“Nhắm mắt” dùng nước sông ô nhiễm

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

“Nhắm mắt” dùng nước sông ô nhiễm

Dù biết nước ngầm và sông bị ô nhiễm, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, song hàng chục năm qua, nhiều hộ dân sinh sống những nơi chưa có đường ống cấp nước sạch ở TPHCM vẫn phải nhắm mắt sử dụng hàng ngày.

23/09/2014 01:41 PM
660

Bẩn vẫn phải dùng

Anh Nguyễn Văn Tuấn (40 tuổi, ngụ khu phố Long Đại, phường Long Phước, quận 9) cho biết năm nào, người dân ở đây cũng “đỏ mắt” trông chờ mấy tháng mưa che chắn cẩn thận để ăn uống dần. Khổ nỗi, nguồn nước mưa trữ có hạn, không đủ dùng cho mùa khô. Hết nước mưa người dân buộc phải dùng nước sông.

Gia đình anh Tuấn bơm nước sông lên sinh hoạt hàng ngày

Hầu hết các hộ dân sống dọc bờ sông Tắc đều trang bị máy bơm để lấy nước từ dưới sông. Khi thủy triều lên cao, nước được bơm lên và chứa trong các lu lớn cho lắng cặn (hoặc cho phèn chua vào để lắng lọc) rồi gạn phần nước trong phía trên để sử dụng.

Hiện hàng trăm gia đình ở khu phố Long Đại phải sử dụng nước sông để tắm giặt. Ăn uống phải mua nước bình giá 10 nghìn đồng/bình 20 lít. Sử dụng nước ô nhiễm, chưa được xử lý, khử trùng nên nhiều người bị bệnh ngoài da…

“Có hôm nước đục ngầu. Tàu thuyền đi qua xả dầu, nhớt cặn và các loại chất thải sinh hoạt xuống sông, bơm lên tắm giặt cả đêm ngứa ngáy, khó chịu. Có lần hết nước bình, gấp gáp quá, gia đình phải lắng lọc nước sông để nấu ăn. Cứ nghĩ lọc kĩ rồi nấu chín sẽ không sao. Không ngờ ăn xong, cả nhà bị đau bụng, tiêu chảy” - anh Tuấn nhớ lại.

Tại phường Long Bình (quận 9), nhiều hộ dân cũng buộc phải sử dụng nước sông dù biết không an toàn. Chị Hồ Thị Ngân (phường Long Bình, quận 9) giải thích: Nước máy không có, mua nước bình rửa rau, rửa chén tiền nào chịu nổi.

Theo phó giám đốc công ty cấp nước Thủ Đức Nguyễn Hoài Nam, phường Long Phước có hơn 2.600 hộ dân. Mạng ống cấp nước mới có trên ba con đường (Long Phước, số 4, số 12) với tổng chiều dài 1.651 m, cấp nước sạch trực tiếp cho 1.034 hộ dân. Hai khu phố Long Đại và Trường Khánh chỉ mới có hai đồng hồ tổng.

Nước sạch được cấp bằng xe bồn. Tỷ lệ hộ dân có nước sạch chưa đạt 40%. Phường Long Phước hiện còn khoảng 1.600 hộ chưa được cấp nước sạch. Khu vực này vướng nhiều quy hoạch (học viện tư pháp, nhạc viện thành phố, khu nhà vườn…) nên việc phát triển mạng ống cấp nước gặp khó khăn.

Nhiều phường khác cũng có nhiều hộ chưa có nước sạch như Long Bình (650 hộ), Long Thạnh Mỹ (khoảng 1.200 hộ), Trường Thạnh (750 hộ)…

Bao giờ có nước sạch?

Chiều 20/9, sông Tắc, nơi người dân lấy nước sinh hoạt đục ngầu. Hai bên bờ sông đầy rác, cây củi và xác động vật thối rữa dạt vào. Nghe người dân địa phương kể lại có nhiều hôm, cá chết trắng, dạt vào bờ, người dân phải tạm ngưng lấy nước.

Hàng chục năm nay gia đình bà Chiêu phải sử dụng nước phèn

“Mới đây, phường có lắp bồn nước, hàng ngày xe chở nước sạch đến bơm vô bồn để phân phối lại cho dân. Người dân mong muốn lắp ống nước nhưng nhà nước kêu đóng tới 7,5 triệu đồng/hộ. Người có điều kiện thì được chứ dân nghèo như chúng tôi đào đâu ra tiền” - bà Nguyễn Thị Chiêu (phường Long Phước) nói.

Trưởng phòng kỹ thuật công ty cấp nước Thủ Đức Nguyễn Công Minh cho biết để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2014, 100% hộ dân ngoại thành được sử dụng nước hợp vệ sinh, trước mắt, đơn vị đang lắp đặt thêm một số bồn nước (loại 5.000 lít) và giao cho địa phương quản lý, bán theo giá nước sinh hoạt để đáp ứng như cầu người dân.

Hiện nay, ngành cấp nước thành phố đang triển khai 6 dự án phát triển mạng ống cấp nước ở Quận 9 và Thủ Đức. Công ty cấp nước Thủ Đức cũng tiếp tục thực hiện dự án phủ kín mạng lưới cấp nước đợt 8 trên địa bàn quận 9 gồm 38 tuyến đường và hẻm, đảm bảo đến cuối năm, tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt trên 97%.

Theo phó tổng giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) Bạch Vũ Hải, thành phố đang triển khai 130 dự án cấp nước sạch. Từ 2009, TPHCM đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng phát triển mạng cấp nước. Theo quy định, dân được gắn đồng hồ miễn phí. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp nên muốn đẩy nhanh, người dân góp vốn, Sawaco hoàn lại dần trong 10 năm.

“Ngoài thiếu nguồn, TPHCM còn thiếu mạng phân phối nước. Trong hai năm tới, TPHCM phải đầu tư 130 km ống cấp 1, 2 và 1.080 km ống cấp 3, tổng kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng. Nhiều hộ dân chưa được xài nước sạch do sinh sống không tập trung, xa, đầu tư phát triển đường ống không hiệu quả” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín nói.

Theo Baophapluat.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý