Ngụy biện, học sinh nghèo ăn nhiều thịt ngán nên thay bằng mỳ tôm trần

mesu mesu @mesu

Ngụy biện, học sinh nghèo ăn nhiều thịt ngán nên thay bằng mỳ tôm trần

Xem Bài 1: “Trò đã mất tròn năm vẫn chưa thấy học bổng về”!

13/12/2015 04:07 PM
1,550

(ĐSPL) -  "Hàng ngày, chúng tôi cho các em học sinh ăn thịt nhiều, các em ngán nên thỉnh thoảng đổi bữa cho các em ăn mỳ tôm", bà Phó hiệu trưởng trường PTCS Lũng Táo nói.

Gạo thừa vài chục tấn, học sinh vẫn phải ăn mỳ tôm

Sau một ngày làm việc tại trường PTCS Lũng Táo, PV còn phát hiện không chỉ có vấn đề học bổng, từ thiện, việc dân nuôi cấp tiền, cấp gạo cho học sinh cũng có rất nhiều điểm bất minh...

Sống trên địa hình hiểm trở của những khối đá tai mèo sắc lạnh, đất thâm canh ít ỏi nên người dân vùng cao tỉnh Hà Giang vất vả quanh năm vẫn luôn ở trạng thái "cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc". Cái bụng không no thì sao cái chữ có thể đến từng bản nghèo?

Chia sẻ với địa phương, với thầy cô trong việc "nhọc nhằn gieo chữ" cho các học sinh vùng cao, ngoài các đoàn từ thiện, Chính phủ cũng có chính sách trợ cấp tiền và gạo cho các em hàng năm.

Theo chính sách của Nhà nước, các em học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 ở các xã vùng cao giáp biên mỗi tháng sẽ được hưởng chế độ 15kg gạo và 460 nghìn đồng. Dù được quan tâm như vậy, nhưng các em học sinh trường PTCS Lũng Táo vẫn không thích đến trường.

 - Ảnh 1Phóng to

Ảnh minh họa.

Từ năm 2011 đến nay, tổng sĩ số của cả trường luôn trên 250 học sinh, thế nhưng sĩ số thực đến lớp trung bình chỉ vào khoảng 100 em. Trong năm học 2014 - 2015, theo ghi chép của anh Vừ Mí Nô, người được UBND xã Lũng Táo giao nhiệm vụ theo dõi sĩ số của từng lớp để xuất – nhập kho thực phẩm ăn uống thì chưa một ngày nào học sinh đi đủ.

Nhưng theo tìm hiểu, nhà trường vẫn luôn báo đủ lên trên và nhận đủ số gạo cũng như tiền trợ cấp hàng tháng cho các em. Vấn đề đặt ra ở đây là, chỉ những em học sinh nào đi học và ăn tại trường mới được hưởng số tiền và số gạo trợ cấp đó.

Vậy, tiền và gạo thừa “chạy” đi đâu? Nhận được câu hỏi từ PV, đại diện ban lãnh đạo nhà trường, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó hiệu trưởng cho hay: "Số tiền này nhà trường đã chuyển sang mua sắm trang thiết bị nhà bếp và đầu tư vào dụng cụ sinh hoạt cho các em".

Nhưng theo chúng tôi tìm hiểu, trong gian bếp chật hẹp, hầu hết đồ ở đây đều được tài trợ. Và khi đặt vấn đề, nhà trường mỗi năm chi bao nhiêu cho việc mua sắm đồ bếp, bà Hiệu phó bâng quơ trả lời “không nắm được” và chỉ “kế toán mới biết”?!

PV đề nghị được làm việc với kế toán, nhưng không hiểu sao chỉ sau ít phút, kế toán đã báo vắng, dù trước đó vẫn có mặt tại trường?! Đáng nói, dù đã có văn bản chỉ đạo từ trên phòng GD&ĐT huyện Đồng Văn rằng, không được để các em học sinh ăn mỳ tôm vào các bữa chính thế nhưng vào các tối Chủ nhật, trường PTCS Lũng Táo vẫn cho các em ăn mỳ tôm.

Đáng nói, mỳ tôm các em ăn là mỳ tôm trần, không rau, không thịt... Trong khi gạo chất đống trong kho, nhà trường lại để các em ăn mỳ tôm. Trả lời cho sự bất cập này, bà Nguyễn Thị Thu Hương cho hay: "Hàng ngày các em học sinh ăn thịt nhiều nên các em ngán, vì thế thỉnh thoảng đổi bữa cho các em ăn mỳ tôm". Không những vậy, bà Hương còn giải thích thêm: "Ngày Chủ nhật học sinh chỉ đến có khoảng 30 em, nhà bếp rất khó nấu cơm nên đành cho các em ăn mỳ"???

Rớt nước mắt nhìn “tiệc đứng” của học sinh vùng cao

Mỗi tháng được trợ cấp 15kg gạo cùng với 460 nghìn đồng, nhưng việc ăn uống của các em dường như vẫn chưa thoát khỏi cảnh... khổ. Tận mắt chứng kiến một bữa ăn chính tại ngôi trường này mọi người mới cảm thấy xót xa.

Bởi dù có giáo viên chủ nhiệm và 3 người phục vụ bếp nhưng công tác tổ chức ăn uống cho các em vô cùng thiếu khoa học. Kết thúc buổi học là đến giờ ăn. Các em nháo nhào như chim vỡ tổ, òa vào phòng ăn.

Mỗi em học sinh được chia một cặp lồng cơm. Và rồi chúng chen lấn, xô đẩy nhau để lấy thêm rau, thêm canh. Lạ một điều, khi đã lấy đủ đồ ăn cho bữa cơm của mình, chúng không tìm bàn để ngồi mà rủ nhau tìm một chỗ ăn khác.

 Đứa ngồi thu lu một góc nhà, đứa leo lên bể nước, đứa trèo lên tường... và chúng ngồi ăn một cách ngon lành trong khung cảnh nhộn nhạo với thức ăn vương vãi khắp mặt đất. Có lẽ, đó là điều dễ hiểu, bởi vốn trong nhà ăn cũng chỉ có bàn mà không có... ghế.

Trong khi đó, không phải nhà trường không có bàn ghế cho học sinh ăn uống, thậm chí còn được một đơn vị từ thiện tài trợ 30 bộ bàn ghế phục vụ cho các em ngồi ăn. Lý giải về hình ảnh "xót xa" này ông Bùi Văn L. - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, không phải nhà trường không muốn kê ghế cho các em, mà bởi "dù có kê các em cũng không ngồi.

Cái này là do thói quen của các em nên nhà trường đành chịu". Dường như, sự giải thích của ông Hiệu trưởng không đủ cơ sở để thuyết phục. Bởi lẽ, trường lớp đâu chỉ là nơi học chữ? Nó còn là nơi rèn người, giúp các em sống có kỹ năng, đạo đức và nề nếp.

Hơn nữa, khi các em là cây non, là thứ không khí trong lành chưa nhiễm tạp chất, việc rèn nề nếp, kỹ năng sống là vô cùng quan trọng, ngang với rèn chữ, thậm chí là hơn. Không những vậy, ngay cả khu bếp nấu nướng đồ ăn thức uống cho học sinh trường PTCS Lũng Táo cũng khá mất vệ sinh. Xoong nồi để bừa bãi và lộn xộn.

Sau khi PV có ý kiến với ban giám hiệu, bà Hương mới cho người dọn dẹp lại nhà bếp sạch sẽ hơn. Trước những tồn tại của trường, nhiều phụ huynh, người dân sống gần trường đã gửi những lá đơn thể hiện sự bức xúc của mình đến UBND huyện Đồng Văn, yêu cầu vào cuộc làm rõ vấn đề.

Cho đến nay, UBND huyện Đồng Văn cũng đã thành lập đoàn kiểm tra để tiến hành xác minh và xử lý sai phạm. Được biết đoàn kiểm tra đã về làm việc với nhà trường nhưng chưa làm sáng tỏ được vấn đề.

UBND xã Lũng Táo về cơ bản là nắm được những sai phạm của nhà trường nhưng theo lời Bí thư xã là vì còn "nể nang" nên chưa có những động thái cứng rắn trước những sai phạm trên.

Để minh bạch hơn về nguồn thông tin và trách nhiệm của những người liên quan, PV đã làm việc với lãnh đạo UBND huyện Đồng Văn, trả lời PV về vấn đề này, bà Lý Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: "Huyện đã thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành thanh tra sau khi nhận được đơn phản ánh. Tuy nhiên, hiện chưa có kết quả nên tạm thời chưa công bố thông tin với báo chí".

Trưởng phòng GD&ĐT huyện đề nghị PV không viết bài

PV bản báo đã liên hệ với ông Trần Đăng Khoa - Trưởng phòngGD&ĐT huyện Đồng Văn để trao đổi về vấn đề trên, ông Khoa cho biết, mọi vấn đề của trường PTCS Lũng Táo, cơ bản, ông đều nắm bắt được. Tuy nhiên, do đoàn kiểm tra của UBND huyện chưa công bố kết quả nên ông không thể trả lời PV. "Tôi đề nghịvới PV là không viết bài khi chưa có kết luận của đoàn kiểm tra.Viết như vậy sẽ ảnh hưởng đến huyện và tới việc kiểm tra trường",ông Trần Đăng Khoa nói không dưới 10 lần trong suốt cuộc trò chuyện với PV.

Nhóm PV

Xem thêm video tin tức:

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý