Những đại gia bất động sản "làm mưa làm gió" thị trường 2015

daikieu daikieu @daikieu

Những đại gia bất động sản "làm mưa làm gió" thị trường 2015

Những đại gia bất động sản này đã táo bạo phát triển những dự án lớn, giúp khối tài sản của họ ngày một tăng lên.

10/02/2016 08:18 AM
7

(ĐSPL) - Những đại gia bất động sản này đã táo bạo phát triển những dự án lớn, giúp khối tài sản của họ ngày một tăng lên. 

Vingroup

Nếu trước 2015, không khó để liệt kê được các dự án do tập đoàn này triển khai, thì trong năm vừa qua, ngay cả những người theo dõi sát tập đoàn này cũng không thể tự tin nói chính xác số dự án bất động sản mà Vingroup đã khởi công trên khắp cả nước.

Với Vingroup, các dự án bất động sản được triển khai đều khắp ở nhiều hạng mục như: bất động sản nhà ở thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại.

Tại Hà Nội, nơi các dự án bất động sản nhà ở của Vingroup tập trung nhiều nhất, tính đến hết năm 2015, tập đoàn này đã sở hữu quỹ đất khổng lồ, với số lượng căn hộ, biệt thự lên tới hàng chục nghìn căn.

Điều thú vị là, dù chào bán dày đặc, tất cả các dự án đều có quy mô lớn, nhưng dòng tiền thu được từ bán hàng của Vingroup vẫn ở mức rất lớn, với tỷ lệ hấp thụ cao. Đặc biệt hơn, các dự án của Vingroup đều sở hữu một đặc điểm chung là sớm trở thành tâm điểm chú ý của mỗi khu vực khi dự án đi vào hoạt động.

Không chỉ “ghi điểm” trên địa bàn Hà Nội, tại Tp.HCM, Vingroup cũng đang chứng tỏ ưu thế trong lĩnh vực nhà ở. Cùng với đó là hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa phương trên cả nước. Đối với phân khúc bất động sản, Vingroup không chỉ tạo ra những quần thể nghỉ dưỡng lớn, đẳng cấp, mà các sản phẩm nghỉ dưỡng thuộc các quần thể này cũng có sức hấp dẫn đáng kể với thị trường.

Triển khai nhiều dự án, các dự án có quy mô lớn, ở đẳng cấp khá cao, luôn tạo ra dấu ấn và đặc biệt là được thị trường đón nhận ở cả phân khúc nghỉ dưỡng lẫn nhà ở thương mại là đặc điểm nổi bật của Vingroup.

Hiện tại, cách bán hàng của Vingroup liên quan đến cam kết lợi nhuận tại các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã được nhiều doanh nghiệp học theo, nhưng làm được như Vingroup lại không hề đơn giản, bởi cái thị trường còn cần là uy tín - điều các chủ đầu tư lại không dễ làm được trong ngày một ngày hai.

Ông chủ của Tập đoàn Vinggroup là ông Phạm Nhật Vượng.

Cho đến nay, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup vẫn đang được coi là tỷ phú “đô la” đầu tiên của Việt Nam và được Forbes xếp hạng.

Theo cập nhật đến ngày 7/2/2016, ông Vượng giàu thứ 1.118 thế giới với tài sản ròng đạt 1,86 tỷ USD.

Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 (Mậu Thân) trong một gia đình nghèo cùng với 3 người anh em. Nhờ thành tích xuất sắc về toán học, ông giành học bổng du học tại Moscow năm 1987 về chuyên ngành kinh tế và địa chất.

Ông khởi nghiệp từ một cửa hàng ăn tại nhà số 5, cao tốc Aminevskoe, nơi có nhiều người Việt sinh sống vào những năm 1990. Năm 1993 tốt nghiệp cũng là năm ông lập nên thương hiệu Mivina và bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền.

Năm 25 tuổi, đại gia này cùng một số bạn bè thành lập Công ty cổ phần Technocom, chuyên kinh doanh các mặt hàng thức ăn nhanh tại Ukraina, biến công ty này thành một trong những doanh nghiệp nổi tiếng nhất tại đây.

Năm 2000, Tập đoàn Technocom thông qua hai công ty là Vincom và Vinpearl bắt đầu đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực du lịch khách sạn, bất động sản, chứng khoán và thương mại tài chính.

Đến năm 2004, mức tiêu thụ mỳ Mivina ở Ukraine đạt mức cao kỷ lục, 97% người tiêu dùng sử dụng loại sản phẩm này. Sau đó, thương hiệu này trở thành tên gọi chung cho tất cả đồ ăn nhanh ở Ukraine. Nguyên liệu sản xuất mỳ được nhập từ Việt Nam và Đài Loan.

Tháng 9 năm 2009, Tập đoàn Technocom tại Việt Nam đổi tên thành Tập đoàn Vingroup (tên đầy đủ là: Tập đoàn Đầu tư Việt Nam), chuyển trụ sở từ Kharkov (Ukraina) về Hà Nội. Hiện, Vingroup có tổng tài sản khoảng 60.000 tỷ đồng. Đại gia Phạm Nhật Vượng trở thành tên tuổi nổi tiếng với hàng loạt dự án “siêu khủng” trên khắp Việt Nam, như Hòn Ngọc Việt Nha Trang, Trung tâm thương mại Vincom, tổ hợp Royal City.

Với 532,4 triệu cổ phần nắm giữ tại Vingroup, ông Vượng có gần 25.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán và đang là người giàu nhất Việt Nam hiện tại.

Những đại gia bất động sản "làm mưa làm gió" thị trường năm  2015 - Ảnh 1Phóng to

Từ trái sang: ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC, ông Lê Viết Lam - Chủ tịch Sun Group, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch/Tổng giám đốc Novaland.

FLC Group

Tại Hà Nội, trong vòng một năm qua, số dự án khởi công, mở bán rất nhiều. Và ngoài Vingroup, trong năm 2015, trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản khác vẫn chật vật bán hàng, thì với hơn 4.000 căn hộ và biệt thự ra mắt thị trường trong năm 2015, FLC dường như là doanh nghiệp duy nhất có sản phẩm chào bán “cháy hàng” ngay trong ngày đầu tiên mở bán.

Ở phân khúc nhà ở thương mại, các dự án của FLC hầu hết là các dự án riêng lẻ, nhưng mang đặc điểm chung là có vị trí đẹp, nằm ở khu vực có tỷ lệ hấp thụ thuộc top cao nhất của Hà Nội, như các dự án FLC Complex 36 Phạm Hùng, FLC Garden City, FLC Greenhome... Ngay dự án tháp đôi FLC Twin Towers tại 265 Cầu Giấy, chưa cần phải chào bán, FLC đã có lượng đăng ký đặt mua xấp xỉ số căn dự kiến sẽ chào bán.

Hiện tại, ngoài những dự án chung cư đã công bố, FLC còn sở hữu hàng loạt dự án khác tại Hà Nội, với tổng số hơn 10 tòa căn hộ cùng nhiều dự án nhà liền kề, biệt thự... với một đặc điểm giống như các dự án đã công bố, là đều được thị trường quan tâm, nhiều đơn vị trung gian đăng ký mua lại.

Ngoài mảng nhà ở thương mại tại Hà Nội, tương tự Vingroup, FLC cũng sở hữu các quần thể dự án nghỉ dưỡng tại các địa phương khác, với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng như: Thanh Hóa (FLC Sầm Sơn Beach & Golf Resort), Bình Định (FLC Quy Nhơn Beach & Golf Resort), Vĩnh Phúc (FLC Vĩnh Thịnh Resort), quần thể sân golf tại Quảng Bình, sắp tới là Quảng Ninh... chưa kể dự án nhà ở tại Thanh Hóa.

Ở phân khúc này, FLC đã tạo được dấu ấn cho chính mình và địa phương, khi trở thành người đi đầu biến tiềm năng du lịch tại các địa phương trở thành hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và địa phương. Với FLC Sầm Sơn, chỉ trong một thời gian ngắn đi vào hoạt động, quần thể dự án này đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách, trở thành tâm điểm du lịch của Thanh Hóa, tạo được doanh thu khá lớn khi hàng trăm biệt thự đã được thị trường tiếp nhận ngay lần đầu tiên mở bán.

Không ở vị thế hút cầu áp đảo thị trường, nhưng FLC được cho là người hiếm hoi theo sát dấu chân người khổng lồ Vingroup, ngược lại với số đông doanh nghiệp ngồi im nhìn thị trường tăng trưởng. Trong cuộc phân hạng thị trường khốc liệt, FLC đã tự đưa mình ra khỏi số đông doanh nghiệp có xu hướng ngày một co lại, để bước chân vào nhóm những ông lớn trong ngành bất động sản.

Cách mà doanh nghiệp này áp dụng để tạo nên thành công là thần tốc và hiệu quả. Năm qua, FLC không chỉ tạo nên những kỷ lục về tiến độ thi công mà còn liên tiếp phá kỷ lục của chính mình. Chỉ vài tháng sau khi lập kỳ tích thi công nhanh 9 tháng với quần thể FLC Sầm Sơn, tập đoàn này đã lập kỷ lục thế giới với sân golf FLC Quy Nhơn sau 5 tháng thi công. Kết thúc năm tài chính 2015, FLC là một trong số ít những doanh nghiệp đầu tiên công bố lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.

FLC cũng đang từng bước “cắm mốc” tại các địa danh giàu tiềm năng dọc theo dải bờ biển miền Trung. Chỉ trong vòng hai năm qua, hàng tỷ USD đã được tập đoàn này rót vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Thanh Hóa, Bình Định và tới đây sẽ là Quảng Bình, Quảng Ninh.

Ông chủ FLC là ông Trịnh Văn Quyết. Ông Quyết sinh năm 1975 ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, từng theo học nghề điện tử, rồi học Luật và thành lập Văn phòng luật sư SMIC.

Năm 2008, khi thị trường bất động sản Hà Nội đang bước lên đỉnh của cơn sốt, ông Quyết cũng giống nhiều doanh nhân trẻ tuổi khi ấy, lao vào lĩnh vực bất động sản bằng việc thành lập FLC Group, chuyên phát triển dự án bất động sản.

Nhập cuộc chơi bất động sản đúng lúc thị trường sôi động nhất, doanh nghiệp của ông Quyết đã gặt hái một số thành công tại dự án đầu tay FLC Landmark Tower trên đường Lê Đức Thọ (Quận Nam Từ Liêm). Thế nhưng, sự suy thoái của thị trường đã khiến FLC từng khốn đốn với dự án đầu tay này, vì tuy Dự án đã hoàn thiện, nhưng Doanh nghiệp không thể thu được tiền từ khách hàng, bởi một bộ phận không nhỏ khách hàng là những nhà đầu tư, đầu cơ, cũng đang gặp khó khăn về vốn.

Vượt qua khó khăn tại FLC Landmark Tower, ông Quyết thâu tóm hàng loạt khu “đất vàng” của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Hầu hết các lô đất FLC mua lại đều trở thành “hàng nóng” hoặc có xu hướng sẽ trở thành “hàng nóng” của thị trường, như: Dự án FLC 36 Phạm Hùng, Dự án FLC Garden City Đại Mỗ, Dự án FLC Star Tower Lê Trọng Tấn (Quận Hà Đông).

Hoạt động thâu tóm, mua lại các lô đất có vị trí đắc địa đến nay vẫn được ông Quyết thực hiện, khi mới đây, khu đất vàng tại số 265 Cầu Giấy đã được FLC mua lại để triển khai tòa tháp đôi có vốn đầu tư dự kiến trên 5.000 tỷ đồng.

Ngoài Hà Nội, FLC Group cũng đang là chủ đầu tư nhiều dự án với vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ tại nhiều địa phương khác nhau, như: Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa), với vốn đầu tư lên đến 5.500 tỷ đồng; Dự án FLC Quy NHơn (Bình Định) với quy mô gần 300 héc ta, vốn đầu tư là 3.500 tỷ đồng, …

Việc ông Trịnh Văn Quyết thâu tóm hàng loạt khu đất, đầu tư hàng loạt dự án với vốn đầu tư nghìn tỷ khiến không ít người nghi ngờ về năng lực triển khai dự án của FLC. Thế nhưng, phần lớn dự án FLC đầu tư, triển khai đến thời điểm này đều có tiến độ lẫn “đầu ra” khá tốt. Điều này cho thấy, FLC đang ngày càng lớn mạnh cùng sự hồi phục của thị trường bất động sản.

Novaland

Nếu ở phía Bắc, Vingroup được coi là người thống lĩnh thị trường bất động sản nhà ở, thì tại khu vực miền Nam, Novaland cũng là cái tên được nhắc đến gần đây, với lượng sản phẩm bán ra khổng lồ trong vòng 3 năm nay, cùng quỹ dự án lớn.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nô Va (Novaland) đang trở thành một “hiện tượng” trên thị trường địa ốc. Tuy nhiên, sự khởi đầu của Novaland lại không phải là một công ty địa ốc mà lại là một doanh nghiệp sản xuất và phân phối thuốc thú y.

Với hàng chục dự án trải khắp các địa bàn Tp.HCM, như Sunrise City, Suriseview, Sunrise Riverside, Golden Mansion, Orchard Parkview, Newton Residence, Duxton Residence, The Sun Avenue, The Botanica, RiverGate, Lucky Palace, Lucky Dragon... khiến khách hàng tại thị trường này bắt đầu rơi vào cảm giác “ra ngõ gặp Novaland”.

Ở khu vực phía Nam, thị trường không rơi vào tình trạng phân hạng mạnh như khu vực phía Bắc, nhưng phía sau Novaland, các doanh nghiệp bất động sản khác dù vẫn bán hàng được, nhưng tốc độ phát triển chậm hơn, và ở quy mô nhỏ hơn rất nhiều.

Sun Group

Ở mảng bất động sản nghỉ dưỡng, ngoài Vingroup, FLC, năm 2015, Sun Group là cái tên được thị trường biết đến với hàng loạt dự án đầu tư vào Đà Nẵng (Bà Nà Hills, InterContinental Sun Peninsula Resort...).

Tại Quảng Ninh, Sun Group cũng đang đầu tư mạnh với hệ thống cáp treo xuyên vịnh Hạ Long. Hệ thống cáp treo này nằm trong tổ hợp dự án 6.000 tỷ đồng bao gồm một quần thể công viên trên núi, khu vui chơi giải trí trên đồi, vòng quay khổng lồ, và một thủy cung lớn phía dưới chân bờ vịnh Hạ Long.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng đang và sẽ đầu tư vào các địa phương khác như Lào Cai, Phú Quốc.

Với việc đầu tư cáp treo tại các khu du lịch lớn kết hợp với các dự án nghỉ dưỡng cao cấp, Sun Group đã đồng thời mở ra ghi dấu ấn của mình, khi mở ra những mảng thị trường du lịch mới, đồng thời các dự án này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các du khách, biến những điểm du lịch tuyệt đẹp của Việt Nam trở nên dễ tiếp cận hơn với du khách.

Với lượng khách khổng lồ đã đến với Sun Group trong suốt các năm qua, doanh nghiệp này đang chứng tỏ vị thế ngày một lớn của mình trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, với một hướng đầu tư rất riêng tại Việt Nam.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý