Ngày 30/6: Giây thứ 61 có ảnh hưởng gì đến nhân loại?

mesu mesu @mesu

Ngày 30/6: Giây thứ 61 có ảnh hưởng gì đến nhân loại?

Ngày 30/6/2015 cả thế giới sẽ được trải qua khoảnh khắc đặc biệt đó là phút cuối cùng trong ngày sẽ kéo dài 61 giây. Vậy 1 giây này có ảnh hưởng đến quy luật vận động của con người và xã hội?.

30/06/2015 09:01 PM
450

Theo tin tức đã được báo chí đưa tin trước đó vài tháng, thì vào lúc 23h59 phút 59 giây, các đồng hồ trên thế giới sẽ thêm một giây, đưa tổng số giây năm 2015 lên 31.536.001.

Đây sẽ là lần thứ 25 kể từ năm 1972, “giây nhuận” được thêm vào thời gian toàn cầu. Các đồng hồ sẽ đọc là 23:59:59 rồi nhảy sang thời khắc chưa từng được biết đến là 23:59:60, trước khi chúng ta bước sang ngày 1/7.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì 1 giây này – hay còn gọi là “giây nhuận” rất quan trọng để bù đắp những chuyển động quay chậm của Trái Đất.

1 giây có ảnh hưởng đến quy luật vận động chung của xã hội?

Để tìm hiểu về thời gian đặc biệt nói trên có ảnh hưởng như thế nào đến quy luật vận động chung của con người cũng như của xã hội, PV Báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi nhanh với Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, dịch vụ văn hóa và khoa học- công nghệ (CTCS).

Nói về giây thứ 61 sẽ xảy ra vào cuối ngày 30/6, TS. Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng: “Cách làm lịch tuân thủ theo những nguyên tắc của lịch âm và lịch dương. Lịch dương là theo vòng chuyển động của Trái Đất xung quanh mặt trời theo đường hoàng đạo là 365 1/4 còn lịch âm tức là chuyển động của Mặt Trăng theo đường hoàng đạo. Đơn vị thời gian ngày, giờ, tháng, năm là do con người tạo ra quy tắc để định vị mốc thời gian của năm tháng.

   - Ảnh 1

Theo TS. Nguyễn Hoàng Điệp giây thứ 61 trong ngày 30/6 không ảnh hưởng về mặt trật tự xã hội. Ảnh: Bạch Dương

Ví dụ như lịch can tri thì tiết khí, âm lịch, dương lịch đặc biệt là lịch 28 chòm sao đấy là loài người phát minh ra theo từng chu kỳ thời gian. Như lịch 28 chòm sao người ta cũng phát hiện ra ngôi sao từ thời Ân Thượng, sau đó hoàn thiện quan sát sự chuyển động của các vì tinh tú trên bầu trời và định vị được các thời điểm, thời gian. Do đó tôi nghĩ rằng thêm 1 giây thành giây thứ 61 nó không có đảo lộn gì đến cuộc sống của con người, cũng không ảnh hưởng về mặt trật tự xã hội, vì định vị 1 giây ấy là cũng do con người tính toán, do bố cục, cách làm lịch nên dư ra một giây đó chứ không phải một điều gì đó thần bí của tự nhiên. Tuy nhiên thời gian tính toán đấy nó có phù hợp với quy luật hoạt động của mặt trời, của mặt trăng".

Trả lời về việc con người cất tiếng khóc chào đời vào giây đó liệu có điều gì đặc biệt không TS. Nguyễn Hoàng Điệp cho biết thêm: “Hiện nay có nhiều trường phái người ta không tin về ngày giờ cất tiếng khóc chào đời của một con người, người ta cho đó là bình thường và họ cũng không tin về vấn đề chiêm tinh. Theo tôi nghĩ thì suy nghĩ của họ mình không có quyền bắt buộc. Nhưng với quan điểm của một nhà Tử vi học tôi cho rằng ngày giờ ra đời của một con người có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý, tính cách của con người đó, trong một chuỗi thời gian phát triển về sau. Ngày giờ đó là vị trí của một con người ra đời được định vị trên Trái Đất bằng một hệ tọa độ nào đó của mặt trời”.

Cũng theo lời TS. Nguyễn Hoàng Điệp, việc 1 phút cuối có thêm 1 giây trong ngày 30/6 về tâm sinh lý không quan trọng và ảnh hưởng gì lắm nhưng ở lĩnh vực khoa học chính xác thì 1 giây đó có thể có nhiều vấn đề, ví dụ như có thể ảnh hưởng đến sự cố máy tính toàn cầu đã từng xảy ra trước đó.

Tranh cãi về “giây nhuận”

Việc thêm một giây nhuận là cả một vấn đề lớn ảnh hướng đến hệ thống máy tính toàn cầu. Rất nhiều những tranh cãi đã nổ ra trước đó về việc nên hay không khi thêm một giây nhuận.

Trước đó, một số websites sẽ gặp sự cố nghiêm trọng khi thêm một giây nhuận. Tuy nhiên, Google đã nghĩ ra một cách khắc phục sự cố này. Họ sẽ dùng phương pháp được gọi là “chia nhỏ giây nhuận”. Giây bổ sung này sẽ được chia nhỏ thành những mili-giây và được thêm vào trong suốt cả ngày 30 tháng 6.

   - Ảnh 2

Đã từng nổ ra cuộc tranh cãi nên hay không nên thêm một giây nhuận (Ảnh minh họa)

Được biết, lần chỉnh sửa gần đây nhất vào ngày 30/6/2012 đã gây rối loạn cho nhiều máy chủ Internet, trong khi hệ thống đặt chỗ trực tuyến của hãng hàng không Qantas của Australia “bị sập trong vài giờ”.

“Bây giờ là lúc để bỏ giây nhảy cách. Nó là nguyên nhân gây ra rắc rối”, Sebastien Bize, chuyên gia về đồng hồ nguyên tử ở phòng thí nghiệm SYRTE (Hệ tham chiếu thời gian – không gian) tại Đài Thiên văn Paris, nhận định.

Vì thế, theo nhiều ý kiến đã đưa ra, nhiều người cho rằng không nên duy trì thêm một giây vào thời gian toàn cầu, bởi điều này không ảnh hưởng gì nhiều đến con người trong tương lai.

Tuy nhiên, theo phân tích của các nhà khoa học, nếu không thêm một giây nhuận thì khoảng 2.000 năm nữa, sẽ có sự khác biệt giữa giờ Phối hợp Quốc tế (UTC) và thời gian Trái Đất quay hết một vòng. Và như vậy, trong quy mô hàng chục nghìn năm nữa, con người có thể sẽ ăn bữa sáng vào lúc 2 giờ sáng”.

Trước thông tin đồng hồ sẽ thêm 1 giây vào phút cuối cùng trong ngày hôm nay 30/6, cư dân mạng cũng đã rỉ tai nhau cùng đón chờ khoảnh khắc thời gian đặc biệt này.

Bạch Dương

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý