Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ: Giá thuốc cao bất thường

dinhhuong dinhhuong @dinhhuong

Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ: Giá thuốc cao bất thường

Tâm lý người bệnh là muốn mua thuốc tại nhà thuốc của bệnh viện để an tâm về chất lượng và giá cả.

27/07/2016 08:16 PM
288

Tuy nhiên, ở Bệnh viện đa khoa TP. Cần Thơ, giá bán thuốc cho bệnh nhân đã bị đẩy cao một cách bất bình thường, tạo thêm gánh nặng cho bệnh nhân nghèo.

Ông Nguyễn Văn S. quê ở Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long bị đau, sưng khớp gối, đã  tới nhà thuốc tư nhân mua thuốc uống được hai ngày, ông thấy bớt đau nhiều. Để “chắc ăn”, ông lên Bệnh viện đa khoa (BVĐK) TP. Cần Thơ để kiểm tra. Ông báo với bác sĩ các loại thuốc ông đã uống, bác sĩ cho toa uống tiếp 3 ngày nữa.  Ông S. tá hỏa khi mua thuốc ở nhà thuốc BVĐK TP. Cần Thơ, Haginat 500 (Cefuroxim 500mg) giá 16.049 đồng/1viên, trong khi hai ngày trước, ông mua thuốc này tại một nhà thuốc tư nhân chỉ với giá 11.000 đồng/1viên. Một trường hợp khác, ngày 8/3/2016, chị Nguyễn Thị Anh T., trú quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ bị tai nạn có vết thương hở nên vào khám điều trị ngoại trú, bác sĩ cho toa thuốc. Khi đến nhà thuốc Bệnh viện này mua thì viên thuốc Haginat 500 cũng được tính với giá tương tự.

Chúng tôi đã có một cuộc khảo sát các nhà thuốc tư nhân địa bàn các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang… thì giá bán viên thuốc Haginat 500 của Xí nghiệp liên hiệp dược Hậu Giang (sau đây gọi là Dược Hậu Giang) dao động từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/viên.

Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ: Giá thuốc cao bất thường

Nhà thuốc Bệnh viện Cần Thơ

Mặt khác, tài liệu mà phóng viên có được thì giá thuốc Haginat 500 của Dược Hậu Giang trúng thầu ở Sở Y tế TP. Cần Thơ và phân phối cho bệnh nhân bảo hiểm tại BVĐK TP. Cần Thơ chỉ với giá 4.589 đồng/1viên (năm 2015). Như vậy, giá bán Haginat 500 của nhà thuốc BVĐK TP. Cần Thơ cao hơn  3 lần giá trúng thầu.

Nếu so với giá bán Cefuroxim 500mg ở thị trường, mặt hàng (có cùng hàm lượng hoạt chất) của Xí nghiệp dược Cửu Long (tên biệt dược Phazinat 500) có giá 4.200 đồng/1viên hay của Công ty Glomed (Glanax 500) cũng chỉ có giá 9.000 đồng/1viên… thì giá bán của Nhà thuốc BVĐK TP. Cần Thơ cao hơn nhiều lần.

Một so sánh sau đây sẽ thấy rõ sự bất thường khi các loại thuốc bán tại nhà thuốc Bệnh viện được đẩy lên vô tội vạ. Cụ thể, cũng tại nhà thuốc này, vào năm 2015, khi Giám đốc Bệnh viện Lê Quang Võ ký hợp đồng cho Công ty TOT Pharma (thuộc Dược Hậu Giang) thuê kinh doanh nhà thuốc thì vào tháng 5/2015 chỉ bán với giá 5.885 đồng/1 viên. Thế nhưng, không biết vì sao đến nay, khi nhà thuốc được Bệnh viện lấy lại giao cho Khoa Dược trực tiếp kinh doanh thì giá viên thuốc này giá tăng lên gấp 3 lần (?).

Như vậy, thuốc ở nhà thuốc BVĐK TP. Cần Thơ có giá bán cao bất thường,  cao hơn ba lần giá trúng thầu, cao hơn nhiều so với giá bán trên thị trường và giá bán của nhà thuốc Bệnh viện từ tháng 5/2015 trở về trước.

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Võ, Giám đốc BVĐK TP. Cần Thơ lại khẳng định: “Giá thuốc trúng thầu hàng năm chỉ để điều trị cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế còn nhà thuốc kinh doanh bán lẻ thì không thể áp dụng giá trúng thầu; còn vấn đề giá bán thuốc của nhà thuốc Bệnh viện có cao hơn giá thị trường không thì tôi không nắm được”. Khi phóng viên đặt vấn đề tại sao cùng loại thuốc Haginat 500mg, cùng bán tại nhà thuốc Bệnh viện mà giá 2016 lại tăng gấp 3 lần so với trước tháng 5/2015 thì ông Võ hứa sẽ cho kiểm tra lại. Thế nhưng, cho đến nay, ông Võ vẫn chưa có phúc đáp cho phóng viên.

Khi vào bệnh viện Nhà nước, chắc rằng ai cũng an tâm, tin tưởng nhất là về giá cả. Theo cách làm của nhà thuốc BVĐK TP. Cần Thơ thì dựa vào sự tin tưởng đó để trục lợi. Riêng một mặt hàng thôi, nếu toa thuốc khoảng 20 viên Haginat 500mg thì chênh lệch với thị trường trên 100.000 đồng. Thực tế một toa thuốc đâu chỉ có một mà nhiều thứ thuốc. Thử hỏi, người dân bị móc túi, bị thiệt bao nhiêu tiền?

Trên đây chỉ mới điểm qua một mặt hàng thuốc kháng sinh thông thường, ở nhà thuốc Bệnh viện còn có hàng nghìn mặt hàng. Hàng ngày, nhà thuốc BVĐK TP. Cần Thơ có doanh số hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Với giá cao ngất ngưởng đó thì khoảng chênh lệch (lợi nhuận) hàng tháng, hàng năm sẽ là bao nhiêu? Phần siêu lợi nhuận lợi này thuộc về ai? Còn bất lợi chắc chắn là thuộc người dân nghèo. Thiết nghĩ, Sở Y tế TP. Cần Thơ, Bộ Y tế cũng cần làm rõ việc giá thuốc tăng cao bất thường này ở BVĐK TP. Cần Thơ nhằm giảm bớt khó khăn cho bệnh nhân nghèo - những người không đủ tiền mua bảo hiểm y tế ở Đồng bằng Sông Cửu Long. 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý