NHNN mua lại VNCB, OceanBank giá 0 đồng: Việc quốc hữu hóa là điều may mắn

bexinh bexinh @bexinh

NHNN mua lại VNCB, OceanBank giá 0 đồng: Việc quốc hữu hóa là điều may mắn

Xoay quanh câu chuyện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại VNCB và OceanBank với giá 0 đồng, nhiều ý kiến cho rằng, cổ đông hai ngân hàng đã phải chịu thiệt thòi lớn khi mất trắng toàn bộ vốn đầu tư.

23/05/2015 04:10 PM
1,199

Nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng, quyết định của NHNN hoàn toàn đúng đắn vì sự an toàn cả thị trường tài chính.

NHNN mua lại VNCB, OceanBank giá 0 đồng

Cuối năm 2014, việc NHNN thông báo mua lại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) với giá 0 đồng đã khiến dư luận xôn xao, nếu như những người gửi tiền tại nhà băng này “thở phào” nhẹ nhõm khi tiền gửi của họ tại VNCB vẫn được bảo đảm thì đã xuất hiện luồng ý kiến lo lắng việc cổ đông ngân hàng này sẽ mất trắng hết toàn bộ vốn đầu tư.

Bước sang năm 2015, thị trường tài chính chưa kịp lắng dịu thì thông tin Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) tiếp tục “nối gót” VNCB khi được NHNN mua lại với giá 0 đồng khiến dư luận thêm một lần nữa dậy sóng.

Cũng giống như VNCB, lý giải nguyên nhân khiến NHNN ra quyết định mua lại OceanBank lần này, đại diện NHNN cho biết, thời gian qua hoạt động của OceanBank đã bộc lộ nhiều yếu kém, việc quản trị, điều hành ngân hàng vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Trước tình hình đó, để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản của ngân hàng, NHNN quyết định đặt OceanBank vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật. Với tổn thất tài chính nặng nề, trong khi OceanBank không có các giải pháp khả thi để tăng vốn điều lệ đảm bảo mức vốn pháp định theo yêu cầu của NHNN, nhằm xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại yếu kém của ngân hàng. NHNN đã bắt buộc mua toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại OceanBank giúp NHNN hoàn toàn chủ động trong việc tiếp tục tái cơ cấu OceanBank nhằm đảm bảo chi trả tiền gửi.

…liệu có đúng?

Việc quốc hữu hóa VNCB và OceanBank được đánh giá là đúng đắn.
 

Mặc dù NHNN đã lý giải nguyên nhân của việc mua lại hai ngân hàng trên với giá 0 đồng và đặt mục tiêu bảo vệ lợi ích người gửi tiền lên hàng đầu thế nhưng dư luận vẫn còn những luồng ý kiến trái chiều. Một số người đồng tình với quan điểm NHNN nhưng một số khác lại lo lắng rằng việc mua toàn bộ số cổ phần hai ngân hàng với giá 0 đồng là một sự “chèn ép” đối với cổ đông, liệu rằng trong thời gian tới sẽ còn nhà đầu tư nào dám bỏ vốn vào lĩnh vực ngân hàng?

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Bá Tình, chuyên gia kinh tế, chia sẻ: “Đối với cổ đông ngân hàng, việc tuyên bố mua lại ngân hàng này của NHNN diễn ra sau khi các cổ đông của những ngân hàng trên không thông qua được phương án tăng vốn để đảm bảo cho ngân hàng hoạt động an toàn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các cổ đông đã từ bỏ quyền lợi của mình tại ngân hàng”.

Ông Hồ Bá Tình còn cho biết thêm: “Hiện nay, những con số tài chính của cả hai ngân hàng đều không được công bố, thế nhưng, tôi cho rằng nếu đánh giá chính xác thì vốn thực của hai ngân hàng có thể đã âm nên NHNN buộc phải “quốc hữu hóa” để đảm bảo cho hoạt động của ngân hàng này an toàn. Tất nhiên, sau khi bán lại cho NHNN với giá 0 đồng, đồng nghĩa với các cổ đông sẽ mất trắng toàn bộ vốn đầu tư vào hai ngân hàng này. Những cổ đông lớn của OceanBank như CTCP Tập đoàn Đại dương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, CTCP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà, Công ty TNHH VNT sẽ mất trắng. Điều này phần nào ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của những doanh nghiệp trên. Bên cạnh đó, có thể nhiều lãnh đạo của những cổ đông tổ chức trên phải chịu trách nhiệm vì làm thất thoát vốn. Việc mất vốn còn làm nhiều cổ đông của hai ngân hàng này ấm ức là cho đến khi mất sạch tiền họ vẫn không biết được thực chất tình hình tài chính của ngân hàng ra sao. Như vậy, một trong những vấn đề quan trọng là phải minh bạch thông tin”.

Nhìn nhận thực trạng hoạt động của VNCB và OceanBank trong nhiều năm qua, nhiều chuyên gia đánh giá hai ngân hàng này từ lâu chỉ còn là cái vỏ, bề nổi của “chiếc tàu đắm” với món nợ không nhỏ. Do đó, tiền của các cổ đông có lẽ đã... mất từ lâu, từ trước khi NHNN quyết định mua lại. Hành động của NHNN đúng hơn chính là sự gánh hộ cho các cổ đông vì sự an toàn của cả thị trường tài chính.

Riêng đối với người gửi tiền, ông Tình nhấn mạnh: “Việc quốc hữu hóa là một điều may mắn đối với người gửi tiền và các chủ nợ khác tại VNCB và OceanBank. Họ vẫn bảo toàn được toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm tại đây. Trong trường hợp hai ngân hàng này phá sản, họ chỉ nhận được một phần tiền gửi từ quỹ bảo hiểm tiền gửi, còn lại sẽ mất trắng”.

Sau khi được NHNN mua với giá 0 đồng, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đại Dương đổi thành Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) với vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý