Người siêu giàu tăng 159% trong 10 năm tới: Nghịch lý và bất thường

baybykiu baybykiu @baybykiu

Người siêu giàu tăng 159% trong 10 năm tới: Nghịch lý và bất thường

Một nghiên cứu mới đây dự đoán 10 năm nữa, lượng người siêu giàu Việt Nam sẽ tăng 159%. Quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia đã phân tích, mổ xẻ đưa ra những góc nhìn khác nhau.

31/03/2015 09:17 PM
780

“Chóng mặt” với con số người siêu giàu

Cách đây không lâu, dư luận cả nước từng giật mình trước con số 200 người Việt siêu giàu với tài sản 30 triệu USD trở lên mà một ngân hàng của Thụy Sỹ đưa ra. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của tổ chức Knight Frank, con số này trong 10 năm tới sẽ tăng lên 300 người. Trong thời điểm kinh tế đang khó khăn, khi mà các doanh nghiệp giải thể tính bằng con số chục ngàn thì dự đoán người siêu giàu của Việt Nam trong 10 năm tới, khiến thế giới cảm thấy ngỡ ngàng.

Cụ thể, theo Báo cáo Thịnh vượng 2015 (Wealth Report) vừa công bố, hãng nghiên cứu Knight Frank cho biết, số người siêu giàu trên thế giới đã tăng lên hơn 172.000 người, với tổng tài sản gần 22.000 tỉ USD. Theo định nghĩa của Knight Frank, giới siêu giàu gồm những cá nhân có tài sản từ 30 triệu USD trở lên. Đến năm 2024, số thành viên nhóm này được dự báo tăng lên 230.000 người. Năm 2014, Việt Nam có 116 người siêu giàu, tăng 6 người so với năm 2013. Trong một thập kỷ tới, Việt Nam cũng được dự đoán là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 159%, lên 300 người. Theo sau là Indonesia với 132% và Bờ Biển Ngà (119%). Hãng nghiên cứu Knight Frank cũng ước tính trung bình, các thành phố châu Á sẽ có mức tăng 91% về số người siêu giàu trong thập kỷ tới. Tốc độ tăng mạnh nhất sẽ thuộc các thành phố như TP.Hồ Chí Minh (Việt Nam), Jakarta (Indonesia), Mumbai hay Delhi (Ấn Độ).

Sau khi thông tin này được đưa ra, người Việt xôn xao bàn tán và đặt câu hỏi, ngoài những cái tên đình đám trên sàn chứng khoán như Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức, đại gia thép Trần Đình Long... thì những ai sẽ góp mặt trong “làng siêu giàu”?

Ở một chiều hướng khác, nhìn vào tốc độ gia tăng số lượng người giàu ở Việt Nam, nhiều người giật mình vì sự lấn lướt các nước khác. Tuy nhiên, xét về số lượng, con số 200-300 người siêu giàu là khá khiêm tốn, so với con số cả chục nghìn ở Nhật Bản, Trung Quốc, hay hàng nghìn của đất nước Singapore, hoặc chỉ bằng 30-40% của những nước như Pakistan, Philippines, Thái Lan, Malaysia... Điểm đáng chú ý là trong bối cảnh khủng hoảng, số lượng người siêu giàu Việt cùng một vài nước trong khu vực lại đang tăng lên nhanh chóng, trái ngược với sự sụt giảm ở nhiều nền kinh tế lớn hoặc mới nổi trên thế giới.

Nguy cơ phân hóa giàu-nghèo ngày càng tăng...

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, ông không cảm thấy hãnh diện hay tự hào khi đất nước trong 10 năm tới sẽ có 300 người siêu giàu. Theo ông Đực, việc tăng quá nhanh người giàu trong khi nhìn lại GDP chỉ 1.900 USD/người/năm, hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, lao động thất nghiệp khiến không ít chuyên gia cảm thấy ái ngại.

Theo vị này, thực tế cho thấy, sự phân hóa giàu nghèo hiện nay đang lớn dần. Trong khi, có rất nhiều người vật lộn mưu sinh, chạy ăn từng bữa với thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng thì có một bộ phận người thu nhập 100-200 triệu đồng/tháng. “Tôi cho rằng, sự chênh lệch giàu nghèo là hiện tượng phản xã hội, phản kinh tế. Số người giàu có, luôn được hưởng phúc lợi lớn hơn đại đa số quần chúng. Việc xuất hiện nhanh chóng những người siêu giàu trong thời gian tới chắc chắn sẽ kéo theo sự phân hóa giàu nghèo ở mức khủng khiếp. Đây là hiện tượng không đúng theo chủ trương phát triển KT-XH, đi ngược lại chủ trương phát triển kinh tế”, ông Đực nhấn mạnh.

 - Ảnh 1

Sự chênh lệch giàu nghèo đang có xu hướng ngày một xa (ảnh minh họa).

Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng khẳng định, tốc độ tăng người siêu giàu Việt nhanh nhất thế giới là tín hiệu bất thường của nền kinh tế. Bởi, hiện tại, năng suất lao động của Việt Nam được đánh giá và xếp loại thuộc vào hàng thấp ở khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, sự tăng phi mã tầng lớp người siêu giàu là điều không bình thường.

Điểm qua danh sách những người siêu giàu hiện nay của Việt Nam có thể thấy, đa phần trong đó là những ông chủ của các tập đoàn bất động sản. Trong khi đó, chưa có những tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghiệp, ngành “xương sống” của nền kinh tế. Việc tăng lượng người siêu giàu ở Việt Nam có được quốc tế nể phục hay không phụ thuộc nhiều vào cách họ làm giàu và vị thế giàu thuộc về lĩnh vực gì? Có hàm lượng khoa học, trí tuệ ở các sản phẩm hay lĩnh vực họ nắm giữ, điều hành, kinh doanh hay không? Nhìn vào lượng người siêu giàu hiện nay của nước ta, có thể thấy có xu hướng tăng nhưng chưa có nhiều đóng góp lớn để thay đổi bản chất nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu; cải thiện đời sống dân sinh; tăng các công trình phúc lợi. Sự tăng lên nhanh chóng của người siêu giàu nhìn tổng quan là không đóng góp lớn vào sự thay đổi về chất của nền kinh tế Việt Nam.

Lo lắng GDP đứng cuối khu vực

Cách đây không lâu, tại hội thảo Kinh tế Việt Nam đến năm 2025: Cơ hội và thách thức, do trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) tổ chức, Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2013, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 1.910 USD/người; Lào 1.645 USD/người; Campuchia 1.007 USD/người; Myanmar 900 USD/người. Trong khu vực ASEAN, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia, Đông Timo, Myanmar. Nếu vẫn phát triển như hiện nay, các nước này chỉ mất 3-5 năm tới là vượt Việt Nam, đó là điều đáng buồn”.

V.Trương - V.Hương - T.PHúc

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý