Nghẹn ngào hành trình 2 năm tìm con của cựu cán bộ Đoàn

mesu mesu @mesu

Nghẹn ngào hành trình 2 năm tìm con của cựu cán bộ Đoàn

17 năm gắn bó với công tác đoàn đội, hai vợ chồng buộc phải rời bỏ công tác để đi tìm lại đứa con thật sự của mình.

27/07/2016 11:46 AM
463

Con gái không giống cha

Tháng 9/2012, Bí thư Đoàn phường Phú Thịnh Vũ Đình Khiên (SN 1978) ngậm ngùi rời bỏ chức vụ. Đồng lương công tác Đoàn eo hẹp, tổng cộng 1,8 triệu đồng/tháng, không đủ cho anh trang trải nuôi vợ đang mang thai và đứa con gái 2 tuổi. Dù vợ anh, chị Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1990), cựu Phó Bí thư Đoàn phường, cũng đã bỏ việc năm 2010, cố gắng mưu sinh bằng nghề bán nước mía và cháo lòng, nhưng vẫn không đủ lo cho gia đình.

Ở thị xã Bình Long, những năm đầu 2010, trong cơn sốt bất tận của cao su, trong một mức sống nhiều khi còn cao hơn cả những khu ngoại ô của Sài Gòn, tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng họ, nhiều khi không đủ bỏ phong bì để lo trả nghĩa “đám khóc, đám cười”.

Những nỗi lo về kinh tế không khiến vợ chồng trẻ giảm bớt hào hứng đón cô con gái thứ 2. Sáng 10/1/2013, chị Trang đau bụng chuyển dạ, anh Khiên đưa vợ tới Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long.

Nghẹn ngào hành trình 2 năm tìm con của cựu cán bộ Đoàn

Nghi ngờ được cởi bỏ, đôi vợ chồng ôm nhau khóc; trong lòng họ luôn đau đáu nghĩ về đứa con bị thất lạc

Cả Khoa sản Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long trong thời điểm 6h sáng ngày 10/1/2013 chỉ có đúng 02 sản phụ, chị Trang và một người khác ở huyện Hớn Quảng cạnh đó. Anh Khiên còn nhớ rõ, trong phòng chờ sanh, “bên gia đình này chỉ có tôi với vợ, bên gia đình kia cũng chỉ có sản phụ và mẹ cô ấy”.

15 phút sau khi chị Trang sinh hạ cô con gái thứ 2, sản phụ kia cũng sinh hạ một bé gái, cũng nặng chừng 3kg. Sau khi sinh, theo đúng quy trình, các cháu được hộ lý đưa qua phòng hậu sản. Năm ngày sau, anh Khiên đưa vợ con xuất viện về nhà.

Mọi chuyện cứ trôi qua bình thường giống như vô vàn gia đình khác, nếu không xuất hiện những dấu hiệu lạ: kể từ thời điểm 1 tuổi trở lên, cháu bé càng ngày càng khác những thành viên trong gia đình, từ nước da sậm màu, mái tóc xoăn, và đặc biệt là ánh mắt, rất giống với ánh mắt của bà con dân tộc S’tieng vẫn sống quanh địa bàn.

“Dì cháu nhiều khi kể lại, dù cho có dùng sữa tắm dành cho trẻ em, ngay sau khi tắm, cơ thể cháu đã có mùi lạ xuất hiện. Đầu tiên, tôi không hề để ý. Nhưng cộng nhiều yếu tố lại, trong đầu bắt đầu nảy ra những yếu tố nghi ngờ. Cộng thêm việc đi làm dưới tận TP. HCM cùng ông chú, dăm ba tuần mới về thăm nhà, đến khi về nhà lại nghe hàng xóm xì xào bình luận việc cha con khác nhau, nên tôi quay ra nghi ngờ vợ. Quãng thời gian đó thực sự khủng khiếp”, anh Khiên tâm sự.

Không biết chia sẻ cho ai, anh Khiên đành vùi đầu vào nhậu với bạn bè. Mỗi khi trở lại Bình Long thăm vợ con, thay vì quây quần bên gia đình, anh đều đi với bạn bè đến tối mịt mới về. Một cựu Bí thư Đoàn phường, đã từng vinh dự được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn, tưởng chừng như đã bước dần đến bờ vực suy sụp.

Nghẹn ngào hành trình 2 năm tìm con của cựu cán bộ Đoàn

Con gái anh Tuấn nuôi nhầm (bên trái)

Không chịu được tình cảnh đó, chị Trang đã thẳng thắn nói chuyện với chồng. Trước ánh mắt trong veo của vợ, anh Khiên quyết định bỏ việc ở TP. HCM, kiếm việc xung quanh Bình Long để làm, một mặt để “kiểm soát” những hành vi của vợ.

Theo dõi vợ mãi mà chẳng thấy gì bất thường, anh Khiên kiên quyết dẹp tan mối nghi ngờ. Nhưng trong sâu thẳm, anh cảm thấy có điều gì bất thường. Là một cán bộ Đoàn lâu năm, cộng thêm có ăn học, đã từng tốt nghiệp trường Cao đẳng Công nghiệp 4 TP. HCM, từng là Uỷ viên Ban chấp hành Đoàn trường, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Sinh viên trường, giao lưu khắp mọi nơi… anh Khiên quyết định thực hiện phương án loại trừ.

2 năm tìm con vô vọng

Biết trong phòng chờ sanh Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long khi đó, chỉ có vợ mình và một người S’tieng ở địa bàn huyện Hớn Quảng, anh Khiên quyết định đi điều tra theo cách của mình. Anh mượn bố vợ, là ông Nguyễn Duy Nguyên, vốn có nghề bán bánh mỳ dọc địa bàn đồng bào dân tộc, một cái xe bán đồ, chất lên đó đủ thứ, và quần suốt địa bàn huyện Hớn Quảng để tìm 2 mẹ con người S’tieng nằm cùng phòng vợ mình. Công việc này giúp anh khuây khoả bớt sự dằn vặt, đồng thời giúp gia đình được đồng ra đồng vào.

“Suốt 2 năm quần thảo suốt địa bàn huyện Hớn Quảng, dù đặc biệt để ý ở xã Phước An, ấp Tổng Cui Lớn, tôi không hề gặp được 2 mẹ con người S’tiêng đó. Thấy không có hy vọng, tôi đành thôi, tìm xuống Thủ Đức, TP. HCM kiếm việc nuôi gia đình”, anh Khiên kể lại.

Tháng 7/2014, anh Khiên quyết định đi TP. HCM. Nhưng trước khi đi, anh đã có một đêm trắng tâm sự với bố vợ, ông Nguyễn Duy Nguyên, về tất cả những nỗi thống khổ và dằn vặt mình đã gắng chịu bấy lâu. Anh cũng nhờ bố vợ, với đặc thù công việc là bán bánh mỳ khắp địa bàn, cố gắng lưu ý, quan sát giúp anh điều đang còn trăn trở.

Và điều không thể ngờ tới, tại thời điểm tháng 5/2016, anh Khiên nhận được cú điện thoại bất ngờ của ông Nguyên thông báo, trên địa bàn ấp Tống Cui Lớn, xã Phước An, huyện Hớn Quảng, có một bé gái có ngoại hình rất giống với cô con gái đầu của vợ chồng Khiên -Trang.

Cháu gái nhỏ trong ấp Tổng Cui Lớn

Tổng Cui Lớn là nơi ông Nguyễn Duy Nguyên không thể ngờ tới đã phát hiện ra cháu gái mình. Hành trình bán bánh của ông đã từng bươn bả tới những địa bàn xa hơn thế nữa. Nhận được sự trông cậy của người con rể mong tìm được con trên địa bàn huyện Hớn Quản, ông luôn chú tâm để ý từng căn nhà trên đường bán bánh. Bản thân nội tâm của ông cũng đồng tình với nhận định của anh Khiên: khả năng trao nhầm là có thể.

“Tôi luôn có lòng tin không thể thay đổi với các cơ quan nhà nước như bệnh viện, nhưng những dấu hiệu khác biệt của cháu ngoại khiến tôi không thể không thay đổi niềm tin của mình”, ông tâm sự.

Đã nhiều lần đi qua chính ngôi nhà của bà Thị Ché, nhưng ông Nguyên luôn thấy ngôi nhà đóng cửa im ỉm. Hôm nào có mở cửa, thì cũng hiếm khi thấy bóng người. Hoạ hoằn lắm người trong nhà có ra mua bánh, nhưng không hề thấy cháu nhỏ đi cùng.

Đến một ngày tháng 5/2016, một người phu nữ S’tiêng chừng 60 tuổi gọi ông dừng xe mua bánh mỳ. Mấy phút sau, một cháu nhỏ hơn 3 tuổi lũn cũn chạy ra. Giao bánh cho 2 bà cháu, lấy tiền, đi được chừng 5 mét, ông Nguyên bỗng đứng sững lại. Cháu gái nhỏ kia quá giống với cháu gái đầu nhà anh Khiên!

Quay lại hỏi han trò chuyện, ông Nguyên càng lúc càng phát hiện ra sự giống nhau giữa 2 cháu bé: làn da trắng, cái miệng, cái mũi, cặp mắt, mái tóc… “Chỉ trong tích tắc, một niềm tin không hiểu nổi khiến tôi khẳng định đây là đứa cháu mình đã đi tìm bấy lâu”, ông Nguyên nhớ lại.

Nhận được cú điện thoại cấp báo của ông Nguyễn Duy Nguyên, cả gia đình anh Vũ Đình Khiên gấp rút chạy lên ấp Tổng Cui Lớn, xã Phước An, huyện Hớn Quản. Nhưng họ không ngờ, chuyến đi vội vã bị chi phối bằng cảm xúc có chút đường đột, không lường trước những khác biệt về văn hoá và ngôn ngữ, đã khiến hành trình đoàn tụ của các cháu với gia đình sau này có nhiều trắc trở.

Bị đuổi

Khi cả đại gia đình anh Khiên xuất hiện trước cửa nhà bà Thị Ché, cả gia đình bà Ché bàng hoàng. Gia đình nhỏ người S’tiêng ấy, vốn ít giao tiếp, chỉ quanh quẩn lúc nào cũng có 3 bà cháu, bà Ché, cô con gái sinh năm 1992 Thị Liên, và cô cháu gái nhỏ Thị Ngọc Yến… chưa bao giờ tiếp nhiều người lạ đến vậy.

Khi phát hiện gia đình anh Khiên tập trung vào hỏi han cháu Thị Ngọc Yến, mẹ con bà Ché hoảng sợ. Chị Liên khư khư bế con gái, nép vào cửa nhà, ánh mắt hằn lên sự đề phòng. Bà Ché cũng hoảng sợ không kém. Từ lúc đứa con gái mang thai, một tay bà chăm sóc. Đưa con đi sinh, cũng chỉ một mình bà. Đón đứa cháu trên tay hộ lý, cũng chính là bà Ché. Chồng bà, năm nay đã ngoài 60, và con trai vẫn phải đi làm mướn để lấy tiền nuôi cả gia đình. Đứa nhỏ Ngọc Yến lớn lên trên tay bà, ốm đau cũng bà lo lắng. Thế mà nay có người lại đến nói đó không phải là cháu mình sao?

Được một lúc, không chịu đựng nổi cảnh người lạ cứ xúm vào hỏi han con mình, chị Liên la lên, là nếu mọi người không ra khỏi nhà thì sẽ gọi hàng xóm đến cứu, rồi bế bé Yến bỏ chạy. Thấy nhiều người trong ấp nghe tiếng kêu chạy đến, đại gia đình anh Khiên phải tìm cách tháo lui. Nhưng cả hai vợ chồng anh Khiên, chị Trang, đều chắc chắn khẳng định, cháu Ngọc Yến chính là đứa con gái thất lạc của mình bấy lâu.

Cả gia đình rút lui trong nước mắt! Không ai có thể cầm nổi lòng khi chứng kiến cảnh cháu bé giống bố, giống chị gái y hệt, gầy yếu và còi hơn so với lứa tuổi. “Anh có thấy nỗi đau nào bằng việc thấy con mình rồi mà không được ôm con không?”, anh Khiên rơm rớm nước mắt nhớ lại.

Hành trình thử ADN

Không hoàn toàn bị cảm tính chi phối, gia đình anh Khiên quyết định đi thử ADN. Món nợ hộ nghèo gần 200 triệu không khiến anh sờn lòng. Đi vay mượn được hơn chục triệu, anh Khiên đưa chị Trang, cùng vật phẩm thử AND của cô con gái thứ 2, xuống thẳng Sài Gòn. Vừa tiến hành xét nghiệm xong, chưa nhận được kết quả, anh Khiên đã nhận được tin báo bất ngờ: hai hộ lý ngày xưa đỡ đẻ cho con anh đã tìm đến tận nhà xin lỗi.

Khi kết quả AND đã có, chứng minh cháu gái thứ 2 trong gia đình không cùng huyết thống, anh Khiên quyết định viết đơn khiếu nại gửi lên Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long. Nhận được đơn, Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long thống nhất mời hai gia đình đưa hai cháu bé đi xét nghiệm ADN. Kết quả cuối cùng cho thấy, đã xảy ra việc trao nhầm con cho hai sản phụ vào thời điểm hơn 3 năm trước.

Ngày 24/6, tại buổi hoà giải có đại diện chính quyền địa phương, bệnh viện đã nhận lỗi trước hai gia đình. Nhưng hệ luỵ của câu chuyện vẫn còn kéo dài sau đó.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý