Ngày Tết của mẹ già bị con cháu ngược đãi, hành hạ

mesu mesu @mesu

Ngày Tết của mẹ già bị con cháu ngược đãi, hành hạ

(ĐSPL) Ngày Tết của mẹ già bị con cháu ngược đãi, hành hạ vì ép chia tải sản rất buồn bã, trái ngược với không khí của mùa xuân mới.

06/02/2016 02:49 PM
176

(ĐSPL) - Ngày Tết, trên các con phố ngập tràn những sắc màu rực rỡ, ai ai cũng muốn ra đường để cảm nhận không khí của mùa xuân, của những ngày đầu năm mới. Thế nhưng câu chuyện mà PV ghi lại hoàn cảnh của một cụ bà ngoài 80 với một hoàn cảnh thật đặc biệt.

Ngày Tết của mẹ già bị con cháu ngược đãi, hành hạ vì ép chia tài sản - Ảnh 1Phóng to

Bà Ngô Thị Phố giãi bày sự việc bị con cháu ngược đãi.

Đã bước sang tuổi 85 nhưng người mẹ già chưa ngày nào được sống hạnh phúc vui vẻ bên con cháu. Cụ luôn bị đám con cháu bất hiếu ngược đãi, hành hạ ép bán nhà, bán đất để chúng lấy tiền chia nhau. Cụ Ngô Thị Phố (85 tuổi, ngụ ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) được UBND huyện Trần Đề cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, đứng tên cụ là chủ. Nhưng sau đó, con gái cụ Phố đã giấu nhẹm, không đưa giấy tờ đất cho mẹ. Cụ Phố đã đi khiếu nại và UBND huyện ra quyết định hủy giấy chứng nhận cũ để cấp giấy mới cho cụ Phố.

Sau khi giấu giấy tờ đất không được, 5 người con của cụ Phố là Lê Thị Ng. (57 tuổi), Lê Văn Ch. (55 tuổi), Lê Thị Thanh Th. (51 tuổi), Lê Thanh H. (49 tuổi), Lê Thị Thanh T. (47 tuổi) yêu cầu cụ bán đất và căn nhà đang ở để chia tài sản. Nhưng cụ Phố không đồng ý. Vì thế, 5 người con đã thay phiên nhau chửi bới và nhiều lần đánh đập cụ.

Hiện tại, cụ Phố đang sinh sống chung với ông Lê Thanh Hải (con trai thứ 5). Mọi chi phí sinh hoạt và tiền xây, sửa căn nhà khang trang như hiện nay đều của một mình ông Hải. Khi cụ Phố bệnh tật cũng chỉ có ông Hải chăm nom, còn những người con kia chưa một lần đến thăm hỏi mẹ. Do nhà cụ Phố và nhà con gái Lê Thị Thanh T. sát vách, nên họ đập tường, gây tiếng động hàng đêm khiến cụ Phố luôn sợ hãi. Cụ Phố đã phải kêu ông Hải xây kín căn phòng lại tránh tác động từ phía bên kia. Rồi để thuận tiện cho việc đi lại của mẹ già, ông Hải quyết định xây thêm phòng vệ sinh ngay trong phòng ngủ của cụ. Nhưng vì việc này, ông Hải gặp họa.

Ông Hải bức xúc: "Bà Th. xúi giục Lê Hữu Tín (con ông Lê Văn Ch.) gây sự rồi đánh tôi - chú nó, khiến tôi bị thương tích 21%". Anh Tấn Đạt (con trai ông Hải) còn cho biết, trước đó cụ Phố còn bị đứa cháu nội tên Lê Thanh Tâm (con bà H.) bóp cổ may mà anh tới kịp.

Tối 4/12, ông Hải lại chạy khắp nơi kêu cứu khi bà Lê Thị Thanh Th. và bà Lê Thanh T. ngang nhiên cắt điện phòng cụ Phố. Do trước đây chung nhà, sử dụng cầu dao chung, nên giờ bà T. đương nhiên chiếm nơi gắn cầu dao. Công an thị trấn đến để xử lý, bà cũng nhất quyết không bật cầu dao lên. Việc cắt điện khiến tinh thần cụ Phố suy sụp. Cụ phải nhập viện điều trị. Đến sáng 9/12, cụ Phố vẫn chưa được các con mở điện sinh hoạt.

Chúng tôi hỏi:

-Nhiều ngày nay cụ phải sống trong áp lực và nhiều lần ngất xỉu?

Cụ Ngô Thị Phố gạt nước mắt trả lời: Trời thì nắng nóng dữ lắm mà tôi nằm trong căn phòng kín nên chịu không nổi. Điện thì bị chúng nó cúp mấy ngày nay. Từ sáng đến chiều đều nghe chúng chửi bới, có khi tối chúng vẫn chửi. Không chịu được, tôi ngất xỉu, phải đi viện liên tục.

- Mọi chuyện bắt đầu, căng thẳng hơn từ khi nào?

-Từ ngày ngân hàng xuống xác minh để cho các con tôi vay vốn nhưng tôi không đồng ý. Căn này là nhà hương hỏa. Trước khi chết chồng có trăng trối muốn dùng căn nhà này làm nơi thờ cúng ông bà tổ tiên. Đứa nào cũng không được đụng tới. Ngày trước, chúng nó cũng biết, cũng nghe và cũng chấp nhận vậy mà không ngờ bây giờ...

-Bà nghĩ vì đâu các con bà lại thay đổi như vậy?

-Vì tiền, chúng nó không làm ăn được, đâm ra nợ nần chồng chất. Nghe người ngoài thúc giục, chủ nợ đòi nên chúng nó quay sang ức hiếp tôi. -Bà đã bị hành hạ, xúc phạm và ngược đãi trong bao lâu?

-(Khóc) Lúc trước, mấy đứa chỉ ghét ra mặt. Nhà có đám giỗ ông bà, tụi nó cũng không lui tới, tôi bệnh cũng không qua thăm. Hơn 2 năm nay, tôi già cả bệnh tật nhưng chúng nó ngày nào cũng chửi bới om sòm. Con cháu thì không tôn trọng ai hết, muốn nói gì nói, muốn kêu tôi gì thì nó kêu, có khi kêu bằng con này con kia.

Chúng nó ngày nào cũng mong cho tôi chết sớm. Căn nhà 2 lầu, tôi đứng tên mọi thứ vậy mà giờ ngay cả bàn thờ chồng muốn thắp nhang cũng không được. Thằng Hải chủ hộ, đứng tên đóng tiền điện, nước cho 2 bên nhà. Vậy mà cũng bị tụi bên kia ngang ngược cắt điện.

- Liệu bà có thể tha thứ cho hành động "dại dột" của các con của mình?

Một lần, hai lần thì có thể tha thứ. Con dại cái mang dù sao ai cũng có lần lầm lỡ. Dù gì, tôi cũng là người sinh thành, nuôi nấng, bao bọc cho nó mà nó đối xử với tôi như vậy. Thật tình, tôi không thể tha thứ được nữa.

PV tìm sang nhà bà Lê Thanh T. (con gái bà Phố- người đã cúp điện), nhưng bà T. nói: "Mấy người biết làm gì? Còn việc cúp điện thì tại điện nhà tôi nên tôi thích làm gì thì làm". Ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch UBND thị trấn Trần Đề, xác nhận: "Chuyện bà Phố bị giấu sổ đỏ là có, do đó hiện giờ bà cũng chưa phải là... chủ sở hữu căn nhà (do giấy chủ quyền mới đang làm lại- PV), nên chúng tôi không thể can thiệp. Còn chuyện cắt điện, chúng tôi đã cử công an đến làm việc, nhưng bó tay vì các người con của bà hung hãn quá".

Hai bộ cổ luật xử tội con cháu bất hiếu với cha mẹ đều bị lưu vĩnh viễn đi châu xa

Hai Bộ cổ luật của các triều đại phong kiến Việt Nam còn lưu lại cho đến nay là Quốc triều hình luật (còn được gọi là Bộ luật Hồng Đức, Lê triều hình luật) thời Lê và Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long) thời Nguyễn. Cả hai Bộ cổ luật này đều đã sớm pháp định về chữ hiếu. Ngay Điều 2, Chương đầu tiên của Quốc triều hình luật (Chương Danh lệ Quyển I) đã quy định bất hiếu là một "thập ác" (mười tội ác). "Bất hiếu là tố cáo, rủa mắng ông bà, cha mẹ, trái lời cha mẹ dạy bảo; nuôi nấng thiếu thốn, có tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng, vui chơi ăn mặc như thường; có tang ông bà, cha mẹ mà giấu, không cử ai (không tổ chức tang lễ); nói dối là ông bà, cha mẹ chết".

Theo đó, khi ông bà, cha mẹ còn sống, con cháu phải tôn kính, phụng dưỡng, vâng lời, bảo vệ ông bà, cha mẹ, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt, cụ thể: Nếu con cháu trái lời dạy bảo và không phụng dưỡng bề trên mà bị ông bà, cha mẹ trình lên quan thì xử tội đồ làm khao đinh (phục dịch quân đội); con nuôi, con kế mà thất hiếu với cha nuôi, cha kế thì xử phạm tội trên một bậc và mất những tài sản đã chia.

Lăng mạ ông bà, cha mẹ thì xử tội lưu châu ngoài (đánh 90 trượng, thích vào mặt 8 chữ, bắt đeo xiềng hai vòng, đày đi làm việc ở xứ Bố Chính – nay thuộc Quảng Bình); đánh thì xử lưu châu xa (đánh 100 trượng, thích vào mặt 10 chữ, bắt đeo xiềng 3 vòng, đày đi làm việc ở các xứ Cao Bằng); đánh bị thương thì xử thắt cổ; vì lầm lỡ mà làm chết thì xử tội lưu châu ngoài; bị thương thì xử tội đồ làm chủng điền binh (Điều 11, Chương Đấu tụng quyển IV).

Con cháu không được kiện cáo ông bà, cha mẹ, trừ một số trường hợp được luật cho phép: Con cháu kiện nhau với ông bà, cha mẹ, ông bà ngoại đều phải biếm một tư; nếu lý lẽ trái thì xử thêm tội một bậc (Điều 47 Chương Đấu tụng Quyển IV).

Con cháu tố cáo ông bà, cha mẹ có tội lỗi gì, đều xử tội lưu đi châu xa…; nếu là tội mưu phản, đại nghịch hay là mẹ đích, mẹ kế mà giết cha, cha mẹ nuôi giết con thì cho phép tố cáo. Nếu xâm phạm đến mình, mà đi kiện cáo để được minh oan thì được; nếu vu cáo thì xử theo tội đã vu mà lại tăng thêm một bậc (Điều 40 Chương Đấu tụng Quyển IV). Với những quy định trên, cổ luật Việt Nam đã sớm luật hóa chữ hiếu, đưa chữ hiếu từ phạm trù đạo đức trở thành phạm trù pháp lý, định ra các chế tài nghiêm khắc để duy trì kỷ cương, hiếu nghĩa trong xã hội, đồng thời là cơ sở để xử phạt những kẻ bất hiếu.

Tường Linh

Video tin tức xem nhiều nhất:

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý