Ngỡ ngàng chất lượng sữa ngoại và kỹ năng 'móc túi' người tiêu dùng

nhidong nhidong @nhidong

Ngỡ ngàng chất lượng sữa ngoại và kỹ năng 'móc túi' người tiêu dùng

Trước ma trận sữa ngoại cùng với sản phẩm sữa của các công ty sản xuất trong nước cũng đang từng bước chiếm lĩnh thị trường, người tiêu dùng (NTD) bị đẩy vào sự lựa chọn giữa giá và chất lượng.

19/04/2015 03:08 PM
1,667

Trên đấu trường này, với tâm lý “sính ngoại”, NTD đang phải bỏ ra một khoản phí chênh lệch về giá không nhỏ cho sản phẩm sữa ngoại mà không biết rằng, chất lượng sản phẩm của nhiều nhãn hàng sữa nội không hề thua kém.

Chỉ số dinh dưỡng ngang ngửa

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, để đánh giá chất lượng của một sản phẩm dinh dưỡng cần dựa vào phần “Thông tin dinh dưỡng” được ghi cụ thể trên nhãn hàng của sản phẩm, thương hiệu uy tín trên thị trường và hiệu quả lâm sàng thực tế mà sản phẩm đó mang lại. Từ chỉ dẫn này, PV lựa chọn mua hai sản phẩm sữa nổi bật trên thị trường, sản phẩm nhãn sữa A của hãng sữa nổi tiếng của Mỹ và một sản phẩm nhãn sữa B mang thương hiệu sữa nổi tiếng của một công ty sữa trong nước, đến gặp chuyên gia dinh dưỡng tại viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Tại đây, một vị chuyên gia dinh dưỡng (xin được ẩn tên-PV) cho hay: Thực ra, trước đây, Viện đã từng kiểm nghiệm một số sản phẩm sữa trên thị trường bao gồm cả sữa nội và ngoại, trong đó có hai sản phẩm giống nhãn mác mà PV mang tới. Kết quả kiểm nghiệm khi đó còn cho thấy, một số sữa nội có chỉ số chất lượng ngang bằng, thậm chí có chỉ số còn nhỉnh hơn so với sữa ngoại cùng chủng loại. Cụ thể, sữa bột dùng cho trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi của nhãn hãng sữa B có hàm lượng đạm 12%, cao hơn sữa ngoại cùng chủng loại có hàm lượng đạm 11,3%. Hàm lượng đạm 17,9%, béo 25,5%, cao hơn sữa ngoại cùng chuẩn loại có hàm lượng đạm 15,4%, béo 15% đối với sữa bột cho trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi. Riêng với dòng sữa bột, dùng cho phụ nữ mang thai, sản phẩm của hãng sữa B này có hàm lượng đạm 24,5%, béo 15,2%, canxi 746mg/kg cao hơn sữa ngoại cùng chủng loại có hàm lượng đạm 15,7%, béo 14,4%, canxi 938mg/kg.

Vị chuyên gia dinh dưỡng này cũng giải thích về hai chỉ số quan trọng xuất hiện trên phần thông tin của hai loại sữa mà PV mang tới cho thấy: Với chỉ số FOS (fructo-oligosaccharides) có trong sản phẩm sữa A (cao hơn nhiều lần so với sản phẩm sữa B-PV) có tác dụng giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh và hoạt động tốt. Tuy nhiên, bù lại sản phẩm sữa B (sản phẩm mang thương hiệu sữa nổi tiếng của một công ty sữa trong nước) lại có hàm lượng Plant Sterol Ester - là chất béo được chiết xuất tự nhiên từ thực vật có tác dụng ngăn cản sự hấp thu các cholesterol từ ruột non vào máu, từ đó làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu, giảm nguy cơ về các bệnh tim mạch cao hơn so với sản phẩm sữa A. Như vậy, về các dưỡng chất, hai dòng sữa cung cấp lượng tương đương các chất dinh dưỡng cho cơ thể.

   - Ảnh 1

Mẫu kiểm nghiệm của nhãn hàng sữa nội cho thấy sản phẩm có nhiều chỉ số chất lượng ngang sữa ngoại nhập.

Tiếp cận với số liệu từ thực hiện lâm sàng mà viện Dinh dưỡng thử nghiệm với sản phẩm sữa do một hãng sữa lớn trong nước sản xuất đầu tháng 3/2015 đối với 650 trẻ em từ 24- 36 tháng tuổi trong 3 tháng, ghi nhận sản phẩm sữa được lựa chọn cho số liệu tăng trưởng chiều cao tương đương và hiệu quả cải thiện cân nặng tốt hơn các loại sữa ngoại khác. Cụ thể, tăng chiều cao 2,2cm và 640 gram cân nặng, trong khi nhóm sử dụng sữa ngoại tăng 1,87cm và 540 gram cân nặng.

Vì sao sữa ngoại “át vía” sữa nội?

Có thể thấy, bằng những chiêu thức kinh doanh như đã đề cập ở kỳ trước, nhiều nhãn hàng sữa ngoại đã “át vía” sữa nội. Tấm thẻ bảo hộ một số mặt hàng trong nước từ phía cơ quan chức năng đã không được kích hoạt để bảo vệ quyền lợi NTD? Chất vấn nội dung này với lãnh đạo chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, một vị đại diện cơ quan này đã phân tích: Tâm lý “sính” hàng ngoại gắn với chất lượng cao luôn là tâm điểm trong văn hóa mua hàng của NTD. Chính nó đã tạo ra một rào cản lớn đối với những nhãn hàng sữa do các nhà sản xuất và kinh doanh sữa bột trong nước sản xuất. Vị này nhấn mạnh: “Tâm lý “sính ngoại” này mạnh đến mức, NTD không cần nhớ tên sữa là gì mà chỉ nhớ tên nước như sữa Đan Mạch, sữa Thái, sữa Pháp, sữa Hà Lan... là được hiểu gắn liền với chất lượng sữa cao”.

Việc sữa ngoại “làm mưa làm gió” còn có một nguyên nhân khác khi sữa nội không tận dụng được cơ chế bảo hộ. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Định Ninh đánh giá, doanh nghiệp sữa trong nước mỗi khi có “biến” về giá hay bị sữa ngoại “đánh bật” ở một phân khúc thị trường nào đó thì luôn kêu ca, đòi hỏi sự bảo hộ. Thế nhưng, khi có lợi thế trên thị trường thì ít doanh nghiệp đầu tư cơ bản công nghệ và chất lượng mà chỉ tranh thủ vấn đề chênh lệch giá tìm lợi nhuận. Trên một diễn đàn bảo vệ NTD, do cục Quản lý Cạnh tranh, bộ Công Thương tổ chức mới đây cho biết, kết quả nghiên cứu thời gian qua, NTD trong nước đang phải trả một mức giá khá cao cho các sản phẩm sữa ngoại và bị “móc túi” một cách đều đặn mỗi khi các hãng sữa đó kích hoạt các chiến dịch tăng giá. Từ kết quả nghiên cứu về giá sữa cho thấy, hiện giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở Việt Nam so với các nước đang phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonesia nhìn chung, cao hơn từ 20 -60%, có trường hợp cao hơn từ 100 – 150%.

Video tham khảo:

Áp trần giá sữa: Tạm yên, chưa ổn

Theo tìm hiểu, phân tích của PV, các hãng sữa ngoại đều dùng chiêu thức “tằm ăn rỗi” trong mỗi lần tăng giá để “móc túi” NTD chính từ sự “sính ngoại” của họ. Cụ thể, trung bình một năm, các hãng sữa ngoại tăng giá từ 5 - 7 lần. Tuy nhiên, họ không thực hiện đội giá quá nhiều mà mỗi lần chỉ nhích lên không quá 20%, mục đích để không phải chịu sự kiểm soát về giá của các cơ quan chức năng. Cùng với đó, các hãng sữa ngoại khai thác triệt để quy định mới của bộ Y tế về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng. Theo đó, hầu hết các sản phẩm trước đây được ghi là sữa thuộc danh mục bình ổn giá và đăng ký giá tại bộ Tài chính hoặc sở Tài chính, thì đến nay đã được bộ Y tế quy định tên mới là: Thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng... Với tên gọi mới này, các sản phẩm không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá theo quy định của luật Giá. Thế là, nghiễm nhiên bây giờ các hãng sữa ngoại không cần phải “lách” văn bản như vậy nữa bởi những sản phẩm trước đây vẫn được gọi là sữa thì nay đã trở thành thực phẩm bổ sung hay sản phẩm dinh dưỡng.

Điều đó cũng có nghĩa, những sản phẩm này mặc nhiên đã được loại ra khỏi danh mục hàng hóa cần phải kiểm soát về giá. Và, đó chỉ là một trong rất nhiều chiêu bài mà doanh nghiệp sữa ngoại sử dụng khiến giá sữa ngoại chỉ biết đến tăng mà không hề có giảm, nhằm “móc túi” NTD một cách hợp pháp.

Luật sư Nguyễn Chiến Thắng (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nêu ý kiến: Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện chính sách bình ổn giá thị trường, tại sao cơ quan có trách nhiệm lại để cho tình trạng sữa ngoại lũng đoạn như hiện nay mà không xử lý? Theo quy định, việc chi cho quảng cáo tối đa không quá 10% nhưng tại sao các cơ quan quản lý lại để cho doanh nghiệp chi quảng cáo lên tới 40%, sau đó lại đội giá sản phẩm sữa lên để “móc túi” NTD. Do vậy, cục Quản lý Giá cần khẩn trương vào cuộc. Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước cần làm rõ việc kê khai thuế của các hãng sữa ngoại để làm rõ sai phạm của những doanh nghiệp đó.

Mới đây Tổng cục Hải quan đưa ra thống kê về giá một số sản phẩm sữa bột nhập khẩu, mức giá nhập khẩu khoảng 4-5 USD/hộp (tương đương với mức 80.000-100.000 đồng), còn giá bán lẻ trên thị trường từ 20-25 USD/hộp (tương đương 400.000-500.000 đồng), tức là gấp 5 lần so với giá nhập khẩu. Đánh giá về con số này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Định Ninh cho rằng: “Con số này chứng tỏ có sự "thổi giá" của các sản phẩm sữa ngoại. Như vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần thông tin rộng rãi đến các phương tiện thông tin đại chúng để NTD biết. Thực tế, NTD rất muốn sử dụng sản phẩm sữa ngoại giá phù hợp với chất lượng, nhưng gặp phải những hạn chế về thông tin giá, thông số chất lượng”.

Vi Hoàng

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý