Nhiều tình tiết lạ quanh vụ xe khách văng bánh khi đang 'phóng'

mesu mesu @mesu

Nhiều tình tiết lạ quanh vụ xe khách văng bánh khi đang 'phóng'

Sau vụ tai nạn hy hữu ngày 23/11 của chiếc xe giường nằm chạy tuyến Giáp Bát – Thanh Hóa văng cả cụm bánh khi đang lưu thông với tốc độ gần 80km/h trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (Hà Nội), các bên liên quan đã đồng loạt lên tiếng với nhiều thông tin trái chiều.

26/11/2014 12:02 PM
3,691

Lùm xùm chuyện danh phận xe gặp nạn

Sáng 23/11, chiếc xe giường nằm cao cấp màu vàng mang hai tên Hoàng Sơn, Hải Hà, biển kiểm soát tỉnh Thanh Hóa di chuyển trên cao tốc Cầu Giẽ - Pháp Vân tới đoạn gần cầu vượt thuộc địa phận xã Liên Phương (Thường Tín, Hà Nội) thì bất ngờ bị văng cầu bánh sau.

Vụ tai nạn được cho là hy hữu nhưng may mắn không để lại hậu quả về người. Sau vụ tai nạn, nhiều tình tiết bất ngờ đã phát sinh. Ngay trong ngày 23/11, trên trang Facebook được cho là của nhà xe Hải Hà đã xuất hiện thông tin khẳng định xe tai nạn văng bánh là của nhà xe Hoàng Sơn - chủ nhà xe này là anh trai của chủ nhà xe Hải Hà.

 - Ảnh 1

Xe văng bánh là sự cố đặc biệt nghiêm trọng (ảnh cắt từ clip).

Cũng trên trang cá nhân này, sau khi xuất hiện thông tin nêu trên, nhiều hành khách đã nêu ý kiến về trách nhiệm của các bên liên quan. Có ý kiến cho rằng, nhà xe Hoàng Sơn mập mờ thương hiệu của nhà xe Hải Hà để hợp pháp hóa kinh doanh. Theo một số ý kiến khác thì, giữa hai doanh nghiệp có mối quan hệ thân thiết nên việc “nhập nhèm” thương hiệu là điều dễ hiểu.

Về tình tiết này, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát khẳng định, xe bị tai nạn là của nhà xe Hoàng Sơn. “Bỏ tiền ra mua xe là nhà xe Hoàng Sơn, sau đó đem vào nhà xe Hải Hà để kinh doanh. Xe thuộc quyền quản lý, sử dụng của nhà xe Hoàng Sơn. Đem xe vào công ty khác kinh doanh nhưng vẫn muốn có tên riêng để tiện giao dịch, phân biệt với các nhà xe khác nên mới có chuyện một xe hai tên như trên”, ông Thành nói.

Liên quan đến ý kiến cho rằng, bến xe đã bỏ qua khâu kiểm tra an toàn trước khi xe xuất bến từ Giáp Bát nên mới xảy ra sự cố nguy hiểm này, ông Nguyễn Tất Thành nói: “Chúng tôi chỉ được phép kiểm tra xe có đầy đủ giấy tờ, bảo hiểm, đăng kiểm còn hạn… thì mới cấp lệnh xuất bến. Bến xe không có chức năng kiểm tra tình trạng “sức khỏe” của xe, việc này thuộc chuyên môn của ngành đăng kiểm”.

Ông Thành cho biết thêm, các nhà xe Hải Hà và Hoàng Sơn đều khai thác tuyến ở Bến xe Giáp Bát khá lâu. Trước đây, hai nhà xe này toàn chạy xe một tầng, mấy năm gần đây mới đổi thành xe giường nằm hai tầng.

Lỗi do nhà sản xuất?

Chiếc xe gặp nạn nêu trên mới được cơ quan đăng kiểm tỉnh Thanh Hóa đăng kiểm ngày 11/9. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, dư luận cho rằng, cơ quan đăng kiểm địa phương này đã làm việc “thiếu trách nhiệm” nên không biết chiếc xe đang tồn tại vấn đề nghiêm trọng và vẫn chấp thuận cho xe lưu thông.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH sáng 25/11, ông Lâm Minh Phúc - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Thanh Hóa cho biết, Trung tâm đang phối hợp với Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ việc một xe giường nằm văng bánh khi đang chạy trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Ông Phúc cho rằng, cơ quan đăng kiểm đã làm đúng quy trình theo quy định của Cục Đăng kiểm. “Cơ quan đăng kiểm cũng không có quyền mở máy để kiểm tra đến từng chi tiết. Chiếc xe gặp nạn bị gãy trục truyền động ra bánh. Chiếc xe này vừa được nhà xe bảo dưỡng nên có thể trong quá trình tháo lắp không đúng quy trình nên gây ra gãy trục”, ông Phúc nói.

Từ góc nhìn của chuyên gia, kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch khẳng định với PV Báo GĐ&XH, việc ô tô bị văng bánh khi lưu thông là sự cố đặc biệt nghiêm trọng. Sự cố này đe dọa tới tính mạng của những người điều khiển phương tiện lưu thông gần sự cố và uy hiếp trực tiếp tới lái xe, hành khách.

Qua clip được đăng tải, kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trục truyền động của xe bị gãy: Có thể có việc nhà xe không bảo dưỡng định kỳ; Cũng có thể chất lượng trục của nhà sản xuất có vấn đề; Có thể trục đã bị nứt ngầm, hoặc chở quá tải nên gây ra mỏi trục. Vết nứt cộng thêm lực từ bộ phận truyền động khiến trục bị mỏi và gãy. Theo kỹ sư Lê Văn Tạch với lỗi này thì cơ quan đăng kiểm khó mà phát hiện ra được.

Kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng, các phương tiện hiện có thể đối diện nguy cơ văng bánh bất cứ lúc nào. Việc tùy tiện dùng “súng hơi” để bắn ốc mà không có thiết bị chuyên dùng kiểm tra để “bắn đủ lực” có thể gây ra hiện tượng thừa, thiếu lực. Khi thiếu lực, ốc dễ văng ra khiến cả cụm bánh ảnh hưởng. Khi thừa lực lại dễ gây mỏi ốc vít nên xảy ra đứt gãy.

Liên tiếp xảy ra tai nạn xe giường nằm

Ngày 22/11, xe giường nằm chạy tuyến Thái Bình - Lào Cai đã đâm vào xe tải trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Trước đó (ngày 1/9), vụ xe giường nằm của hãng Sao Việt lao xuống vực sâu tại huyện Bát Xát (Lào Cai) gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Sau vụ tai nạn này, cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đã vào cuộc để hạn chế phạm vi hoạt động của loại xe này ở đường đèo dốc.

Theo : giadinh.net

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý