‘Người đàn bà sữa’ và khối tài sản trăm tỷ

ban ban @ban

‘Người đàn bà sữa’ và khối tài sản trăm tỷ

Người đàn bà sữa hay đại gia ngành sữa là những cái tên thân mật dư luận đặt cho bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Vinamilk, cũng là nữ doanh nhân liên tục xuất hiện trên bảng xếp hạng của tạp chí Forbes.

22/10/2014 01:39 PM
4,750

Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Vinamilk được tạp chí Forbes xếp vị trí thứ 35 trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Sinh ngày 1/9/1953 tại Paris (Pháp), bà Mai Kiều Liên tốt nghiệp Đại học về chế biến thịt và sữa tại Moscow (Nga). Bà gia nhập vào Vinamilk ở vị trí của một kỹ sư phụ trách Khối sản xuất sữa đặc và sữa chua Nhà máy sữa Trường Thọ, Công ty Sữa – Cà phê Miền Nam (tiền thân của Công ty Sữa Việt Nam).

Năm 1983, bà học khoa quản lý kinh tế của trường Đại học Kinh tế Leningrad (Nga), năm 1984 bà được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc Cty sữa Việt Nam rồi và giữ vị trí Tổng Giám đốc từ năm 1992 đến nay.

Sau 37 năm gắn bó với Vinamilk, hơn 20 năm ở cương vị người đứng đầu, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam đã đưa Vinamilk trở thành một thương hiệu lớn, lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình dương từ năm 2010 và đang hiện thực hóa tham vọng đưa Vinamilk đạt doanh thu 3 tỷ USD, nằm trong top 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017.

Bằng việc triển khai hàng chục nhà máy, rải khắp toàn quốc, thu mua sản lượng sữa bò do dân làm ra, các nhà máy của Vinamilk đồng loạt nhả khói và đều đạt 60% rồi 100% sản lượng chỉ sau 2 – 3 năm đi vào hoạt động. Cùng với đó, hơn 200.000 điểm bán lẻ cũng dần được Vinamilk xây dựng.

Với sự quan tâm đến người tiêu dùng Việt, đầu tiên là giá thành, thấp hơn mà chất lượng ngang bằng với sản phẩm ngoại nhập nên các sản phẩm sữa của Vinamilk dần chiếm lĩnh thị trường. Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, Vinamilk vẫn tăng trưởng và phát triển vững mạnh.

Phong cách đặc biệt là ấn tượng tốt đẹp đầu tiên mọi người đều cảm nhận được về nữ doanh nhân Mai Kiều Liên. Quyết đoán, linh hoạt xử lý tình huống theo kiểu "kỹ trị” hơn thiên hướng "nhân trị” của châu Á đã làm cho bà "nổi” và trẻ hơn so với tuổi tác của mình.

Những thành công vang dội của bà Liên đã được báo Tây chú ý, trong đó đáng kể nhất phải kể đến “đại gia” Forbes. Được xuất hiện trên Forbes là vinh dự lớn với tất cả doanh nhân. Bà Liên đã nhận được vinh dự này không chỉ một lần.

Năm 2012, truyền thông Việt được phen xôn xao khi bà Liên có tên trong danh sách 50 nữ doanh nhân có quyền lực nhất ở châu Á do Forbes công bố. Bà Liên là đại diện Việt Nam duy nhất có mặt ở top 50 và đứng ở vị trí 25.

Forbes không ngại dùng nhiều mỹ từ để mô tả người đứng đầu Vinamilk. Forbes viết bà Liên: “Đã xây dựng Vinamilk trở thành không những là một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất mà còn là được kính trọng trên khắp châu Á” sau khi doanh nghiệp này cổ phần hóa vào năm 2003 và bà trở thành chủ tịch Hội đồng quản trị.

Cũng trong năm 2012, bà Kiều Liên cũng là nữ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam nhận danh hiệu “Lãnh đạo xuất sắc của châu Á trong lĩnh vực Quan hệ với nhà đầu tư” và "Lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất khu vực châu Á trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp" do tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á - trụ sở tại Hong Kong trao tặng.

Vào tháng 3/2013, Forbes lại một lần nữa nhắc đến tên Mai Kiều Liên khi bà Kiều Liên tiếp tục lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Tuy nhiên, lần này, bà Liên có thêm bạn đồng hành người Việt. Đó là bà Phạm Thị Việt Nga, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Dược Hậu Giang.

Sang năm 2014, bà Liên lại là một trong số 48 nữ doanh nhân có thành tích xuất sắc nhất khu vực châu Á năm 2014. Đứng thứ 23/48 trong danh sách, bà tiếp tục là cái tên được nhắc đến trong bảng xếp hạng của tạp chí danh tiếng này.

 - Ảnh 1

Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Vinamilk.

“Soi” khối tài sản trăm tỷ

Không phải doanh nhân Việt nào cũng liên tục được báo Tây ca tụng. Vì vậy, những dấu ấn mà bà Liên để lại trong mắt truyền thông quốc tế là điều rất đáng trân trọng. Đây được xem là “món quà” tinh thần lớn cho người đứng đầu Vinamilk.

Bên cạnh “món quà tinh thần”, bà Liên cũng có được “món quà vật chất” không hề nhỏ khi giúp Vinamilk tăng trưởng mạnh.

Cổ phiếu VNM của Vinamilk chào sàn từ năm 2006 với mức giá 53.000 đồng/CP. Ngay sau khi giao dịch trên sàn Tp.HCM, VNM nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, do không sở hữu số lượng VNM đủ lớn nên tên bà Liên không có trong Top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Trong suốt thời gian dài từ 2007 tới 2010, bà Liên vẫn đứng ngoài “cuộc đua tài sản” của đại gia Việt. Dấu ấn duy nhất mà bà để lại trong lòng giới đầu tư chính là những thành tựu mà Vinamilk đạt được. Dù khủng hoảng khiến cả nền kinh tế lung lay, Vinamilk vẫn tăng trưởng vượt bậc.

Năm 2011, bà Liên chính thức lọt vào Top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, với 130,64 tỷ đồng, giá trị cổ phiếu VNM chỉ đủ để bà Liên giành được vị trí khiêm tốn 63 trong bảng xếp hạng.

Cũng giống Vinamilk, khối tài sản và thứ hạng mà bà Liên sở hữu “chỉ” biết đi lên. Năm 2012, bà Liên vươn lên vị trí 52 với 199,36 tỷ đồng. Năm 2013, cổ phiếu VNM tăng mạnh giúp tài sản của bà Liên vọt lên 305,84 tỷ đồng. Bà Liên bước lên vị trí thứ 36.

Cũng trong năm 2013, bà Liên đứng ở vị trí thứ 10 trong danh sách 50 phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Bà đứng sau chị em nữ đại gia họ Phạm và một số sếp lớn trong các doanh nghiệp tư nhân.

Hiện tại, nhiều chuyên gia phân tích đều đánh giá cao cổ phiếu VNM và đưa ra khuyến nghị mua vào với cổ phiếu này. Dù vậy, cơ hội cho bà Liên bứt phá mạnh trong danh sách những người giàu nhất sàn chưng khoán không hề cao vì khối lượng cổ phiếu bà Liên nắm giữ khiêm tốn hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp khác.

Dù “nghèo” hơn nhiều đồng nghiệp, bà Liên vẫn luôn nằm trong sự chú ý của giới đầu tư, nhà phân tích. Khi phân tích đánh giá cổ phiếu VNM, công ty chứng khoán FPTS rất đề cao bà Liên. FPTS viết: “Nhắc đến Vinamilk không thể không nhắc đến chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO của doanh nghiệp này, bà Mai Kiều Liên (1953), vốn được xem như một trong những nữ doanh nhân nổi tiếng nhất tại Việt Nam”.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Xem thêm video clip : Cam Trung Quốc giả mạo cam Hà Giang tràn ngập thị trường

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý