Những cô gái Mông ngồi thêu áo, tìm bạn tình

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Những cô gái Mông ngồi thêu áo, tìm bạn tình

Giữa non cao hùng vĩ, trong bình minh hay chạng vạng, thậm chí giữa trưa nắng gắt, bạn đều có thể thấy những người phụ nữ Mông với cây kim, sợi chỉ, mảnh vải trên tay.

26/10/2017 09:27 AM
425

Giữa non cao hùng vĩ, trong bình minh hay ráng chiều chạng vạng, thậm chí giữa trưa nắng gắt hay sương mù, người ta đều có thể thấy hình ảnh người phụ nữ Mông với cây kim, sợi chỉ, mảnh vải trên tay. Họ mải miết khâu khâu, vá vá, thêu những vạt tình dệt mộng yêu thương.

Văn hóa đặc sắc

Ngược Tây Bắc và thong dong trên những bản làng xa tít tắp là cái thú của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Càng ngày càng có nhiều người “xách ba lô lên và đi” để thấy vẻ đẹp hùng vĩ, thu vào tầm mắt điệp trùng đại ngàn đất nước mình, giải phóng tâm hồn cho yêu thương đong đầy hơn.

Đôi khi đơn giản, đi là để trở về và mang theo bên mình những ký ức đẹp ở miền đất mê hoặc lòng người đã đi vào thơ ca hay hoang sơ, yên bình của lần đầu khám phá. Chưa kể, những phong tục, tập quán, văn hóa của các dân tộc ít người sinh sống trên rẻo cao là thứ nam châm cuốn hút một cách lạ lùng.

Những cô gái Mông ngồi thêu áo, tìm bạn tình - Ảnh 1Phóng to

Người phụ nữ vùng cao gắn bó với thêu thùa, khâu vá. (Ảnh: Dương Thu).

Những lần “cưỡi” xe máy lang thang bao cung đường “hại não” của Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang... tôi đã rất ấn tượng khi thường xuyên bắt gặp hình ảnh giới nữ vùng cao khâu khâu, vá vá, lúi húi thêu thùa trước hiên nhà, đầu ngõ hay bìa rừng, mỏm đá, bờ suối. Có khi họ ngồi một mình, có khi là dăm ba người túm tụm vừa thêu, vừa nói cười rôm rả, thậm chí không buồn ngẩng đầu lên để thấy sự tò mò của người khách lạ.

Đồ thêu của họ có thể là một chiếc khăn, một cái váy, một cái áo hay đơn giản chỉ là một túi đeo chéo trước ngực. Không kể tuổi tác, từ trẻ đến già, từ gương mặt non nớt như cái cây mới vươn cao qua mỏm đá hay đầu hai thứ tóc, họ làm việc đó rất tự nhiên và không kể thời gian. Sáng sớm ngồi thêu, trưa ngồi thêu, chập choạng tối vẫn thấy thêu bên ánh sáng mờ mờ và rồi mất hút vào màn đêm tĩnh mịch. Có khi về nhà lại tiếp tục ngồi thêu dưới bóng điện hoặc đèn dầu.

Những cô gái Mông ngồi thêu áo, tìm bạn tình - Ảnh 2Phóng to

Không chỉ người trẻ thêu để tìm bạn, người lớn tuổi cũng thêu để phục vụ nhu cầu cuộc sống. (Ảnh: Dương Thu).

Càng choáng ngợp với núi rừng hùng vĩ bao nhiêu lại càng thêm ngạc nhiên với hình ảnh người phụ nữ Mông thư thái ngồi thêu bấy nhiêu. Họ chẳng màng đến xung quanh, chẳng cần biết mây trời xoay vần, đổi hướng ra sao. Tâm trí họ để hết vào sản phẩm trên tay mình. Có những người phụ nữ vừa cho con bú, vừa thoăn thoắt đôi bàn tay, có đứa gái thỏ thẻ nụ cười ngượng, giấu e thẹn bằng một cái cúi đầu khi gặp khách lạ.

Họ cứ thêu như thế, mặc cái nắng khô người của miền sơn cước, hay những hạt mưa lắc rắc như tiếng khóc của núi rừng ngày yêu thương đã cạn. Trừ những lúc trời mưa to thì chạy trú ngay trong vách đá nếu chưa kịp về nhà, trời tạnh ráo lại ra ngồi thêu tiếp. Ngoài việc đồng áng, mùa màng, công việc quấn chân một vài tháng, thời gian còn lại trong năm, người Mông thường lên núi cao hái măng, kiếm củi. Rời nhà lúc tang tảng sáng và trở về khi bóng núi cao đã “nuốt” mất ông mặt trời, mang theo là những gùi rau, gùi củi hoặc có thể chỉ là một nụ cười vu vơ bắt gặp bên sườn đồi để rồi vấn vương mãi...

Bên trong chiếc túi cá nhân của mỗi người phụ nữ Mông thường mang theo có đồ để thêu, khâu, vá. Họ sẵn sàng ngồi xuống bất cứ chỗ nào ven đường để thêu. Không cứ là rảnh rỗi, ngay cả lúc nghỉ ngơi sau chặng đường dài mệt mỏi, họ cũng ngồi thêu.

Anh Sùng Mí Cáy, người dân tộc Mông, cán bộ văn hóa xã Sà Phìn (hay còn gọi Xả Phìn), huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cho biết: “Mỗi dân tộc ở vùng cao đều có cách thêu của riêng mình. Người lạ khó nhận ra, nhưng đã là dân bản địa, nhìn cách cầm cái kim, màu sợi chỉ, tư thế ngồi, chiếc khung thêu là đã nhận ra dân tộc nào rồi. Đã là phận gái dân tộc Mông thì khi biết việc là biết thêu. Thêu để phục vụ đời sống sinh hoạt của cá nhân mình, thêu để thể hiện tài năng, mong ước và hơn hết, thêu là để chàng trai ưng cái bụng, tán tỉnh rồi gật đầu đưa nhau về một nhà, thành vợ, thành chồng".

Những sợi chỉ tình tứ

Hóa ra, những hình ảnh tôi gặp rất nhiều trên đường đi lại chính là nét văn hóa đặc sắc. Có thể núi rừng đã quá quen nên bìa rừng hay bờ suối đều có thể thêu như ở nhà, nhưng hơn hết, họ chọn ven đường là để thêu những vạt tình dệt mộng yêu thương.

Anh Cáy giới thiệu: “Thêu ở ngoài đường, ngoài rừng là cách mà người con gái tìm được tấm chồng ưng ý. Con trai dân tộc Mông tìm những cô gái thêu giỏi, biết may vá để “giữ lửa” cho gia đình. Khi thêu ở bên ngoài cũng là cái cớ để người con trai có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và buông lời tán tỉnh với người con gái. Rồi họ sẽ hẹn hò nhau qua những ngày thêu, vá, đưa nhau đi chợ phiên để thêm hiểu ý nhau. Nếu ưng cái bụng, họ sẽ có ngày về chung sống với nhau sau đám cưới”.

Những cô gái Mông ngồi thêu áo, tìm bạn tình - Ảnh 3Phóng to

Bộ quần áo của người dân tộc Mông ở Đồng Văn, Hà Giang tự may và thêu mặc đi lễ hội. (Ảnh: Sùng Mí Cáy).

“Chỉ cần cô gái đứng ở ven đường, cầm cái khăn, cái áo và sợi chỉ thêu (đôi khi là giả vờ thêu) thì người con trai đã đầy cảm hứng. Nó là gợi mở thiện cảm cho một mối quan hệ tốt đẹp sau này. Nhìn vào cách thêu có thể đoán biết tính cách của cô gái. Nếu người phụ nữ muốn thêu để tìm tình yêu sẽ thêu theo kiểu lên xuống. Hàm ý của cách thêu này như một sự thử thách. Thông điệp chung có thể hiểu là “nếu không lên được núi, không xuống được dốc thì cũng đừng tán tỉnh em”. Với người Mông, sức khỏe là quan trọng lắm”, anh Cáy nói.

Theo lời cán bộ Cáy, người con gái Mông tìm chồng chủ yếu theo tiêu chí sức khỏe vì phải khỏe mạnh mới leo được núi cao, xuống dốc sâu, chặt củi, làm nương và làm trụ cột của gia đình. Thêm nữa, họ quan niệm người cha khỏe mạnh, đứa con sinh ra không bệnh tật. Thế nên, đây cũng coi như thử thách đầu tiên cho một cuộc tình.

Còn nếu để tìm bạn bè hay tình cảm thông thường, họ sẽ chọn cách thêu thẳng vân. Loại vải dùng để thêu thường giống nhau nhưng màu sắc của chỉ khác nhau. Chỉ màu đỏ, vàng, trắng, tím..., quan niệm thêu 7 sắc 9 màu tượng trưng cho đất trong nhà, tường nhà, cột nhà, trụ, móng (nền đá), làm kinh tế, chăn nuôi và đất đai nói chung, nương rẫy...

Người Mông kỵ nhất là thêu sai, ví dụ thêu một con dê phải từ mõm đến thân, đuôi chẳng hạn, nếu thêu ngược thì không gọi là người biết thêu và cũng không phải người dân tộc Mông. Qua cách thêu biểu hiện văn hóa truyền thống, nếu là người dân tộc khác, họ sẽ nhận ra ngay. Thậm chí chỉ qua cách thêu cũng biết người Mông đó ở vùng nào.

Những cô gái Mông ngồi thêu áo, tìm bạn tình - Ảnh 4Phóng to

Trang phục xuống chợ phiên được thêu thùa hết sức cầu kỳ của người dân tộc. (Ảnh: Dương Thu).

Không chỉ người trẻ mới thêu hoa văn để tìm kiếm tình yêu, ngay cả phụ nữ đã có chồng, người già cũng thường xuyên ngồi thêu, nhưng là thêu cho mình.

Lý giải điều này, anh Cáy cho hay: “Người Mông thêu để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Người phụ nữ thường thêu quần áo, khăn, túi, gối cho cả gia đình dùng. Người già thì thêu quần áo để đến khi mất sẽ mặc đúng bộ đồ do chính tay mình làm, ấy mới là thỏa nguyện một đời hò hẹn với núi rừng”.

Theo lời anh Sùng Mí Cáy: “Thêu thùa như một bản năng của người dân tộc Mông, con gái lớn lên là phải biết dù thêu giỏi hay thêu dở. Để hoàn thành một bộ quần áo chuẩn chỉnh, người thành thạo có thể mất 2 tuần và chi phí khá tốn kém, lên đến 4 triệu đồng. Ngoài vải lanh, vải lụa, chỉ, người Mông còn dùng nhựa cây thông đá hoặc chanh muối để làm ra những bộ quần áo giữ nhiệt tốt, phù hợp với tiết trời lạnh giá, khắc nghiệt của vùng cao và tạo độ bền cho sản phẩm. Đi đám ma mặc quần áo dân dã, đi đám cưới chọn những bộ mới nhất để mang lại may mắn cho gia chủ”.

Dương Thu

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý