Nghi vấn đường dây chạy thương binh giả: Chỉ trả theo danh sách?

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Nghi vấn đường dây chạy thương binh giả: Chỉ trả theo danh sách?

Một cán bộ chính sách huyện Trực Ninh giải thích: “Chúng tôi chỉ biết chi trả, còn về việc này, chúng tôi không hề hay biết gì...”.

21/04/2015 02:39 PM
450

Chúng tôi chỉ biết chi trả theo danh sách

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Cao Khải (SN 1960) tố cáo một số cán bộ chức năng xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, đã tiếp tay cho đường dây làm hồ sơ khống để hưởng chế độ thương bệnh binh và chất độc màu da cam. Ông Khải cũng chỉ ra hàng loạt những trường hợp được cho là hưởng chế độ không đúng với thực tế. Để có câu trả lời về vấn đề này, PV đã lần tìm đến một số trường hợp nằm trong danh sách trên ở xã Việt Hùng.

Theo lời ông Nguyễn Cao Khải, ông đã gửi đơn thư đến bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Thanh tra Chính phủ cùng một số cơ quan ban ngành trong huyện Trực Ninh và tỉnh Nam Định. Tất cả những đơn thư của ông Khải đều được chuyển về huyện Trực Ninh để giải quyết. Tại buổi làm việc, một mình ông Khải làm việc với đại diện UBND huyện, Tòa án, công an, phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện. Cán bộ chính sách huyện Trực Ninh đã giải đáp về những trường hợp mà ông Khải nêu trong đơn thư tố cáo là “hưởng chế độ chính sách không đúng thực tế”.

Theo lý giải của cán bộ chính sách, về trường hợp của ông Trần Văn Thưởng – Phó Chủ tịch UBND xã Việt Hùng và ông Nguyễn Ngọc Đanh - Trưởng ban Chính sách Thương bệnh binh xã mang hai tên khác nhau đã được địa phương xác nhận(!?).

Trường hợp của ông Nguyễn Viết Xuân khai lệch năm sinh và năm công tác trong quân ngũ để được hưởng chế độ nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam là ông Xuân sinh năm 1953 chứ không phải sinh năm 1943. Người có tên Phạm Thị Xuyên trong danh sách hưởng trợ cấp hiện đang còn sống nhưng đang sinh sống ở huyện Hải Hậu, chứ không ở địa phương.

   - Ảnh 1

Ông Nguyễn Viết Xuân nằm trong danh sách nghi làm khống hồ sơ để hưởng chế độ chất độc màu da cam.

Tuy nhiên, ông Khải cho rằng những giải thích của cán bộ chính sách và phía các ban ngành chức năng của huyện Trực Ninh chỉ là sự bao biện. Ông Khải cũng bác lại những lời giải thích này, trường hợp của ông Thưởng và ông Đanh đều mang hai tên khác nhau. Hai ông này, một người là cán bộ công chức, một người là cán bộ viên chức, lại mang hai tên đệm khác nhau. “Tôi nghĩ rằng, chỉ hai tên đệm khác nhau thì là hai người khác nhau chứ sao lại là một người. Tôi chỉ thấy trong giấy khai sinh có tên thường gọi và tên bí danh thôi. Hai ông này bản thân hiện là cán bộ xã Việt Hùng, tại sao lại có thể làm như thế”, ông Khải thắc mắc.

   - Ảnh 2

Hai giấy xác nhận của những người trong quân ngũ và cùng thời gian làm việc mà ông Nguyễn Viết Xuân cung cấp cho PV.

Ông Khải liên tiếp đưa ra những câu hỏi, ai ở địa phương đã xác nhận cho ông Thưởng và ông Đanh hai tên là một? Bà Phạm Thị Xuyên là người đang hưởng chế độ chính sách có thật không? Không có hộ khẩu ở địa phương, tại sao lại được hưởng lương ở địa phương? Trước những câu hỏi của ông Khải, cán bộ phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Trực Ninh trả lời: “Chúng tôi chỉ biết chi trả, còn về việc này chúng tôi không hề hay biết gì. Danh sách các trường hợp thương bệnh binh, nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc màu da cam là do các đơn vị gửi về”.

Khi ông Khải chất vấn, các cán bộ này quay ngoắt 180 độ đổ thừa cho địa phương. Vậy cứ xã gửi danh sách lên là phòng chức năng huyện không cần điều tra kiểm chứng cứ vậy xét duyệt. Còn chuyện có đúng với thực tế hay không cũng không cần biết?

Cũng trong buổi làm việc này, ông Khải đã ghi âm lại toàn bộ phần làm việc. Khi ông Khải nói lại ở phần cuối của buổi làm việc là đã ghi âm cuộc trò chuyện thì cán bộ văn phòng huyện cho hay: “Chúng tôi làm việc với anh là bằng văn bản, chứ không bằng lời nói, sẽ gửi văn bản nội dung làm việc cho anh”. Điều khiến cho ông Khải khó hiểu hơn là ông được cả Ủy ban Kiểm tra Đảng huyện Trực Ninh mời lên làm việc mặc dù ông không là Đảng viên. Theo ông Khải, đáng lẽ ra Ủy ban Kiểm tra Đảng huyện Trực Ninh là đơn vị chỉ đạo cho các cơ quan chức năng của huyện làm việc này. “Việc Ủy ban Kiểm tra Đảng mời tôi lên làm việc chẳng qua là bao biện cho vụ việc mà thôi!”, ông Khải nêu quan điểm.

Thông tin đối chiếu mập mờ

Chúng tôi đã tìm đến gặp trường hợp ông Nguyễn Viết Xuân (xã Việt Hùng) đang được hưởng chế độ của người nhiễm chất độc màu da cam. Theo phản ánh, ông Xuân nhập ngũ năm 1965, xuất ngũ năm 1967, năm 1971 ông về làm thư ký đội sản xuất ở xã Việt Hùng. Thế nhưng trong hồ sơ, ông Xuân lại khai năm 1976 mới xuất ngũ. Lý giải về việc này ông Nguyễn Viết Xuân cho hay: “Thực chất là tôi nhập ngũ năm 1965, xuất ngũ năm 1976 chứ không như người ta nói”. Để chứng minh cho chúng tôi, ông Xuân cho biết: “Tôi đã có những người bạn đồng ngũ xác nhận cho tôi, và một anh làm cùng thời điểm thư ký ở đội sản xuất xác nhận cho tôi. Nói xong ông Xuân mở tủ lấy cho chúng tôi xem hai tờ giấy xác nhận. Theo quan sát, hai tờ giấy đều viết tay. Trong bản xác nhận về thời gian trong quân ngũ có hai người xác nhận.

Trong đó, phần trên là vợ bạn đồng ngũ xác nhận cho ông Xuân hộ chồng nhưng cũng chỉ nói là cùng nhập ngũ năm 1965. Người phía dưới cũng chỉ xác nhận cùng nhập ngũ chuyển đi nơi khác năm 1969 còn về sau cũng không biết. Còn trong biên bản xác nhận thời gian làm việc do ông Nguyễn Văn Nhiệm - người cùng xã ký cũng chỉ có vài dòng nói chung chung. Hai bản xác nhận viết tay này cũng không nói rõ ràng cụ thể, không có chứng thực của cơ quan chức năng.

Video xem thêm:

Thương binh ra tòa vì làm giả con dấu

Khi chúng tôi hỏi, tại sao lại là vợ đồng ngũ chứng minh cho ông? Thì ông Xuân cho hay: Người bạn đồng ngũ đã mất vì bệnh ung thư mà vợ của anh ấy cũng biết rất rõ về tôi. Tuy nhiên, trong đơn xác nhận cũng chỉ nói chung chung không cụ thể. Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Đình Tịch - người đã xác nhận cho ông Xuân ở cùng đơn vị với nhau để tìm hiểu thông tin nhưng không may cho chúng tôi là ông Tịch không có ở nhà.

Tiếp tục với trường hợp của ông Hoàng Văn Hiệp (trú tại xóm 13, xã Việt Hùng). Ông Hiệp vào quân ngũ năm 1975, khi xuất ngũ trở về địa phương đã được hưởng chế độ 142. Tuy nhiên, hiện tại ông Hiệp lại được hưởng lương chế độ chất độc màu da cam.

Đặc biệt là vợ ông Hiệp không vào quân ngũ cũng có huy chương, có thẻ bảo hiểm kháng chiến. Khi PV đến nhà, chỉ có vợ ông Hiệp tiếp chúng tôi, còn ông Hiệp không có ở nhà. Khi chúng tôi đặt vấn đề xác minh thông tin trên thì vợ ông Hiệp nói: “Các anh là phóng viên đến tìm hiểu viết bài đúng không. Các anh về đi tôi không nói gì đâu”.

Tiếp cận với trường hợp của ông Hoàng Xuân Hưởng (trú tại xóm 9, xã Việt Hùng) - nhà có tất cả năm người hưởng chế độ theo ông. Riêng ông Hưởng đang lĩnh lương hàng tháng hai chế độ. Khi vừa tới cổng hỏi thăm, ông Hưởng ở trong nhà nói vọng ra: “Tôi không có thì giờ nói chuyện với các anh đâu”.

Những trường hợp mà chúng tôi trực tiếp gặp để xác minh đều có phần mập mờ và dường như có điều uẩn khúc bên trong. Phải chăng, họ đang lẩn tránh để hòng ẩn đi sự việc có thật đang tồn tại. Nguy hại hơn, họ còn có sự bao che của các cơ quan chức năng từ xã đến huyện? Để xác minh rõ hơn về vụ việc này, chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan và cung cấp thông tin tới độc giả vào kỳ tới.

Đoàn Sơn - Doãn Kiên

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý