NHNN chính thức sửa đổi Thông tư 36

remember1 remember1 @remember1

NHNN chính thức sửa đổi Thông tư 36

Ngày 27/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký ban hành hai văn bản; trong đó có nội dung sửa đổi Thông tư 36 vốn gây tranh cãi thời gian qua.

28/05/2016 02:48 PM
22

(ĐSPL) - Ngày 27/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã ký ban hành hai văn bản; trong đó có nội dung sửa đổi Thông tư 36 vốn gây tranh cãi thời gian qua.

Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.Thông tư này có hiệu lực từ 1/7/2016.

Theo NHNN, Thông tư 06 được xây dựng trên cơ sở rà soát tổng thể các quy định tại Thông tư 36 và các quy định liên quan của pháp luật, đăng tải trên website của NHNN để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các đối tượng chịu tác động của Thông tư, tham khảo ý kiến của các bộ ngành và các hiệp hội có liên quan. Trên cơ sở đó, NHNN đưa ra lộ trình phù hợp.

Điểm nóng” được chú ý trong thời gian qua là định hướng “siết” tín dụng vào kinh doanh, đầu tư bất động sản đã có điều chỉnh, nhưng mức độ “nhẹ” hơn và có lộ trình.

Dù trước đó Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250% ảnh hưởng trực tiếp không đáng kể đến tỷ lệ an toàn vốn, theo đó tỷ lệ an toàn vốn bình quân của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng giảm từ 13% xuống 12,1%. Với tỷ lệ an toàn vốn bình quân toàn hệ thống đến cuối năm 2015 là 13%, thì các tổ chức tín dụng vẫn còn có thể cho vay kinh doanh bất động sản với số vốn bổ sung lên đến khoảng 650.000 tỷ đồng mới tới giới hạn tỷ lệ an toàn vốn 9%, nhưng với Thông tư 06 vừa bàn hành, tỷ lệ này nâng lên ở mức 200% với thời điểm thực hiện là 1/1/2017.

Trong thông tin giải thích trước đây, Ngân hàn Nhà nước cho biết, việc nâng hệ số rủi ro nói trên là nhằm phát đi tín hiệu kiểm soát, sau khi tín dụng bất động sản đã liên tục tăng mạnh trong hai năm qua, đặc biệt trong năm 2015, thậm chí từ đầu năm đến nay vẫn tiếp tục tăng cao hơn hẳn so với mức tăng trưởng tín dụng bình quân cho nền kinh tế.

Sửa đổi Thông tư 36: Hệ số rủi ro các khoản cho vay kinh doanh BĐS nâng lên 200% - Ảnh 1Phóng to

Thông tư 06 vừa bàn hành, hệ số rủi ro các khoản cho vay kinh doanh bất động sản nâng lên ở mức 200% với thời điểm thực hiện là 1/1/2017.

Thông tư 06 cũng sửa đổi, bổ sung cách xác định và tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài (từ 15% lên 35%), ngân hàng thương mại nhà nước (từ 15% lên 25%).

Ngoài nội dung sửa đổi, bổ sung về hệ số rủi ro các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản, NHNN còn bổ sung cách xác định và giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với lộ trình phù hợp để kiểm soát rủi ro thanh khoản, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước những biến động tiêu cực trong nước và ngoài nước.

Lộ trình cụ thể như sau: Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn được giữ nguyên 60% từ nay đến 31/12/2016, rồi giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017, và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40%.

Khi Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 được công bố đầu tháng 2 năm nay đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, giới chuyên gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Ngân hàng Nhà nước đã có bản tài liệu phân tích chi tiết và nêu quan điểm về định hướng sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư 36 quy định các giới hạn và tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành Thông tư số 07/2016/TT-NHNN ngày 27/5/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 08.12.2015 của Thống đốc NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) đối với khách hàng vay là người cư trú.

Theo đó, TCTD được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Khi được TCTD giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định này thực hiện đến hết ngày 31/12/2016.

Trước đó, theo Thông tư 24, các doanh nghiệp xuất khẩu bắt đầu không được vay vốn bằng ngoại tệ từ ngày 31/3/2016. Quy định này bị cho là bất cập, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và không nhận được sự ủng hộ của thị trường. Bằng chứng là sau khi bị cấm, ngân hàng có nhiều loại sản phẩm “lách luật” như: Cho vay VND có đảm bảo bằng ngoại tệ, cho vay VND theo lãi suất USD, cho vay VND tính theo lãi suất EUR...

Tình trạng này diễn ra khá phổ biến và có thể NHNN cũng biết nhưng vẫn phải làm ngơ vì nhu cầu của cả ngân hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì phải lách cho vay nên ngân hàng phải hoán chuyển đổi qua nhiều bước trung gian làm gia tăng chi phí cho người vay. Việc hạch toán khoản cho vay đối với ngân hàng sau khi cấm phức tạp hơn nhiều so với trước khi cấm.

Thông tư sửa đổi được NHNN ban hành là trên cơ sở trong những tháng đầu năm 2016, kinh tế vĩ mô xuất hiện những khó khăn, thách thức như tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; tình hình hạn hán ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn diễn biến phức tạp; sự cố bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung tác động tiêu cực đến hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản và du lịch biển.

TUYẾT MAI

Nguồn: Người đưa tin

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý