Người mẫu teen và ánh hào quang quá sớm

suachuangot suachuangot @suachuangot

Người mẫu teen và ánh hào quang quá sớm

Người mẫu teen đang là một hiện tượng và nổi lên như trào lưu mới trong làng giải trí.

13/11/2014 06:02 PM
1,827

Cách đây 3 năm H.Q bước vào làng người mẫu lúc 13 tuổi với sự xuất hiện táo bạo bằng pha trình diễn hở ngực. Gần đây, người mẫu nhí 12 tuổi Bảo Trân đang trở thành tâm điểm chú ý, đặc biệt với sự cố "hở nội y" trong đêm trình diễn thời trang 21/11. Bên cạnh luồng dư luận trầm trồ về vẻ đẹp của những người mẫu teen, cũng không ít người tỏ ra lo ngại về việc các em nổi tiếng quá sớm ở một lĩnh vực khá nhạy cảm.
 
Lỗi ở “cách nhìn”

Sự kiện người mẫu nhí Bảo Trân bị tốc váy trong khi trình diễn thời trang trong chương trình “Thời trang và đam mê” đêm 21/11 trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Nhiều người tỏ ra lo ngại những thông tin có tính nhạy cảm này sẽ có tác động xấu tới một em gái chưa đến tuổi trưởng thành, khi mà nhân cách đang cần một quãng thời gian dài để hoàn thiện.


12 tuổi, Bảo Trân đã sở hữu chiều cao lý tưởng.

Chia sẻ với phóng viên, PGS. TS Nguyễn Hồi Loan - Nguyên Chủ nhiệm khoa Tâm lý - Trường Đại học Khoa học xã  hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Đây là cách nhìn  sai của một số người! Nếu nhìn một cách nhân văn thì "sự cố" đó chỉ là  một tai nạn bình thường, không phải là cố tình tạo scandal. Nhưng cách nói  "lộ hàng" lại bao hàm sự ám chỉ có tính chất mỉa  mai, phê phán. Với một người mẫu ở  tuổi của Bảo Trân chắc chắn sẽ không tránh khỏi sự cố trên sàn diễn; Không chỉ một lần mà có thể còn nhiều lần nữa. Và rồi dư luận lại soi xét, mổ xẻ, đặt lên bàn cân đong đếm... Tất cả những điều này là gánh nặng áp lực không đáng có ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" của cô bé!

Nêu ý kiến về "hiện tượng người mẫu Bảo Trân", anh Hoàng Hà- Quyền Tổng biên tập Tạp chí “Kính và kiến trúc” cho hay: Dư luận xôn xao về hiện tượng này cũng có cái lý của nó! Đầu tiên là vì vẻ bề ngoài của người mẫu teen này không còn là của một đứa trẻ. Trong khi cô bé vẫn còn hồn nhiên thơ trẻ thì người lớn lại nhìn em như nhìn một thiếu nữ.

Nếu một cô bé 12 tuổi bình thường, cơ thể chưa phổng phao thì sự cố tốc váy đó sẽ chẳng có gì. Nhưng với cơ thể thiếu nữ mà Bảo Trân đang sở hữu thì người ta lại cho đó là "lộ hàng". Thứ đến là người đọc, người xem sẽ đặt Bảo Trân trong vai trò của người mẫu. Thực tế có không ít người mẫu, diễn viên cố tình "lộ hàng" tạo scandan để nổi tiếng; Vì thế sự cố bị tốc váy của Bảo Trân là do tai nạn nghề nghiệp thì cô bé cũng không thể tránh được điều tiếng thị phi.


Màn trình diễn "hở nội y" của Bảo Trân gây xôn xao dư luận.

Chia sẻ trên các diễn đàn, một số bạn đọc cho rằng: Trong trường hợp này Bảo Trân không sai nhưng cách nhìn nhận của một số người lại chưa đúng, nếu không nói là có phần lệch lạc.

Làm người nổi tiếng trong lĩnh vực này đã chịu sức ép lớn, làm người nổi tiếng khi tuổi đời còn quá nhỏ,  khi nhân cách còn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện lại càng khó khăn bội phần. Các em còn quá nhỏ để ý thức về sự phức tạp trong cuộc sống nên sự nổi tiếng phần nhiều sẽ "lợi bất cập hại".

Mặt trái của sự nổi tiếng quá sớm

Điều mà ai cũng dễ nhận ra mặt trái của sự nổi tiếng - Đó là sức ép của dư luận. Với một đứa trẻ hơn 10 tuổi thì áp lực đó là quá nặng. Khi trở thành tâm điểm chú ý mà kinh nghiệm, vốn sống chưa có, các em rất có khả năng có những hành vi sai lệch, dễ mắc "bệnh sao".

Theo TS Tâm lý Nguyễn Hồi Loan: Tuổi dậy thì là lứa tuổi đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách, mong muốn khẳng định bản thân, muốn được người lớn nhìn nhận mình "là người lớn"- Nhưng thực tế các em vẫn là những đứa trẻ. Việc nổi tiếng quá sớm dễ tạo nên một hoàn cảnh sống "khác người", vì thế trẻ dễ bị khu biệt khỏi môi trường sống căn bản của mình. Nhiều khi sẽ vô tình đẩy đứa trẻ tách ra khỏi bạn bè cùng trang lứa, vô tình tước mất cơ hội để các em làm một đứa trẻ bình thường.


Trình diễn chuyên nghiệp trên sàn catwalk

Ở lứa tuổi vị thành niên, môi trường bạn bè là không thể thiếu, là căn bản để hình thành nên nhân cách. Ví dụ: Cùng học tập, cùng sinh hoạt, cùng trong hoàn cảnh mới tạo điều kiện cho trẻ có được sự rung cảm và chia sẻ... Nếu trẻ bị tách ra khỏi bạn bè, đồng thời trẻ không được sống đúng với bản chất của mình, không được sống trong môi trường sống bình thường, trẻ sẽ dễ bị lệch lạc, ích kỷ. Những ngôi sao quá sớm trên thế giới như Lindsay Lohan, Jodie Sweetin, Macaulay Culkin, Drew Barrymore... từng sa vào tệ nạn là những minh chứng rõ  nhất về sự phát triển "đốt cháy giai đoạn" này.

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Hồng Lê - Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống chia sẻ: Mặt trái của sự nổi tiếng quá sớm chính là các em bị phân tán thời gian cho hoạt động biểu diễn, trong khi việc quan trọng hơn là học tập. Học tập vừa là để  học kiến thức, là cơ hội để được rèn luyện về ứng xử, về các mối quan hệ xã hội... Thiếu hụt kiến thức, các em sẽ chênh vênh khi bước vào đời. Nếu các em có tố chất của tài năng, đó là một điều vô cùng đáng mừng. Nhưng để thành hiện thực thì không phải một sớm một chiều mà phải có cả quá trình học tập, rèn luyện về kiến thức, ứng xử xã hội...
 
Gánh nặng áp lực trên vai con và cả cha mẹ

Cũng theo TS Nguyễn Hồi Loan, khi đã xác định cho con dấn thân vào một lĩnh vực nhạy cảm khi tuổi đời còn quá nhỏ,phụ huynh cần được trang bị kiến thức cũng như bản lĩnh để có biện pháp giáo dục con phù hợp.Thực tế: Con cái nổi tiếng quá sớm cũng sẽ tạo sức ép lên cả cha mẹ. Do vậy cha mẹ cần phải  ý thức rất rõ vai trò của mình.



Sai lầm phổ biến của các bậc phụ huynh là xem con mình là "một người nổi tiếng". Từ sai lầm đó đã dẫn đến việc chính cha mẹ "góp phần" tước mất cơ hội để con cái được sống đúng bản chất là một đứa trẻ. Kể cả khi xã hội (nếu có) công nhận con mình là người nổi tiếng thì bố mẹ cũng nên xem trẻ là một đứa trẻ bình thường trong gia đình. Đừng cố tình tô thêm hào quang để con cảm thấy: Mình trên mọi người!  Điều này tránh cho đứa con còn non nớt về nhân cách phải oằn vai gánh lấy áp lực của sự nổi tiếng, khoác cho con bộ cánh của ngôi sao... Nếu trẻ sớm coi tiền bạc là mục đích để vươn tới  thì các em rất dễ rơi vào cạm bẫy.

TS Nguyễn Hồi Loan khuyến cáo: Gia đình phải xác định việc để con mình xuất hiện trước công chúng sớm chính là một sự dấn thân. Cho con dấn thân thì bố mẹ là người hơn ai hết phải lường trước được mọi sự  phức tạp, và chính họ là người cần được trang bị đầy đủ những kỹ năng làm cha mẹ tốt để giáo dục con. Bố mẹ có quyền tự hào với những chỉ số rất lạc quan của con nhưng không nên vội vàng cho đó là tài năng. Bởi muốn thành nghề thì đòi hỏi cả một quá trình đào tạo rèn luyện rất chỉn chu, dài hơi, nhất là trong lĩnh vực người mẫu, âm nhạc...

Tôi đồng ý với quan điểm của người mẫu Trang Nhung về cô bé Bảo Trân, đó đúng là một hiện tượng đặc biệt của làng người mẫu.
 
Mới 12 tuổi mà cô bé đã sở hữu chiều cao 1,72 mét và một thân hình đầy đặn, đẹp mê hồn cả khuôn mặt và vóc dáng. Khi còn bằng tuổi Bảo Trân, thì ngay cả các siêu mẫu thuộc hàng số 1 của ta cũng chẳng có ai có được chiều cao đẹp như thế. Bảo Trân dẫu sao cũng đang là một bé gái, mới có 12 tuổi. Con gái tôi ở tuổi đó còn mặc quần sà lỏn trèo cây, đạp xe và hồn nhiên, trong sáng vô cùng. Bảo Trân cũng vậy, việc cô bé có bị gió thổi bay cả phía sau váy thì cũng có gì lạ đâu mà không hiểu sao dư luận cứ soi mói, thổi phồng lên thế nhỉ. Mới đầu nghe tít kiểu như "sự cố lộ nội y" tôi cứ tưởng đó là viết về một thiếu nữ đã trưởng thành, một cô gái người mẫu chuyên nghiệp nào đó, chứ tôi không ngờ câu đó là để cho một cô bé 12 tuổi.

Cô bé 12 tuổi có bị quạt gió thổi tung váy áo, hở lưng thì có phải là điều gì đáng ghê gớm đâu. Kể cả khi cô bé đang diễn trên sàn catwlk thì cũng chỉ là sự cố nhỏ, có gì ghê gớm để thổi phồng lên thế. Dư luận lại cứ gắn cho một cô bé 12 tuổi trách nhiệm của một thiếu nữ đã trưởng thành là sao?!. Nguyễn Thị Hương (TP Nam Định)

12 tuổi, cao 1m72 là bất thường

Hiện nay xu hướng trẻ dậy thì sớm đang tăng lên. Độ tuổi trẻ dậy thì cũng giảm xuống. Cách đây 10 năm, độ tuổi dậy thì của trẻ bắt đầu từ 13 - 14 tuổi thì hiện nay hạ xuống từ 10,4 tuổi. Tuy nhiên, số trẻ mới 12 tuổi mà cao 1m 72 là rất hiếm. Đó có thể là một sự phát triển bất thường do bệnh lý của tuyến yên liên quan đến nội tiết. - PGS. TS Nguyễn Viết Tiến - (Thứ trưởng Bộ Y tế)

Sử dụng trẻ em làm người mẫu như một hoạt động thường xuyên là phạm luật

Trong các danh mục các loại hình nghệ thuật đặc thù cho phép trẻ dưới 13 tuổi tham gia chỉ có xiếc, múa…nhưng người mẫu thì không. Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cũng có điều luật là cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi bất kỳ dưới hình thức nào. Những ngành nghề nhạy cảm như kinh doanh dịch vụ karaoke, matxa cũng cấm không được sử dụng lao động dưới 18 tuổi... Theo tinh thần đó, luật pháp ở Việt Nam không cho phép đơn vị cá nhân nào sử dụng lao động người mẫu ở tuổi 12. Nếu là chương trình nghệ thuật, trẻ biểu diễn với tư cách của một cá nhân tham gia thì là bình thường. Nhưng nếu sử dụng trẻ như một lao động hành nghề người mẫu là vi phạm pháp luật.  - Bà Ninh Thị Hồng - (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam).

Đừng khoác cho trẻ chiếc áo vô hình

Ở những xã hội phát triển, càng phát triển, việc thực thi luật pháp rất nghiêm. Sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi, nếu phát hiện sẽ bị xử lý rất nặng.

Việc em trở thành người mẫu nổi tiếng là do xã  hội nhìn nhận chứ trên thực tế chưa có cơ sở nào công nhận em là người mẫu. Việc xã  hội tự phong cho em đã là khoác lên vai em một  áp lực vô hình không tốt cho trẻ.  - TS Trịnh Hòa Bình, (Viện Khoa học xã hội Việt Nam)
 
Quy định của pháp luật:

- Cấm nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, trừ một số nghề và công việc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

- Đối với ngành nghề và công việc được nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, học nghề, tập nghề thì việc nhận và sử dụng những trẻ em này phải có sự đồng ý và theo dõi của cha mẹ hoặc người đỡ đầu.

- Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khoẻ, học tập trong quá trình lao động. - (Theo thông tư 21/1999/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH)


Theo Gia Đình
người mẫu quá Bảo Trân nổi tiếng chưa có cô bé trẻ em sự cố đứa trẻ nhân cách

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý