Nghi án hối lộ 2,2 triệu USD: Yếu tố khiến điều tra gặp khó khăn

mesu mesu @mesu

Nghi án hối lộ 2,2 triệu USD: Yếu tố khiến điều tra gặp khó khăn

Liên quan đến nghi án hối lộ quan chức Y tế 2,2 triệu USD, một số ĐBQH và cơ quan điều tra cùng thừa nhận việc điều tra ngược lại này rất khó khăn...

08/11/2014 01:58 PM
1,133

Liên quan đến thông tin Công ty Bio-Rad Laboratories Inc của Mỹ - đơn vị cung cấp các thiết bị xét nghiệm và chẩn đoán y tế chi 2,2 triệu USD cho một số cán bộ của Việt Nam từ năm 2005 - 2009 để giành hợp đồng, chia sẻ với PV VTC News bên hành lang Quốc hội, ông Hà Huy Thông - ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng: "Nếu có vụ việc như thế này thì những kẻ tham gia sẽ tìm cách che giấu. Cái khó là chúng ta phải đi tìm sự thật. Sự việc này cũng đã xảy ra cách đây khá lâu cũng sẽ là một yếu tố khiến quá trình điều tra gặp khó khăn".

Nghi án hối lộ 2,2 triệu USD: Yếu tố khiến điều tra gặp khó khăn - Ảnh 1

ĐBQH Hà Huy Thông. Ảnh: VTC News

"Tất cả những hồ sơ, giấy tờ từ thời đó không biết có còn được lưu giữ hay không. Về nhân sự có thể hiện nay người ta cũng không làm vị trí đó nữa, nhiệm vụ được giao cho người khác. Thậm chí, có thể xảy ra việc bao che, cung cấp thiếu thông tin cho cơ quan điều tra", ông Thông nói.

"Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết khi cho rằng “một đồng tham nhũng vẫn là tham nhũng”. Theo tôi, quan trọng là cần làm rõ có tham nhũng hay không. Sau đó, chúng ta mới quan tâm đến tham nhũng đến mức nào", ông Thông cho biết.

Theo đại biểu Hà Huy Thông: "Ai đó cho rằng 2,2 triệu USD trong 5 năm là không lớn nhưng người dân bình thường mơ cả đời chẳng có. Đối với họ, đó là số tiền rất lớn. Đối với tôi, việc tham nhũng 1.000 USD cũng là lớn".

"Tôi cho rằng, việc đầu tiên là phải làm rõ thông tin thực tế vụ việc này diễn ra như thế nào. Hiện nay, Bộ Y tế cũng chưa biết được vụ việc này liệu có đúng không, do cá nhân, đơn vị nào làm. Chúng ta cần phải làm rõ liệu có việc hối lộ không. Nếu có, việc hối lộ đó lớn đến mức nào. Liệu có phải là hối lộ 2,2 triệu USD, nhiều hơn, hay ít hơn. Thậm chí là hoàn toàn vu cáo", ông Thông nhận định.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo Tuổi Trẻ, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, việc Bộ Y tế có công văn đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra nghi án này là thể hiện trách nhiệm và kịp thời. Tuy nhiên, điều được đại biểu Quốc hội và dư luận quan tâm là việc quản lý đấu thầu thiết bị y tế diễn ra trong nhiều năm về trước.

Nghi án hối lộ 2,2 triệu USD: Yếu tố khiến điều tra gặp khó khăn - Ảnh 2

Ông Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Đánh giá về vụ việc, ông Cương cho biết: "Nghi án Công ty Bio-Rad hối lộ chỉ là một sự kiện khiến dư luận rất bất bình, bởi hằng năm VN phải nhập khẩu một số lượng thiết bị y tế rất lớn và số tiền chắc chắn là không nhỏ. Tình trạng tham nhũng, thiếu minh bạch trong đấu thầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám chữa bệnh".

Về giải pháp để chặn gian lận, tiêu cực trong đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, trao đối trên báo Dân trí, ông Nguyễn Sỹ Cương cho biết: "Tôi nghĩ là cần có sự kiểm soát rất nghiêm ngặt việc đấu thầu mua sắm thiết bị y tế. Luật Đấu thầu sửa đổi mới, khi có hiệu lực sẽ giúp tăng cường kiểm soát hoạt động đấu thầu nhưng quy định của luật không phải không có những kẽ hở nhất định, cơ quan chức năng phải kịp thời phát hiện, sửa đổi, bổ sung thêm chính sách".

"Vấn đề tôi e ngại hiện nay là không chỉ đấu thầu thiết bị, hoạt động đấu thầu cung cấp dược phẩm cũng không phải không có những chuyện tiêu cực. Ở nhiều bệnh viện, các hãng dược cho người đi tiếp thị đển, ở bệnh viện nào cũng có, bản chất là để tiếp xúc với bác sĩ, để xem bác sĩ nào đó kê đơn thuốc của hãng là trả tiền “hoa hồng”, triết khấu. Lĩnh vực này cũng cần phải có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn" ông Cương nói

Theo ông Cương, những việc này sử dụng khái niệm “chi hoa hồng” cũng chưa chính xác vì “hoa hồng” có hàm nghĩa là khoản chi không lớn. Nhưng với những hợp đồng mà chi phí bôi trơn tới 2,2 triệu USD như Bio-Rad, cần phải gọi chính xác là tiền hối lộ.

Đồng quan điểm, Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính cũng cho rằng, vụ việc xảy ra từ năm 2005 nên các đơn vị phải lục lại, kiểm tra rồi mới có thể báo cáo.

Tuy nhiên ông Chính khẳng định, việc tìm lại hồ sơ không phải khó vì các đơn vị thuộc các Sở Y tế, bệnh viện sẽ còn lưu có thể kiểm tra lại được.

Nghi án hối lộ 2,2 triệu USD: Yếu tố khiến điều tra gặp khó khăn - Ảnh 3

Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính. Ảnh: ANTV

"Có một vấn đề đáng chú ý trong thông tin phía Mỹ đưa ra là Bio – Rad sử dụng tổ chức trung gian để chi tiền hoa hồng. Vậy đơn vị trung gian đó có phải là các công ty cung cấp trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm của Việt Nam hay không?", ông Chính băn khoăn.

Theo ông Chính: "Một câu hỏi nữa cần xem xét là cơ quan trung gian rút tiền từ Bio-Rad để họ sử dụng việc gì? Họ có thật sự chi cho đối tác Việt Nam? Chi như thế nào cho tiền hoa hồng, chi phí đào tạo, chi phí mời hội thảo ở nước ngoài?".

Như tin tức đã đưa, ngày 5/11, một số cơ quan báo chí đã đưa tin về việc Công ty Bio-Rad Laboratories Inc của Mỹ bị cáo buộc giả mạo chứng từ để che giấu các khoản thanh toán và đã trả 7,5 triệu USD tiền hối lộ cho các quan chức tại ba quốc gia: Nga (4,6 triệu USD), Thái Lan (hơn 700.000 USD) và Việt Nam (2,2 triệu USD) trong nhiều năm để giành hợp đồng.

Cụ thể, “trong khoảng từ 2005 tới cuối 2009, Văn phòng Việt Nam của Bio-Rad đã thanh toán sai trái 2,2 triệu USD cho các đại l‎ý và các nhà phân phối và họ đã chuyển tiếp tiền hoa hồng này cho quan chức Chính phủ Việt Nam".

Video: 'Nghi án' hối lộ 2,2 triệu USD tại ngành y tế: Bộ Y tế nói gì?

Ngay khi có thông tin này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi Công văn hỏa tốc đến Bộ trưởng Công an, đề nghị xác minh thông tin này để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm. Trường hợp thông tin nói trên không đúng, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân không hoang mang, đảm bảo niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước nói chung và ngành y tế nói riêng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có văn bản đề nghị Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam hỗ trợ điều tra làm rõ thông tin này.

Người đứng đầu Bộ Y tế cũng khẳng định, khi tìm rõ được căn nguyên của sự việc thì Bộ Y tế sẽ không bao che, xử lý đúng người, đúng việc và theo pháp luật.

Ngay khi xuất hiện những thông tin liên quan đến việc Công ty Bio-Rad Laboratories đưa hối lộ, cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh ngay các nội dung này, trước khi Bộ Y tế có văn bản gửi đến Bộ Công an.

Theo tiến trình, cơ quan điều tra sẽ thông qua các cơ quan chức năng để đề nghị với Đại sứ quán Mỹ và các cơ quan liên quan tại Mỹ cung cấp tài liệu để làm rõ những vi phạm pháp luật ở Việt Nam nếu có.

Tuy nhiên, một lãnh đạo cơ quan điều tra cũng thừa nhận việc điều tra ngược lại này rất khó khăn, nhất là các hợp đồng này nếu có bôi trơn đều đã được hợp pháp hoá vào các mục chi phí dự án, hợp đồng đào tạo...

Đó là chưa kể việc công ty này đã rút khỏi Việt Nam 5 năm nay, những tài liệu liên quan để kiểm tra, xác minh càng ít.

Mai Nguyên (Tổng hợp)

Xem thêm video: Nâng cao chất lượng DV hàng không: Cần một 'nhạc trưởng'.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý