Những “anh hùng” áo trắng

mesu mesu @mesu

Những “anh hùng” áo trắng

Khác với không khí tất bật, ồn ào, chen chúc đến ngột ngạt thường thấy tại các bệnh viện, khuôn viên Bệnh viện 09 gợi cho người ta một cảm giác tĩnh lặng và bình yên.

11/08/2014 06:31 PM
1,108

Ít ai biết rằng, phía sau vẻ bình yên ấy là sự hy sinh, nỗi nhọc nhằn của những người làm nghề thầy thuốc.

Làm việc trong một môi trường nguy hiểm, thường xuyên đối mặt với "tử thần", chịu đủ mọi áp lực trong công việc, cuộc sống... nhưng các y, bác sĩ ở Bệnh viện 09 vẫn ngày đêm miệt mài, tận tâm với công việc chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt: Người "có H"! Họ thực sự là những "anh hùng" áo trắng...

Các bác sĩ thăm hỏi, động viên bệnh nhân tại Bệnh viện 09.

Đối mặt với tử thần...

Đã 14 năm trôi qua nhưng bác sĩ Hoàng Hải Hà - Khoa Nội - BV 09 vẫn chưa thôi ám ảnh khi nhớ về "tai nạn nghề nghiệp" kinh hoàng, một bước ngoặt khiến anh quyết định gắn bó đời mình với bệnh nhân HIV/AIDS. Đó là một buổi tối định mệnh vào năm 2001, khi anh đang là nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân, phụ trách mảng bệnh nhân HIV/AIDS. Hôm đó, vừa xong bữa tối, anh Hà nhận được điện thoại của lãnh đạo Trung tâm, yêu cầu phải đến ngay trụ sở Công an phường Hạ Đình để làm xét nghiệm nhanh cho một đối tượng nghi nhiễm HIV/AIDS. Chỉ kịp khoác bộ quần áo lên người, anh vội vã đi ngay. Đến nơi mới biết, tối hôm đó công an phường tổ chức đợt truy quét tội phạm lớn. Trong số những đối tượng bị đưa về trụ sở, có một đối tượng tên T. nghi bị nhiễm HIV. Không chút đắn đo, anh Hà tiến hành chọc ven, lấy máu của đối tượng làm xét nghiệm nhanh. Chỉ sau ít phút, kết quả xét nghiệm cho thấy đối tượng T. dương tính với virus HIV/AIDS. Thông báo của anh Hà khiến những người có mặt lặng đi. Nét lo lắng hiện rõ trên nét mặt từng chiến sĩ. T. là đối tượng hung hãn. Trước khi bị dẫn giải về trụ sở, hắn giằng co, chống đối quyết liệt khiến các chiến sĩ công an phải làm việc khá vất vả. Không ai dám chắc trong lúc giằng co với đối tượng, khả năng bị phơi nhiễm HIV không xảy ra? Giữa lúc không khí đang chùng xuống, T. bất ngờ chồm qua mặt bàn, cầm chiếc xi lanh chứa đầy máu chọc thẳng vào tay bác sĩ Hà. Tình huống quá bất ngờ khiến không ai kịp phản ứng. Chỉ trong tích tắc, 2/3 lượng máu nhiễm HIV của đối tượng đã nằm gọn trong cơ thể bác sĩ Hà. Bằng bản lĩnh nghề nghiệp, anh thực hiện ngay các biện pháp y tế và sử dụng thuốc chống phơi nhiễm theo đúng quy trình...

Sau tai nạn kinh hoàng đó là chuỗi ngày dài đằng đẵng người bác sĩ sống trong tâm trạng không lối thoát. Sức khỏe, tinh thần suy sụp khiến anh gầy rộc. Cảm giác mình sẽ chết bất cứ lúc nào ám ảnh anh ngay cả trong giấc ngủ. "Thời điểm đó tôi mới lập gia đình được ít lâu. Con trai mới tròn 1 tuổi. Những lúc ngắm con say sưa trong giấc ngủ, nghĩ rằng mình sẽ ra đi mà không được ở bên chăm sóc, nhìn thấy con khôn lớn, tôi thấy tuyệt vọng vô cùng..." - anh Hà tâm sự. Nhưng nỗi đau lớn nhất của anh Hà chính là những ánh mắt kỳ thị, sự ghẻ lạnh của nhiều bạn bè, đồng nghiệp. Kể từ khi biết anh bị phơi nhiễm HIV, nhiều đồng nghiệp lảng tránh, không dám ngồi cạnh. Có người tỏ ra ý tứ hơn khi vui vẻ nhận từ tay anh điếu thuốc, nhưng kín đáo quay đi ngắt bỏ phần đầu lọc... Tất cả những điều đó khiến anh Hà lâm vào trạng thái trầm cảm. Những lúc tuyệt vọng nhất, anh lặng lẽ ngồi viết di chúc. May mắn cho anh, trong những tháng ngày đen tối ấy, những người thân trong gia đình luôn sát cánh, yêu thương anh với tất cả tấm lòng. Bố, mẹ và vợ anh đều công tác trong ngành y, hơn ai hết, họ hiểu nỗi đau của anh. Nhiều đêm hai vợ chồng thức trắng tâm sự, chị động viên anh vững vàng tiếp tục công tác để quên đi nỗi sợ. Một năm trôi qua, sau nhiều lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính, bác sĩ Hà mới dám tin mình đã may mắn vượt qua "lưỡi hái tử thần". Đó cũng là lúc anh quyết định chuyển sang BV 09, gắn bó đời mình với những bệnh nhân nhiễm HIV.

Khác với anh Hà, điều dưỡng viên Trần Thị Thúy lại quyết định chọn BV 09 như một sự trải nghiệm để vượt qua chính mình. Tốt nghiệp Trung cấp y Ninh Bình, năm 2006, Thúy tình nguyện xin "đầu quân" vào BV 09. Chỉ một thời gian ngắn, những khó khăn trong công việc và sự kỳ thị của xã hội về căn bệnh thế kỷ khiến Thúy không khỏi thất vọng. "Mỗi khi gặp lại bạn bè cũ, ai cũng vồ vập hỏi han về gia đình, công việc một cách hào hứng. Nhưng khi biết em làm việc tại BV 09 thì tất cả đều lảng đi, nỗi e sợ hiện rõ trên nét mặt..." - Thúy buồn buồn kể lại. Rất may, chồng Thúy công tác trong ngành công an nên rất hiểu và cảm thông với công việc của vợ. Được chồng và các đồng nghiệp động viên, Thúy có thêm động lực để gắn bó với nghề.

Nhưng không phải ai cũng may mắn được gia đình và bạn đời cảm thông, chia sẻ như trường hợp của bác sĩ Hà, điều dưỡng Thúy... Có những y, bác sĩ công tác tại BV nhiều năm nhưng giấu nhẹm cả chồng con, gia đình về nơi làm việc. Có bác sĩ sau khi bị phơi nhiễm từ bệnh nhân, không chịu nổi áp lực đã làm đơn xin chuyển sang BV khác...

…và những nỗi ám ảnh

Làm việc trong một môi trường "đặc biệt" như BV 09, nhiều y, bác sĩ vượt qua được nỗi sợ phơi nhiễm căn bệnh chết người thì lại bị ám ảnh bởi những câu chuyện quá đỗi đau lòng trong quá trình khám, chữa bệnh. Đó là trường hợp một bệnh nhân được người nhà đưa vào BV cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, cầu bàng quang căng cứng, bí tiểu... Cả kíp trực phải làm việc cật lực trong 4 giờ đồng hồ để giành giật bệnh nhân khỏi lưỡi hái tử thần. Khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch, bác sĩ mới thở phào quay về phòng nghỉ giải lao. Còn chưa kịp ăn xong bát mỳ tôm "không người lái" đã nghe tiếng y tá gọi thất thanh, chạy vội đến phòng cấp cứu đã thấy bệnh nhân trong tình trạng "ngáp cá". Chỉ một cái liếc mắt, bác sĩ hiểu ngay bệnh nhân vừa được chính người nhà trực tiếp chích thuốc vào cánh tay... "Cảm giác mất bệnh nhân ngay trước mắt mình vì chính sự thiếu hiểu biết của người nhà khiến tôi thấy bất lực. Kết cục bi thảm đó đeo đuổi tôi đến tận bây giờ..." - bác sĩ Hà chua xót.

Lần khác, một bệnh nhân được người đi đường đưa vào Khoa Hồi sức cấp cứu BV 09 trong tình trạng "sốc thuốc" nặng. Trong người bệnh nhân chỉ có duy nhất chiếc chứng minh thư nhân dân ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ nhà riêng tại Cao Bằng. Không nỡ để bệnh nhân ra đi trong cô quạnh, các y, bác sĩ tìm mọi cách liên hệ với tổng đài, nhờ công an xã đi tìm gặp bằng được người thân. Khi người nhà xuống đến nơi, chỉ ít phút sau bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng...

Theo bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Giám đốc BV 09, khó khăn lớn nhất của các y, bác sĩ tại đây là trên 90% bệnh nhân đang điều trị HIV nhưng vẫn thường xuyên sử dụng ma túy. Lúc tỉnh táo các bệnh nhân thường rất nghe lời, nhưng những khi thiếu thuốc, lên cơn nghiện, họ lập tức trở thành mối nguy lớn cho các y, bác sĩ. Không ít trường hợp nhân viên y tế đi thăm khám đúng vào lúc bệnh nhân đang lên cơn "đói" thuốc, hung hăng đánh chửi y, bác sĩ thậm tệ... Nhưng khi qua cơn nghiện, chính họ lại chủ động sang tìm bác sĩ, điều dưỡng viên để xin lỗi.

Bác sĩ Hà tâm sự, chính trong khoảng thời gian bị phơi nhiễm HIV, anh mới hiểu tâm lý của một người mang trong mình "án tử". Chỉ khi ở trong hoàn cảnh đó, anh chợt nhận ra nhiều điều mình từng nói với bệnh nhân trước kia chỉ là sáo rỗng, giáo điều. Anh quyết định thay đổi phương pháp điều trị với bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân nội trú tại BV 09 đều là những người bị AIDS giai đoạn cuối nên tâm lý bất cần, chán sống. Nhiều bệnh nhân nặng bị gia đình bỏ mặc, chán nản nên không tuân thủ phác đồ điều trị. Do đó, cùng với việc trị bệnh bằng thuốc, bác sĩ Hà đặc biệt chú trọng đi sâu vào ổn định tâm lý, hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc bản thân và tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Chia sẻ những khó khăn, rủi ro trong công việc, bác sĩ Trần Quốc Tuấn cho biết, cán bộ y tế làm việc trong môi trường 100% bệnh nhân đều nhiễm HIV, nguy cơ phơi nhiễm bệnh, đặc biệt là những bệnh về đường hô hấp là rất lớn. Chỉ một sơ suất nhỏ trong quy trình thăm khám cũng có thể lây bệnh từ bệnh nhân. Công việc vất vả, lại chịu áp lực lớn từ sự kỳ thị của cộng đồng, nhưng mức thu nhập của các nhân viên y tế tại BV 09 được coi là "thấp nhất trong các BV". Hoạt động dựa trên 100% vốn ngân sách nhà nước, điểm ưu việt của BV 09 là bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh không phải chi trả bất cứ khoản tiền gì, từ giường bệnh, thuốc men, xét nghiệm... Trường hợp bệnh nhân tử vong tại BV cũng được hỗ trợ về chi phí mai táng. Nhưng cũng vì được "bao cấp" hoàn toàn mà BV không có bất kỳ khoản thu nhập nào từ dịch vụ tăng thêm, đời sống của các nhân viên y tế chỉ trông vào đồng lương ít ỏi theo quy định của Nhà nước. Khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần khiến nhiều nhân viên y tế từ chối về làm việc tại BV. Từ năm 2010 đến nay, đã có 3 bác sĩ và điều dưỡng xin chuyển sang BV khác, trong khi BV không tuyển thêm được bác sĩ nào. Theo bác sĩ Trần Quốc Tuấn: "Để lấp dần khoảng trống do thiếu hụt đội ngũ bác sĩ, mấy năm nay chúng tôi đã thực hiện đào tạo tại chỗ, trung bình mỗi năm BV có 2 y sĩ được cử đi đào tạo liên thông. Dù vất vả, khó khăn chất chồng nhưng chúng tôi vẫn giữ lòng nhiệt huyết với nghề và sự tận tâm với bệnh nhân HIV/AIDS...".

Theo Hanoimoi.com.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý