Nghe "tố" tham nhũng suốt ngày suốt đêm cũng không ngại

daikieu daikieu @daikieu

Nghe "tố" tham nhũng suốt ngày suốt đêm cũng không ngại

Tại cuộc họp báo quý IV sáng 7/1, Cục trưởng Cục chống tham nhũng cho biết, qua 25 ngày kể từ khi công bố đường dây nóng đến nay đã nhận được 329 cuộc gọi đến.

07/01/2016 03:58 PM
10

(ĐSPL) - Tại cuộc họp báo quý IV sáng 7/1, Cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho biết, qua 25 ngày kể từ khi công bố đường dây nóng đến nay đã nhận được 329 cuộc điện thoại và nhắn tin đến.

Cứ 10 phút lại có một cuộc gọi đến

Theo báo Người Lao động, trong cuộc họp báo quý IV diễn ra sáng 7/1 tại Hà Nội do Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức, đường dây nóng tố cáo tiêu cực, tham nhũng do đích thân Cục trưởng Cục chống tham nhũng (TTCP) Phạm Trọng Đạt liên tục có các cuộc gọi đến. Gần như cứ 5-10 phút lại có một cuộc gọi đến, ông Phạm Trọng Đạt đều nhã nhặn xin phép đang họp nên xin liên lạc lại sau.

Cục trưởng Cục chống tham nhũng: Nghe "tố" suốt ngày đêm cũng không ngại - Ảnh 1Phóng to

Ông Phạm Trọng Đạt trả lời tại cuộc họp báo. (Ảnh: Dân Trí)

Trả lời câu hỏi của báo chí việc từ khi công bố tới nay đã có bao nhiêu cuộc gọi, tin nhắn đến và xử lý ra sao, ông Phạm Trọng Đạt cho biết, qua 25 ngày kể từ khi công bố đường dây nóng đến nay đã nhận được 329 cuộc điện thoại và nhắn tin ở 3 đường dây nóng của Cục này. Số lượng chủ yếu tập trung gọi đến 2 số di động của Cục trưởng.

Các cuộc gọi rải ở trên khắp 27 địa phương cả nước và 12 bộ, ngành ở các lĩnh vực khác nhau: kinh tế, văn hoá, xã hội rồi an ninh quốc phòng.

“Chủ yếu nổi lên nhiều là lĩnh vực về đất đai và khoáng sản; thuế ngân hàng, tài chính và công tác cán bộ; các lực lượng của cơ quan công quyền nhà nước trực tiếp làm các vụ việc liên quan tới người dân mà nhận hối lộ, mãi lộ như cảnh sát, kiểm lâm, quản lý thị trường, thuế vụ, lực lượng tiếp công dân…; lĩnh vực xuất nhập khẩu và chạy công ăn việc làm; xây dựng công trình, các dự án về thực hiện chính sách xã hội xoá đói giảm nghèo…” - ông Phạm Trọng Đạt liệt kê.

Theo ông Đạt, trong số đó có 160 tin phản ảnh có sai phạm thuộc chức năng của địa phương, bộ ngành mà người dân chưa hiểu luật pháp. Những nguồn tin này Cục đã hướng dẫn, giải thích để người dân phản ánh đúng nơi.

Có 120 tin phản ánh có dấu hiệu sai phạm về tham nhũng, không tiết kiệm thuộc các bộ ngành ở địa phương. Cục cũng đề nghị nguồn tin cung cấp thêm tư liệu để chuyển về địa phương, yêu cầu xử lý

Có 40 tin phản ánh có cơ sở tham nhũng thì Cục trực tiếp xử lý. “Chúng tôi có trách nhiệm phải nghiên cứu thu thập, báo cáo với Tổng TTCP để xử lý. Nếu thuộc cơ quan khác thì chuyển cơ quan khác để phối hợp. Hiện có 6 nguồn tin chúng tôi đã báo cáo với Tổng TTCP và có thể sẽ thanh tra” - ông Đạt tiết lộ.

Nghe suốt ngày, suốt đêm cũng không ngại

Cục trưởng Cục chống tham nhũng bày tỏ: “Mong muốn của tôi đây là một giải pháp, là một nội dung để chúng ta thu thập được rất nhiều nguồn tin, giúp cho nghiên cứu đề ra giải pháp tham mưu phục vụ cho quản lý Nhà nước được tốt hơn”.

Chỉ có người dân, bao gồm cả cán bộ công chức viên chức nhà nước mới biết được cụ thể nhất. Nguồn tin này rất quan trọng phục vụ cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

“Chúng tôi hy sinh một máy của tôi nghe suốt ngày, suốt đêm cũng không ngại. Chỉ sau này phải xử lý cho đỡ áp lực bản thân tôi. Càng làm nhiều càng tốt, càng thu thập được nhiều thông tin của người dân càng tốt. Sau này sẽ xây dựng bộ phận chuyên tiếp nhận nguồn tin này”- Cục trưởng Phạm Trọng Đạt giãi bày.

Trao đổi với báo Dân trí, ông Đạt cho biết cho rằng, những vụ việc này đang trong quá trình thu thập, thanh tra nên chưa thể tiết lộ, nói cụ thể ra được.

“Lĩnh vực này nhạy cảm vô cùng nên cần yếu tố bí mật, phục vụ cho cái chung và vì sự nghiệp đấu tranh chống tham nhũng. Nhiều nhà báo có hỏi tôi 3 dây nóng duy trì hoạt động như thế có tác dụng gì, tới đây làm gì, có triển khai thường xuyên liên tục và có chịu được áp lực đó không? Tôi đã báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng rồi, đây là giải pháp để thu thập được nhiều nguồn tin, giúp cho nghiên cứu và đề ra giải pháp tham mưu phục vụ công tác nhà nước tốt hơn. Vì có duy trì mới có nguồn tin và chỉ có người dân, người dân ở đây bao gồm cả cán bộ công chức, viên chức mới biết được cụ thể nhất các vụ việc để phục vụ công tác về cán bộ, đấu tranh chống tham nhũng”- ông Đạt thẳng thắn.

Đức An (Tổng hợp)

Xem thêm video tin tức:

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý