Nhức nhối công ty lữ hành “ma” - Kỳ 2: Chân dung 'nhà bán tour'

baybykiu baybykiu @baybykiu

Nhức nhối công ty lữ hành “ma” - Kỳ 2: Chân dung 'nhà bán tour'

Lần theo đường dây của những website ma, PV phát hiện những chiêu trò lừa đảo hết sức ma mãnh và tinh vi của người điều hành. Cũng từ đây, chân dung nhà bán tuor dần lộ diện...

28/05/2015 07:36 AM
1,408

Không chỉ có một...

Như kỳ trước đã đề cập, bằng chiêu thức lập website “hóa phép” công ty cổ phần Du lịch Việt Nam -TP.HCM, Đặng Quốc Nam đã quảng cáo bán tour tràn lan. Đáng nói, với giá tour rẻ, trang website của Nam thu hút được số lượng khách đáng kể. Có điều, nếu những ai biết về các công ty du lịch uy tín và tìm hiểu kỹ, thì sẽ biết được hoạt động kinh doanh của Nam hết sức liều lĩnh.

   - Ảnh 1

Chân dung “nhà điều hành” nhiều website bán tour trái phép.

Theo đó, việc xây dựng website quảng cáo, bán tour của Nam rất ranh ma và chắp vá theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Theo tìm hiểu của PV, trong khi Nam sử dụng tên công ty (không đầy đủ) và địa chỉ là của công ty cổ phần Du lịch Việt Nam – TP.HCM, thì lại lấy số fax và giấy phép lữ hành quốc tế (số 79-045/2009/TCDL- GPLHQT) của công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Du lịch Việt Cam (gọi tắt là Vietcam Travel) để quảng cáo, bán tour.

Trong khi đó, giấy phép lữ hành quốc tế của công ty cổ phần Du lịch Việt Nam – TP.HCM chính xác là 79-186/2014/TCDL- GPLHQT. Ngoài ra, Nam quảng cáo “công ty cổ phần Du lịch Việt Nam” còn có văn phòng tại Thái Lan ở địa chỉ 481 Sol Predeepanomyong. 15 sukumvit 21 rd Klongton nua. Vattana bkk. 10110 Thailand, với số điện thoại là 668.16872xxx và fax là 668.15869xxx. Trả lời PV, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Du lịch Việt Nam – TP.HCM cho biết, công ty không hề có văn phòng hay chi nhánh nào tại Thái Lan.

Về thông tin trên website, Nam cho biết, anh ta đang làm việc tại phòng Điều hành tour nước ngoài của công ty cổ phần Du lịch Việt Nam – TP.HCM. Ông Mạnh cũng bác thông tin này và cho biết: “Hoàn toàn không có chuyện Nam làm việc tại đây”. Không chỉ dừng lại ở việc lấy giấy phép lữ hành quốc tế gắn cho công ty nói trên, Nam còn lợi dụng cả Vietcam Travel để mở một website mang tên dulichcampuchia.us. Với chiêu thức tương tự, Nam lấy luôn tên và trụ sở của Vietcam Travel (tại 23 Trương Quốc Dung, P.8, Q. Phú Nhuận, TP.HCM) chào bán tour cho khách.

Làm việc với PV, bà Trần Thị Cẩm Tú, Giám đốc Vietcam Travel cho biết: “Cách đây ba năm, Nam là nhân viên phụ trách tour nội địa của Vietcam Travel. Sau khi nghỉ làm tại công ty, Nam mở trang web nói trên để chào bán tour Campuchia và xin được để địa chỉ Vietcam Travel trên web- site ấy. Khi đó, tôi có nói với Nam rằng, muốn mở trang web và lấy tư cách, địa chỉ của công ty thì hai bên phải ngồi lại, ký hợp đồng với các điều khoản rõ ràng chứ không thể nói miệng với nhau. Sau đó, không thấy Nam nói gì nhưng vẫn ngang nhiên để tên công ty, trụ sở để chào bán tour cho khách”.

   - Ảnh 2

Bà Tú đang chỉ cho PV về những thông tin liên quan tới Nam

Theo tin tức mà PV có được, đối tượng Nam sinh năm 1982, quê Ninh Thuận, hiện đang cư ngụ tại Thủ Đức (TP.HCM). Khi PV liên hệ chất vấn về các thông tin trên, Nam giải thích rất lòng vòng: “Đã từng có thời gian làm việc và vẫn còn cộng tác với phía công ty cổ phần Du lịch Việt Nam – TP.HCM và cả Vietcam Travel. Riêng với công ty cổ phần Du lịch Việt Nam – TP.HCM, mới đây do bất đồng trong chuyện tỉ lệ ăn chia hoa hồng, nên đang trục trặc”.

Theo tìm hiểu của PV, cơ sở ban đầu cho tình trạng này chính là sự bắt tay, móc nối giữa một số cá nhân trong các công ty này, có thể các công ty đó nhận Nam vào làm cộng tác viên, hoặc là Nam từng làm việc tại các công ty đó... rồi trên “đà” ấy, Nam tiếp tục làm ăn, bất chấp sự phản đối của các công ty nói trên. Khi PV hỏi, “tại sao lại lấy tên của các công ty đó để biến thành của mình và chào bán tour?”, Nam nói: “Được sự cho phép của họ em mới dám làm”.

Tiếp đó, PV hỏi tiếp: “Vì sao lấy tên của công ty cổ phần Du lịch Việt Nam – TP.HCM lại để giấy phép của Vietcam Travel?” Nam chống chế: “Do em copy nhầm”. Thực tế đây là những lời bao biện của Nam, bởi làm việc với PV, bà Trần Thị Cẩm Tú, Giám đốc Vietcam Travel khẳng định: “Tôi không cho phép Nam làm chuyện này. Nhiều lần đã gọi điện yêu cầu Nam ngừng ngay việc làm nói trên. Tuy nhiên, ngưng được một thời gian ngắn, Nam lại tiếp tục quảng cáo, bán tour cho khách”.

   - Ảnh 3

Trang web nhái Vietcam Travel

Còn ông Mạnh cho biết: “Khi có khách, Nam thường đưa về công ty và hưởng tiền hoa hồng 30 USD/khách, số lượng cũng tương đối. Tuy nhiên, dù có khách nhiều như thế nào đi chăng nữa, thì chúng tôi cũng kiên quyết nói không với cách làm ăn như thế này. Hiện nay, chúng tôi đang tìm hiểu, nếu có những sự móc nối nào đó giữa Nam và người trong công ty không đúng, thì chúng tôi sẽ có biện pháp giải quyết”.

Ẩn đằng sau các đại lý

“Tuy nhiên, hiện nay, khi chúng tôi siết chặt cách làm này thì không loại trừ khả năng một số khách vẫn ẩn đằng sau các đại lý mà đến được với công ty”, ông Mạnh cho biết thêm. Sau khi PV làm việc, ngay lập tức Nam đã “gỡ” thông tin trên trang chính của hai website nói trên. Tuy nhiên, trong mục Giới thiệu và liên hệ của hai website đó, vẫn còn để hai công ty mà Nam đã “hóa phép”. Đây có phải là sự liều lĩnh và bất chấp pháp luật?

Trường hợp của hai công ty nêu trên, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm cho hiện tượng này. Tại TP.HCM, theo tìm hiểu của PV, đang có hàng trăm website hoạt động theo kiểu này và hậu quả của nó thật khôn lường. “Đầu tiên là làm ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của công ty. Kế nữa là khi giao dịch với người này, khách hàng đều hiểu rằng, đây là người của công ty, do đó, khi gặp vấn đề hay sự cố nào đó thì khách lại phản ứng về công ty chúng tôi”, ông Mạnh phân tích.

“Thực tế đã có không ít khách đi tour về gọi điện đến phản ánh chất lượng tour không tốt. Trường hợp này cũng có thể xảy ra khi Nam giới thiệu với khách bằng địa chỉ, tên công ty chúng tôi nhưng lại đưa khách sang cho công ty khác có hoa hồng cao hơn (40 USD/khách chẳng hạn). Thêm vào đó, khi thông tin không được kiểm chứng đăng tải trên web của người khác nhưng lại mang danh trụ sở 234... thì khách nghĩ mình đã bị lừa”, ông Mạnh nói tiếp.

Tương tự, bà Tú cũng cho biết: “Trong ngành du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp có thương hiệu bị làm nhái chịu ảnh hưởng rất lớn về uy tín, thương hiệu. Khách du lịch, do nhầm lẫn hoặc vì chưa biết hay thấy giá tour thấp nên vẫn chọn đặt tour thông qua những trang mạng làm nhái”. Các doanh nghiệp lớn, uy tín cho rằng, trong khi bộ máy của mình hoạt động phải tốn rất nhiều chi phí, nhân lực với các loại giấy phép, ký quỹ, phương tiện, hướng dẫn viên... “Trong khi đó chỉ cần có cái giấy phép kinh doanh, một số đối tượng làm ăn theo kiểu chộp giật, đến mùa hoạt động, dùng chiêu trò giá rẻ để lôi kéo khách... đang phá nát thị trường”, ông Mạnh nói.

Theo tìm hiểu của PV, tên miền “.us” của trang web nói trên là của Mỹ, có đặt máy chủ tại Việt Nam, được Nam mua lại để hoạt động. Điều đáng nói là những website này không hề được cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép hoạt động. Ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Lữ hành, sở Du lịch TP.HCM cho biết: “Rất khó quản lý cũng như xử lý vi phạm (nếu có) đối với các website hoạt động bán tour vì hầu hết các trang website này hoạt động là dựa vào nguồn internet, bất cứ chỗ nào có mạng, các website này đều có thể hoạt động. Địa chỉ của các trang web thì không đúng thực tế, nhiều khi chúng tôi xuống kiểm tra thì địa chỉ lại là quán nước mía...”.

Ngồi mát ăn bát vàng

“Trong khi tổ chức một đoàn khách khoảng 10 người đi Thái Lan lợi nhuận thu được của công ty chỉ là vài ba triệu đồng, thì một số đối tượng chỉ cần đưa số khách về hưởng chênh lệch 30 USD/khách (bằng 300 USD tương đương hơn 6 triệu đồng/10 khách) mà chẳng phải làm gì thì thật bất công”, ông Mạnh nói.

Chí Thanh

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý