Nhật ký của tù nhân 14 tuổi

miss1 miss1 @miss1

Nhật ký của tù nhân 14 tuổi

Bốn tháng tạm giam, là thời gian cậu bé Thiện có dịp nhìn nhận lại hành vi phạm tội của mình để quyết tâm làm lại cuộc đời.

15/01/2010 11:01 AM
26,797

Mới 14 tuổi, cậu bé Nguyễn Quang Thiện, ngụ tại huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, đã chịu cảnh tù ngục vì những sai lầm do mình gây ra. Những tháng ngày ở  trại giam cũng là lúc cậu đối diện với chính mình. Sự ân hận của tù nhân nhỏ tuổi này thể hiện qua từng trang nhật ký cậu viết về hành trình tội lỗi của mình. Tất cả như một cuốn phim quay chậm.

Ngày…tháng…năm

Nắng khuất dần trên những mái nhà thấp lè tè ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Tháng 12, cái lạnh xâm lấn mọi ngóc ngách. Cảnh quê sao chán chết.

Nhìn ra xa, bóng nắng đã tắt nhường chỗ cho đêm đen. Sao giờ này ba mẹ, anh chị đi làm nương chưa về? không ai lo cơm nước cho mình, tức chết đi mất.

Ba mẹ chẳng thương mình chút nào, suốt ngày đi làm, bỏ mặc mình. Mình muốn được như bạn bè, được ba mẹ chăm lo, muốn gì được nấy.

Thằng Thanh, bạn mới quen của mình sướng thật. Nhà nó ở thành phố chắc sung sướng lắm, chẳng phải sống cảnh nghèo khổ như thế này. Ước gì mình được sống ở thành phố như Thanh.

Ngày…tháng…năm

Tháng 2 trôi đi nhanh thật, hôm nay đã cuối tháng rồi. Cả tháng qua, chẳng mấy khi mình ngồi nói chuyện với ba mẹ. Họ di làm biền biệt suốt ngày, về đến nhà là ngủ mất. Chẳng bao giờ ba mẹ hỏi chuyện học hành, bài vở, mình bỏ học cũng không ai biết.


Ảnh minh họa

Như thế mình đi chơi cũng có ai biết đâu? Đúng rồi, đi lên thành phố chơi một chuyến cho biết đây đó. Để xem họ có lo cho mình, có đi tìm mình không?

Vừa nghe mình ngỏ ý lên chơi, Thanh gật đầu ngay.

Tối hôm đó, nhân lúc ba mẹ không để ý đến, mình cuốn bộ quần áo, nhón chân nhẹ nhàng bỏ ra ngoài. Cũng may trong túi có ít tiền đủ mua vé Sài Gòn. Chỉ sáng hôm sau mình sẽ có mặt ở nhà Thanh.

Ngày…tháng…năm

Không khí thành phố khác hẳn ở quê. Từng đoàn xe nối đuôi nhau thật thích mắt. Mình tự hỏi: “sao người thành phố không đi làm vẫn có tiền tiêu nhỉ?”. 

Mình ao ước không làm mà vẫn có tiền tiêu như thế. Chẳng ai như ba mẹ mình, làm quanh năm suốt tháng, mặt cháy đen mà vẫn nghèo rớt mồng tơi.

Hơn một tuần ở nhà thanh, mình mở mang thêm bao nhiêu thứ mới. Thanh cho mình biết cuộc sống ở thành phố như thế nào và bảo: “Mày muốn sướng không? Chỉ ở đây mới được như thế”.

Thanh hơn mình có bốn tuổi mà sao trải đời ghê. Mình nghĩ: “Cứ theo Thanh là có cơ hội ở lại thành phố”.

Mình không liên lạc với gia đình, suốt ngày tụ tập đi chơi với Thanh vui thật. Mình mất tích hơn một tuần, chắc ba mẹ lo lắng lắm? Thế nhưng mặc kệ, mình thấy vui khi ở đây. Đi chơi không phải học, lại không phải ăn uống thiếu thốn. 

Ngày…tháng…năm

Tối nay Thanh chở mình đi chơi muộn. Hai đứa đi lang thang, uống cà phê, ăn vặt bên lề đường đến tận 12h30 phút. Đến lúc đó, Thanh ra hiệu cho mình đứng lên đi tiếp. Nhìn lên địa chí hai bên đường, mình mới biết đang ở đường Trường Chinh, Q. Tân Bình. Đêm, đường vắng thưa người.

Xe của hai đứa đi song song cùng một chiếc xe máy của hai người phụ nữ. Thanh liếc qua và thấy chiếc túi để giữa hai người phụ nữ.

Thanh đi lùi lại phía sau chiếc xe gắn máy ấy và khẽ bảo: “Mày muốn tiền tiêu xài không? Giật đại chiếc túi kia là có khối thứ dùng được”.

“Thôi, em không dám đâu, lỡ có người biết thì sao?, mình rụt rè.

Thanh trả lời: “Ai lại để bị bắt. Ngu thế, giật xong là chạy thật nhanh. Tụi con gái yếu tay lái không dám đuổi theo đâu. Tao kinh nghiệm rồi, giả sử bọn nó hô cướp, thiên hạ không ai dám đuổi theo. Ai cũng sợ bị liên lụy hết. Thiên hạ sợ bọn cướp giật, mình mới làm ăn được chứ. Yên tâm đi”.

Nghe Thanh khích, lại thấy có tiền tiêu, mình hào hứng hẳn: “Giật thì giật”, Thanh vừa lái xe vừa bàn kế hoạch: “Tao áp sát xe của chúng, mày nhanh tay giật mạnh. Giật không được nhát tay, càng nhanh càng tốt, rõ chưa?”.

Nói rồi, Thanh tăng ga phóng gần sát xe của hai người phụ nữ. Trong lúc họ giật mình, mất bình tĩnh, mình đưa tay giật phắt chiếc túi. Hai người phụ nữ vừa duổi theo vừa hét toáng lên: “Cướp, cướp…”, Thanh rồ ga chạy bán sống bán chết.

Đêm thanh vắng, tiếng hét của người phụ nữ chẳng khác gì để đồng hồ báo thức bên tai. Rất nhiều người lưu thông trên đường nhìn thấy hai chiếc xe đang đuổi nhau, vội tránh vào lề đường. Thanh tự tin: “Thấy chưa, tao nói có đúng không. Ngồi chắc vào, tao phóng nhanh”.

Nhìn lại phía sau, hai người phụ nữ vẫn kiên trì đuổi theo. Tay cầm cái túi của người khác, mình tự nhiên run lẩy bẩy: “Kiểu này thế nào cũng bị tóm”.

Mình thúc vào lưng Thanh giục: “Chạy nhanh hơn đi anh”. Thanh rồ ga hết cỡ. Đi tới một đoạn đường xấu thuộc P.12, Q. Tân Bình. Thanh mất tay lái. Chiếc xe đổ kềnh xuống đường, cả hai cùng bị ngã lăn xuống đất, ê ẩm cả người.

Tiếng la hét vẫn sát bên tai. Thanh quên luôn chiếc xe, vội nhặt lấy chiếc túi giục: “Chạy nhanh”.

Vừa chạy được một doạn, quần chúng nghe tiếng tri hô liền chạy ra, tóm gọn cả hai.

Trong những vòng tay cứng như sắt, mình hoảng sợ, cố vùng vẫy nhưng bất lực: “Tiêu rồi!”. Mình lo sợ đến muốn khóc. Lúc này, mình chợt nhớ đến ba mẹ: “Ba mẹ ơi, cứu con”. 

Ngày…tháng…năm

Quần chúng xúm lại chỉ trỏ. Mình xấu hổ quá cúi gằm mặt xuống. Họ cùng nhau áp giải cả hai về công an phường 12.

Chiếc còng số 8 lạnh toát trước đây mình chỉ biết qua phim ảnh, giờ giữ chặt lấy cổ tay mình. Tiếng lách cách của nó nghe đến rợn người.. Mình trộm nhìn sang Thanh, gương mặt anh ta lạnh tanh, không một chút sợ sệt.

Mình đành cúi mặt, ngoan ngoãn đi theo công an, chỉ đến khi có tiếng hô hoán: “Một tên cướp bỏ trốn rồi” mình mới dám ngẩng đầu lên. Thì ra, Thanh đã nhanh chân bỏ trốn mang theo cả chiếc còng số 8. 

Ngày…tháng…năm

Ngày 9-12-2008 là ngày đầu tiên mình phải sống trong cảnh tạm giam. Mình nhớ nhà, nhớ bát cơm rau lạt của mẹ. Đã gần hai tuần mình không đi học, cô giáo có điểm danh không? Mình nhớ lớp học ở quê quá. Mình không muốn sống thành phố nữa đâu. Mình muốn gào lên nhưng chẳng ai nghe. Chỉ có bốn bức tường đáp lời bằng tiếng vang dội lại.

Ba nghe tin dữ vội vàng vay tiền lên thành phố để lo cho mình. Biết chuyện ông vất vả, bôn ba vì con cái, mình càng ân hận.

Ngày 26-1-2009, mình hay tin Thanh bị bắt giữ. Sau khi bỏ trốn, Thanh nhờ người bạn cưa đứt còng số 8 và sống trốn chui trốn nhủi. Tuy nhiên, chạy mãi không thoát lưới trời. 

Ngày…tháng…năm

Hôm nay là ngày 28-7-2009, trước vành móng ngựa, mình thấy sợ hãi vô cùng. Những câu hỏi cứ xoáy vào đầu mình: “Liệu mình có bị tù cả đời. Làm sao đây?”. Tren hàng ghế dự khán ba ngồi đó, ánh mắt buồn vời vợi. Ông cố co người, tránh mọi ánh nhìn hiếu kỳ của mọi người.

Mình giật bắn người khi Viện kiểm sát đọc tên mình trong bản cáo trạng: “Hành vi phạm tội của các bị cáo là táo bạo, liều lĩnh, ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác ngay trên đường phố. Các bị cáo còn dùng xe gắn máy phân khối lớn, nguồn nguy hiểm cao độ làm phương tiện phạm tội tiềm ẩn nguy cơ dễ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của chính các bị cáo và những người đang lưu thông trên đường…”.

Tiếng vị kiểm sát cứ vang vang trong đầu mình không dứt. Vậy là từ đây vì mình, ba mẹ, anh chị sẽ bị hàng xóm, họ hàng cười chê, ba mẹ sẽ thêm khổ tâm, vất vả.

Khi được gọi trả lời trước tòa, mình thành thật khai nhận tất cả vì chỉ có sự thành thật mới giúp mình được khoan hồng. Lần đầu tiên mình thừa nhận: “Bị cáo là đứa con bất hiếu, sung sướng không biết hưởng còn trách ba mẹ, chỉ suốt ngày đua đòi, biếng nhác”. Đó cũng như lời ăn năn mình nói với ba mẹ và gia đình.

Lén nhìn xuống hàng ghế, mình thấy mắt ba đỏ hoe, ông nhìn như bất động vào khoảng không trước mặt. Ba ơi, ba có nghe lời con ăn năn?

Vị luật sư bào chữa đưa ra những tình tiết xin giảm nhẹ tội cho mình. Tuy nhiên, hội đồng xét xử cho rằng: “Bản thân bị cáo tuy còn nhỏ nhưng đã sớm tập tành lối sống buông thả…cần có mức hình phạt tù có thời hạn, tiếp tục ách ly bị cáo khỏi xã hội một thời gian nhất định”.

Các cô chú c án bộ xét xử không hề sai, mình cần một bài học thật đau để nhớ đời. Tuy nhiên, nếu chịu án tù, mình sẽ không được đến trường, đỡ đần ba mẹ. Nếu ra tù rồi, đến khi nào mình mới làm lại cuộc đời? Mọi người có tha thứ cho mình? Mình và Thanh bị công an dẫn ra chỗ đợi nghi án. Ba ngấp nghe nhìn theo. Trong mắt ba có cả nỗi giận, sự đau khổ và thương xót.

“Ba ơi, con hối hận rồi”, mình muốn gào to nhưng cổ họng cứ nghẹn lại, đắng ngắt.

Mình bị tuyên án một năm sáu tháng tù. Bài học này mình sẽ phải mang theo suốt cuộc đời. 

Ngày…tháng…năm

Ba về làm đơn kháng cáo gửi đến tòa án tối cao xin cho mình được hưởng án treo. Dù giận nhưng ba vẫn cố hết sức mình.

Đến đầu tháng 12-2009, phiên tòa phúc thẩm được đưa ra xét xử, phiên tòa hôm đó chỉ có mình, ba, vị luật sư và hội đồng xử án.

Hôm ấy, án kháng cáo của mình được chấp nhận.Mình ba như muốn thét lên ngay lập tức vì mừng rỡ. Vị chủ tọa phiên tòa nhẹ nhàng dặn dò: “Sự khoan hồng của pháp luật chỉ dành cho người biết trân trọng và không thể có lần thứ hai. Bị cáo phải ngoan ngoãn nghe lời ba mẹ. Ngoài ra, lỗi trong vụ án này một phần là do cách giáo dục của cha mẹ, ông cần quản lý con chặt chẽ, nhiêm khắc hơn”.

Ba cúi đầu: “Vâng ạ!”. Lòng mình xót xa: “Ba ơi, không phải do ba đâu, tất cả do con không biết nghe lời…”

Rời tòa án, bước chân ba xiêu vẹo, đỡ vai ông mình bảo: “Về thôi ba, con nhớ nhà quá. Ba ơi, con xin lỗi, con sẽ học hành ngoan, không bao gi bỏ nhà đi nữa đâu, con sợ lắm rồi. Không nơi đâu  bình yên như ở gia đình mình hết, ba ạ!”

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý