Những bí mật về Yakuza, băng đảng Mafia nguy hiểm nhất Nhật Bản

mesu mesu @mesu

Những bí mật về Yakuza, băng đảng Mafia nguy hiểm nhất Nhật Bản

Từ khi ra đời khoảng đầu thế kỉ 17, trải qua hơn 400 năm, Yakuza Nhật Bản giờ đây đã trở thành tổ chức tội phạm nguy hiểm công khai và có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

28/11/2014 08:35 PM
4

Nguồn gốc và tổ chức

Nguồn gốc của Yakuza vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhưng phần đông đều nhất trí nó xuất phát từ hai nhóm chính.

Một là từ các nhóm tội phạm nhỏ, chuyên bảo kê cho các chợ phiên, sau đó thì đi làm lính đánh thuê cho các sứ quân (thời kỳ Ê đô 1603 - 1867). Cuối thế kỉ 19, các Yakuza được tập hợp lại trong các tổ chức chuyên hoạt động trên biển và giết thuê.

 - Ảnh 1

Hai là từ các Samurai tàn ác thời Tokugawa (1543-1616). Một bộ phận các nhóm này đã tổ chức thành nhóm chuyên đi cướp phá các làng mạc làm kế sinh nhai. Chúng là những kẻ đánh mất tinh thần cao quý của võ sĩ đạo, sử dụng võ thuật để kiếm tiền bất chính. Trong thế kỷ 17, những Samurai tàn ác thường để kiểu tóc kỳ dị cùng việc đeo thanh kiếm dài ngang lưng. Chúng là tay sai đắc lực của những kẻ cai trị tàn ác, chuyên dùng vũ lực để đàn áp dân chúng hoặc ám sát đối thủ.

Các Yakuza phân chia thành 3 nhóm chính: Tekiya (những người bán hàng rong trên phố), Bakuto (những con bạc) và Guirentai (lưu manh). Tekiya và Bakuto xuất hiện từ thế kỷ 18 trong khi Gurentai ra đời sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi nhu cầu hàng hóa chợ đen phát triển nhanh chóng.

Cũng giống như Mafia, cấu trúc quyền lực của Yakuza trải ra theo hình kim tự tháp với một tộc trưởng đứng đầu và sau đó là các thuộc hạ trung thành với các cấp bậc khác nhau. Nguyên tắc cơ bản trong một tổ chức Yakuza là mối quan hệ oyabun-kobun. Oyabun nghĩa là "vai trò người cha" và Kobun nghĩa là "vai trò người con". Khi một người bước vào thế giới của Yakuza, anh ta phải chấp nhận mối quan hệ này. Anh ta phải nguyện trung thành và tuân phục lệnh của ông trùm. Các Oyabun, giống như những người cha tốt, có trách nhiệm bảo vệ và chỉ dạy cho người con. Người Nhật có câu: "Nếu ông chủ của bạn nói rằng con quạ bay qua màu trắng thì bạn cũng phải đồng ý".

Thành viên và luật lệ.

Các con số thống kê cho thấy sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Yakuza có 184.000 thành viên, đông hơn cả quân đội Nhật Bản vào thời điểm lúc bấy giờ. Sau đó số thành viên của Yakuza giảm dần, từ năm 1963 đến 1988 giảm chỉ còn khoảng 80.000 người, chia làm 3.000 băng nhóm khác nhau hoạt động khắp nơi ở Nhật Bản và một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Mỹ cùng một số nước châu Âu.

Bình thường, một người nào đó muốn gia nhập Yakuza sau khi đã đủ các "điều kiện" đều phải cắt máu ăn thề và phải xăm mình.

 - Ảnh 2

Trong lễ kết nạp của Yakuza, Oyabun và thành viên mới sẽ ngồi đối diện với nhau. Azularinin (người bảo lãnh) sẽ chuẩn bị rượu. Rượu sake này sẽ được pha với muối và vảy cá, rồi rót ra cốc. Cốc của Oyabun được rót đầy đến miệng, tượng trưng cho địa vị của ông ta; cốc của thành viên mới thì ít hơn rất nhiều. Họ uống một chút rồi đổi cốc, người này uống của người kia. Khi đó, người xin gia nhập đã chứng tỏ được sự tận tụy của mình đối với ông trùm.

Hình xăm (thường là hình rồng, phượng, núi non, hoa, người, cá chép… ) là một nét đặc biệt trên người các Yakuza. Đó không phải là một hình xăm bình thường mà là một bức tranh nghệ thuật phủ kín toàn bộ cơ thể. Để sở hữu những hình xăm cầu kỳ như thế, họ phải trải qua một quá trình đau đớn về thể xác trong hàng trăm giờ. Đây là thử thách đối với khí phách của một đấng nam nhi. Yakuza ở mỗi vùng sở hữu một số dạng hình xăm khác nhau. Chẳng hạn, Yakuza ở thủ đô Tokyo chỉ xăm trên tay và lưng. Đây được coi như một dạng kí hiệu để phân biệt nguồn gốc địa phương của Yakuza.

Mọi thành viên phải tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh của ông trùm và trung thành với gia đình trong suốt cuộc đời. Nếu một trong các thành viên thiệt mạng, những người còn sống có trách nhiệm giúp đỡ gia đình của họ.

 - Ảnh 3

Tuy nhiên, mỗi thành viên sẽ phải trả giá bằng máu, thịt khi phạm sai lầm. Trong lần mắc lỗi đầu tiên, người phạm lỗi sẽ phải tự chặt một đốt ngón tay út trên bàn tay thuận. Những lần vi phạm sau sẽ lần lượt lấy đi những đốt tiếp theo của cả 2 ngón tay út và có khi ở những ngón khác. Chính vì thế cho nên phần lớn thành viên Yakuza mang những bàn tay không nguyên vẹn. Tuy vậy, ngày nay, xăm mình và chặt ngón tay chỉ còn mang tính chất nghi thức. Theo thống kê trong những thành viên Yakuza hiện đại, có hơn 90% tên xăm mình, 43% tên có bàn tay cụt ngón, nhiều tên cụt 2 ngón và hơn nữa.

Những biến đổi của Yakuza

Mặc dù đã có thời, Yakuza tuyên bố không dính líu đến hoạt động buôn bán ma túy, nhưng những năm gần đây, Yakuza ngày càng có thái độ đối lập đối với cảnh sát. Họ tiến hành các hoạt động không được chấp nhận như sản xuất và buôn bán ma túy, thu thập tin tức về cảnh sát, bất hợp tác với cơ quan điều tra. Những điều này đi ngược lại những luật bất thành văn vốn đã giúp Yakuza tồn tại ở Nhật Bản.

Trước tình trạng này, chính phủ Nhật Bản đã chính thức tuyên chiến với các tổ chức tội phạm. Chính quyền Nhật Bản khẳng định phương pháp tiếp cận các tổ chức tội phạm lớn, gồm 22 nhóm, là điều phối hoạt động của chúng chứ không phải là cấm. Các cơ quan lập pháp Nhật Bản đã đưa ra những bộ luật chống lại các tổ chức tội phạm. Theo luật sửa đổi, một công dân có quyền kiện cả băng đảng nếu một thuộc hạ trong tổ chức tội phạm thực hiện các hành vi sai trái. Thậm chí, mặc dù ông trùm là người không tham gia trực tiếp vào vụ án nhưng tòa án vẫn có thể phạt những người đứng đầu này hàng triệu USD vì trách nhiệm. Theo thống kê, các vụ kiện thường liên quan đến tống tiền, hành hung, giết người hay đơn giản chỉ là gây mất trật tự công cộng và các vụ đấu súng làm hại hoặc tổn thương những người vô tội.

Giới chức cho biết số lượng dân thường đệ đơn kiện ngày càng tăng. Trong khi đó, các chính trị gia và quan chức trong chính phủ tỏ ra đã chán ngấy sự lộng hành và hành vi trắng trợn của các tổ chức tội phạm trên lãnh thổ.

Những ông trùm Yakuza đã đối phó với sự cải cách này bằng cách đưa mọi tên xã hội đen của họ vào trường để học về pháp luật, nhằm giải quyết tình trạng hàng triệu USD có thể bị thất thoát trong tương lai do kiện tụng. Các ông trùm khẳng định Yakuza phải đến trường và trải qua những khó khăn trong học hành như dân thường để đáp ứng nhiều điều kiện trở thành một mafia. Với bút và giấy, các ứng viên tiềm năng bắt đầu bài kiểm tra để trở thành một phần của thế giới ngầm. Bạo lực là không cần thiết để chứng minh sự nam tính của Yakuza.

Xã hội Nhật Bản ngày càng thể hiện thái độ với các Ykuza. Những kí hiệu thuộc về Yakuza bị kì thị chẳng hạn như xăm mình và cụt ngón tay. Xăm mình bị đánh đồng nghĩa với tội phạm. Một số khu vực sẽ cấm những người có hình xăm, thậm chí đó chỉ là một hình xăm nhỏ trên mắt cá tay, cổ tay, dưới bắp tay và nách.

Ngoài ra, một số phòng tập thể hình, bể bơi, suối nước nóng... sẽ đề dòng chữ "irezumi" với nghĩa cấm những người xăm mình. Các nhân viên bảo vệ thường được đào tạo để phát hiện từ những hình xăm lớn, dễ nhìn thấy như trên cổ, cánh tay đến các hình xăm nhỏ ẩn hiện sau lớp quần áo.

Bàn tay cụt ngón cũng là dấu hiệu của thành viên Yakuza. Để giấu đi sự lộ liễu này, dịch vụ làm ngón tay giả từ silicon càng ngày càng trở nên phát đạt

Ngày nay, thế lực của các ông trùm Yakuza không còn như trước. Họ có thể bị tội liên đới trong tất cả mọi việc. Từ năm 2005 tới nay, đã có tới hai thủ lĩnh lớn của Yakuza bị Chính phủ Nhật Bản bắt giữ, bị phạt tiền lên tới hàng chục triệu đô la Mỹ và điều này khiến hoạt động của Yakuza trở nên vô cùng khó khăn. Nhiều thành viên quyết định rời bỏ cuộc sống ở thế giới ngầm để trở lại với cuộc sống bình thường. Các băng Yakuza khẳng định, họ cảm thấy khó sống phi pháp trong xã hội thời nay.

Nguyễn Mai (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý