NHNN hạ lãi suất tiền gửi và cho vay: Động lực nằm ở đâu?

baybykiu baybykiu @baybykiu

NHNN hạ lãi suất tiền gửi và cho vay: Động lực nằm ở đâu?

Từ hôm nay (29/10), lãi suất huy động bằng VND và USD sẽ chính thức giảm, đồng thời, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số số lĩnh vực, ngành kinh tế sẽ giảm thêm 1%. Ngân hàng Nhà nước cũng hiệu triệu các ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống tối đa 10%/năm.

29/10/2014 04:32 PM
3,048

Nhiều “ông lớn” ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất cho vay

Tin tức trên báo Pháp luật Việt Nam, từ hôm nay (29/10), lãi suất huy động bằng VND và USD sẽ chính thức giảm, đồng thời, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số số lĩnh vực, ngành kinh tế sẽ giảm thêm 1%. Ngân hàng Nhà nước cũng hiệu triệu các ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống tối đa 10%/năm…

Theo đó, lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất tiền gửi bằng USD sẽ giảm từ 1%/năm xuống 0,75%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế sẽ giảm từ 8%/năm xuống còn 7%/năm…

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - khẳng định: NHNN vẫn giữ ổn định các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng (NH) và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các NH.

Quyết định điều chỉnh lãi suất vào thời điểm này, theo bà Hồng, là căn cứ vào diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và hoạt động NH, nhằm chia sẻ khó khăn với các DN.

Mặc dù không có quyết định chính thức về điều chỉnh lãi suất cho vay trung và dài hạn song trước báo giới, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng truyền đạt lời Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình kêu gọi các NH giảm lãi suất trung và dài hạn xuống tối đa 10%/năm.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng Đại diện 4 NH trụ cột của hệ thống NH Việt Nam gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank đã cam kết sẽ điều chỉnh từ 10,5%/năm hiện nay xuống 10%/năm. “Chúng tôi sẽ phải tiết giảm chi phí để đảm bảo lợi nhuận, chia sẻ khó khăn với DN...” - bà Bùi Như Ý, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank cho biết.

Với các NH thương mại khác, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tùy theo tình hình tài chính, các NH cân nhắc mức lãi suất cho vay.

NHNN cũng cho biết, sau khi điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất của NHNN vào tháng 3/2014, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đến nay đã giảm 1,0-1,5%/năm so với cuối năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ. Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các TCTD tích cực giảm.

Về tăng trưởng tín dụng, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến ngày 24/10/2014, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với nền kinh tế tăng 7,85% so với cuối năm 2013, đạt gần 70% mục tiêu của cả năm và khả năng mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ đạt 12%. Ông Đông cũng nhấn mạnh, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

NHNN hạ lãi suất tiền gửi và cho vay: Động lực nằm ở đâu? - Ảnh 1

Động lực nào khiến NHNN ‘đột ngột’ hạ lãi suất?

Thông tin trên báo Đầu tư Chứng khoán, bình luận về câu chuyện hạ lãi suất, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) nhận định, Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đầu tháng 10 cho biết, lạm phát năm 2014 của Việt Nam được dự báo giảm xuống mức 4,5% trước khi tăng lên 5% trong năm 2015.

Về nguyên tắc, lãi suất có thể điều chỉnh theo lạm phát. Lãi suất đang có xu hướng giảm, nhưng giảm tới mức nào thì NHNN sẽ tính toán kỹ lưỡng. Một yếu tố khác, nếu lãi suất tiền gửi xuống quá thấp, hệ thống ngân hàng có thể rơi vào bẫy thanh khoản, lúc đó, người gửi tiền sẽ đầu tư vào các lĩnh vực khác hoặc tích trữ tiền mặt (nội tệ, ngoại tệ, vàng…).

“Vì vậy, duy trì lạm phát ở mức nào có lợi cho tăng trưởng thì cũng nên duy trì lãi suất tương ứng”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ Việt Nam nhận định, bản thân các ngân hàng cũng đã có mặt bằng lãi suất thấp hơn nhiều so với trước đây. Bên cạnh đó, việc lạm phát thấp giúp NHNN giảm lãi suất huy động thêm 50 điểm cơ bản nữa (0,5%), mặc dù mức lãi suất trước đó cũng đã khá hợp lý.

“Lãi suất VND giảm là điều rất tốt cho nền kinh tế, nhưng sẽ cần thêm thời gian để những tác động tích cực thể hiện rõ hơn. Một môi trường kinh doanh có lãi suất thấp thì sẽ lành mạnh”, ông Tareq Muhmood nhấn mạnh.

Theo ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB, việc NHNN hạ lãi suất huy động không có gì ngạc nhiên, bởi 4 ngân hàng TMCP có gốc Nhà nước (với tỷ lệ huy động chiếm khoảng 60% thị trường) đã điều chỉnh hạ lãi suất huy động về dưới 6%/năm từ đầu tháng 10.

“Đây là điều thị trường mong đợi và cũng đúng với điều kiện thực tế”, ông Lê Quang Trung nói.

Quả thực, lãi suất huy động VND tại Vietcombank từ đầu tháng này đã giảm từ 0,2 -0,5%/ năm ở các kỳ hạn và BIDV, Vietinbank cũng điều chỉnh hạ ở mức tương tự.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, cần phải nhắc đến tình hình thanh khoản của đa số các TCTD tiếp tục được cải thiện hoặc duy trì ổn định trong quý III/2014 với cả VND và ngoại tệ. Báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam quý IV/2014 của Vụ Dự báo, thống kê tiền tệ NHNN công bố vào đầu tháng 10 này cho biết, số TCTD nhận định thanh khoản hiện tại ở trạng thái “tốt” tiếp tục tăng lên.

100% các TCTD là ngân hàng đều lạc quan nhận định, trạng thái thanh khoản của họ sẽ tiếp tục duy trì “ổn định” hoặc “cải thiện” trong quý IV/2014 và cả năm 2014 so với 2013, đặc biệt đa số các TCTD thuộc nhóm NHTM nhà nước nhận định tình hình thanh khoản của họ “cải thiện mạnh”.

“Đây là một trong những căn cứ để các NHTM giảm lãi suất huy động. NHNN hạ lãi suất còn nhằm mục tiêu giảm chi phí vốn để các ngân hàng hạ lãi suất cho vay hỗ trợ DN”, ông Hiếu nhận định.

Bên cạnh đó, Báo cáo của Vụ Dự báo, thống kê tiền tệ NHNN cũng cho biết, 85 - 88% TCTD kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VND tiếp tục duy trì ổn định hoặc giảm trong 3 tháng cuối năm 2014, trong đó 35% kỳ vọng giảm lãi suất huy động và 44% kỳ vọng giảm lãi suất cho vay với mức giảm bình quân tương ứng là 0,12%/năm và 0,22%/năm... Tính chung cả năm 2014 so với cuối năm 2013, 90% TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VND đều duy trì “ổn định” hoặc “giảm” với mức giảm kỳ vọng bình quân tương ứng là 0,93%/năm và 1,14%/năm.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý