Nghề gác chắn tàu và những câu chuyện “khóc không thành tiếng”

sakura1 sakura1 @sakura1

Nghề gác chắn tàu và những câu chuyện “khóc không thành tiếng”

Bất kể mưa giông, gió rét, những người gác chắn đường tàu vẫn ngày đêm lặng lẽ, miệt mài làm việc, đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu tới trạm kế tiếp bình an.

26/08/2017 09:32 AM
359

Bất kể mưa giông, gió rét những người làm công việc gác chắn đường tàu vẫn ngày đêm lặng lẽ, miệt mài bên những thanh gác chắn, đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu tới trạm kế tiếp bình an. Nhìn qua công việc, mấy ai hiểu được rằng, họ đã phải đánh đổi rất nhiều thứ, thậm chí cả sinh mệnh của mình...

“Ăn chửi” như cơm bữa

Nghề gác chắn tàu và những câu chuyện “khóc không thành tiếng” - Ảnh 1Phóng to

Những người làm nghề gác chắn tàu phải thường xuyên tiếp xúc với khói bụi.

Ghé thăm trạm chắn tàu Linh Đàm (Hà Nội) vào một buổi chiều mưa phùn, chúng tôi bắt gặp hai nhân viên cố kéo tấm barie chắn ngang con đường, đứng làm hiệu để các phương tiện dừng lại. Một lúc sau, họ trở lại khuôn mặt đẫm mồ hôi, dù thế ai cũng nở một nụ cười thật tươi.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Vũ Văn Biển (SN 1975, quê Thái Bình), tổ trưởng trạm chắn gác tàu Linh Đàm, cho biết anh có rất nhiều câu chuyện, nỗi trăn trở về nghề. “Tôi theo nghề gác chắn tàu tính đến nay cũng được 22 năm, suốt thời gian đó tôi cũng đã có những kỷ niệm khó quên. Mỗi khi nghĩ lại, tôi cảm thấy phục chính mình vì có thể theo nghề được lâu năm đến vậy”, anh Biển cho biết.

Nghề gác chắn tàu và những câu chuyện “khóc không thành tiếng” - Ảnh 2Phóng to

Anh Biển chia sẻ nghề gác chắn đường tàu lắm nỗi nhọc nhằn.

Theo lời anh Biển, nghề chắn gác tàu là một nghề vất vả, nếu là người không yêu nghề thì sẽ không thể nào trụ lại được. Anh Biển nói: “Hiện nay nhân viên trạm gác được bố trí luân phiên làm ca ngày và ca đêm. Một tháng có 30 ngày thì chúng tôi làm 34-36 ca, đồng nghĩa với việc không có lấy một ngày nghỉ trọn vẹn (bao gồm cả lễ tết). Là đàn ông còn đỡ, chỉ thương các chị em phụ nữ gác chắn tàu phải thức thâu đêm”.

Vừa nói anh Biển vừa chỉ tay vào người phụ nữ bên cạnh, chị đang tranh thủ nghỉ ngơi sau khi đoàn tàu vừa chạy qua. Tiếp lời anh Biển, chị Vũ Thị Huyền (SN 1991, quê Hải Dương) cho hay, chị đã theo nghề được 5 năm.

“Suốt 5 năm qua, không ít lần tôi trăn trở liệu có nên bỏ nghề, vì quá áp lực, quá vất vả. Nhiều hôm, trời mưa cũng như trời nắng, vẫn phải chăm chăm đứng cạnh thanh gác để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Có hôm, thiếu nhân viên thay ca, tôi phải tham gia trực liên tục... Vì cứ cố, nên sức khỏe của tôi giảm sút rất nhiều. Có lần, ốm nặng quá, tôi phải nghỉ hơn một tuần ở nhà”, chị Huyền tâm sự.

Cũng theo chị Huyền, mỗi ca trực kéo dài 12 tiếng, trung bình có khoảng 25-30 chuyến tàu ngược xuôi. Những chuyến tàu chạy không cố định, có hôm chạy vào ban đêm nên những người đứng gác như chị phải tập trung cao độ, không được lơ là.

“Vì đặc thù công việc nên khi làm ca đêm, tôi cũng như nhiều nhân viên khác phải thức trắng, có những lúc buồn ngủ quá thì pha trà đặc, uống cà phê hoặc đi vào nhà vệ sinh rửa mặt để giữ mình luôn tỉnh táo”, chị Huyền cho biết thêm.

Không dừng lại ở việc thời gian áp lực, gò bó mà những người làm nghề gác chắn tàu cũng gặp phải những câu chuyện “khóc không thành tiếng”.

Chị Nguyễn Thị Minh Lý (SN 1971, Hà Nội), hiện đang làm tại trạm chắn Đại Từ (Hà Nội) có thâm niên 18 năm trong nghề. Thế nhưng, mỗi khi nhắc về những tình huống mà chị đã gặp phải trong quá trình công tác, người phụ nữ này chỉ biết ngậm ngùi. Bởi, với chị và những nhân viên gác chắn tàu, điều e ngại nhất là ý thức chấp hành luật lệ giao thông, cách cư xử, thái độ của người đi đường nhiều khi chưa có văn hóa.

Nghề gác chắn tàu và những câu chuyện “khóc không thành tiếng” - Ảnh 3Phóng to

Chị Minh Lý trải lòng về nghề.

Chị Minh Lý bộc bạch: “Công việc của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho đường sắt, đồng nghĩa với việc bảo đảm sự an toàn của người đi đường. Thế nhưng, đôi khi những người đi đường lại không hiểu được điều đó. Chuyện người dân lách qua barie để sang đường xảy ra thường xuyên, có lần tôi nhắc nhở thì bị những người tham gia giao thông thiếu ý thức quay sang văng tục, chửi bậy, khi ấy tôi không biết nói gì hơn”.

Với chị Minh Lý việc bị “ăn chửi” xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Có người sau khi văng tục, không thấy chị nói gì, họ chửi to hơn, thậm chí nói chị bị câm, bị điếc. Dù thế, chị vẫn im lặng nhẫn nhịn.

Chị kể: “Tôi coi như mình bị câm, bị điếc thì mọi việc đều êm xuôi, nếu như tôi nổi cáu hay cãi lý với họ thì lại xảy ra xô xát, cãi vã. Điều đó thì không hay một chút nào”. Chưa dừng lại ở đó, một đồng nghiệp của chị còn bị người đi đường hành hung, dùng gậy đánh bị thương chỉ với lý do ngăn không cho người đó sang đường khi đoàn tàu đang đi tới.

Không chỉ kéo thanh chắn...

Thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, độc hại, thậm chí đứng lâu ngoài trời nên việc nhân viên bị đau lưng, đau đầu hay ho khan là chuyện xảy ra hết sức bình thường.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Tới (SN 1985, quê Hà Nam) cho biết đã có 7 năm theo nghề gác chắn tàu: “Nếu nhìn vào ai cũng nghĩ công việc của chúng tôi chẳng có gì vất vả, chỉ việc kéo thanh chắn tàu mỗi khi tàu đi qua là xong nhiệm vụ. Nhưng ai biết được đằng sau đó chúng tôi phải làm việc hết công suất, ngày nào cũng như ngày nào không có thời gian để nghỉ ngơi. Con cái cũng đều một tay vợ chăm hết, bởi ngày hôm nay tôi làm ca sáng thì mai tôi làm ca đêm, cứ thay phiên nhau trực đều. Chưa hết, mức lương mà chúng tôi nhận được cũng chỉ dao động 3,5 triệu đồng/tháng. So với mặt bằng chung hiện nay thì số lương này không đủ trang trải cuộc sống”.

Anh Vũ Văn Biển cho hay, muốn theo nghề gác chắn tàu phải có một “cái đầu thép” để vượt qua khó khăn. Bởi thế, suốt 22 năm qua, anh đã cứu sống không ít mạng người: “Trước đây, khi tôi làm nhiệm vụ kéo thanh chắn để đảm bảo an toàn giao thông, một lần, có người đàn ông cố tình vượt sang đường khi tàu đã cận kề. Nếu khi đó tôi không nhanh tay kéo người đàn ông ấy lại thì đã xảy ra tai nạn đáng tiếc”.

Cũng theo anh Biển, muốn theo nghề gác chắn tàu, phải đánh đổi nhiều thứ. Anh Biển nhớ lại: “22 năm làm nghề gác chắn tàu thì có 20 năm tôi không được về đón Tết cùng gia đình. Bạn bè tôi ở quê cứ thắc mắc không biết tôi làm công to việc lớn gì mà đến cả ngày Tết cũng không được nghỉ. Khi ấy tôi tủi thân vô cùng, đêm giao thừa gác tàu và vợ con gọi điện mà chỉ biết nghẹn lại, cố giấu không cho nước mắt rơi. Ngày nghỉ lễ là ngày mà tôi và các đồng nghiệp của mình thường bận rộn nhất”.

Theo lời chia sẻ của chị Minh Lý, 18 năm theo nghề thì có 10 năm chị phải trực đêm giao thừa: “10 năm liền năm nào tôi cũng phải trực đêm giao thừa, may mắn là chồng tôi hiểu cho công việc của vợ. Nhiều lúc, nghe tiếng pháo giao thừa trên ti vi, nhìn dòng người đi đón giao thừa về vui vẻ, nước mắt tôi cứ rơi. Nhưng vì tình yêu với nghề nên tôi đành gạt đi tất cả”.

Nghề gác chắn tàu và những câu chuyện “khóc không thành tiếng” - Ảnh 4Phóng to

Chị Huyền vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao.

Là nhân viên nữ gác chắn tàu còn trẻ tuổi, nhưng chị Huyền cho biết chị cũng cảm thấy áp lực, bản thân chị cũng đã phải đánh đổi thời gian không được bên con để hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan giao cho.

“Tôi chỉ tranh thủ về thăm con vào ngày không phải trực đêm, con tôi còn nhỏ nên đành phải gửi cho mẹ chồng chăm sóc giúp, nhiều lúc nhớ con nhưng không biết làm cách nào được, nhất là đêm hôm đi trực thì nỗi nhớ con lại càng da diết hơn. Tôi thương con vì không được nằm trong vòng tay ấm êm của mẹ mỗi tối”, người mẹ trẻ này trải lòng.

Nhìn gương mặt mệt mỏi, ánh mắt thâm quầng vì mất ngủ, làn da sạm đi vì rám nắng của những nhân viên gác chắn tàu, chúng tôi mới hiểu công việc mà họ làm vất vả, nguy hiểm đến nhường nào. Họ chấp nhận đánh đổi không được bên gia đình, không có ngày nghỉ lễ để thực thi nhiệm vụ, đảm bảo bình yên, sự an toàn cho mỗi chuyến tàu qua.

Nguyễn Lâm – Hoàng Bích

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý