Nhân viên ngân hàng: Nằm mơ cũng thấy chỉ tiêu thẻ

ban ban @ban

Nhân viên ngân hàng: Nằm mơ cũng thấy chỉ tiêu thẻ

Hiện nay, nhiều ngân hàng lấy chỉ tiêu phát hành thẻ để tính lương, thưởng, ký hợp đồng cho nhân viên khiến nhiều nhân viên ngân hàng trong mơ cũng thấy cảnh đang mời chào khách.

25/11/2014 03:37 PM
2,333

Cuối tháng “cắt máu” giữ việc

Chị Hương, chuyên viên phòng kinh doanh thẻ của 1 ngân hàng thương mại (NHTM) ở khu vực Hai Bà Trưng cho biết hiện tại chị được ngân hàng áp chỉ số KPI (Key performance Indicator, chỉ số đánh giá thực hiện công việc. Dựa trên việc hoàn thành KPI, ngân hàng sẽ quyết định các chế độ thưởng phạt cho từng cá nhân) là 600 điểm mỗi tháng. Theo đó, khung định mức tính điểm được áp dụng như sau: với mỗi thẻ tín dụng được kích hoạt nhân viên phát hành sẽ được 15 điểm, tương tự với thẻ Debit là 7 điểm và 0,5 điểm cho mỗi thẻ ATM và tài khoản cá nhân.

Như vây, để đạt chỉ tiêu, tính trung bình mỗi ngày chị Hương phải phát hành được 1 thẻ tín dụng và 1 thẻ Debit. Nhìn qua thì có vẻ khá nhẹ nhàng nhưng kỳ thực để thực hiện được mục tiêu khiêm tốn đó là cực kỳ vất vả. Bởi lẽ trên thị trường hiện nay, có quá nhiều ngân hàng (NH) cung cấp thẻ, sự cạnh tranh là rất khốc liệt và số người thực sự có nhu cầu dùng các loại thẻ vẫn còn hạn chế, không kể mỗi người tối đa cũng chỉ cần 1 đến 2 thẻ và chi phí để kích hoạt thẻ cũng không rẻ (110 nghìn/ thẻ Debit và 275 nghìn/thẻ Credit).

Như chia sẻ của chị Hương, tháng đầu tiên thực hiện còn đơn giản, vì khi đó có thể mời người thân, bạn bè sẻ dụng dịch vụ nhưng sang các tháng tiếp theo, khi mối quan hệ thân quen cạn dần, phải gọi điện chào mời khách hàng thì cực kỳ mệt mỏi, chán nản. Cả ngày, có khi gọi tới cả trăm cuộc điện thoại mà chẳng ai có nhu cầu, đôi khi còn bị trả lời một cách khiếm nhã.

"Có đợt sắp hết quý mà chỉ tiêu chưa đạt, tôi rất lo lắng. Đêm về ngủ, tôi mơ thấy cảnh mình đang gọi điện thoại mời khách mở thẻ", chị Hương bộc bạch.

 - Ảnh 1

"Có đợt sắp hết quý mà chỉ tiêu chưa đạt, tôi rất lo lắng. Đêm về ngủ, tôi mơ thấy cảnh mình đang gọi điện thoại mời khách mở thẻ", chị Hương bộc bạch.

Cũng theo chị Hương, chỉ tiêu bên NH chị còn được coi là khá nhẹ nếu xét trên mặt bằng chung. Như chị kể, bạn bè chị đang làm ở một số ngân hàng khác, hằng tháng còn phải tự bỏ tiền túi ra kích hoạt thẻ cho khách hàng để đạt KPI, để đỡ bị trách phạt và xa thải. Gọi theo cách vui mà bọn chị thường nói đó là cuối tháng “cắt máu”.

So với nhân viên kinh doanh thẻ, áp lực đối với nhân viên tín dụng còn lớn hơn. Không còn cảnh Doanh nghiệp xếp hàng xin các nhà băng xét duyệt cho vay, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng loạt công ty phá sản, nhu cầu vay vốn nhỏ giọt, giờ đây nhân viên ngân hàng đến tận nơi, gõ cửa từng doanh nghiệp để mời vay vốn. Hằng ngày, thông qua các website, bảng hiệu,… nhân viên ngân hàng tìm kiếm số điện thoại và chủ động gọi điện, mời chào khách hàng vay vốn.

Ngoài ra, để tăng hiệu quả, giờ đây rất nhiều tín dụng viên thường xuyên phải đi đến tận công ty, tìm đến tận cửa hàng, làng nghề tìm hiều nhu cầu vay vốn và giới thiệu sản phẩm của ngân hàng. Anh Chung, một cán bộ tín dụng cho biết, đã dành cả ngày hôm thứ 6 để khảo sát các hộ kinh doanh quanh khu vực Bát Tràng, mời rất nhiều người nhưng chưa tìm được ai có nhu cầu vay, có nơi vừa vào gia chủ đã bảo cách đó nửa tiếng vừa có ngân hàng M tới giới thiệu.

Không riêng gì các ngân hàng thương mại cổ phần mà các ngân hàng thương mại Nhà nước cũng áp chỉ tiêu cho cán bộ nhân viên và không loại trừ một bộ phận nào, từ huy động vốn, cho vay đến đòi nợ, thẻ… Nhiều ngân hàng còn lấy chỉ tiêu giao cho nhân viên làm tiêu chí chính để quyết định lương và có tiếp tục ký hợp đồng lao động hay không. Trong khi đó, lãi suất huy động liên tục giảm trong thời gian gần đây và hiện đã xuống rất thấp, cùng với khoản cộng cho khách hàng có mức tiền gửi lớn cũng không còn, hoặc còn rất thấp nên việc giữ chân khách hàng đối với nhân viên ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, nhiều cán bộ kinh doanh của ngân hàng thậm chí đã phải bỏ tiền túi ra để giữ khách do áp lực chỉ tiêu. “Nhân viên thà chấp nhận chi tiền túi giữ khách để đủ doanh số còn hơn thiếu doanh số mà bị cắt giảm lương, thậm chí là mất việc", một nhân viên ngân hàng cho biết.

 - Ảnh 2

Việc nhiều ngân hàng "áp chỉ tiêu" cho nhân viên kinh doanh thẻ của mình nhằm gia tăng thị phần, dẫn đến lượng bán thẻ nhằm đối phó tăng lên.

Những chiếc thẻ “nằm im”

Thông tin trên báo Nhân dân, theo số liệu từ NHNN, tại thời điểm cuối quý I vừa qua, cả nước đã có tới hơn 68,5 triệu thẻ ngân hàng, tăng 2,34 triệu thẻ (tương đương 3,5%) so cuối năm 2013. Tuy nhiên, trong số hơn 68 triệu thẻ mà các ngân hàng đã phát hành, không ít người đặt câu hỏi, liệu trên thực tế sẽ có bao nhiêu khách hàng sử dụng thẻ để thực hiện giao dịch? Còn nhớ vào năm 2013, có một ngân hàng đã mở rộng chiến dịch phát hành thẻ bằng cách tổ chức linh động vài điểm hướng dẫn đăng ký mở thẻ ngay tại nơi công cộng.

Kết thúc chiến dịch, ngân hàng thu được kết quả "kỷ lục" trong việc phát hành được một số lượng lớn thẻ trong thời gian ngắn nhất. Nhưng trên thực tế, có bao nhiêu khách hàng sử dụng thẻ này trong giao dịch thanh toán của mình kể từ khi mở thẻ đến bây giờ? Con số thực chất chắc chắn không bao nhiêu, bởi tình trạng khách hàng mở thẻ nhưng không sử dụng vẫn diễn ra khá phổ biến. Và hình ảnh trong ví chứa tới 5-7 loại thẻ ngân hàng cũng không hiếm gặp, mặc dù được rút ra sử dụng thường xuyên nhất cũng chỉ có một chiếc thẻ mà thôi.

Nguyên nhân tình trạng này, do nhiều ngân hàng "áp chỉ tiêu" cho nhân viên kinh doanh thẻ của mình nhằm gia tăng thị phần, dẫn đến lượng bán thẻ nhằm đối phó tăng lên. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng hợp tác với các doanh nghiệp, siêu thị để phát hành thẻ đồng thương hiệu nhằm mang đến cho khách hàng lợi ích cộng hưởng. Có thể nói, đây là cách làm hay nhằm gia tăng lợi ích cho khách hàng, lại giúp ngân hàng có cơ hội mở rộng thêm thị phần. Nhưng nếu ngân hàng vẫn không chú trọng tới chất lượng mà chỉ chăm chăm mở rộng số lượng, tìm mọi cách phát hành càng nhiều thẻ càng tốt, sẽ khiến tình trạng khách hàng "mở thẻ rồi để đấy" càng tăng lên. Điều này không những gây lãng phí cho ngân hàng trong việc đầu tư chi phí phát hành, duy trì thẻ, mà còn khiến người tiêu dùng cảm thấy phiền phức hơn khi mỗi ngày, họ thường xuyên nhận được những cú điện thoại từ các nhân viên ngân hàng mời chào, tiếp thị sử dụng dịch vụ thẻ.

Người tiêu dùng bây giờ không còn "sính" việc sở hữu nhiều thẻ ngân hàng mà chỉ lựa chọn cho mình một chiếc thẻ phù hợp nhu cầu. Vì vậy, nếu các ngân hàng không nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu đó, chỉ lôi kéo khách làm thẻ, đương nhiên thẻ của mình phát hành ra chỉ mãi "nằm im" trong ví khách hàng.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý