Những bê bối sản phẩm hãi hùng nhất năm 2015 (Phần 2)

remember1 remember1 @remember1

Những bê bối sản phẩm hãi hùng nhất năm 2015 (Phần 2)

Năm 2015 có lẽ là năm đáng nhớ của nhiều đại gia khi sản phẩm của họ liên tiếp gặp bê bối về chất lượng khiến dư luận một phen xôn xao...

29/12/2015 08:45 AM
21

(ĐSPL) - Năm 2015 có lẽ là năm đáng nhớ của nhiều đại gia khi sản phẩm của họ liên tiếp gặp bê bối về chất lượng khiến dư luận một phen xôn xao...

URC và những bê bối chưa có lời giải

Năm nay có lẽ là năm "đáng nhớ" nhất của "đại gia" URC khi sản phẩm của họ liên tục bị khách hàng phản ánh về chất lượng, bức xúc về thái độ giải quyết "lùm xùm" của đại gia này.

Ngày 9/11 vừa qua, bé Hồ Thị K.A. (11 tuổi) trú tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) được đưa vào bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng toàn thân nổi mẩn đỏ, có dấu hiệu phồng rộp. Tại đây, các bác sỹ kết luận bệnh nhi mắc chứng bệnh hoại tử thượng bì nhiễm.

Sau thăm khám, A. và gia đình cho biết, sáng cùng ngày, em A. có ăn một gói xôi và khi tan học có uống một lon nước tăng lực Rồng Đỏ như mọi ngày. Đến chiều K.A. bắt đầu có triệu chứng nổi mẩn đỏ, da bắt đầu phồng rộp thì được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau gần 1 tháng điều trị, mặc dù bệnh tình có thuyên giảm nhưng hiện tại bé K.A. vẫn ở trong tình trạng mắt lờ đờ, ăn không kiểm soát, không làm chủ được đường tiểu. Ngoài ra, trên người bé vẫn còn nhiều vết bong tróc nham nhở, nhất là ở tay, bụng và hai chân.

Những bê bối sản phẩm hãi hùng nhất năm 2015  (Phần 2) - Ảnh 1Phóng to

Bé K.A. nhập viện trong tình trạng toàn thân mẩn đỏ, có dấu hiệu phồng rộp, loét miệng, sốt cao.

Còn bé Nguyễn T.M. (13 tuổi) trú tại phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới (Quảng Bình) thì đã tử vong cách đây 4 ngày khi bé xuất hiện cơn đau bụng dữ dội.

Sau 2 ngày được đưa tới cấp cứu tại bệnh viện, các bác sỹ ở đây kết luận bé M. bị sốc nhiễm trùng suy ra phủ tạng hay còn gọi là nhiễm khuẩn huyết. Gia đình và bạn bè của bé này cho hay, ngoài những thức ăn thông thường thì ngày hôm đó, M. có uống 1 lon nước tăng lực Rồng Đỏ.

Khi nghi vấn nước tăng lực Rồng Đỏ của Tập đoàn URC Việt Nam có thể là nguyên nhân gây ra căn bệnh nhiễm trùng huyết và hoại tử thượng bì do nhiễm độc cho 2 bé gái ở Quảng Bình chưa kịp lắng xuống thì gần đây, cư dân mạng sôi sục trước sự xuất hiện của một clip trên Youtube cho rằng loại nước này có chứa hóa chất tẩy rửa mạnh.

Theo đó, trong đoạn clip dài hơn 1 phút này, một người đàn ông đã tiến hành làm thí nghiệm với nước tăng lực Rồng Đỏ, cho rằng loại nước này chứa hóa chất tẩy rửa mạnh. Thí nghiệm được thực hiện trên một sàn nhà lát gạch men rất bẩn.

Người này lau sàn bằng một chiếc khăn thông thường không mang lại hiệu quả, vết bẩn vẫn còn nguyên cho nên đã thử đổ lên sàn một ít nước tăng lực Rồng Đỏ. Sau khi để loại nước này ngấm xuống sàn một khoảng thời gian ngắn, dùng khăn lau lại thì sàn nhà đã trắng sạch hơn hẳn. Cuối clip, người đàn ông này còn cảnh báo “rất nguy hiểm” đối với loại nước uống Rồng Đỏ.

Đoạn clip đã xuất hiện cách đây 3 tháng và thu hút hơn 11.000 lượt xem trên Youtube. 

Trước đó, hàng loạt phản ánh của người tiêu dùng về việc sản phẩm trà xanh C2 của URC có dị vật, ruồi,... cũng xuất hiện

Thông tin trên báo Giáo dục Việt Nam, anh Vũ Ngọc Đức (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) phản ánh về việc tháng 4/2015 anh có mua 1 thùng sản phẩm trà xanh C2 về sử dụng và phát hiện một chai C2 có hiện tượng chứa dị vật như côn trùng bên trong.

Sau đó, anh Vũ Ngọc Đức đã ủy quyền cho luật sư của mình làm việc với Công ty URC, yêu cầu URC lý giải nguyên nhân chất lượng sản phẩm.

“Phía Công ty URC lại giải thích do trong quá trình vận chuyển đánh rơi dẫn đến nắp chai bị kênh nên có tạp chất vào dẫn đến hiện tương như vậy, tuy nhiên nhìn phía ngoài không phải nó giống như có côn trùng bên trong”, anh Đức cho biết.

Sau khi giải thích với khách hàng, Công ty URC đề nghị tặng anh Đức 5 thùng sản phẩm trà xanh C2, sau đó tăng lên 20 thùng nhưng anh Đức không đồng ý. Đến thời điểm này, anh Đức vẫn không biết được chất lượng chai nước C2 ấy thế nào?

Tương tự trường hợp anh Đức, anh P.V.H (Hoàng Mai – Hà Nội) cho biết: Tháng 7/2015, anh mua sản phẩm trà xanh C2 của Công ty URC. Tuy nhiên khi rót ra cốc để sử dụng, anh H phát hiện trong nước trà xanh C2 vật lạ màu trắng như cao su.

Ngay khi phát hiện "dị vật" này, anh H đã liên hệ với Công ty URC theo số điện thoại in trên bao bì nhưng không liên lạc được. Sau đó, anh H tìm được số điện thoại khác trên mạng và liên hệ để phản ánh sự việc.

Sau những phản ánh của anh H, Công ty URC Hà Nội đã cử nhân viên gặp anh H ngỏ ý xin lại chai trà xanh C2 chứa dị vật và hứa tặng anh 5 thùng trà xanh C2 khác.

Không đồng tình với cách giải quyết của Công ty URC, anh H yêu cầu URC phải làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự cố trên và có lý giải thỏa đáng.

Một điểm chung là người tiêu dùng phản ánh đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về chất lượng sản phẩm trà xanh C2 đều tỏ ra bức xúc về chất lượng sản phẩm và cách giải quyết khiếu nại của phía URC với khách hàng.

Theo đó, khi phát hiện sự cố chất lượng sản phẩm, URC đều đổ lỗi do khách quan và đề nghị tặng sản phẩm nhằm “xoa dịu” bức xúc của khách.

Những bê bối sản phẩm hãi hùng nhất năm 2015  (Phần 2) - Ảnh 2Phóng to

5 con ruồi trong chai C2 anh Thạch Ngọc Tuấn mua.

Thông tin trên báo Gia đình & Xã hội, anh Phan Quốc Phúc (ngụ tại ấp 3, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho biết, nhà anh có tiệm tạp hóa, chuyên bán đồ giải khát. Chai nước có chứa những vật thể gây kinh hãi được anh phát hiện vào ngày 14/4 vừa qua.

Theo đó, trong lúc đưa những chai nước ngọt C2 Ô Long vừa được mở từ thùng các-tông ra bỏ vào trong tủ lạnh thì anh giật mình khi thấy một chai loại 500ml (sản phẩm của Công ty TNHH URC Việt Nam, địa chỉ nhà máy đặt tại KCN Việt Nam – Singapore tỉnh Bình Dương) có dấu hiệu bất thường.

Quan sát kỹ anh Phúc thấy chai nước đã chuyển màu vàng úa, có nhiều hạt lạ cùng những mảng màng nổi lềnh phềnh trong chai.

Nghĩ chai nước đã quá hạn sử dụng nên có hiện tượng khác thường, nhưng nhìn nhãn mác, anh Phúc thấy chai nước được sản xuất ngày 14/9/2014 và có hạn sử dụng đến 14/9/2015. Quan sát phía ngoài thì nắp chai vẫn còn nguyên và đóng chặt, vỏ chai hoàn toàn bình thường như những chai cùng loại khác.

Ngay sau khi phát hiện những dị vật khác thường có trong chai nước trên, anh Phúc đã gọi điện thông báo cho phía nhà sản xuất theo địa chỉ được ghi trên bao bì. Qua điện thoại, anh Phúc được nhân viên phía công ty ghi nhận thông tin và hẹn sẽ cử đại diện phía công ty về nhà anh Phúc để tìm hiểu sự việc.

Đúng hẹn, ngày 16/4, phía nhà sản xuất là Công ty URC Việt Nam đã cử nhân viên về tiệm tạp hóa của vợ chồng anh Phúc để xem xét, giải thích về sự cố trên.

Theo anh Phúc, đại diện của nhà sản xuất đã cho rằng, chai nước bị sự cố trên có thể là do quá trình vận chuyển hay… một lý do khách quan nào đó! Cuối buổi làm việc, vị đại diện của nhà sản xuất ngỏ ý muốn đổi 3 thùng trà xanh C2 để lấy chai nước bị lỗi trên.

Không đồng ý với câu trả lời chung chung, nửa vời của đại diện nhà sản xuất nên anh Phúc không chấp nhận chuyện này.

Anh Phúc cho rằng việc nhà sản xuất đổ lỗi cho quá trình vẫn chuyển khiến chai nước có vật thể lạ là thiếu tôn trọng khách hàng.

Hay như, theo thông tin anh Thạch Ngọc Tuấn hiện đang ở khu vực tập thể ăn uống tại phố Hồ Xuân Hương, phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa cung cấp cho báo Dân trí, ngày 13/3, mẹ của anh là bà Nguyễn Thị Nguyệt có ra chợ mua một lốc nước giải khát hiệu C2 (loại lốc 6 chai) tại chợ Điện Biên, thành phố Thanh Hóa.

Cứ tưởng mua về sử dụng bình thường nhưng đến chiều hôm đó, gia tình mới thực sự bất ngờ khi anh Tuấn lấy một trong 6 chai nước C2 mua về ra uống thì phát hiện trong đó có 5 con ruồi.

Sự việc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi nhìn vào hạn sử dụng ghi trên bào bì sản phẩm thì ngày sản xuất là 11/11/2014 và hạn sử dụng đến ngày 11/11/2015.

Do vậy xét trên lý thuyết thì chai nước còn hạn sử dụng và đảm bảo an toàn về sức khỏe. Dù qua quan sát bề ngoài thì nắp chai vẫn còn nguyên đai, nguyên kiện, không có dấu hiệu của sự tác động từ bên ngoài.

Được biết, thông tin sản phẩm được in trên bao bì, thì chai nước C2 có nguồn gốc sản xuất tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn URC Hà Nội, Khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Ngay sau khi phát hiện sự việc khủng khiếp từ chai nước giải khát của gia đình mua về, anh Tuấn đã lập tức gọi vào số điện thoại 043.384.4711 có ghi trên sản phẩm để phản ánh sự việc lên phía công ty sản xuất, nhưng không có một cá nhân nào nghe máy.

Quá tức giận trước sự việc mà gia đình gặp phải, anh Tuấn cho biết, hiện tại gia đình anh đang làm đơn gửi tới Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Thanh Hóa để phản ánh.

Bởi theo anh, cần phải xóa bỏ ngay những hành vi xem thường sức khỏe người tiêu dùng như thế, qua đó tạo được niềm tin ở khách hàng.

Những "hạt sạn" của FPT Shop khiến khách hàng "ghê răng"

Chỉ tính riêng những tháng cuối năm 2015, khách hàng của FPT Shop đã liên tiếp gặp phải những "hạt sạn" khi mua sản phẩm của nhà phân phối này...

Mới đây cộng đồng mạng chia sẻ thông tin của nick name C.N.T.A câu chuyện người bạn của C.N.T.A mua iPhone 6 chính hãng FPT tại TPHCM bản world nhưng khi sau khi sang Úc sử dụng thì máy không sử dụng được. Sau khi kiểm tra tại Apple store tại Úc, đơn vị cho biết iPhone 6 mua tại FPT là bản lock (khoá), chỉ sử dụng được trên thị trường Đông Nam Á và không hỗ trợ APAC service?

Nội dung nick name C.N.T.A chia sẻ: “Bạn tôi, mua iPhone 6 chính hãng FPT cách đây hơn 1 năm tại HCM, được tư vấn là bản World, nói chung khi mua nhân viên tươi cười niềm nở, là khách hàng thì ai cũng cảm thấy hài lòng. Một tháng sau, phát hiện lỗi, tất nhiên bạn tôi được 1 đổi 1 tại FPT...

Cái phiên bản World ấy xài không được- nhà mạng tại Úc thông báo phiên bản của bạn tôi xài là bản block, bạn ấy méo mặt. Là một người bạn tốt- tôi cũng cảm thấy buồn tủi thay, vì rõ ràng bạn tôi search số IMEI thì vẫn là bản đã unlock. Tôi có nhiều thời gian rảnh nên nhắn tin trên trang facebook của FPT shop, bạn nhân viên trả lời cũng dễ thương, cho đến khi search số IMEI và thông báo là máy đó không thuộc FPT…".

Cũng theo nick name này, sau khi phản ánh đến FPT, đơn vị này cho rằng lỗi là do nhà mạng bên Úc nên máy không sử dụng được. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thì không phải như vậy?

“Mình liên hệ FPT và nhận được lời đổ lỗi rằng do nhà mạng bên này. Mình sử dụng sim của mình đang xài trên iPhone 6S (máy của mình tất nhiên là máy này KHÔNG MUA ở FPT nên xài bình thường) gắn qua máy Iphone 6 của bạn mình nhưng vẫn không hoạt động, lúc này không phải lỗi nhà mạng!

FPT thấy không thể đổ lỗi cho nhà mạng nên nói mình qua Apple store tại Úc để xem tình trạng máy. Kết quả sau khi cập nhật imei máy, Apple store nói đây là bản lock, chỉ sử dụng được trên thị trường Đông Nam Á và họ không hỗ trợ APAC service…

Mình cảm thấy thất vọng vô cùng, không phải bỏ tiền ra mua lại máy mà mua new với giá đắt hơn thị trường, kết quả Tôi nhận được gì ngoài việc FPT không giải quyết tình trạng máy bán lock mà nói là bản world ?!????

Nếu bạn tôi không ra nước ngoài chắc không bao giờ biết được máy mình đang sử dụng thật ra chỉ là bản lock được bán với giá của bản world!!!!”.

Sau khi chia sẻ, status trên nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình từ cư dân mạng. Đa số đều không thể hiểu được tại sao một thương hiệu uy tín lại bán sản phẩm như vậy.

Hay như, thông tin đăng tải trên báo Tầm nhìn vào đầu tháng 6/2015, nhiều khách hàng đã phản ánh tình trạng nhiều sản phẩm công nghệ trong đó có iphone chính hãng của FPT shop tại Đà Nẵng không đảm bảo chất lượng khiến người tiêu dùng không mấy hài lòng. Trong vai một người đi mua hàng tại FPT shop, PV Báo điện tử Tầm Nhìn đã phần nào xác minh được tính chân thực của những phản ánh nói trên.

Trong vai một người đi mua hàng, PV Báo điện tử Tầm Nhìn đã tới FPT shop A1, số 10 Nguyễn Văn Linh (Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng) để xác minh những phản ánh của khách hàng trong thời gian gần đây.

Khi có ý mua mua 1 chiếc iphone 5s chính hãng với giá 13.990.000 Việt Nam đồng, chúng tôi được nhân viên của FPT shop tiếp thị thêm: “sản phẩm iphone 5s chính hãng của apple, được đổi trả trong vòng 15 ngày đối với lỗi phần mềm và đổi trả trong vòng 1 năm đối với lỗi phần cứng do nhà sản xuất."

Những bê bối sản phẩm hãi hùng nhất năm 2015  (Phần 2) - Ảnh 3Phóng to

Iphone chính hãng của FPT Shop có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng, ổ xạc bị trầy xước, bám bụi, có vết bẩn màu đen có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường. 

Sau 13 ngày sử dụng, chiếc điện thoại iphone 5s mà chúng tôi mua tại FPT shop nói trên bắt đầu có nhiều dấu hiệu lỗi: một số thao tác bị trì trệ, không thể tải được bất cứ phần mềm ứng dụng nào về máy, máy có biểu hiện kém nhạy….

Như đã được tư vấn, chúng tôi mang máy tới cửa hàng để đổi, nhân viên của cửa hàng khuyên nên để máy lại cửa hàng để chạy lại phần mềm. Sau khi không đồng tình với ý kiến trên và yêu cầu được đổi máy như thỏa thuận khi mua máy, nhân viên cửa hàng yêu cầu chúng tôi mang máy đến trung tâm bảo hàng tại số 7 đường Hàm Nghi để lấy giấy xác nhận máy lỗi thì mới tiến hành trao đổi máy.

Sau khi chúng tôi lấy giấy xác nhận máy bị lỗi phần mềm, quay trở lại cửa hàng để làm thủ tục đổi máy thì lúc này nhân viên cửa hàng lại quay ngoắt thái độ: “cửa hàng chỉ đổi trả máy trong vòng 1 năm đối với các lỗi của nhà sản xuất về phần cứng.”

Lúc này tôi yêu cầu được gặp quản lí cửa hàng, trình bày lại sự việc và đưa giấy tờ xác nhận của trung tâm bảo hành ra thì mới được giải quyết, tuy nhiên vị quản lí này lại đính chính thêm: “việc đổi máy trong vòng 15 ngày cũng áp dụng chỉ với lỗi phần cứng do nhà sản xuất, chắc do nhân viên tiếp thị không nói rõ ý nên mới dẫn đến tình trạng khách hàng hiểu nhầm.” ?!

Trước đó, FPT Shop cũng liên tiếp bị khách hàng phàn nàn về giá cả nhiều sản phẩm cao hơn các nhà phân phối khác, hay về thái độ phục vụ của nhân viên khi khách hàng gặp lỗi sản phẩm muốn bảo hành,...

Kiểm tra 4 nhà máy của PepsiCo Việt Nam

Tin tức trên báo Tiền phong, ông Lê Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, sau khi có thông tin báo chí phản ánh về nghi ngại chất lượng nước giải khát của PepsiCo, cơ quan chức năng đã đề nghị kiểm tra 4 nhà máy của hãng này tại Bắc Ninh, TPHCM, Đồng Nai và Cần Thơ. Đoàn kiểm tra tại Bắc Ninh (Khu công nghiệp VSIP – Phù Chẩn, huyện Từ Sơn) được thực hiện ngày 12/11 do ông Giang làm trưởng đoàn. Theo báo cáo, chi nhánh Cty sử dụng nguồn nước ngầm (nước giếng) để sản xuất sản phẩm nước uống đóng chai, 2 nguồn nước này do Khu công nghiệp VSIP cung cấp theo các chứng nhận của Bộ Tài nguyên Môi trường cấp.

Liên quan đến vấn đề ghi nhãn sản phẩm, đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra quy định về ghi nhãn 6 sản phẩm: Nước uống đóng chai Aquafina, nước giải khát có gas Pepsi dạng thủy tinh, Moutain View dạng lon nhôm, nước tăng lực Sting hương dâu tây đỏ, nước cam ép Twister, trà ô long nhãn hiệu Suntory Tea+ dạng chai. Ông Giang cho biết, nội dung ghi nhãn phù hợp với nhãn trong hồ sơ được Cục An toàn thực phẩm xác nhận. “Về cơ bản, doanh nghiệp không sai sót gì, chúng tôi đang chờ kết quả của ba đoàn khác từ địa phương gửi lên để tổng hợp kết quả”, ông Giang.

Khi được hỏi về việc công khai nguồn nước trên vỏ chai, ông Giang cho biết: “Nếu những thông tin không có trong quy định, mà doanh nghiệp ghi trên nhãn, thì không được phép làm người tiêu dùng hiểu nhầm về sản phẩm. Trường hợp nếu ghi nhầm, cơ quan chức năng sẽ tuýt còi ngay và xử phạt. Thậm chí có thể thu hồi giấy phép lưu hành sản phẩm”.

Những bê bối sản phẩm hãi hùng nhất năm 2015  (Phần 2) - Ảnh 4Phóng to

Theo báo cáo kiểm tra tại Bắc Ninh (Khu công nghiệp VSIP – Phù Chẩn, huyện Từ Sơn), chi nhánh Công ty PepsiCo Việt Nam tại đây đã sử dụng nguồn nước ngầm (nước giếng) để sản xuất sản phẩm nước uống đóng chai... (Ảnh mang tính minh họa).

Cuối tháng 10/2015, thông tin sản phẩm nước khoáng Aquafina tại Mỹ được sản xuất từ nước máy công cộng thu hút lớn sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam.

Theo đó, Hãng tin ABC News của Mỹ cho biết, hãng nước khoáng Aquafina (thuộc Tập đoàn Pepsico) đã buộc phải ghi rõ thêm dòng chữ P.W.S (Public water source - nguồn nước công cộng) trước sức ép của cơ quan Tiêu chuẩn trách nhiệm để hạn chế những hành động tiếp thị gây hiểu nhầm.

Động thái này cũng đồng nghĩa với việc Aquafina thừa nhận rằng các sản phẩm của họ có nguồn gốc từ nước lã công cộng giống như nước được lấy ra từ vòi nước trong nhà tắm hay nhà bếp.

Điều đó có nghĩa là chúng không khác gì so với nước vòi thông thường, nhưng giá bán lại đắt hơn 2.000 lần so với nước vòi.

Tại Việt Nam, Aquafina chiếm khoảng 30% thị phần nước đóng chai. Sau những thông tin trên, người tiêu dùng băn khoăn đặt ra câu hỏi sản phẩm Aquafina tại Việt Nam được sản xuất như thế nào?

Trao đổi trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: Xuất phát từ đề nghị của doanh nghiệp và lo lắng của người tiêu dùng cơ quan chức năng đã đề nghị kiểm tra 4 nhà máy của hãng này tại Bắc Ninh, TP.HCM, Đồng Nai và Cần Thơ.

Theo báo cáo kiểm tra tại Bắc Ninh (Khu công nghiệp VSIP – Phù Chẩn, huyện Từ Sơn), chi nhánh Công ty PepsiCo Việt Nam tại đây đã sử dụng nguồn nước ngầm (nước giếng) để sản xuất sản phẩm nước uống đóng chai, 2 nguồn nước này do Khu công nghiệp VSIP cung cấp theo các chứng nhận của Bộ Tài nguyên Môi trường cấp.

Về nội dung ghi nhãn sản phẩm, theo Cục An toàn thực phẩm các sản phẩm sản như nước uống đóng chai Aquafina, nước giải khát có gas Pepsi dạng thủy tinh… doanh nghiệp đều chấp hành ghi nhãn phù hợp với nhãn trong hồ sơ được Cục An toàn thực phẩm xác nhận.

Trước đó, theo đánh giá của Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA), nước đóng chai có thể chứa một lượng nhỏ vừa phải các chất gây ô nhiễm dẫn đến những rủi ro về sức khỏe.

EPA phân tích, có hai loại nước đóng chai: Loại được sử dụng lại từ nguồn nước máy và loại có nguồn gốc từ nước tự nhiên.

Loại thứ nhất mua từ nguồn cung cấp nước của một thành phố, được làm sạch và đóng chai bởi các nhà sản xuất, vì thế có thể chứa một số chất gây ô nhiễm do chỉ là nước trên bề mặt. Nói cách khác, nguồn nước này có thể đến từ cống dẫn nước lộ thiên, bể chứa, nước từ tuyết tan ra hoặc bất kỳ loại nước nào có nguồn gốc từ bề mặt của đất.

Loại thứ hai có nguồn gốc tự nhiên như một con suối nằm dưới lòng đất. Đây là nước đóng chai cần lựa chọn vì đến từ những khu vực rất xa hoặc vùng đất được bảo vệ tốt. Thông thường, nước có chứa các chất khoáng vi lượng tự nhiên lành mạnh như canxi và kali.

Nước từ suối tự nhiên không nhất thiết phải tinh khiết 100% nhưng ít có khả năng bị ô nhiễm bởi những bất cứ chất gì do con người tạo ra. Tuy vậy, nước suối chảy luôn di chuyển nên nếu thượng nguồn bị ô nhiễm thì tạp chất dư thừa có thể ảnh hưởng đến hạ nguồn.

Từ đánh giá của EPA và báo cáo kiểm tra có thể thấy nguồn nước để PepsiCo Việt Nam sản xuất nước đóng chai là nguồn giếng khoan tại Khu công nghiệp VSIP – Phù Chẩn, huyện Từ Sơn, nguồn nước vẫn có thể có nguy cơ nhiễm các tạp chất hóa học từ khu công nghiệp ngấm vào đất nếu không xử lý tốt.

Nguồn nước ngầm được cho là đảm bảo phải được khai thác ở vùng đất xa khu dân cư, vùng thượng nguồn, bởi ở đây nguồn nước ít bị tác động bởi những thứ gì do người tạo ra.

Cuộc khủng hoảng lịch sử của Tân Hiệp Phát

Những bê bối của Tân Hiệp Phát xảy ra khá liên tục trong khoảng thời gian từ 2009 đến nay.

Nhưng vụ việc khiến người tiêu dùng mạnh mẽ lên án, khiến doanh nghiệp này rơi vào vòng xoáy của dư luận và tuyên bố bị thiệt hại nặng chính là vụ “con ruồi 500 triệu đồng”.

Ngày 3/12/2014, khi bán hàng cho khách, chủ quán cơm Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) phát hiện có ruồi trong chai nước Number One chưa mở nắp của Công ty Tân Hiệp Phát.

Tới ngày 27/1/2015, ông Minh hẹn gặp đại diện Công ty Tân Hiệp Phát tại một quán cà phê ở huyện Cái Bè (Tiền Giang), trong lúc ông Minh nhận 500 triệu đồng thì bị Công an tỉnh Tiền Giang bắt quả tang.

Thời điểm này, Tân Hiệp Phát bị dư luận lên án về hành vi “bẫy người tiêu dùng”.

Sự việc tạo nên làn sóng phẫn nộ khi ngày 18/12/2015 ông Võ Văn Minh bị tuyên mức án 7 năm tù giam vì tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Đại diện Tân Hiệp Phát cho biết kể từ khi sự việc xảy ra công ty đã bị thiệt hại 2.000 tỷ đồng. Sau phiên tòa, gia đình ông Võ Văn Minh tuyên bố sẽ kháng cáo lên cấp phúc thẩm.

Năm 2015 cũng là năm “đại hạn” của Tân Hiệp Phát khi có thêm hàng loạt những vụ việc khác “tố” sản phẩm của doanh nghiệp này có chứa nhiều dị vật ở nhiều tỉnh thành.

AN NHIÊN (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý