Nhọc nhằn những phận đời mưu sinh kiếm tiền tiêu Tết

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Nhọc nhằn những phận đời mưu sinh kiếm tiền tiêu Tết

Giữa cái giá rét của Hà Nội, người người nhà nhà đã quây quần bên nồi bánh chưng, vẫn có những người phải nhọc nhằn với công việc mưu sinh, kiếm tiền tiêu Tết.

06/02/2016 07:29 AM
29

Trong cái lạnh buốt của Hà Nội ngày cuối năm, cuộc bươn trải của những lao động ngoại tỉnh bắt đầu khi đèn đường chưa tắt. Tính ra khoảng tầm 3-4h sáng khi cả thành phố đang ngủ đã có tiếng rao bán bánh mỳ, tiếng xe kút kít của người bán than, tiếng tiểu thương đẩy hàng, chở đồ ra chợ,….

Ngay từ 4h sáng chị Phượng (Đan Phượng, Hà Tây) đã phải dậy để bắt gà, chuẩn bị hàng Tết. Dù trời mưa rét bão bùng ngày Tết với chị cũng như ngày thường vẫn phải dậy sớm tất bật lo cho công cuộc mưu sinh.

Chị Phượng chia sẻ: “Với những người buôn bán như chúng tôi, càng dịp Tết càng bận. Bởi nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết tăng mạnh. Chúng tôi cũng phải tranh thủ thời gian kiếm ít tiền tiêu tết. Nếu không lo thì Tết lấy đâu ra tiền mà tiêu cho cả gia đình. Kinh tế chúng tôi chủ yếu dựa vào buôn bán, mấy đồng lời từ việc chăm bẵm đàn gà. Không có ngày nào là nhàn cả”.

Chị Phượng nói rồi hơ tay lên bếp củi mà chị đã nhóm sẵn ở chợ. Thi thoảng vắng khách, một số tiểu thương khác lại sang hàng chị ngồi trò chuyện rôm rả. Với họ, dường như cái Tết đang ở rất xa xôi. Khi được hỏi về việc chuẩn bị Tết chị Phượng cho hay.

“Tới giờ này tôi vẫn chưa chuẩn bị được gì nhiều, tiền tiêu Tết vẫn đang nằm trong đàn gà này đây. Bán hết số gà này, mới gọi là có tí tiền tiêu Tết”.

  Nhọc nhằn những phận đời mưu sinh kiếm tiền tiêu Tết - Ảnh 1

Với chị cuộc sống mưu sinh vất vả, tất bật nhưng chị vẫn không ngừng cố gắng cũng vì cuộc sống (Ảnh minh họa).

Chị Phượng nói rồi chỉ tay về đàn gà, đôi mắt ánh lên niềm hi vọng về một ngày chợ đắt hàng. Với chị cuộc sống mưu sinh vất vả, tất bật nhưng chị vẫn không ngừng cố gắng cũng vì cuộc sống, vì các con đang tuổi ăn học.

Mấy hôm Hà Nội mưa phùn, lạnh lẽo vẫn có tiếng bác mài dao kéo, đẩy xe đạp đi từng con phố, ngõ vắng để tìm khách. Nghe tiếng loa loa “Ai mài dao kéo đây”, mới đầu tôi cứ nghĩ phải là một anh thanh niên, hay một bác trung trung tuổi. Ai ngờ, đó là một cụ già đã ngoài 80 tuổi, mái tóc bạc gần hết, dáng người thanh mảnh vẫn miệt mài với công cuộc mưu sinh.

Bà Tuyết, gần nhà tôi kể, hoàn cảnh bác ấy cũng vất vả, khi ở tận Nam Định lên đây. Ngày nào bác cũng dậy sớm, cùng chiếc xe đạp lên Hà Nội. Có nhiều hôm nhỡ xe, bác phải đạp xe đường dài, tới điểm có xe khách để lên đây.

Khi tôi nói chuyện với bác, tôi mới thấu hoàn cảnh nhà bác khó khăn thật. Bác đi làm mõi ngày thu nhập 100-200 nghìn đồng. Tiền xe 40 nghìn, còn lại là tiền lãi mỗi ngày.

  Nhọc nhằn những phận đời mưu sinh kiếm tiền tiêu Tết - Ảnh 2

Bác đi làm mõi ngày thu nhập 100-200 nghìn đồng. Tiền xe 40 nghìn, còn lại là tiền lãi mỗi ngày.

“Dù ít, nhưng vẫn có tiền để chi tiêu. Tôi phải đến 29 tết mới nghỉ cô ạ. Đi làm ngoài việc khuây khỏa, cũng có thêm một chút tiền nho nhỏ để chi tiêu”- bác kể.

Trong tiếng gọi khách hối hả, của những người đánh giầy. Tôi có cơ duyên nói chuyện với Châu, một thanh niên đến từ Hà Tĩnh. Châu kể: “Đánh giầy dép đây, người Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa đông lắm. Em quê tận Hà Tĩnh tới mai em mới theo xe về. Giờ em tranh thủ kiếm ít tiền lì xì cho các cháu ở quê. Chúng nó mong lắm”.

Hỏi Châu về hoàn cảnh gia đình, Châu cho hay bố mẹ Châu ở quê nghèo lắm, từ nhỏ đã không có tiền cho con cái học hành. Riêng trong 4 anh em, Châu được học cao nhất, đó là lớp 5. Còn những anh em khác của Châu đều đi làm công nhân tận Sài Gòn.

  Nhọc nhằn những phận đời mưu sinh kiếm tiền tiêu Tết - Ảnh 3

Tiền này gần như không đủ cho em trang trải tiền ăn mỗi tháng.

Nói về công việc Châu nói: “Em đánh giày hết năm nay thôi, ra tết có khi em cũng vào Sài Gòn làm công nhân. Chứ đánh giày được mấy đồng đâu chị. Tiền này gần như không đủ cho em trang trải tiền ăn mỗi tháng, may chăng chỉ đủ tiền thuê nhà thôi”.

Châu nói rồi cúi mặt xuống buồn rầu. Châu cũng kể cho tôi, anh em cùng xóm trọ Châu chủ yếu làm thuê, người làm phụ hồ, người bán hoa quả, người phục vụ hàng ăn… Chưa ai được về Tết, bởi họ còn phải tất bật với việc kiếm tiền vé xe, tiền tiêu Tết.

Thanh Bình

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý