Những chuyện 'cười ra nước mắt' ở khu chung cư

ban ban @ban

Những chuyện 'cười ra nước mắt' ở khu chung cư

Ngại ở nhà chung cư đó là một thực tế của không ít người dân hiện nay. Bởi bên cạnh những bất cập về an ninh, quản lý, trang thiết bị, dịch vụ dân sinh... thì cuộc sống riêng tư bị ảnh hưởng từ những người hàng xóm bất đắc dĩ cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người lưỡng lự.

12/05/2013 01:31 PM
55,257

 

Bật loa thùng để... trêu tức hàng xóm

Dù rủng rỉnh tiền, đã tính đến chuyện "an cư" nhưng khi quyết định ở chung cư hay không vẫn khiến nhiều người lưỡng lự. Chị Nguyễn Thùy Linh (ở phố Phạm Tuấn Tài, Cầu Giấy, Hà Nội) là một trường hợp như thế. Gia đình chị trước đây sống chung với bố mẹ nhưng từ khi có con nhỏ, xuất hiện những bất tiện nên xin phép ra ở ngoài để có không gian riêng. Tích góp được số tiền kha khá, hai vợ chồng quyết định tìm một căn hộ chung cư giá bình dân gần khu vực làm việc. Sau khi hỏi ý kiến tham khảo của các chị em trong công ty, được nghe những câu chuyện bi hài của những cư dân tập thể khiến chị Linh ngao ngán muốn từ bỏ ý định.

Môi trường sống tại các chung cư luôn xảy ra nhiều vấn đề phức tạp (Ảnh minh họa)

Cùng cơ quan chị có bạn đồng nghiệp là Bùi Minh Hạnh (Cổ Nhuế- Từ Liêm-Hà Nội) cho biết: "Dạo này không đêm nào tôi có thể ngủ ngon giấc bởi tiếng ồn từ nhà hàng xóm. Ông già phòng cạnh bên vừa "tậu" chiếc loa thùng, suốt ngày bật nhạc công suất lớn để ra oai với thiên hạ. Nghe ban ngày chưa đã, ban đêm ông còn bật nhạc xập xình như kiểu "tra tấn" người khác. Dù bảo vệ tòa nhà đã nhắc nhở nhưng xong đâu lại vào đấy, vì ông ta cứ "cãi cùn", nhà tôi thích làm gì chả được”.

Chị Hạnh dở khóc, dở cười kể tiếp câu chuyện "cười ra nước mắt": "Chưa hết, thậm chí người ta còn tức nhau vì cái "thái độ" chẳng giống ai. Gặp không chào hỏi thì cứ bảo là vô văn hóa, còn chào hỏi thì cũng có biết ai đâu. Thế nên có những hôm, vội vã lướt qua nhau mà quên chào hỏi thì chắc chắn hôm sau sẽ "được" tiếng là: Kênh kiệu, vô văn hóa, khinh người như cỏ rác. Nên giờ, bài học "xương máu" của tôi là gặp hàng xóm ở cùng khu chung cư thì mình cứ mau miệng chào hỏi lễ phép".

Chưa kể còn chuyện nhà hàng xóm cứ suốt ngày "gây rối trật tự" theo kiểu vô ý thức như: Vợ chồng suốt ngày cãi vã nhau làm mất sự bình yên của hàng xóm. Có hôm, đang đêm thanh vắng, cả dãy chung cư giật mình bởi tiếng khóc thét của chị vợ, còn anh chồng thì liên tục chửi bới bằng những ngôn từ thiếu văn hóa. Mọi người lắc đầu ngao ngán rồi tiếp tục đóng cửa ngủ tiếp, vì chuyện đôi vợ chồng này đã trở nên nhàm chán trong mắt hàng xóm, chẳng ai thèm để ý.

Những hàng xóm bất đắc dĩ

Chị Nguyễn Huyền Trang (ở Linh Đàm, Hà Nội) bộc bạch: "Trước khi quyết định dọn về khu chung cư sống, tôi không ngờ lại có nhiều chuyện phức tạp như thế. Cứ nghĩ, cuộc sống từng căn hộ sẽ biệt lập, không ảnh hưởng đến nhau nhưng sự thật thì không phải vậy. Đơn giản như cái cầu thang máy, chuyện vệ sinh rác thải cho đến chuyện tiếng ồn cũng trở thành nguyên nhân "châm ngòi" cho những "cuộc chiến tranh không có hồi kết". Nhưng "sống chung với lũ thành quen", giờ tôi đã biết hạn chế những mâu thuẫn không đáng có".

Chị Trần Thanh là chủ nhân của căn hộ thuộc chung cư mini trên đường  Phạm Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Dân cư ở đây toàn khắp nơi đổ về, đa phần là dân buôn bán, lao động nên môi trường khá phức tạp. Như ngay cạnh phòng tôi là nhà chị chuyên ghi lô, đề, xổ sổ nên ngày nào cũng có đông người ra vào, thành phần phức tạp. Có hôm, cũng vì chuyện lô đề mà họ cãi nhau ầm ĩ, đánh nhau dẫn đến việc công an phải đến xử lý. Thời gian đầu người ta còn góp ý, khuyên giải nhưng giờ chán rồi, cứ mạnh ai người ấy…lo".

Sống giữa một tập thể không phải là chuyện dễ, nhất là những người "hàng xóm" có khi cả đời không biết mặt, nhớ tên. Tranh thủ tận dụng dãy hành lang, có gia đình đã mua cây về ươm hộp xốp, đặt một hàng dài tại hành lang lối đi chung của chung cư, từ đó làm sứt mẻ tình làng xóm. Người ta thường bảo, "làng xóm tối lửa tắt đèn có nhau" hay "bán anh em xa mua láng giềng gần" nhưng giờ dường như câu thành ngữ ấy không còn hợp lẽ. Bởi việc tạo dựng một mối quan hệ gắn kết với hàng xóm thật là chuyện không hề dễ.

Thậm chí, có nhiều gia đình ở cạnh sát nhau hàng năm trời nhưng chưa bao giờ biết mặt nhau. Lúc gặp nhau ngoài đường thì ú ớ, ngờ ngợ như gặp ở đâu. Chuyện của nhà ai người ấy biết, thậm chí gặp nhau cũng không buồn chào hỏi vì sợ quen thân sau lại nhờ vả, xin xỏ gì đó. Hàng xóm ở chung cư chỉ là gần nhà chứ không gần tình, không có tính kết nối. Cuộc sống chung đụng luôn xảy ra nhiều bất cập khó lường, bởi tính cách, nghề nghiệp, trình độ…cũng quy định ít nhiều đến hành vi ứng xử. Họ cũng đã quá quen với kiểu cửa đóng im ỉm suốt ngày hay "đèn nhà ai người ấy rạng".

Kinh nghiệm "xương máu" của những người đã từng ở tập thể như chị Hạnh, chị Thanh cho rằng: "Sống trong một môi trường phức tạp như chung cư thì tốt nhất là mình nên chọn cách sống khéo léo. Đừng va chạm hay để cái tôi cá nhân của mình quá lớn, nên dung hòa với mọi người xung quanh. Ở chung cư, mọi người phải chủ động tạo sự thân thiện bằng cách bắt chuyện và hỏi han với những căn hộ xung quanh. Đồng thời ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung, có thể vì lợi ích chung mà bỏ qua những quyền lợi cá nhân, cố gắng xây dựng mô hình theo cụm, nhóm, dãy nhà để tạo tính kết nối. Xem ra, chuyện "an cư" để "lạc nghiệp" vẫn là câu chuyện đau đầu của nhiều công dân khi mà sự ngột ngạt, bí bách từ môi trường sống xung quanh vẫn tiếp diễn hàng ngày.                              

Gia Lê

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý