Những câu chuyện khiến người nghe rớt nước mắt mỗi mùa thi

mesu mesu @mesu

Những câu chuyện khiến người nghe rớt nước mắt mỗi mùa thi

Trong khi các bạn cùng trang lứa được cha mẹ chăm chút từng li từng tí, đưa đi đón về trong suốt kỳ thi thì các em phải vật lộn, bươn chải, xoay xở, đánh vật với tất cả những khó khăn trong cuộc sống.

04/07/2015 07:33 PM
458

Lần giở lại tất cả những hình ảnh tôi góp nhặt được trong kỳ THPT Quốc gia năm nay, hình ảnh về một cô bé với hai hàng nước mắt lưng tròng khiến tim tôi quặn thắt. Ấy là cô bé Phạm Thị Nhung quê Nam Định, một thân một mình lên Hà Nội dự thi kỳ thi THPT Quốc gia.

Hẳn là trong kỳ thi năm nay cũng như bao kỳ thi trước đó, rất nhiều thí sinh phải độc hành trên con đường bước vào cánh cổng Đại học. Tuy nhiên, với hoàn cảnh, trường hợp của Nhung thì có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng phải rơi nước mắt và cảm phục ý chí, nghị lực cũng như quyết tâm của em trên con đường vươn tới ước mơ.

Nhung lên Hà Nội dự thi trong 4 ngày với vỏn vẹn 600 ngàn đồng. Đó là số tiền em dành dụm được từ công việc rửa xe thuê suốt nhiều tháng trời trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến chiều tối với mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng. Ngoài rửa xe Nhung còn cấy 2 sào ruộng, trồng thêm giềng, sả để bán kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Mới 18 tuổi, Nhung đã là trụ cột trong gia đình có 3 chị em và một người mẹ bị bệnh tâm thần đã nhiều năm. Trong khi đó, bố Nhung bỏ 4 mẹ con em mà đi khi gia đình lâm vào cảnh túng quẫn đến cùng cực.

Nhung lên Hà Nội dự thi trong 4 ngày với vỏn vẹn 600 ngàn đồng. Ảnh: Quyên Quyên

Đã có lúc người thân, bạn bè, hàng xóm khuyên Nhung nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình quá éo le, nhưng tuyệt nhiên trong đầu Nhung chưa bao giờ mảy may xuất hiện ý nghĩ đó. Nhung cố gắng làm lụng, học hành để rồi một ngày sau 12 năm học em có thể chạm tay vào ước mơ trở thành cô nữ sinh trường y với mong muốn có thể bù đắp, chăm sóc tốt hơn cho các thành viên trong gia đình vốn nhiều khốn khổ của mình.

Khó khăn nào rồi cũng qua, nó cũng giống như những giọt nước mắt lăn dài trên má khi kỳ thi mới bắt đầu, nhưng khi kỳ thi kết thúc thì Nhung hoàn toàn có thể nở nụ cười tươi vì em đã dám dấn thân vào khó khăn, vất vả để tìm cho mình một hướng đi. Tôi mong sau kỳ thi này, Nhung sẽ đạt được kết quả như mong muốn.

Không chỉ Nhung mà cô gái Lương Thanh Hoài sinh năm 1997, quê ở xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước thí sinh tại cụm thi ĐH Công nghiệp TP HCM cũng được báo chí nhắc đến như một tấm gương về sự ham học trong kỳ thi THPT năm nay.

Ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, Hoài đã phải thức dậy từ 2 giờ sáng đi cạo mủ cao su lấy tiền phụ giúp mẹ nuôi 2 em. Đêm đi cạo mủ, ngày Hoài vẫn lên lớp học cùng các bạn. Tuy nhiên, vì thiếu ngủ nên việc Hoài ngủ gật trên lớp đã trở nên quen thuộc với bạn bè và thầy cô ở trường THPT Bình Long.

Lương Thanh Hoài mơ trở thành nữ doanh nhân thành đạt. Ảnh: Dân trí

Nhưng, không vì thế mà kết quả học tập của Hoài thua kém bạn bè, ngược lại suốt 12 năm học em là học sinh giỏi của trường. Năm lớp 9, Hoài đạt giải Nhì tỉnh môn Địa lý, lớp 10 em cũng nằm trong đội tuyển học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử. Nói thế để thấy rằng, Hoài rất ham học và học giỏi. Điều này trái ngược hoàn toàn với hoàn cảnh gia đình của em.

Hình ảnh người bố suốt ngày chìm trong men rượu, đánh mẹ, phá đồ đạc, bán hết những gì có thể để thỏa mãn cơn khát cờ bạc hằn sâu trong trí óc Hoài. Gia đình đã nghèo nay lại thêm phần túng bấn vì những món nợ bố gây ra. Với thu nhập của một người công nhân cao su, một mình mẹ Hoài không thể cáng đáng được cả gia đình.

Hoài xung phong đi cạo mủ cao su để đỡ đần mẹ. Ngày nắng cũng như ngày mưa Hoài phải lao động quầy quật, chính những ngày tháng đó đã hun đúc trong em ý trí phải học thật giỏi để thoát nghèo và trở thành một nữ doanh nhân thành đạt. Từ đó, Hoài chuyển từ học khối C sang khối A. 

Trước kỳ thi, Hoài đi cạo mủ cao su được 400 ngàn đồng, tự mình khăn gói lên TP HCM ứng thí. Trước khi đi thi, mẹ Hoài nói rằng, dù có đỗ Đại học thì mẹ cũng chẳng thể nuôi con ăn học được. Nghe mẹ nói vậy Hoài bùi ngùi nhưng rồi em xác định, nếu đỗ Đại học sẽ tìm việc làm thêm để tự trang trải việc học cũng như sinh hoạt hàng ngày. Hoài biết, học ngành kinh tế sẽ tốm kém nhưng để thực hiện ước mơ trở thành nữ doanh nhân Hoài chấp nhận tất cả.

Hy vọng sắp tới đây, cái tên Lương Thanh Hoài sẽ có trong danh sách thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP HCM, đúng như nguyện vọng của em.

Trên con đường đi tới thành công, sẽ còn nhiều lắm những chông gai, nhưng tin rằng với ý chí và nghị lực của mình, các em sẽ vượt qua tất cả để vươn tới những đỉnh cao tri thức. 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý