Nghệ sĩ Minh Vương: Đường tình dẫn qua... toà án

biettuot biettuot @biettuot

Nghệ sĩ Minh Vương: Đường tình dẫn qua... toà án

Minh Vương không trẻ nữa. Gần nửa thế kỉ “khôi nguyên vọng cổ” vẫn đứng sừng sững trong nhiều thế hệ khán giả. Giọng đồng vang ngân mọi nẻo, từ phố thị đến thôn làng. Tình yêu nhiều không thể kể. Và bây giờ, Minh vương, ngoài 50 vẫn rất diện, mặc bộ đồ trắng, đi tập “Vầng trăng cổ nhạc” đeo kiếng mát, má dặm phấn hồng cho bớt vết nám của thời gian. Minh Vương ngần ngại khi nhắc về những mối tình của mình. Cảm giác như anh đang cố trốn chạy khỏi ngày hôm qua, với những cuộc tình của mình. Cảm giác như anh đang cố trốn chạy khỏi ngày hôm qua, với những cuộc tình ầm ĩ trên báo chí và là chuyện cửa miệng của giới nghệ sĩ. Nhưng quá khứ vẫn còn đó. Như cuộc đời anh, cả vinh quang và phiền lụy, vẫn còn đó, đi vào lòng người hâm mộ. Quả là nhân vô thập toàn...

09/04/2010 10:32 AM
17,102

Căn bệnh đau bao tử đã hành hạ Minh Vương nhiều. Anh không còn sức để hát nguyên tuồng nữa. Anh bây giờ đã phải nhìn “Rạng ngọc Côn Sơn”, vở diễn đỉnh cao của tham gia các show diễn, nhưng là những show diễn, nhưng là những show diễn tổng hợp, anh ca những bản vọng cổ lẻ chứ không đủ sức diễn tuồng. Hát đến lớp thú hai là anh đã bắt đầu thấy bụng đau ề ẩm. Nhưng cái tên Minh Vương cùng với Lệ Thủy, vẫn là những cái tên bán vé của sân khấu vàng hay của bất cứ cái show cải lương nào. Cái tên họ không thể thay thế, Sự bền bỉ của những giọng ca cải lương  và sự trung thành của khán giả thể loại này đã mang đến một hình ảnh, họ được sinh ra để ca vọng cổ và để được yêu mến trọn đời, dù đời riêng của họ nhiều biến cố và lắm khi biến cố không được sáng cho lắm.



Minh Vương đậu “khôi nguyên vọng cổ” năm 1963, khi 14 tuổi, với cái tên cúng cơm Nguyễn Văn Vưng. Đến năm 1967, chàng trai gốc Cần giuộc, Long An đã là một kép chính, nổi tiếng đến nay đã gần nửa thế kỉ. Nguyễn Trãi (vở Rạng ngọc Côn Sơn- giải A1 toàn quốc năm 1985), Minh (Tô Ánh Nguyệt), Luân (Đời cô Lựu), Thắng (Pha lê và cát bụi), Tùng (Nửa đời hương phấn), Cang (Kẻ ngoại tình- HCV Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1990) là những vai diễn để lại ấn tượng mạnh mẽ trong sự nghiệp diễn viên của Minh Vương. Suốt những năm chiến tranh, anh trốn quân dịch, đi hát khắp các nẻo đường. Và anh cùng vợ lập gánh hát đi diễn cho đến ngày hoà bình. Và đến tận sau này, Minh vương cùng với Minh Cảnh, Minh Phụng là ba giọng ca đặc biệt, có dấu ấn lạ trên sân khấu cải lương Nam Bộ. Nếu như Minh Cảnh nghiêng về kiếm hiệp thì Minh Phụng và Minh Vương đa dạng hơn, có phần trội hơn về phần ca diễn, cả ca cổ lẫn những vở tâm lý xã hội hiện đại. Minh Vương, với mái tóc trải thẳng, giọng ca đồng vang hiếm có, đã khiến nhiều khán giả, đặc biệt là phụ nữ trẻ mê đắm. Sẽ không có ai, kể cả Minh Vương biết chính xác có bao nhiêu người phụ nữ đã yêu anh đến cạn lòng. Và cũng không ai biết, có những người đã sẵn sàng hiến tặng thần tượng của mình những gì quý giá nhất.Một đồng nghiệp cùng thời với Minh Vương kể lại, ngày trước, mỗi khi treo băng rôn tên Minh Vương diễn ở một sân bãi nào đó, chắc chắn sẽ có hàng ngàn cô gái đứng chờ anh ở cửa soát vé, chỉ mong một lần được nhìn thấy mặt anh thật gần. Và có những cô gái tìm mọi cách lén leo lên cánh gà, để mong anh ký cho một chữ vào chiếc khăn mùi xoa làm kỷ niệm. Giọng ca mùi mẫn, chuyên đóng những vai chính, khiến Minh Vương không bao giờ rơi vào cảm giác bị lãng quên. Anh luôn là niềm ngóng chờ của nhiều người. Có khi, đoàn hát đòi đi qua điểm diễn khác, có cô gái vẫn tiếp tục đến xem và tìm gặp anh, chỉ để biết anh có nhìn thấy mình, rồi khóc hạnh phúc ra về.


Một câu chuyện được kể như giai thoại về Minh Vương. Khi anh đi diễn ở một tình miền Tây, ở khách sạn, có rất nhiều phụ nữ đến xin gặp anh. Có một nữ giám đốc tìm gặp anh nhưng bị anh từ chối. Nhưng, vị giám đốc này vẫn đòi gặp bằng được. Bằng cách nào đó, người phụ nữ đó đã đến và gõ cửa được phòng anh. Không biết sau đó chuyện gì đã xảy ra, nhưng những kỳ anh lưu diễn ở tỉnh này, đều nhận được những bó hoa lớn ở khách sạn và trên sân khấu. Dường như số Minh Vương là số đào hoa và anh luôn phải tìm cách để làm sao không mất lòng phụ nữ.



Tôi đem những chuyện này kể lại với Minh Vương, anh cười nhẹ, lắc đầu. Anh nói, chuyện người hâm mộ là chuyện rất bình thường, mình phải làm sao đó để không xảy ra sự hiểu lầm, không được cho người ta hi vọng. Minh Vương nói: “Tôi chưa bao giờ có ý định gạ gẫm hay lợi dụng tình cảm của người khác. Nhưng đúng là số tôi lận đận vì phụ nữ”.

Lận đận vì phụ nữ bắt đầu từ khi anh ly dị vợ. Khi ấy anh đã ngoài 40. Cuộc hôn nhân không hạnh phúc đã làm chính anh suy sụp. Ngày chia tay, anh bỏ lại nhà, tài sản, mấy chiếc xe hơi, chỉ mang bộ quần áo trên người, về quận 8 sống cùng cô em gái. Nơi đó cũng là nơi gia đình anh sống từ khi rời Long An lên Sài Gòn. Những ngày tháng buồn đến mức anh không muốn làm gì, muốn bỏ cả nghề hát. “Tôi muốn để lại tất cả mọi thứ cho con tôi. Chứ đời tôi khi đó đâu cần gì nữa” - Minh Vương nói. Nhưng rồi sân khấu vẫn có sức kéo mạnh mẽ. Minh Vương vẫn đi diễn và sân khấu vẫn chào đón anh như một ông hoàng của cải lương. Ông hoàng mà không có bất cứ ai có thể thay thế. Những người phụ nữ đã dày đặc trong đời anh, đến thời điểm này đến như... những cơn bão. Chuyện của Nguyễn Thị Bé  Tư có lẽ không nằm ngoài những điều đó. Và mối quan hệ với Nguyễn Thị Bé Tư đã khiến Minh Vương phải ra toà. Vì chung đụng trong việc mua một căn nhà. Và vì những điều gì, thì chỉ những người trong cuộc mới hiểu. “Thời điểm đó tôi vừa ly dị vợ, tôi là người đàn ông độc thân, vì con theo mẹ rồi. Không còn nhà cửa, vợ con, có người lại ngỏ ý muốn bán trả góp cho tôi một căn nhà. Bà Bé Tư đã ngỏ ý muốn trả tiền thay tôi, tôi nghĩ chuyện đó cũng không có gì sai trái, người ta tự nguyện làm như vậy. Có ai ngờ bà ấy lấy tiền của Nhà nước để trả”- Minh Vương chia sẻ. Cuối tháng 3 năm 2002, TAND tỉnh Cà Mau xử Nguyễn Thị Bé Tư án chung thân và phải bồi thường công quỹ hơn 3,1 tỷ đồng. Suốt gần nửa tháng, cái tên Minh Vương được giật tít trên tất cả các tờ báo. Anh phải ra toà với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Căn nhà 360/14 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh được dư luận cho rằng, chính Nguyễn thị Bé Tư mua tặng cho Minh Vương. Và khi toà tuyên án, Minh Vương phải nộp 690 triệu đồng tiền phạt. Minh Vương nói, anh đã bán ngôi nhà đó và mua ngôi nhà mới ở quận 3. Tôi hỏi anh, sau chuyện đó, anh có còn giữ mối quan hệ với bà Bé Tư không? Bởi trong suy nghĩ của tôi, dù gì đi nữa, dù số tiền đó ở đâu ra, nhưng đó cũng là người thấy thương mà mua cho anh căn nhà trong lúc khó khăn. Nhưng Minh Vương nói, không còn liên lạc gì với bà Bé Tư nữa, cũng không biết hiện tại bà Bé Tư ở đâu. Cũng như vậy, hiện tại Minh Vương không còn giữ  liên lạc gì với người vợ cũ, mẹ của các con anh. Dường như, Minh Vương có quá nhiều bóng hồng và anh không có cái khao khát hay sâu nặng lưu giữ bóng hình của họ. Mọi thứ đến quá dễ và đi cũng chóng vánh và anh không thấy mình cần phải níu giữ. Mặc dù khi ấy, khi phiên toà diễn ra, tai tiếng quá nhiều dư luận, mệt mỏi đến mức người thân anh sợ anh không chịu nổi, làm thủ tục cho anh qua Australia định cư, nhưng cầm vé máy bay rồi anh lại xé bỏ. Minh Vương không dám ra cải lương và anh cũng sợ cảm giác bị lãng quên. Và, nhờ cải lương anh có được mọi thứ, có cả danh tiếng và sự yêu mến đến điên cuồng của những người phụ nữ mến tài của anh. Nhưng, đã có lúc, bóng tối phủ xuống, anh đã gần như mất tất cả. Mất tất cả nhưng không dám xoá đi để làm lại, hoặc để sống cuộc đời ẩn dật. Sân khấu, thứ ánh sáng mê hoặc, như một nỗi buồn ăn sâu trong lòng người, tưởng có thể quên đi và sang trang mới, nhưng nó sẽ luôn dội lại, làm nhói đau. Và Minh Vương tiếp tục cuộc hành trình của “ông hoàng”, dù cải lương đang ngày càng tuột dốc và anh đã có khi tưởng như hụt hơi, kiệt sức.



Minh vương có lẽ là người không quá quan trọng điều gì. Anh đã dám bỏ mọi tài sản mình có,cũng chưa từng làm một đêm diễn riêng để kỉ niệm một sự nghiệp nhiều vinh quang. Tiếng hát Minh Vương có thể lưu lạc đến tận mọi ngõ hẻm, nhưng anh không hề có ý thức lưu giữ lại. Và có lẽ chính vì điều đó, vì không quan trọng điều gì, nên ở vào tuổi này, dẫu vẫn có một gia đình, nhưng Minh Vương là người cô đơn. Cô đơn vì không thể chia sẻ hết mọi điều. Cô đơn của một người bước qua thời hào quang và biết được giới hạn của mình. Cô đơn của một người nghệ sĩ, khi biết nghề qua thời rực rỡ. Nỗi cô đơn không được gọi tên...

Tôi hỏi Minh Vương có muốn cho cô con gái út theo nghề cha không? Minh Vương lắc đầu, nghề hát cực quá, buồn nhiều hơn vui, mà lại dễ dính tai ương. Có lẽ, từ chính anh, sống trong vinh quang và cả cay đắng của nghề, nên Minh Vương không còn khao khát truyền nghề cho những đứa con.


Minh Vương của ngày hôm nay, ông hoàng của tuổi xế chiều, đã không còn khát khao lớn cho nghiệp diễn, mà chỉ mong cái bụng đừng đau khi đang ca, mong cho đầu óc minh mẫn để có thể nhớ lại những câu thoại trong những vở cũ. Dường như hào quang nào cũng có lúc nhạt dần. Và nỗi buồn của Minh Vương  có lẽ là bởi, anh đã nhận ra điều đó, từ rất lâu rồi...

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý