Người sở hữu 3 bộ chiêng quý và hành trình kể sử thi ở Mỹ

dinhhuong dinhhuong @dinhhuong

Người sở hữu 3 bộ chiêng quý và hành trình kể sử thi ở Mỹ

Ngay từ nhỏ, nghệ nhân A Thút đã sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào Tây Nguyên.

14/02/2016 08:19 PM
13

(ĐSPL) - May mắn sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, được thừa hưởng năng khiếu “thiên bẩm” từ người cha tài năng, ngay từ nhỏ, nghệ nhân A Thút đã sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào Tây Nguyên.

Ông không chỉ đảm nhiệm việc “giữ lửa” văn hóa, dịch thuật, sáng tác nhiều tác phẩm dân gian Ba Na mà còn góp phần đưa  văn hóa Tây Nguyên vượt đại dương đến khắp năm châu.

Cả đời giữ lửa văn hóa Tây Nguyên

Những ngày cuối năm 2015, chúng tôi lang thang trên huyện biên giới Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) với chiếc xe máy bám đầy bụi đường. Tiết trời vùng biên khô khốc, gió rít liên hồi, tốc bụi bay mù mịt. Ban ngày trời nắng gắt như đổ lửa, thế nhưng, khi màn đêm buông xuống, màn sương ướt đẫm, rét buốt. Trong đêm tối mịt mù, phía xa xăm, nơi những ngọn đồi từng đốm lửa lập lòe, tiếng cồng, chiêng văng vẳng khắp núi rừng. Thời gian này, khi lúa thóc đầy kho cũng là lúc đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên rục rịch lễ hội đón xuân.

Thật may mắn, chúng tôi có dịp đặt chân đến xã biên giới vùng cao Tây Nguyên và có duyên được gặp gỡ nghệ nhân A Thút (63 tuổi, ngụ làng Đăk Wơr, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Dù đã ở cái tuổi ngoài lục tuần, thế nhưng, nghệ nhân A Thút trông vẫn rất tráng kiện. Gặp chúng tôi, già A Thút nhìn càng khí phách khi khoác trên mình trang phục truyền thống của chiến binh Tây Nguyên, cất tiếng cười đầy uy lực. Già bước đến gần, khẽ đưa cánh tay cơ bắp, rắn chắc chào đón khách lạ. Sau màn chào hỏi xã giao, vị già làng uy quyền, cởi mở nồng hậu mời khách vào nhà.

Người sở hữu 3 bộ chiêng quý và hành trình kể sử thi trên đất Mỹ - Ảnh 1Phóng to

Nghệ nhân A Thút luôn mong mỏi lớp trẻ sẽ kế thừa được nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Ba Na.

Bên trong căn nhà sàn đơn sơ, điều khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng là trên tường, giấy khen, huy chương bày biện khắp mọi nơi. Thấy chúng tôi trầm trồ, già hồ hởi khoe: “Hơn 50 năm, cống hiến, làm nghệ thuật, mừng khi công lao của mình được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Với mình, đó là cả một gia tài vô giá, một niềm vui an ủi tuổi già”. Trong số bảng thành tích đặc biệt hiếm có đó, đáng chú ý là những tấm bằng khen già được nhiều quốc gia lớn trên thế giới vinh danh, khiến chúng tôi thêm nể phục con người tưởng như bình dị nơi đại ngàn này.

Nghệ nhân A Thút kể, ông sinh ra và lớn lên tại làng Đăk Wơr, trong gia đình có nhiều đời gắn bó với nhạc cụ Tây Nguyên. Ngay từ ngày còn nằm trong nôi, già được cha, mẹ nuôi lớn bằng những lời ca, tiếng hát, câu chuyện sử thi Tây Nguyên. Chính vì vậy, niềm đam mê âm nhạc sớm ăn sâu vào tiềm thức của già từ ngày đầu bập bẹ biết nói. Khi trưởng thành, già theo chân cha ôm nhạc cụ đi khắp các thôn, làng, mang đến cho đồng bào nghèo những bữa tiệc tinh thần đặc sắc.

Với nghệ nhân A Thút, sống là để cống hiến, tôn vinh phát huy nét đẹp văn hóa ngàn đời, mà ông cha cất công gây dựng. Nói đến đây, đôi mắt già sáng quắc, giọng hồ hởi, già khoe: “Năm 1998, mình vinh dự được trở thành cộng tác viên của dự án điều tra, sưu tầm, biên dịch kho tàng sử thi Tây Nguyên (viện Văn hóa Dân gian Việt Nam). Đầu năm 2014, nghệ nhân A Thút hân hoan, hãnh diện khi được giao trọng trách dẫn đầu đoàn cồng chiêng, tham gia trình diễn tại Pháp. Chuyến lưu diễn thành công tốt đẹp, khi về nước, đoàn của ông tiếp tục nhận được lời mời tham gia hoạt động văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) phục dựng lại lễ hội cầu mưa, cầu an...

Hiện nay, nghệ nhân A Thút đang lưu giữ 3 bộ chiêng quý. Một bộ có niên đại trên 100 năm tuổi, hai bộ còn lại ông sưu tầm trong lúc đi diễn tấu và sửa chiêng cho bà con. Ngoài ra, ông còn lưu giữ hàng trăm bài hát về sử thi Tây Nguyên cổ đại. Ngoài năng khiếu âm nhạc bẩm sinh, nghệ nhân A Thút còn được biết đến như một người thợ khéo tay, tạo nên những chiếc đàn tơ rưng, đàn đá... âm thanh mang đậm phong cách, nét đặc sắc văn hóa người Ba Na (Tây Nguyên).

Từ chối 50.000 USD để giữ gìn bản sắc văn hoá

Không chỉ sưu tầm và giữ gìn văn hóa truyền thống, già làng A Thút còn “mang” văn hóa dân tộc mình đến với bạn bè thế giới. Tại lễ hội Smithsonian, với chủ đề “Mê Kông-Dòng sông kết nối các nền văn hóa” được đại sứ quán Mỹ tổ chức tại thủ đô Washington năm 2007, già A Thút và 16 người con của làng biểu diễn cồng chiêng, hát sử thi, đẽo thuyền độc mộc và đan gùi... Sau đó, đoàn đã đi biểu diễn trên 140 quốc gia khác trong đó có nhiều nước Á đông như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Người sở hữu 3 bộ chiêng quý và hành trình kể sử thi trên đất Mỹ - Ảnh 2Phóng to

Nghệ nhân A Thút trong buổi lễ phục dựng cầu  mưa, cầu an.

Từ sau chuyến sang Mỹ kể sử thi đó, già đã tham gia nhiều hội thảo quốc tế về văn hóa truyền khẩu và dẫn đoàn nghệ nhân Ba Na của Kon Tum trình diễn cồng chiêng tại nhiều nước. Đến đâu, những màn biểu diễn của các nghệ nhân Ba Na cũng được đón nhận và cổ vũ nồng nhiệt. Già A Thút kể: “Một khi mình thể hiện, lưu diễn ở nước ngoài, tâm trạng của mình phải hết sức bình tĩnh. Mình cảm thấy đây là niềm tự hào của dân tộc, niềm tự hào nhạc cụ của mình. Sau này về, bà con ai ai cũng muốn tập để được đi. Ai cũng nói “xin vào cuộc””.

Sau những lần đó, bà con buôn làng Ba Na đã có những đội cồng chiêng duy trì và đi biểu diễn khắp nơi. Cũng chính trong lần biểu diễn tại Mỹ, đội cồng chiêng của già A Thút gây ấn tượng đến mức có người đến trả 50.000 USD cái chiêng mà A Thút đóng nhưng già không bán. Già tâm niệm: “Mình phải giữ lại chiêng, vì chiêng này rất nhiều làng đâu còn nữa. Giữ là giữ hồn cho làng, cho đời sau còn chiêng để đánh”.

Giờ đây, dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng trong thâm tâm nghệ nhân A Thút vẫn thấp thỏm, trăn trở văn hóa Ba Na ngày càng bị mai một. Nói đến đây vẻ mặt già trầm ngâm: “Thế hệ người biết, am hiểu văn hóa, sử thi người Ba Na trong làng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng, tầng lớp thanh nhiên ngày nay thờ ơ không mấy mặn mà với nghệ thuật. Bởi vậy, điều mình đang canh cánh trong lòng bấy lâu là nỗi lo một ngày nào đó âm thanh, giai điệu đã làm nên tên tuổi, bản sắc của người Ba Na chìm vào quên lãng”.

Ý thức được điều này, bao năm qua, già A Thút vẫn lặng lẽ thực hiện công việc “giữ lửa”, ghi chép lại tất cả các bài sử thi, rồi dịch ra tiếng Việt để lưu truyền cho lớp trẻ sau này. Già còn sưu tầm, sáng tác nhiều bài dân ca Ba Na về tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, dân tộc. Những lúc rảnh, già vận động kêu gọi tầng lớp thanh niên đến nhà làm công tác tư tưởng, hy vọng văn hóa Ba Na có người kế thừa, mãi trường tồn theo thời gian.

HỒ NAM – TRẦN PHƯƠNG

Xem thêm video tin tức:

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý