Người phụ nữ quyền lực nhất giới kinh doanh

mesu mesu @mesu

Người phụ nữ quyền lực nhất giới kinh doanh

Kết quả bình chọn mới đây của tạp chí Forbes cho thấy, Indra Nooyi, nữ tổng giám đốc Hãng Pepsico, tiếp tục giữ vị trí số một năm thứ tư liên tiếp trong danh sách 50 phụ nữ quyền lực giới kinh doanh.

29/09/2009 09:19 AM
23,227

Là thuyền trưởng của tập đoàn nước giải khát lớn nhất thế giới, có lịch sử dài hơn một thế kỷ mang tên PepsiCo, Indra K. Nooyi đã tỏ rõ bản lĩnh của một người phụ nữ gốc Ấn về tài năng hoạch định chiến lược xuất sắc, khả năng lãnh đạo với tầm nhìn vĩ mô toàn cầu.

Cô gái Ấn thử sức trên đất Mỹ

Indra K. Nooyi sinh năm 1955 tại Chennai (tên cũ là Madras, miền Nam Ấn Độ) trong một gia đình trung lưu, có cha là nhân viên Ngân hàng Nhà nước Hyderabad, mẹ làm nội trợ. Như phần đông người Ấn, gia đình Nooyi theo đạo Hindu. Indra Nooyi theo học ngành hóa học tại Cao đẳng Madras Christian và tốt nghiệp năm 1974. Sau đó, bà học thêm về quản trị kinh doanh tại Học viện Quản trị Ấn Độ ở thành phố Calcutta.

Năm 1976, Nooyi hoàn tất khóa học và làm việc cho Tập đoàn Johnson & Johnson. Hai năm sau, bà quyết định sang Mỹ để lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Quản trị Yale. Sau khi có tấm bằng MBA của Mỹ trong tay, Indra Nooyi tự nhận biết cơ hội quay trở lại quê hương càng khó hơn, không chỉ là vấn đề thiếu đất để “tung hoành” mà bà cũng có thể gặp khó khănvề góc độ gia đình, xã hội. Indra Nooyi từng trả lời đùa nhưng lại rất thật với một nhà báo: "Trở về quê, tôi không còn cơ hội chấp nhận để lấy chồng được rồi".

Người phụ nữ quyền lực nhất giới kinh doanh.


Chính vì vậy, Indra Nooyi đã quyết tâm ở lại Mỹ lập nghiệp. Indra Nooyi đã 6 năm làm giám đốc dự án cho tập đoàn tư vấn kinh doanh nổi tiếng Boston Consulting Group. Từ năm 1986 đến năm 1994, bà chuyển hẳn sang lĩnh vực quản lý kinh doanh tại các tập đoàn lớn như Motorola và Asea Brown Boveri.

Indra Nooyi trở thành người của tập đoàn PepsiCo từ năm 1994.

Nữ thuyền trưởng “có một không hai” của PepsiCo

Không ai phủ nhận được công lao của Indra Nooyi khi bà chính là kiến trúc sư trưởng của kế hoạch tái cấu trúc Tập đoàn PepsiCo từ cuối những năm 90. Cùng với Tổng giám đốc Reinemund, Indra Nooyi đã tạo nên một cặp bài trùng là chìa khoá giúp PepsiCo "vượt mặt" CocaCola trở thành nhà sản xuất đồ uống và thức ăn lớn nhất thế giới.

Những kế hoạch và chiến lược thâu tóm một loạt đối thủ cạnh tranh như nhà sản xuất nước ngọt Tropicana, Tập đoàn sản xuất thực phẩm Quaker Oats đều có chung một tác giả đầu tiên là Indra Nooyi. Khi Reinemund lên làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của PepsiCo vào đầu năm 2001 thì Indra Nooyi cũng chính thức trở thành nhân vật số 2 của tập đoàn. Bà là Phó tổng giám đốc phụ trách chiến lược đồng thời kiêm chức Giám đốc tài chính của cả tập đoàn PepsiCo toàn cầu.

Reinemund trước khi rút lui cũng khẳng định: "Chỉ riêng những đóng góp của Indra Nooyi trong quá trình cải tổ Pepsico đã khẳng định tài năng của bà. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Indra Nooyi thừa sức và khả năng để chèo lái PepsiCo với cương vị người lãnh đạo cao nhất". Quyết định Indra Nooyi lên làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PepsiCo còn được các chuyên gia kinh doanh hàng đầu đánh giá cao là một nước cờ thông minh và quyết định vô cùng sáng suốt của tập đoàn này.

Bí quyết thành công

Biết chế ngự cảm xúc: Indra Nooyi chia sẻ trong một lần phỏng vấn với tạp chí Wharton: “Để thành công trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư, nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải thực sự tin vào một tương lai tài chính sáng sủa. Không nên chỉ để cảm xúc dẫn dắt dù tình huống có tồi tệ thế nào”.

Rèn luyện tính kiên định: “Nhà lãnh đạo cần thể hiện sự kiên định, dù cho có lúc nó khiến bạn cảm thấy mình đơn thương độc mã”, Nooyi khẳng định. “Khi PepsiCo tiến hành cuộc bỏ phiếu về việc mua lại Tropicana, có đến 20 phiếu không đồng ý và vỏn vẹn chỉ 5 phiếu chấp nhận chiến lược này, nhưng điều đó không khiến tôi bỏ cuộc. Quyết định cuối cùng thường theo ý kiến đa số, song thực tế cho thấy cách làm đó không phải luôn là giải pháp tốt nhất”.

Có năng lực xử lý khủng hoảng: “Xử lý khủng hoảng là một kỹ năng cơ bản của bất cứ nhà lãnh đạo nào, giống như người thuyền trưởng biết điểu khiển con tàu đi đúng hướng và luôn biết phải làm gì khi sóng to gió lớn”, Indra Nooyi lý giải. Bà còn cho biết, chìa khóa giúp PepsiCo thoát khỏi khủng hoảng tài chính (mất 800 triệu USD năm 1996) rồi vươn lên thành công là nhờ triển khai các chiến lược truyền thông tức thời, hiệu quả.

Tìm được cơ hội lớn từ những điều nhỏ nhặt: “Thật thú vị khi phát hiện ra những cơ hội lớn thường thu mình trong hàng tỷ thứ nhỏ nhặt. Không phải thành công vĩ đại nào cũng bắt đầu với một cơ hội lớn”, Indra Nooyi đúc kết.

Cũng giống năm ngoái, đứng thứ 2 và 3 vẫn là bà Irene Rosenfeld, chủ tịch Hãng thực phẩm Kraft Foods, Mỹ và bà Pat Woertz, chủ tịch Tập đoàn nông nghiệp Archer Daniels Midland. Chiếm vị trí thứ 4, vượt lên một bậc so với năm ngoái là bà Angela Braly, chủ tịch Hãng bảo hiểm y tế Mỹ Wellpoint. Bà là người gốc Texas, từng khởi nghiệp với nghề bồi bàn và nay quản lý một đế chế kinh doanh trị giá tới 61 tỷ USD. Đứng thứ 5 là bà Andrea Jung, người gốc Trung Quốc, hiện là tổng giám đốc Hãng mỹ phẩm Avon Products.

Trong top 10 còn có những gương mặt quen thuộc như Nữ hoàng truyền thông Oprah Winfrey, Tổng giám đốc Yahoo! Carol Bartz. Người phụ nữ da đen duy nhất có mặt trong top 10 là bà Ursula Burns, Tổng giám đốc Hãng Xerox. Bà cũng là nữ tổng giám đốc da đen đầu tiên trong danh sách 500 tập đoàn hàng đầu nước Mỹ do tạp chí Fortune bình chọn.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý