Nhói lòng cầu thủ U15 Đồng Tháp lâm trọng bệnh

beck beck @beck

Nhói lòng cầu thủ U15 Đồng Tháp lâm trọng bệnh

Chị Hà nói: “Tự nhiên, bữa nay, thằng nhỏ ngủ nhiều và sốt li bì, ăn không nổi nữa. Bác sĩ nói đang xét nghiệm để tìm thêm bệnh. Họ bảo, thằng nhỏ nhiều bệnh lắm nên gia đình cần chuẩn bị rất nhiều tiền.

10/12/2014 07:32 AM
1,297

Chấp nhận xa nhà lên Tp. Cao Lãnh luyện tập bóng đá tại đội tuyển U15 tỉnh Đồng Tháp, Hai anh em song sinh Hiền – Hậu mơ ước trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Niềm vui vào đội tuyển chưa lâu, Hậu lại lâm trọng bệnh. Hiện em đang điều trị tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Mẹ Hậu phải bỏ việc, vay mượn khắp nơi để có tiền chữa chạy cho em.

Cặp song sinh duy nhất có mặt trong đội tuyển trẻ

Cũng như bao đứa trẻ ở cùng quê Đồng Tháp, mỗi buổi chiều tan học, cặp song sinh Nguyễn Trung Hiền – Nguyễn Trung Hậu (SN 2000, ngụ tại huyện Lai Vung) lại cùng bạn bè đồng trang lứa rủ nhau ra sân bóng. Vốn có năng khiếu bẩm sinh, khi biết Đồng Tháp tổ chức cuộc thi “Giấc mơ sân cỏ” tuyển chọn những tài năng tương lai cho bóng đá tỉnh nhà, hai anh em cùng nhau đăng ký.

Mặc dù không đạt thứ hạng cao nhưng khả năng tiềm ẩn của hai anh em đã được các tuyển trạch viên để ý. Năm 2012, ban lãnh đạo bóng đá Đồng Tháp gửi giấy báo tập trung mời Hiền – Hậu tham gia đội tuyển U15. Với vị trí trung vệ, nhiều bạn gọi Hiền – Hậu là Fabio và Rafael, cặp cầu thủ song sinh của Manchester United lúc trước. Nhưng thần tượng của hai em là cầu thủ Thanh Hào của đội Đồng Tháp.

Trao đổi với chúng tôi, HLV Trang Văn Thành, người trực tiếp huấn luyện cặp song sinh Hiền – Hậu nhận xét: “Lúc mới vào tập, hai anh em đá bóng còn chưa vững nhưng được cái cần cù, siêng năng. Vì vậy, từ ái ngại ban đầu tôi thấy mến và quý các em. Trong đội có 4 em đá trung vệ nhưng khi giao cho Hiền – Hậu chơi vị trí này, tôi rất yên tâm vì hai em rất cẩn thận trong từng pha bóng. Đặc biệt, trong quá trình thi đấu hai anh em rất sáng tạo trong khi truyền bóng hoặc tham gia phòng ngự. Có thể nói, cặp song sinh này là “của hiếm” của các lò đào tạo cầu thủ trẻ tại Việt Nam”.

Ngoài những giờ học kỹ năng chơi bóng, hai anh em Hiền – Hậu còn học thêm văn hóa vào buổi tối. Trước khi tập trung ở Tp. Cao Lãnh, thành tích học tập ở quê của cặp song sinh này là rất tốt. Lịch luyện tập của hai anh em dày đặc, sáng từ 8h30 – 10h, buổi chiều từ 13h – 14h, đến 18h hai anh em phải đi học văn hóa. Vừa tập bóng đá vừa học nên rất mệt, nhất là vào những ngày thi hay kiểm tra.

Hai anh em tranh thủ cả thời gian ngủ và nghỉ trưa để học. Có lẽ sự lỗ lực đến kiệt sức này đã khiến Hậu vướng vào căn bệnh lao quái ác.

 - Ảnh 1

Hiền - Hậu trong màu áo đội tuyển U15 Đồng Tháp

Nhắc đến bệnh tình của con, chị Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1974) nước mắt ngắn dài: “Thằng nhỏ bệnh hơn cả năm mà giấu không cho tôi biết. Mỗi lần tôi gọi điện hỏi thăm nghe giọng con lạ, tôi hỏi con bệnh phải không, thằng nhỏ chỉ nói ho cảm sơ sơ. Mới đây người bên đội tuyển gọi nói Hậu bệnh nhiều, tôi mới hay và lên đưa con đến bệnh viện Quân y tỉnh Đồng Tháp để khám. Nhưng bệnh viện này không phát hiện ra cháu bị lao, cứ cho thuốc uống rồi về. Nay trở bệnh nặng, tôi đưa lên đây chạy chữa. Bác sĩ bảo ngoài bệnh lao, con tôi còn có bệnh gì đó nữa mà chưa tìm ra. Tôi nghe mà bủn rủn chân tay”.

Tuổi thơ khốn khó của hai đứa trẻ bất hạnh

Với mấy đồng tiền ít ỏi kiếm được từ công việc buôn bán trái cây, chị Hà không tài nào xoay xở đủ tiền viện phí cho con trong lúc thắt ngặt này. Hậu bị bệnh, Hiền buồn bã ăn uống không ngon, học hành không nổi. Chị Hà ở bên Hậu mà lo Hiền ở dưới quê không ai chăm sóc. Chị Hà bảo: “Tụi nhỏ sinh đôi nên hễ một đứa bệnh là đứa kia bệnh theo”. Rồi chị bỗng nghẹn ngào: “Tại tôi mà ra, chỉ vì tôi đi chệch hướng một chút mà đời các con khổ. Lúc nhỏ thì thiếu ăn, lúc lớn lên chút lại bệnh tật không tiền thuốc men”.

Chiều bệnh viện đìu hiu đến lạ, ngồi bên người phụ nữ đang khóc rấm rức, chúng tôi cũng nghẹn ngào khi nghe chị lật lại quá khứ của mình. Được hỏi “chị nói chệch hướng là sao”, chị nói là chị đã cãi lời cha mẹ để đi theo người đàn ông làm chị khổ cho đến tận bây giờ. “Ngày đó, anh đang yêu một cô gái rất đẹp nhưng gia đình cấm cản. Anh uống thuốc độc tự tử, tưởng đâu đã chết. Tôi là chỗ bạn bè nên đến thăm nom, chuyện trò rồi yêu lúc nào không hay”, chị Hà lau nước mắt.

Do cha mẹ không đồng ý, chị theo người đàn ông mình yêu về miệt huyện Cờ Đỏ (Tp. Cần Thơ) sinh sống trong một túp lều tranh. “Ảnh nói thương tôi mà không biết sao lại bỏ đi”, chị Hà cứ lặp đi lặp lại câu hỏi đó như không thể tin vào sự thật. Chị Hà nhớ rất rõ, hôm ấy là một ngày nước lên trắng đồng, má chồng chị đến tìm con trai.

“Má chồng tôi tới kêu con trai về phụ việc nhà. Hai mẹ con thủ thỉ với nhau điều gì đó tôi cũng không nghe rõ. Rồi anh ấy bỏ đi thật, đi luôn, không gặp lại lần nào. Tôi nhớ đêm đó, hai má con anh ngồi nói chuyện với nhau, tôi nằm ngủ. Tiện tay, anh kéo mền đắp cho tôi, má chồng tôi tằng hắng một tiếng, anh ấy liền rụt tay lại. Trước lúc đi anh ấy còn nói: “Anh thương em nhiều lắm”. Thương tôi sao bỏ tôi dễ vậy kìa!”, chị Hà rấm rứt khóc.

Anh bỏ đi, chị vác bụng bầu, đạp xe đi tìm, được nửa đường thì ngất xỉu. Người ta đưa chị về lại túp lều giữa đồng của hai vợ chồng. Chị quyết không tìm nữa. Sau khi sinh con, chị tá túc ở nhà của một người chị ruột, không dám về nhà cha mẹ vì mẹ chị giận, thề không nhìn mặt. Sau đó, vì quá khó khăn, chị mang con về cho ông bà nội nuôi. Bạc bẽo thay, họ nhận cháu rồi đem cho người khác. Hai đứa trẻ song sinh bị tách ra, cho một nhà ở thị xã Sa Đéc, một nhà cách nhà chị khoảng 4km.

Chị khóc lóc van xin, ngất lên ngất xuống cả đêm người ta mới cho nhận con về. Cha mẹ chị thấy vậy từ đó không giận chị nữa, mang mấy mẹ con chị về cưu mang. Khi Hiền – Hậu được 7 tháng tuổi, chị phải đi giúp việc nhà cho người ta để có tiền gửi về ông bà ngoại mua sữa. Ban đầu chị không dám đi làm xa vì con nhớ. Con lớn dần, chị đi xa dần. “Làm gần nhà lương không cao nên khi hai con ngày càng một lớn, tôi chấp nhận xa con để kiếm tiền”, chị bộc bạch.

Hơn 15 năm qua, cũng có vài người ngỏ ý muốn đến với chị nhưng chị không chịu. Chị bảo: “Tôi sợ cảnh con anh, con tôi. Mua cái bánh, gói kẹo cho con mình họ cũng chửi bới nên thà cam chịu cảnh không chồng cho con nó vui. Giờ đây tôi chỉ trông thằng Hậu khỏe lại, thằng Hiền vui vẻ là lòng tôi thấy thanh thản rồi”.

Chị Hà nhìn xa xăm rồi than thở: “Từ hồi hai đứa nhỏ ra đời cho tới cách đây khoảng 5 – 6 tháng, cha nó mới về thăm con một lần. Tôi nghe ông ngoại tụi nhỏ nói lại chứ hôm anh ấy về, tôi không có ở nhà. Bây giờ anh ấy đã có vợ và hai con. Ai cũng yên phận, quá khứ cũng thành tro bụi. Trong hoàn cảnh khốn cùng này, tôi mong Hậu được tiếp sức để qua cơn bạo bệnh và tiếp tục thực hiện ước mơ của mình”.

Hậu bị lao phổi và một số bệnh nguy hiểm khác

Lúc chúng tôi đến thăm, Hậu vẫn năm thiêm thiếp, người tái xanh nhợt nhạt. Chị Hà nói: “Tự nhiên, bữa nay, thằng nhỏ ngủ nhiều và sốt li bì, ăn không nổi nữa. Bác sĩ nói đang xét nghiệm để tìm thêm bệnh. Họ bảo, thằng nhỏ nhiều bệnh lắm nên gia đình cần chuẩn bị rất nhiều tiền. Tôi thân cô, thế cô, chẳng còn ai có thể nhờ cậy. Anh em, họ hàng ai cũng khó”.

An Nhiên

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý