Người nổi tiếng gây lộn, chửi thề nơi công cộng: Một phút nóng giận, chịu "lỗ" cả đời

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Người nổi tiếng gây lộn, chửi thề nơi công cộng: Một phút nóng giận, chịu "lỗ" cả đời

Nam diễn viên Zippo, Mù tạt và Em Phạm Anh Tuấn trở thành tâm điểm của dư luận khi có mặt trong clip hỗn chiến ở phố Tây, Bùi Viện, TP.HCM.

02/07/2017 07:55 AM
3,757

Câu chuyện văn hóa ứng xử của nghệ sĩ nơi công cộng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết sau vụ việc nam diễn viên Zippo, Mù tạt và Em - Phạm Anh Tuấn trở thành tâm điểm của dư luận khi có mặt trong clip hỗn chiến ở phố Tây, Bùi Viện, TP.HCM.

Khi người nổi tiếng dùng cơ bắp

Theo đó, ngày 11/6, mạng xã hội dậy sóng khi xuất hiện clip ẩu đả có sự góp mặt của nam diễn viên Phạm Anh Tuấn ở phố Tây, Bùi Viện, TP.HCM. Cư dân mạng cho biết, nguồn cơn của vụ việc ẩu đả là do Anh Tuấn có những hành động và lời lẽ khiếm nhã với người trông xe. Sau khi clip lan truyền, sự việc đã trở thành tâm điểm của dư luận. Câu chuyện văn hóa ứng xử của người nổi tiếng lại một lần nữa trở thành đề tài nóng trên các diễn đàn.

Người nổi tiếng gây lộn, chửi thề nơi công cộng: Một phút nóng giận, chịu "lỗ" cả đời - Ảnh 1Phóng to

Diễn viên Phạm Anh Tuấn.

Trước diễn viên Anh Tuấn, showbiz Việt cũng không ít lần chứng kiến những câu chuyện “dở khóc, dở cười” về văn hóa ứng xử của nghệ sĩ chốn đông người. Còn nhớ, năm 2015, cựu người mẫu Trang Trần từng điêu đứng vì scandal lăng mạ công an. Sự việc chàng ca sĩ Yanbi thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với bạn gái –Andrea chốn công cộng cũng khiến dư luận “nổi sóng”,... Trước những sự việc như vậy, công chúng thường đặt câu hỏi: Đây có phải là ca sĩ, người mẫu không? Đây có phải là nghệ sĩ, người của công chúng không?

Sau những hành động kém văn hóa nơi công cộng, tên tuổi của các nghệ sĩ sẽ trở thành tâm điểm của dư luận và đa số những ý kiến họ nhận lại là sự bất bình, ngán ngẩm thậm chí còn là những lời kêu gọi tẩy chay. Những phản ứng dữ dội sau đó của dư luận khiến những hình ảnh và giá trị đẹp đẽ mà người nổi tiếng nỗ lực xây dựng sẽ “đổ xuống sông, xuống biển” chỉ trong phút chốc.

Chia sẻ với báo ĐS&PL, diễn viên Phạm Anh Tuấn xác nhận, anh có tham gia vào cuộc ẩu đả ở phố Bùi Viện, nhưng phủ nhận mình là kẻ gây sự trước và ăn nói hằn học. “Ngay sau khi sự việc xảy ra, có thông tin cho rằng, tôi chính là nguyên nhân dẫn đến vụ ẩu đả. Nhưng, sự thật tôi cũng chỉ là nạn nhân. Tôi khẳng định, thông tin trên mạng xã hội hoàn toàn không đúng. Bản thân tôi biết mình là ai. Đã là nghệ sĩ, đi đâu cũng phải giữ ý tứ, còn bao nhiêu người nhìn vào, làm sao tôi có thể phát ngôn ra những lời lẽ không hay được. Thật ra, tôi cũng có đánh lại, nhưng đó là tự vệ trong tình huống bất khả kháng chứ không gây gổ và càng không muốn đánh nhau”, Anh Tuấn nói.

Trước câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” về cách hành xử kém văn hóa của một số nghệ sĩ thời gian qua, nam ca sĩ Quang Hà chia sẻ: “Mới đây, tôi cũng gặp phải trường hợp có thái độ khiếm nhã với mình. Nếu như tuổi trẻ bồng bột có khi mình thể hiện nỗi bực ngay, nhẹ thì cãi nhau, lớn thì gây lộn. Tuy nhiên, ở độ tuổi này rồi, mình nhịn được gì thì nên nhịn, như vậy mọi chuyện sẽ trôi qua rất nhẹ nhàng. Thậm chí, có khi vướng phải những ồn ào “trên trời rơi xuống” nhưng vẫn phải học cách nhịn. Nếu không nhịn thì tôi đã bỏ nghề lâu rồi”.

Né scandal cũng là một nghệ thuật

Ngẫm lại sau sự cố vừa qua, diễn viên Phạm Anh Tuấn nhận thấy mình đã sai, vì một phút không kiềm chế được bản thân mà chuyện không hay đã xảy ra.

“Trên cương vị một nghệ sĩ, tôi thấy mình sai khi hành xử không hay nơi công cộng, nhưng trên cương vị một công dân, tôi thấy hành động của mình không sai. Đó là tự vệ. Thử hỏi, trong hoàn cảnh bạn mình bị người ta dùng ghế sắt, gậy gỗ đánh liên tục vào đầu, thì liệu rằng bạn có can tâm mặc kệ? Thực ra, bạn tôi cũng có cái sai khi đẩy nhân viên trông xe ngã trước. Nếu mình nhịn được chút xíu thì mọi sự sẽ “dĩ hòa vi quý” và đã không xảy ra sự cố ngoài ý muốn. Thế nên, nghệ sĩ khi đi ra đường nên kiềm chế bản thân, nếu có tụ tập, gặp gỡ bạn bè cũng nên tránh những nơi công cộng quá phức tạp”, Anh Tuấn thừa nhận.

Là một nghệ sĩ đã gắn bó với làng giải trí hơn 20 năm, nam ca sĩ Vũ Hà bày tỏ: “Đã là người của công chúng, khi xuất hiện ở những nơi công cộng hay mạng xã hội, nghệ sĩ phải có điểm dừng, biết rõ mình đang ở đâu và nên làm gì. Bản thân tôi vốn rất ham chơi, ham vui, thích những nơi đông người, vui nhộn, nhưng có nhiều nơi không dám đến. Vì, ở đó có đủ mọi tầng lớp trong xã hội, rất phức tạp. Nếu mình gặp người có văn hóa câu chuyện sẽ khác, nhưng lỡ gặp phải những người thiếu văn hóa sẽ dễ xảy ra chuyện ngoài ý muốn. Thế nên, tôi rất sợ khi ngồi ở những nơi công cộng”.

Người nổi tiếng gây lộn, chửi thề nơi công cộng: Một phút nóng giận, chịu "lỗ" cả đời - Ảnh 2Phóng to

Ca sĩ Vũ Hà.

“Thực ra, ai trong chúng ta cũng đều có những phản xạ tự nhiên. Đôi khi, trong trường hợp bất khả kháng, chúng ta tự vệ và lỡ bộc phát hành động ngoài ý muốn. Nhưng, hành vi của người nổi tiếng lại ảnh hưởng rất lớn trên mạng xã hội. Thế nên, đã là nghệ sĩ nên biết cẩn trọng, nhẫn nhịn, đừng vì một phút sốc nổi mà chuốc họa vào thân”, ca sĩ Quang Hà nói thêm.

Thiết nghĩ, người nổi tiếng có được chỗ đứng trong showbiz một phần cũng nhờ sự yêu mến của người hâm mộ. Thế nên, công chúng cũng có quyền đòi hỏi người họ yêu phải giữ hình ảnh đẹp. Ít nhất, đừng vì một phút không kiềm chế được bản thân mà phải mang danh người làm văn hóa nhưng những hành động thiếu văn hóa.

Ca sĩ Vũ Hà chia sẻ: “Tôi chiêm nghiệm “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Nếu xác định tới những chốn đông người, phức tạp, nghệ sĩ hãy là người bình dân, nhẹ nhàng từ lời ăn, tiếng nói. Cho dù, họ có nặng lời thì mình vẫn phải nở nụ cười nhã nhặn, lịch sự. Còn nếu không kiềm chế được bản thân, xảy ra đánh lộn, chửi thề thì nghệ sĩ là người chịu “lỗ”. Thế nên, tùy vào hoàn cảnh nơi mình xuất hiện để học cách hòa nhập và ứng xử cho phù hợp”.

Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân: Ý thức về giá trị của mình là điều cốt lõi

Ở nơi công cộng, đông người, việc giữ hình ảnh đẹp trong mắt người khác là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ hiện nay lại đi ngược với chuẩn mực văn hóa, đạo đức. Họ hành xử thiếu văn hóa nơi công cộng.

Với trường hợp, người có lỗi nhận thức được hành vi của mình không đúng, biết ăn năn, hối lỗi và bù đắp cho sai lầm đã gây ra thì chúng ta nên thông cảm và đánh giá cao ý thức của họ. Nhưng, với những người đã sai vẫn ngoan cố, không chịu tiếp thu thì các bạn đã tự làm xấu hình ảnh của mình trong mắt công chúng.

Nguồn cơn của vấn đề này chính là cách giáo dục. Tuy nhiên, đừng chỉ biết đổ lỗi cho yếu tố khách quan. Điều quan trọng, mỗi người chúng ta phải đánh giá đúng được giá trị và hình ảnh của mình. Nhất là với người của công chúng, các bạn không chỉ là những công dân bình thường trong xã hội mà còn có sức ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng. Do vậy, mỗi hành vi từ lời ăn đến tiếng nói đều phải thể hiện sự lịch thiệp, văn hóa, phải làm gương để người khác noi theo. Đừng vì một phút không kiềm chế được cảm xúc mà biến mình xấu đi trong mắt người khác. Ý thức về giá trị của mình là điều cốt lõi thì các bạn sẽ có cách hành xử hợp lý, nhất là những nơi đông người”.

Hà Linh

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số tháng 26

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý