Nhân ngày Người Khuyết tật Việt Nam (18/4): Người khuyết tật mong có "cần câu cá"

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Nhân ngày Người Khuyết tật Việt Nam (18/4): Người khuyết tật mong có "cần câu cá"

Congly.vn Với truyền thống “thương người như thể thương thân”, người Việt chúng ta luôn có sự tôn trọng, cảm thông, hỗ trợ, động viên để những người gặp hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi, trong đó có người khuyết tật tự tin, hòa nhập cộng đồng.

15/04/2014 11:58 PM
2,288

Tuy nhiên trong thực tế, người khuyết tật vẫn còn gặp nhiều "rào cản", rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.

Để người khuyết tật có cơ hội vươn lên…

Việt Nam là quốc gia có số lượng người khuyết tật khá lớn với khoảng 6,7 triệu người, trong đó 3,6 triệu là nữ và khoảng 1,2 triệu là trẻ em. Trong nhiều thập kỷ qua, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước vẫn luôn quan tâm ưu tiên nguồn lực và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách trợ giúp xã hội, bảo đảm các quyền của người khuyết tật và thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật vào đời sống xã hội. Rõ nhất là hệ thống luật pháp, chính sách đối với người khuyết tật ngày càng được hoàn thiện, trong đó tháng 6/2010, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Người khuyết tật và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tại các địa phương và đơn vị thường xuyên quan tâm, tạo thuận lợi để phát huy năng lực và hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi cùng với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, sự sẻ chia, giúp đỡ của bè bạn quốc tế.

Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác chăm lo cho người khuyết tật những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó đến nay cả nước đã có 2.485 triệu người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó, có 576.000 người khuyết tật nặng, 190.737 người tâm thần, 5.465 gia đình có từ 2 người khuyết tật nặng trở lên với tổng kinh phí hơn 7.121 tỷ đồng.

Các hoạt động hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật đã từng bước được quan tâm đầy đủ, riêng năm 2013, có 761.000 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của Nghị định số 28. Bên cạnh đó hệ thống chính sách, cơ chế dạy nghề tạo việc làm cho người khuyết tật ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của đất nước và người khuyết tật. Các hoạt động trợ giúp pháp lý, tiếp cận thể thao của người khuyết tật cũng đạt được nhiều kết quả.

Người khuyết tật cần được xã hội nâng đỡ để vươn lên

Hiện, cả nước có 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó có khoảng 60% người khuyết tật trong độ tuổi lao động. Đa số người khuyết tật sống ở nông thôn với các cơ sở hạ tầng, điều kiện sống, phương tiện sinh hoạt chuyên dùng còn nhiều thiếu thốn, do vậy họ gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại và giao tiếp với cộng đồng, nhất là công ăn việc làm để có thu nhập nuôi sống bản thân. Trong những năm qua, thông qua các kênh, tổ chức hội, đoàn thể, cả nước đã dạy nghề cho nhiều người khuyết tật từ các chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề và việc làm, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên số lượng trên như "muối bỏ bể", việc làm cho người khuyết tật vẫn còn những "rào cản" lớn khiến việc làm với nhiều người khuyết tật vẫn chỉ là ước mơ… Số liệu của Tổng Cục dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy: Số người được dạy nghề cả nước hàng năm đã đạt khoảng 1,5 triệu người/năm nhưng mới chỉ có khoảng 5-6.000 người khuyết tật được dạy nghề (chiếm 0,4%). Báo cáo của các địa phương giai đoạn 2006 - 2010 cũng chỉ rõ: Tổng số người khuyết tật được dạy nghề là gần 30 nghìn người (đạt 37,5% mục tiêu đề ra theo quyết định số 239/2006/QĐ - TTg ngày 24/10/2006 của Chính phủ), trong đó chỉ gần 16.000 người được tạo việc làm, số còn lại là cải thiện việc làm.

Người khuyết tật mong có "cần câu cá"

Dạy nghề, tạo việc làm là một trong những hoạt động quan trọng giúp cho người khuyết tật cải thiện cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên một trong những "rào cản" của việc người khuyết tật khi tham gia học nghề, tìm việc làm là do nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, trình độ thấp nên dù có chính sách hỗ trợ nhưng họ vẫn không thể tự đảm bảo các chi phí cần thiết cho việc học nghề và tạo việc làm. Nhận thức của nhiều đơn vị, doanh nghiệp về việc tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc còn hạn chế bởi họ có suy nghĩ: Người khuyết tật không cần phải làm việc, không muốn được nêu gương trên báo chí vì sợ xã hội lên án là "bóc lột người khuyết tật"... Bên cạnh đó, các cơ sở chủ yếu dạy nghề đơn giản, truyền thống cho người khuyết tật nên đầu ra để tiêu thụ sản phẩm là rất khó khăn. Nhiều người khuyết tật được đào tạo đúng chuyên môn, kỹ thuật cao nhưng các công xưởng, công trình phù hợp để họ làm việc hầu như không có.

Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam Nguyễn Đình Liêu cho rằng: Cộng đồng xã hội cần nhận thức rõ người khuyết tật có thể làm việc như người bình thường bởi họ vẫn có thể làm việc tốt như những người khác. Việc trang bị, tư vấn cho người khuyết tật kiến thức, tay nghề cần thiết để làm việc, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường, bảo đảm cho họ yên tâm với nghề là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức chính trị, xã hội.

Người khuyết tật được xã hội quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ

Khẳng định cách nhìn nhận của xã hội đối với người khuyết tật đã có sự thay đổi từ chỗ tiếp cận theo nghĩa từ thiện, nhân đạo xã hội sang việc bảo đảm quyền của người khuyết tật, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh: "Đem cho con cá không bằng đem cho cần câu cá", để người khuyết tật có việc làm ổn định, thực sự hòa nhập được với cộng đồng rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng ở địa phương và toàn xã hội.

Tại Chương trình đi bộ “Chung bước yêu thương - Trao niềm hy vọng” lần thứ nhất, được tổ chức sáng 6/4/2014, tại TP Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, ghi nhận và biểu dương những tấm lòng cao quý, những tình cảm sâu nặng của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong nước, của bạn bè quốc tế, trong khó khăn vẫn dành dụm, sẻ chia, gom góp để trợ giúp, động viên người khuyết tật, trẻ mồ côi. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về người khuyết tật. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những quy định không phù hợp liên quan đến người khuyết tật, nhất là trong dạy nghề và việc làm, giáo dục hòa nhập, chăm sóc sức khỏe; gắn dạy nghề với tạo việc làm đồng thời thúc đẩy các hoạt động hội nhập quốc tế trong công tác trợ giúp người khuyết tật.

Nhằm thực hiện mục tiêu của Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020, trước mắt đến 2015 hỗ trợ 250.000 người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm, hơn lúc nào hết các bộ ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy triển khai mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; mô hình hỗ trợ sinh kế nhằm giúp cho người khuyết tật phát huy khả năng vươn lên trong cuộc sống. 

Phúc Hằng - Tuấn Anh

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý