'Ngụy trang' kì diệu của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

'Ngụy trang' kì diệu của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ

Dưới sự chỉ đạo của ông Mười Hương (tức Trần Quốc Hương), ông Vũ Ngọc Nhạ đã hóa thân tài tình vào vai một thầy tu Công giáo, đến mức, cấp trên còn dặn ông Hương cẩn thận với ông Nhạ...

23/05/2015 08:43 PM
374

Dưới sự chỉ đạo của ông Mười Hương (tức Trần Quốc Hương), ông Vũ Ngọc Nhạ đã hóa thân tài tình vào vai một thầy tu Công giáo. Với lòng trung thành và tài năng của mình, ông Nhạ đã xây dựng được lòng tin trong lãnh đạo, đồng đội và tìm cho mình những người bạn chiến đấu đầy tài năng và tâm huyết như: Huỳnh Văn Trọng, Lê Hữu Thúy, Vũ Hữu Duật... Họ là những người từng nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính thể Việt Nam Cộng hòa. Nhờ họ, mà những tin tức tuyệt mật ở Sài Gòn đã được báo ra Hà Nội.

Phát hiện lợi thế của Vũ Ngọc Nhạ

Theo tin tức được ông Mười Hương kể lại, thời kỳ 1955 – 1960, ông vào Sài Gòn ém mình ngay trong lòng địch để hoạt động. Chỉ đạo một lưới tình báo đặc biệt, ông Mười Hương luôn dũng cảm ẩn hiện trước mặt kẻ thù. Hơn 50 năm sau, được ngồi bên ông, ghi chép những cống hiến của ông đối với cách mạng, tôi hỏi: “Ngày đó, ông Nhạ và anh em trong lưới đều “đóng giả” là người của chính quyền Sài Gòn, còn ông, ông nắm “anh em” bằng cách nào?”.

   - Ảnh 1

Ông Mười Hương.

Ông Mười Hương nói: “Tôi thường đóng vai một người bạn theo đạo Thiên chúa giáo cùng di cư vào Nam với ông Nhạ, đến thăm gia đình ông. Có tháng một lần, có tháng đôi ba lần, tùy theo công việc. Qua việc thăm hỏi, trò chuyện tôi nắm tình hình, rồi phản ánh về trung tâm và truyền đạt nhiệm vụ của cấp trên cho anh em trong mạng lưới”.

Ông Mười Hương có đức tính cẩn trọng, chu đáo luôn lo sự “bảo tồn” tính mạng của đồng đội. Để che mắt địch, một lần đến thăm gia đình “giáo dân” Vũ Ngọc Nhạ, nhìn quanh nhà không thấy treo tượng Chúa, ông đã cho người kiếm bức tượng Giê-su và cây thánh giá mang đến và dặn bà Nhẫn (vợ ông Nhạ): “Bà treo những thứ này lên tường nghe. Người ta đến nhà “giáo dân” không thấy treo tượng Chúa, họ sẽ nghi ngờ”. Quả nhiên, sau này bức tượng chúa Giê-su và cây thánh giá đã “bịt mắt” được bọn mật vụ.

Ông Mười Hương nói tiếp: “Ngày đó vợ chồng ông Nhạ có cô con gái lớn tên là Khiêm. Con bé nết na khôn ngoan, lại chịu thương, chịu khó, thường xuyên giúp bố chuyển tin tức thư từ ra trung tâm. Cô bé Khiêm làm liên lạc cho bố ngày ấy nay đã có 2 con. Cô còn có tên gọi là Hải, hiện là bác sĩ giỏi của Bệnh viện Chợ Rẫy đấy”. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, trải qua 2 lần tù đày, từng làm nên bao chiến tích hiển hách. Nhưng khi nhắc tới, ông Mười Hương lại khiêm nhường, không muốn nói về thành tích và chiến công của mình. Phải đề nghị mãi ông Mười Hương mới ý tứ thổ lộ đôi điều về công việc “dìu dắt" anh em trong lưới A22.

Ông Mười Hương kể: “Một hôm, tôi bảo Vũ Ngọc Nhạ: “Anh có dáng một con chiên, một thầy tu. Hiện anh đang được các linh mục và cha cố yêu mến, tin tưởng. Theo mình, anh cứ tập trung đi sâu vào khối Công giáo. Cứ bám lấy họ, biến mình thành người của họ. Chính quyền Ngụy chủ yếu dựa vào lực lượng Công giáo để chống cộng. Họ dựa vào các linh mục, cha cố nhằm tăng cường lực lượng đảng phái chính trị. Mình có vị thế trong Công giáo, chúng dựa vào Công giáo, tức là dựa vào mình. Đây là cái vỏ bọc tốt để luồn sâu vào cơ quan đầu não của địch”.

   - Ảnh 2

Ông Vũ Ngọc Nhạ (người thứ 2, phải qua) cùng những vị tướng làm công tác tình báo giỏi nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (từ trái qua là Nguyễn Đức Trí, Đặng Trần Quốc, Trần Văn Danh, Vũ Ngọc Nhạ, Đào Trọng Mỹ).

Quả nhiên sau đó, cũng nhờ chính cái vỏ bọc này, Vũ Ngọc Nhạ đã lọt được vào Dinh Độc Lập. Từ đây, ông đã tổ chức thành công một lưới tình báo chiến lược, âm thầm đục phá suốt mấy đời tổng thống của Ngụy quyền Sài Gòn.

“Anh phải cẩn thận và cảnh giác với thằng cha Nhạ”

Im lặng chừng một lát, ông Mười Hương nói: “Phải nói Nhạ hóa thân thành một con người khác thật tuyệt. Tôi còn nhớ một lần, tôi đưa Vũ Ngọc Nhạ ra căn cứ của ta ở ngoài Củ Chi để gặp cấp trên. Hôm ấy trong lúc làm việc tôi thấy anh Mai Chí Thọ (người được Trung ương cử vào) nắm tình hình. Anh Thọ nhìn Vũ Ngọc Nhạ một cách chăm chú khác lạ. Lúc giải lao, anh Thọ kéo tôi ra ngoài nói nhỏ: “Anh phải cẩn thận và cảnh giác với thằng cha Nhạ nghe”.

Nghe anh Thọ nói tôi ngớ người không hiểu đầu cuối ra sao. Vũ Ngọc Nhạ là một thị ủy viên, trưởng thành từ một cán bộ quân đội thời kỳ kháng chiến ở Thái Bình. Là người do tổ chức của ta cài vào, rất năng nổ và hoạt động đang có hiệu quả. Sao cấp trên lại nghi ngờ anh? Hay có điều gì... Tôi băn khoăn hỏi lại anh Thọ: “Tại sao lại phải cảnh giác với Vũ Ngọc Nhạ?”. Anh Mai Chí Thọ vẻ mặt quan trọng, nói: “Mình trông nó hệt một ông linh mục. Từ dáng đi, giọng nói đôi mắt đến tính cách, y như là một thằng cha đạo phản động”.

Tôi trình bày với anh Mai Chí Thọ: “Thưa anh, Vũ Ngọc Nhạ có giống một thằng cha cố phản động, anh ấy mới tồn tại trong lòng địch được. Nếu cứ ngay thẳng thật thà, hoặc “ngụy trang” nửa vời thì chúng nó bóp chết từ lâu rồi. Anh Nhạ “thể hiện” như thế, đúng vai “kịch bản” của tôi đấy. Nghe tôi giải thích và đặt niềm tin vào người cán bộ tình báo mà tôi phụ trách, anh Mai Chí Thọ bảo, anh tin tôi”.

Sau lưng một người đàn ông là một người phụ nữ

30 năm sau, Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ - nguyên cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và ông Vũ Hữu Duật - nguyên Phó chủ tịch thường trực Đảng liên minh dân chủ, đảng cầm quyền của Nguyễn Văn Thiệu, 2 người còn lại duy nhất của lưới tình báo H10 - A22 đưa vợ vào thăm Dinh Độc Lập. Điều không ngờ, cả 2 ông đều là thị ủy viên Thái Bình, những người cộng sản nòi, lọt vào Phủ Tổng thống, nắm giữ những trọng trách lớn, quả là kỳ lạ. Có người nói, chỉ trừ có phép mầu nhiệm, còn từ trước tới nay chưa ai làm được những việc “siêu phàm” như thế.

Vào thăm Dinh Độc Lập, dẫu nay chỉ còn lại những kỷ vật của một thời, nhưng nhìn nó, các ông cảm thấy như một giấc ảo mộng vừa đi qua. Từ cái ghế, cái bàn, suốt mấy chục năm các ông cùng kẻ địch ngồi bên nó, căng thẳng tính từng giờ, từng phút. Sinh mệnh gia đình, bản thân và những hiểm hoạ cũng từ những cái ghế này.

Người duy nhất hiểu nó và cùng chia sẻ với các ông chính là những người vợ. Lưới A22 được tuyên dương đơn vị anh hùng, có người nói đóng góp 50% là công những bà vợ của anh em trong lưới tình báo này. Ông Lê Hữu Thúy, một mắt xích cực kỳ quan trọng của lưới tình báo A22, khi được tuyên dương là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đã tâm sự: “Người được tuyên dương anh hùng lẽ ra phải là vợ tôi chứ không phải tôi. Không có bà ấy, tôi làm sao làm nổi những việc đã làm”.

Hoạt động tình báo cũng như một nghệ thuật

Ông Mười Hương kể: “Thực ra khi ấy anh Mai Chí Thọ rất tin tôi. Nhưng cái thằng cha đạo phản động lẫn trong bóng hình con người ông Nhạ, đôi lúc vẫn làm anh Thọ chưa yên lòng. Có lần anh nói với tôi như thế. Mãi đến sau này cả lưới A22 lập công suất sắc được tuyên dương anh hùng, anh Thọ mới chúc mừng tôi. Anh Thọ bảo: “Cậu khá lắm, cậu dàn kịch bản cho Nhạ thật tuyệt vời. Mình rất mừng. Một đồng chí của ta, “đội lốt” kẻ địch đến mức người của ta cũng không nhận ra, quả là điều kỳ diệu đối với nghệ thuật tình báo mà chính mình cũng không thể tưởng tượng”.

Minh Chuyên

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý