ cũ, và việc thu phí được quy định ra sao, có làm tăng cước, Bộ trưởng Thăng cho biết, mức thu phí theo quy định của Bộ Tài chính; không phải muốn thu bao nhiêu cũng được.

Về hiệu quả của các tuyến cao tốc, Bộ trưởng Thăng cho hay, cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau khi làm xong đã thu hút rất lớn người tham gia giao thông, buộc ngành đường sắt phải khai thác thêm việc vận chuyển hàng hóa, thay vì chỉ chở người như trước đây.

“Đi đường cao tốc êm ru, có thể nghe nhạc và làm thơ. Thậm chí có nhạc sĩ khi đi trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã sáng tác bài hát”, Bộ trưởng Thăng nêu ví dụ.

Và người đứng đầu ngành Giao thông cho biết thêm, sắp tới toàn bộ hệ thống quốc lộ sẽ được thu phí tự động, xe chạy qua không cần dừng, giúp lưu thông nhanh hơn và khi đó các nhà đầu tư BOT cũng sẽ không giấu được doanh thu.

Chia sẻ về khó khăn trong việc đi lại của người dân vùng sâu, vùng xa, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, do bị cách trở sông suối, nhiều nơi người dân phải đu dây qua sông, qua sông bằng túi nylon. Bộ đã xây dựng đề án phát triển cầu treo và cầu dân sinh cho 50 tỉnh trên cả nước.

Qua khảo sát và rà soát, cả nước cần xây dựng khoảng hơn 7.800 cây cầu. Bộ đã báo cáo Chính phủ và đầu tư 186 cây cầu, ứng vốn 2015 để thực hiện, hoàn thành vào 30/6/2015. Để làm được số cầu này cần gần 12.000 tỷ, Bộ Giao thông dự kiến huy động nhiều nguồn vốn khác nhau.

Lo lắng về an toàn ở dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn: "Tuyến đường này sử dụng công nghệ của quốc gia nào, cũ hay mới. Vì sao tuyến độ quá chậm, đội vốn quá cao?"

Đại biểu này cho biết thêm, từ hôm rơi bó thép làm chết người, ông và nhiều cử tri đi trên tuyến đường này rất lo ngại. "Nếu tàu rơi xuống đất sẽ là thảm họa. Vậy Bộ trưởng có cam kết khi đưa tàu này vào khai thác có an toàn 100% hay không?", ông Đương hỏi.

Đánh giá đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm, Bộ trưởng Thăng chia sẻ, dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công, sử dụng công nghệ của Trung Quốc, nhưng là công nghệ mới nhất. Tốc độ bình quân 40 km/h, tối đa 60 km/h.

"Sau sự cố hết sức đáng tiếc vừa qua, Bộ đã xử lý trách nhiệm các bên có liên quan và cho dừng để kiểm tra từng hạng mục một, nơi nào an toàn mới cho thi công. Bộ đã quán triệt phải nghiệm thu theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi đưa vào khai thác, chúng tôi bảo đảm yếu tố an toàn là số một, sau đó mới là hiệu quả", ông Thăng cam kết.

Tuệ Lâm

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý